TIỂU SỬ ĐỨC TỔ NGHIỆP KIM HOÀN 12-04-2018 Thao Nguyen

Như thông lệ hằng năm, cứ đến ngày 27 tháng 2 âm lịch, tất cả đồng nghiệp kim hoàn khắp nơi ở trong nước cũng như tại hải ngoại, đều long trọng tổ chức ngày giỗ Đức Tổ Nghiệp của nghề mình. Trên tinh thần ấy, chúng tôi xin được ghi lại tiểu sử của Nhị Vị Tổ Sư, như là một chút gì đó để tưởng nhớ công đức của hai ngài và cũng để nhắc nhở những đệ tử của ngài thấu hiểu phần nào về ngành nghề của mình đang sinh sống.

Nhathotokimhoanhue12345-1074211
Nhà thờ Tổ kim hoàn tại Huế

Nghề Kim Hoàn tại Việt Nam được thành hình từ những năm cuối thế kỷ 18, do hai cha con nhà họ Cao đó là Cụ ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương sáng lập. Sau này được cả giới kim hoàn xưng tụng là Tổ Nghiệp Kim hoàn Việt Nam.

Đệ Nhất Tổ Sư nghề kim hoàn Việt Nam là cụ Cao Đình Độ, sinh năm 1744, nguyên quán tại Làng Cẩm Tú, Huyện Cẩm Thuỷ, Tỉnh Thanh Hoá. Cụ vốn xuất thân từ một gia đình nông dân, nhưng từ nhỏ đã có tư chất hơn người và rất hiếu học, nên được truyền dạy về Nho giáo. Thuở thiếu thời, cụ theo nghề bịt đồng, tức là đi hàn khay, hàn ấm chén bị vỡ…Tuy nhiên, ước muốn trở thành một người thợ kim hoàn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng cụ.

Vào thời ấy, ở Đàng Trong, nước ta do các chúa Nguyễn trị vì, nắm giữ trong tay nhiều mỏ vàng bạc đá quý, mà nổi tiếng nhất là mỏ vàng Bồng Miêu tại Quảng Nam. Nhờ đó mà nhiều đồ dùng, trang sức trong cung chúa toàn làm bằng vàng. Nhưng lúc bấy giờ nghề kim hoàn của nước ta chưa được phát triển, dân ta chưa có thợ kim hoàn rành nghề, nên mọi thứ trang sức của vua chúa quan lại đều phải thuê, phải nhờ đến thợ kim hoàn người Hoa chế tác. Họ thường là những người đi theo ghe thuyền buôn sang nước ta mua bán, giao dịch hay đổi chác, hoặc có người xin trú chân ở lại để hành nghề. Nhưng bản chất của người Hoa rất kín đáo, hay dấu nghề. Họ tuyệt đối không bao giờ mở miệng hay tiết lộ những kinh nghiệm cho dân Việt Nam mình, để họ được độc quyền kinh doanh…Chúa Nguyễn Phúc Khoát sớm nhận ra sự lạc hậu của nền thủ công nghiệp của ta, ngài rất trăn trở, đã nhiều lần phái người đi đến gặp Hoa kiều để thương lượng, hợp tác, nhưng hầu như đều thất bại.

Sẵn có niềm đam mê trong huyết quản, cộng thêm bối cảnh lúc bấy giờ, đã thôi thúc cụ Cao Đình Độ, bỏ lại tất cả để tìm đường “tầm sư học đạo”. Con đường học đạo của cụ cũng lắm nhiều chông gai, gian nan và trắc trở. Trước tiên, cụ phải nỗ lực học tiếng Hoa, bỏ rất nhiều thời gian quan sát, bắt chước sinh hoạt lối sống của họ, rồi sau đó mới cải trang thành người Hoa để xin vào giúp việc và học nghề với chủ của một tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội). Bởi thời đó, chỉ có người Hoa mới có bí quyết chế tác, sản xuất và độc quyền kinh doanh vàng bạc.

Vốn có được kiến thức Nho học phong phú đã được tích luỹ từ nhỏ, lại thêm đức tính cần cù, nhẫn nại, ham học, thật thà… Ông cụ được chủ người Hoa tín nhiệm, tin cậy và quý mến. Và từ đó ông mới được chủ quyết định truyền nghề. Với quyết tâm đã học là phải thành tài, cụ còn tìm tòi cả cách chế tạo các loại dụng cụ cần thiết cho việc chế tác nữ trang vàng bạc…Theo thời gian, tay nghề của cụ càng ngày càng điêu luyện và đạt tới trình độ kỹ thuật không thua kém bất cứ người Hoa nào trên đất Thăng Long lúc bấy giờ.

Năm 1786, thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, Nguyễn Huệ hạ thành Thuận Hóa của quân Trịnh, rồi tiến ra Bắc vào cố đô Thăng Long với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Đường vào Thuận Hoá lúc này thông suốt, cụ Cao Đình Độ đã quyết định đưa vợ con vào Nam lập nghiệp. Trên đường vào Nam bằng thuyền đò, khi đi ngang địa danh “Khút Bàu Ngược”, một vùng nước xoáy trên sông Ô Lâu trước Làng Kế Môn, không may gặp mưa to gió lớn. Đò của gia đình cụ bị lật chìm xuống dòng sông sâu, nước xoáy chảy xiết rất mạnh, cứ ngỡ chắc không thể nào thoát được tử thần. May mắn thay, lúc đó có hai nông dân người Họ Hoàng và Họ Trần đang canh tác ruộng gần đó trông thấy, vội vàng bỏ hết công việc đồng áng, bất chấp hiểm nguy, bơi ra cứu cả gia đình thoát chết và đưa cả nhà an toàn vào bờ. Sau đó gia đình cụ quyết định dừng chân, ở lại định cư và lập nghiệp tại Làng Kế Môn, (Huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ). Chính tại làng quê này, cụ đã bắt đầu truyền nghề lại cho con trai là cụ Cao Đình Hương và một số thanh niên trong làng, như là một nghĩa cử đền đáp công ơn cứu mạng.

Chúng ta thường nghe nói câu: “Hổ phụ sinh hổ tử” quả không sai. Cụ Cao Đình Hương đã may mắn thừa hưởng trọn vẹn trí tuệ và những đức tính từ cha, nên ngài cũng nhanh chóng trở thành một thợ kim hoàn nổi danh khắp vùng Thuận Hoá. Về sau hai cụ còn tiếp tục truyền nghề cho một số đệ tử thuộc gia tộc họ Huỳnh Công và Trần Mạnh (Trần Duy). Hai họ này lại tiếp tục cha truyền con nối từ đời này qua đời khác… biến Kế Môn thành làng nghề kim hoàn sầm uất nhất ở Đàng Trong.

Dưới thời Vua Quang Trung nhà Tây Sơn, triều đình rất chú trọng phát triển thủ công nghiệp nên đã lập ra ngành Ngân Tượng. Danh tiếng của cụ Cao Đình Độ nhanh chóng truyền đến tai nhà vua, năm 1790, vua Quang Trung cho triệu tập hai cha con cụ cùng một số thợ kim hoàn giỏi từ Làng Kế Môn vào triều đình để lập đội Cơ vệ Ngân Tượng. Đây là một cơ quan được miêu tả như là bộ phận chuyên môn nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, chế tác trang sức vàng bạc. Hai cụ đã dốc hết cả tâm huyết và đã cống hiến to lớn cho triều đình, nên đã được nhà vua phong đến chức Lãnh Binh cho người cha Cao Đình Độ, và Phó Lãnh Binh cho người con Cao Đình Hương.

Năm 1802, Nguyễn Ánh chiếm lại Thuận Hoá – Phú Xuân, lên ngôi vua và lấy lại niên hiệu là Gia Long, chính thức lập nên vương triều nhà Nguyễn. Tất cả thành tựu văn hoá dưới triều Tây Sơn đều bị phá bỏ, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được giữ lại. Cụ Cao Đình Độ và các cộng sự cũ được tiếp tục duy trì nghề kim hoàn trong cung, được hưởng bổng lộc của vua và được giữ nguyên tước vị.

Năm 1910, cụ Cao Đình Độ qua đời ở tuổi 66 trong niềm thương tiếc vô hạn của cả triều đình và gia quyến. Vua Gia Long ban lệnh truy tặng tước hiệu “Đệ Nhất Tổ Sư”, tổ chức tang lễ long trọng, chu tất và đã cấp đất xây lăng mộ như các hoàng thân quốc thích. Con trai cụ là Cao Đình Hương, vì không muốn tâm huyết cả đời của cha bị thất truyền, nên đã xin vua được từ quan, lui về ở ẩn, nhằm tìm đệ tử truyền nghề nối nghiệp kim hoàn. Từ đấy nghề kim hoàn ở miền Trung mới bắt đầu nở rộ và lan rộng khắp.

Khâm phục tài nghệ và nhân cách của cụ Cao Đình Hương, quan Thượng Thư Bộ Lại lúc bấy giờ cùng phu nhân là bà Huỳnh Thị Ngọc đã mời ông về đích thân truyền nghề cho ba người con trai là Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điền cùng ba người cháu là Huỳnh Quang, Huỳnh Bảo và Huỳnh Nhật. Năm 1821, sau 11 năm gắn bó, ông Cao Đình Hương cũng qua đời. Ông được vua Minh Mạng phong tước hiệu “Đệ Nhị Tổ Sư” và được đưa về an nghỉ cạnh mộ của cha ở Trường Cởi (Trừơng An). Trước khi nhắm mắt, ông đã trăn trối lại rằng, ông muốn tất cả đệ tử kim hoàn phải đem hiểu biết của mình truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Vâng lời của sư phụ, ba anh em nhà họ Trần khăn gói ra Thăng Long lập nghiệp và thu nhận đệ tử. Còn ba anh em nhà họ Huỳnh lại lên đường vào Nam, nhưng lúc tới Phan Thiết thì không may có một người qua đời, hai người còn lại quyết định dừng chân mở lò dạy nghề, đánh dấu sự ra đời của nghề kim hoàn tại vùng đất Nam Trung bộ này. Thời gian sau đó, không hiểu vì lý do gì, ba anh em nhà họ Trần ở Thăng Long cũng xuôi vào Nam và quyết định ở lại vùng đất Gia Định – Chợ Lớn. Nơi đây có thương cảng sầm uất, dân chúng đông đúc, dễ có cơ hội để kinh doanh, họ đã mở lò thợ bạc, truyền nghề lại cho nhiều đệ tử tại chỗ và khắp lục tỉnh Nam Kỳ.

Về sau, cả ba vị thầy họ Trần lại sang tận Nam Vang, Lào, Thái Lan để tiếp tục truyền nghề… nhưng rồi không ai biết rõ các cụ mất lúc nào và mất ở đâu. Vì quá thương nhớ ba vị sư phụ cùng các đồng môn đã quá vãng, thế hệ đệ tử về sau tại miền Nam đã lập lên “Lệ Châu Hội Quán” tại Chợ Lớn để có nơi thờ phượng, cúng giỗ hằng năm… “Lệ Châu Hội Quán” có hàm ý vì thương nhớ mà rơi lệ.

IMG_8641

Lăng Nhị vị Tổ sư tại Huế

29342991_2073531222930678_4346756015069836398_nLăng Đệ Nhất Tổ Sư tại Huế

IMG_8638

Lăng Đệ Nhị Tổ sư tại Huế

Có thể nói, nếu hai cụ Cao Đình Độ và Cao Đình Hương là hai vị đã có công khai sáng thì các anh em nhà họ Trần và họ Huỳnh là những người có công truyền bá nghề kim hoàn khắp tất cả mọi miền của quê hương đất nước, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến cao nguyên, nơi nào có dân cư, phố xá làm ăn buôn bán, nơi đó đều thấy rải rác các tiệm kim hoàn hiện diện. Nghề kim hoàn thật xứng đáng là nghề cao quý, mang danh là nghề làm đẹp cho người và cho đời.

Gần 100 năm sau khi hai ngài qua đời. Năm 1924, nhân ngày mất của họ, vua Khải Định thứ 9, nhân dịp Tứ Tuần Khánh Tiết, xét thấy công lao to lớn của nhị vị Sư Tổ trong việc khai sáng và truyền bá nghề kim hoàn tại Việt Nam, nên nhà vua đã hạ chiếu sắc phong: “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần”. Năm 1938, vua Bảo Đại niên hiệu thứ 13 lại tiếp tục sắc phong tước vị một lần nữa và ban lệnh trùng tu hai khu lăng mộ tại Trường Cởi (nay là Trường An) Thành Phồ Huế. Khu Lăng mộ Tổ nghề kim hoàn Việt Nam hiện nay nằm trên đường Phan Bội Châu tại Phường Trường An, mang giá trị lịch sử với kiến trúc to lớn và luôn được các đệ tử từ xưa tới nay của các Ngài chăm sóc tu bổ nhang khói rất chu đáo. Nếu nhìn từ cổng vào, thì Lăng Mộ Tổ Sư Cao Đình Độ nằm về phía bên trái, lăng mộ của Tổ Sư Cao Đình Hương nằm phía bên tay phải, hai ngôi mộ cách nhau khoảng 100 mét. Ngoài ra hai ngôi mộ cũng được các nghệ nhân gắn các câu đối bằng chũ Nho từ ngoài cổng vào đến bên trong, bên cạnh đó còn có các kiến trúc hoa văn đặc trưng của Triều Nguyễn với nhiều chi tiết chạm trổ công phu từ sành sứ hay thuỷ tinh.

Hằng năm, các thợ kim hoàn khắp nơi trên cả nước cũng như nhiều nơi ở ngoại quốc đều tổ chức Lễ Giỗ Tổ rất linh đình trang trọng, trước là để tưởng nhớ công lao của Tổ Nghiệp, sau cũng là dịp để đồng nghiệp, đồng môn gặp gỡ, thăm hỏi, trao đổi những kinh nghiệm nghề nghiệp và chúc cho nhau những lời chúc mừng tốt đẹp nhất trong năm. Tại Miền Trung, thường được tổ chức vào ngày 27 tháng 2 âm lịch là ngày mất của cụ Cao Đình Độ. Miền Bắc thì thường được tổ chức tai Tổ Đình Tổ Sư họ Trần tại làng nghề kim hoàn Định Công. Còn tại miền Nam Trung bộ, làm lễ Giỗ Tổ Sư họ Huỳnh tại Phan Thiết. Riêng tại Saigon – Chợ Lớn các vùng lân cận, Lễ Giỗ Nhị Vị Tổ Sư được tổ chức hằng năm tại Lệ Châu Hội Quán trên đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn vào ngày 7 tháng 2 âm lịch. Riêng ở hải ngoại, đồng nghiệp kim hoàn tại Thành Phố Houston và các vùng phụ cận, hằng năm tổ chức 2 ngày Giỗ Tổ, một cho Tổ Sư Cao Đình Hương vào ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch và một cho Tổ Sư Cao Đình Độ vào ngày 27 tháng 2 âm lịch rất trọng thể, được rất nhiều người đến tham dự.

Với đạo lý: “Uống nước phải nhớ nguồn, ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây”, Giỗ Tổ là nét đẹp văn hoá ngàn đời của con dân nước Việt nói chung và của đệ tử nghề kim hoàn Việt Nam nói riêng. Các đồng hương, đồng nghiệp kim hoàn ở bất cứ nơi đâu đều luôn luôn ghi nhớ, dù “ly hương chứ không bao giờ ly Tổ”.

L. Hoàng
Houston -TX 4/2018
(tổng hợp từ nhiều nguồn)

Phản hồi (1)

  • Đặng Doan
    Tháng Ba 25th, 2020 lúc 17:37

    Hôm nay ngày 25/03/2020
    Viện Bảo Tàng Lịch Sử TT Huế trả lời tôi , mà trước đó ngày 23/03/2020 tôi hỏi :
    ngày 07/02 Âl hàng năm là ngày giỗ của cụ nào ?
    ngày 27/02 Âl hàng năm là ngầy giỗ của cụ nào ?
    ( cụ Cao Đình Độ – Đệ Nhất Tổ sư Kim Hoàn là cha ; cụ Cao Đình Hương – Đệ Nhị Tổ Sư Kim Hoàn là con )
    Viện Bảo Tàng Lịch Sử TT Huế trả lời :
    Ngày 07/02 Âl là ngày giỗ cụ Cao Đình Độ – Đệ Nhất Tổ Sư Kim Hoàn ( cha )
    Ngày 27/02 Âl là ngày giỗ cụ Cao Đình Hương – Đệ Nhị Tổ Sư Kim Hoàn ( con )
    Rất mong Quý vị chỉnh sửa lại đúng ngày để lời nguyện cầu trong ngày giỗ thiêng liêng hơn !
    Đặng Doan

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác