SƯ PHỤ (truyện ngắn) 19-04-2012 minhhien

(Xin lỗi anh Hoàng Dục vì đến bây giờ mới đăng)

Sư phụ
Kính dâng hương hồn Thầy Đặng Minh Ấn
Gửi về Trường xưa và Quê mẹ Kế Môn.

Bây giờ trong trí tưởng con, bên tai con như vang lên hai tiếng ấy. Làm sao con không nhớ – “Sư phụ chào các con” – lời đầu tiên của Thầy. Sư phụ, con muốn gọi lên hai tiếng ấy với niềm thành kính thiêng liêng, tinh khiết nhất của con; với nỗi ăn năn tự sám trước vong linh của Thầy.
Bây giờ, Thầy đã thành trang viết đẹp, trang viết không chữ, của tâm hồn con,. Lời nói ấm áp, tếu táo, lạ lẫm và rất dễ thương của Thầy ngày nào: “Sư phụ chào các con” đang long bong, hiện hình rõ nét trong trí nhớ bị thời gian biến thành loang lổ, thổ tả của con.
Bây giờ, kí ức nói thầm với tâm hồn con rằng:
Khi con tấp tễnh vào lớp nhì trường làng Kế, bạn con đứa nào cũng kháo nhau, lớp mình sắp có một thầy giáo từ trên Dinh (người làng Kế gọi Huế như vậy) về dạy. Không biết có gì lạ với các thầy khác không ? Con, với cái bị lát tả tươm ố vàng, đựng những cuốn vở nhàu nhã, ngòi bút lá tre toè đầu; mặc áo cánh nâu sờn vai của mẹ, quần xà lỏn xếp gấp bợt bạc thảm hại, đi chân đất chai da vào lớp, cứ ngong ngóng xem người thầy từ trên Dinh về thế nào. Hôm ấy Thầy vào lớp tinh tươm, sáng lán, oai phong lẫm liệt lắm… Con không có ý thánh hoá Thầy đâu ! Con chỉ ghi lại một ấn tượng mà ấn tượng có bao giờ lệch nhoè. Phải không, thưa Thầy ? Con nhớ lúc ấy, Thầy cười. Xin lỗi, hình như Thầy cười như Phật Di Lạc. Làm sao con có thể xua đuổi khỏi trí nhớ của con khuôn mặt của Thầy. Con không thể quên được khuôn mặt bánh đúc với miệng cười quá khổ làm dồn đống bao nhiêu là thịt ở hai gò má căng phồng của Thầy. Chúng con chẳng đứa nào dám cười. Con thì vừa cười chút chút vừa nghĩ, giá như khuôn mặt ấy, nụ cười ấy là cái bánh đúc thật. Chao ôi, bánh đúc bà Tề, sáng nào cũng dọn dưới cây vông đồng đầu chợ, mới ngon làm sao ! Chỉ nghĩ đến đấy là con không thể cưỡng lại nước bọt ứ tràn trong miệng. Và Thầy đã cắt cơn nghiện bánh đúc của con. “Chào các con ! Sư phụ là đồng hương của các con. Sư phụ cũng thèm ăn khoai lang luộc với canh hến như các con. Sư phụ cũng thích húp canh cá tràu nấu với vỏ sắn muối chua như các con. Và sư phụ cũng thích “nhất quận công, nhì…” như các con. Nào các con, ai muốn nhì, đưa tay ?”. Ôi, hoan hô sư phụ ! Cả lớp con cười vang, thậm chí có đứa vỗ tay nữa. Riêng con, con nghĩ: không còn cái vỏ bọc trên Dinh, không còn bức tường ngăn cách vô hình trên Dinh, chỉ còn một người thầy bình dị, cởi mở và hồn nhiên. Thầy thật khác với thầy Mịch khắc khổ và cau có, khác với thầy Toại lành như ông bình vôi, khác với thầy Kế chải chuốt điệu đàng. Thầy cũng sẽ không là thầy Giai dạy dỗ qua quýt, nhưng ai gọi khám bệnh chích thuốc thì cần cù chịu thương chịu khó hơn cả việc nhà của mình nữa. Các thầy ấy đều là người trên Dinh cả. Thầy lạ đời , nhưng sao mà thân thuộc với con quá !
Và Thầy thân thiện bắt đầu từ “cái nhì” ấy mà nói. Thầy nói Thầy là con thứ nhì nên chọn nghề giáo, nên tự do về quê dạy học,… Con chẳng biết thế nào. Về nhà hỏi mẹ, con mới biết Thầy là cháu nội của bà Thân ở xóm Dừa. Nghe đâu Thầy học rất giỏi, đỗ tú tài hạng ưu. Thầy lãnh phần thưởng chở một xe xích lô không hết. Và hình như, Thầy còn từ chối một mối tình, một cuộc hôn nhân với cô gái nào đó rất giàu và rất xinh trên Dinh để thực hiện ý nguyện của mình. Biết rồi, con càng thêm nể phục Thầy, nếu không muốn nói là rất tự hào vì có một người Thầy cùng quê như thế. Thầy cũng biết rồi đó thôi. Quê mình con trai chỉ học cùng lắm là đến lớp nhất, rồi đi học nghề thợ vàng. Cho dù quê hương Thầy trò mình có Văn miếu thờ đức “Vạn thế sư biểu” và “Thất thập nhị hiền”. Con rất tự hào điều đó, nhưng quê mình nghèo quá phải không Thầy. Hình như con đọc đâu đó, nghèo là một cái tội; con không biết có đúng không ! Nhưng dẫu sao con vẫn thấy ứng nghiệm với quê mình, với cọn ! Mấy hôm nay, con nghe lỏm bác Thất bảo mẹ con: Thằng Trâu (con đó) học hết năm nay, thím cho hắn học thợ vàng đi. Để tui lo cho. Chứ thím mẹ goá con côi. Thím cứ long đong chạy chợ làm sao nuôi hắn ăn học nổi. Con chẳng biết thế nào ? Nhưng từ khi học Thầy, con rất thích đi dạy học. Con chỉ muốn làm thứ nhì như Thầy thôi !
Đừng lan man ! Trí nhớ lổ chổ thảm hại của con nhắc con trở về với ấn tượng của mình. Con nhớ Thầy bắc qua bài sử. Thứ nhì, ừ, Quang Trung cũng rứa thôi (Xin lỗi, hình như Thầy nhầm !). Quang Trung, tài không ? Tài ! Giỏi không ? Giỏi ! Anh hùng không ? Anh hùng ! Tại sao ? Đến đây thì chúng con ngớ người ra. Thầy cười. Dễ ợt ! Sư phụ nói cho các con nghe, vì Quang Trung thích thứ nhì, mà Nguyễn Ánh lại thích thứ nhất, mà quân Thanh cũng thích thứ nhất,… Thôi, hết giờ, các con về vẽ theo sách giáo khoa: cảnh Quang Trung đánh đồn Ngọc Hồi, nhưng nhớ phải thứ nhất đó, không được vẽ thứ nhì nghe chưa ?
Con ra về mà đầu óc lờ mờ. Nhưng vẽ tranh thì không. Tranh của con được Thầy cho mười điểm, nhất lớp mà. Và Thầy còn gọi con lên thưởng cuốn “Ông Đồ bể” nữa kia.
Hình như Thầy còn xoa đầu con, rồi nói rất khẽ: Dị, chiều ghé nhà thầy, thầy cắt tóc cho. Tóc chi mà bờm xờm quá ! Chuyện này làm con nhớ bài học vệ sinh, ngày… Hôm đó, Thầy bảo chúng con nhận xét tranh vẽ trong sách giáo khoa, thằng Tẹo trên đầu mọc cây cối um tùm và có cả tổ chim nữa. Con nhớ cái tổ loà nhoà rơm rác, có mấy con chim non ngoác miệng đòi ăn hệt như con thèm bánh đúc mụ Tề. Các trò thấy Tẹo thế nào ? Thằng Tẹo bẩn nhất ạ ! Ừ, đúng. Vậy các con muốn nhất như Tẹo không ? Không ạ ! Nhưng mà… Các con chưa quên bài vệ sinh thằng Tí mắt toét chứ ? Chưa ạ ! Giỏi lắm ! Mà tại sao Tí mắt bị toét ? Vì Tí ngồi bàn bét ạ ! Không phải đâu, vì Tí thuộc hạng nhất đó các con ạ !
Ôi, Thầy ! Thầy nói chúng con chẳng hiểu mô tê chi cả ? Trong khi chúng con còn choáng váng, Thầy lại bắt chúng con giở sách giáo khoa Đạo đức ra. Sao mà con ghét học tiết này đến thế ! Nghe đến đạo đức là tai con ù ù, mắt con mờ mờ, miệng con khô đắng. Con không biết ngày xưa các cụ có sống như sách các cụ viết không ? Con chỉ mong được vậy ! Thế là nhất các cụ rồi ! Còn con, con hồ đồ nên chỉ muốn được thứ nhì như Thầy thôi.
Các con đã ăn mít chưa ? Dạ đã. Mít thế nào ? Dạ chát lắm, ăn khô và rát cả cổ họng Thầy ạ ! Sao lạ thế ? Nào,… trò Dị nói cho Thầy nghe nào… ? Dạ, thưa Thầy, tại chúng con chỉ ăn toàn là dái mít thôi ạ ! Dái mít chấm muối ớt ăn rất ngon, nhưng rách tươm cả lưỡi Thầy ạ ! Còn múi mít (chà thơm ngọt quá !) lão hương lí ăn hết cả ạ ! À ! Cái lão nhất làng Kế ấy mà ! Thôi, không ăn thì học vậy. Nào, các con mở sách trang hai mươi lăm, câu chuyện Ất và Giáp ăn mít ấy mà. Trò Trung, trò đọc cho cả lớp nghe, nhớ đọc rõ ràng nghe con. … Các con nghe rõ cả rồi chứ ? Dạ, rất rõ ạ ! Bây giờ trò Hợi và trò Hạc lên bục giảng. Trò Hợi đóng vai Giáp, trò Hạc diễn vai Ất. Còn mít đây. Thầy lôi hộc bàn, một khoảnh mít nhỏ gói trong lá chuối vàng ươm, thơm lừng. Nào, các con xem hai bạn diễn nào. Con há hốc ngồi xem mà trong đầu chỉ nghĩ về mít. Giá như có được cái xơ… lúc này !
Thưa Thầy, thằng Thớm rụt rè đưa tay. Thớm có ý gì, nói đi con, mạnh dạn lên. Thưa Thầy con nghĩ Giáp là người nhất còn Ất chỉ thứ nhì thôi ạ ! Được, con nói rõ cho các bạn nghe thử nào ! Dạ, con cảm thấy bụng của Giáp lổn nhổn bao nhiêu là hạt mít, nhưng con không chứng minh được, vì bạn Hợi ăn nhanh quá ạ ! Và con thấy Giáp là người biết lo xa, ăn hôm nay còn dành để ngày mai ạ ! Ừ, vậy con có thích Giáp không ? Dạ, con chỉ thích ăn mít mà không trả tiền như Giáp thôi. Hay lắm ! Các con ai có ý kiến nào nữa không ? Dạ, thưa Thầy, con cũng ưng ăn mít, nhưng phải thật nhiều, chứ ít như vừa rồi con không ưng. Trò Tuấn rất thật thà, tốt ! Ai nữa nào ? Trò Dị nói đi con ! Dạ con thấy hai bạn diễn hay lắm, nhưng chưa đúng với câu chuyện trong sách giáo khoa. Giáp đáng ra phải nuốt hạt mít vậy mà bạn Hợi lại bỏ vào túi. Hình như bạn ấy muốn nhất; nhưng miệng bạn ấy còn dính mủ mít ạ. Như vậy là con có cảm tình với Ất phải không ? Dạ, Ất rất tốt, có hai hạt mít nằm trong hộc bàn làm chứng. Với lại, con thấy Giáp còn hơn cả Tẹo nữa. Tẹo trồng rừng trên đầu, còn Giáp trồng mít trong bụng thì không ai hơn được ạ. Hay ! Các con giỏi lắm. Trò Hợi, trò Hạc về chỗ đi. …Mà thôi, không nói chuyện nhất nhì nữa. Các con thích Ất, muốn được như ất là tốt. Ai muốn ăn mít mà không mất tiền, không nuốt hạt thì chiều nay ghé nhà Thầy. Ba giờ chiều nghe các con…
Lại ghé nhà Thầy. Hình như Thầy có cả một kho tàng có thể đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu, sở thích của chúng con – những đứa học trò quê mùa và nghèo khó ? Các bạn con đều nghĩ như thế, còn con cũng biết như thế.
Từ đấy, nhà Thầy đã trở thành tổ ấm thứ hai của chúng con. Riêng con, căn nhà ấy là nơi đêm đêm con được gần Thầy để học tập, để nghe Thầy dạy bảo. Thầy đã truyền dạy cho con bao nhiêu là tri thức, từ bài vở trên lớp đến những sách cần đọc, từ chuyện tập thể dục, tắm táp buổi sáng đến đánh cờ tướng để rèn luyện trí óc hay viết nhật kí nhằm luyện văn. Nhưng có một điều Thầy chẳng truyền bảo cho con mà sao con nhớ mãi. Thầy đâu về quê chỉ để dạy học. Thầy đâu chỉ từ chối tình yêu vì chúng con cần chữ. Thầy không phải từ chối lệnh điều động về làm hiệu trưởng một trường trên Dinh vì thích chốn thôn dã. Thầy còn vì bà nội nữa phải không Thầy ? Bao đêm con học ở nhà Thầy là bao đêm con chứng kiến những gì Thầy chăm lo cho bà nội của Thầy. Con không thể nói hết những gì Thầy đã làm cho bà – người phụ nữ gần đất xa trời đã hơn tám mươi tuổi ấy. Ấn ơi, cho mệ đi tiểu. Ấn ơi, mệ muốn uống nước. Ấn ơi, gãi lưng cho mệ. Ấn ơi, mệ nóng quá !… Ấn ơi và… Ấn ơi !… Con chỉ nghe tiếng kêu mù đục rối thúc mà đủ mệt, sao Thầy không mệt hả Thầy ? Con chỉ thấy Thầy săn sóc bà mà muốn đứt hơi, sao Thầy không thở than gì cả, hở Thầy ? Mà sao Thầy trước sau vẫn một tiếng dạ thật mềm, thật đằm thắm thế kia ! Con không biết Thầy là thứ nhì hay không, nhưng con biết Thầy đang thứ nhất đấy Thầy ạ !
Từ đấy, con lờ mờ hiểu vì sao Thầy ưu ái với con như thế. Con là một đứa con mồ côi cha. Mẹ con suốt ngày chân không bén đất, sớm ra đi trong tiếng gà eo óc, tối về giữa ánh chớp xanh lập loè của đom đóm bay. Con một mình thui thủi. Già thui thủi giữa đời là một nỗi buồn, nhưng trẻ đơn lẻ trong cuộc sống là một nỗi đau phải không Thầy ? Bây giờ con mới hiểu điều đó Thầy ạ. Còn bấy giờ con chỉ có một niềm tin. Thầy là một người cha đang thay thế người cha đã mất của con khi con mới nửa tuổi. Dù con chưa tỏ mặt, chưa có một chút kí ức gì về cha của mình.

*
* *

Thầy ơi, kí ức vẫn là kí ức, hoài niệm cũng chỉ là hoài nhớ mà thôi.
Năm tháng mù khơi. Thầy và con xa nhau. Chiến tranh đưa đẩy con xa làng, còn Thầy vẫn ở lại quê nhà. Bà Thân đã mất từ lâu, nhưng Thầy vẫn không rời ngôi trường cũ. Chiến tranh đã xua đuổi Thầy Mịch, thầy Kế, thầy Giai,… về Dinh; còn Thầy vẫn gắn bó với trường làng Kế nghèo nàn, xơ xác. Con, bao năm biền biệt, rong ruổi trong tuổi nhỏ dại khờ của mình. Và con, theo tháng ngày cũng đã đánh mất sự hồn nhiên của chính mình. Con chưa một lần trở về thăm Thầy. Và hôm nay, con đưa linh cửu mẹ con về an táng ở quê nhà mới biết Thầy đang lâm trọng bệnh. Con đến thăm và thầm mong Thầy sẽ khoẻ. Con ao ước Thầy cũng như ngày nào, vẫn khuôn mặt của Phật Di Lạc, vẫn lối ứng xử hồn nhiên đến tự nhiên rất đỗi của ngày ấy.
Nhưng … Con bên Thầy mà lòng nghe trống vắng quá ! Dị đó ư ? Mọi chuyện tốt đẹp chứ con ? Con đã già đi nhiều. Tóc con đã có muối tiêu rồi đó. Con giảng dạy thế nào ? Dạy Văn khó lắm phải không con ?… Ừ, tốt quá ! Chắc Thầy không qua khỏi đâu con. Thầy trò mình gặp nhau trong giây phút này cũng là một cái duyên, con ạ ! Ở tuổi sáu mươi , Thầy có thể thanh thản mà ra đi được rồi. Con nhớ ngày Thầy mới vào lớp không ? Nhớ à ? Ừ, được đó… cái đẹp thuộc về con người, nhưng cái đẹp nhất vẫn là cuộc sống. Cá nhân con người chỉ là thứ nhì thôi…
Thầy ơi ! Xin Thầy,… đừng nói nữa ! Con run run nắm lấy tay Thầy mà lòng lịm đi vì một ý nghĩ: ước gì Thầy mãi nói: “Sư phụ chào các con”.

Dương Uyển Châu

Phản hồi (1)

  • hoàng Dục
    Tháng Tư 20th, 2012 lúc 19:53

    Cám ơn anh Hiền rất nhiều. Đây là một trong những truyện của tôi kí bút danh là Dương Uyển Châu, bút danh khi tôi còn học trường Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Tiện đây tôi giới thiệu địa chỉ trang blog của tôi để anh đọc cho vui.
    http://vn.360plus.yahoo.com/hoangduclqd/
    Trên blog Người Kế Môn – blog của tôi, tôi vừa mới viết một bài có tên “Kế Môn và tôi”.
    Chào thân ái,
    HOÀNG DỤC

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác