HƯƠNG SẦU ĐÂU QUÊ TÔI 10-04-2012 minhhien

HƯƠNG SẦU ĐÂU QUÊ TÔI

( tặng các bạn trẻ để nhớ một loài hoa quê hương )
Nếu có ai đó hỏi tôi rằng : bạn thích hoa gì ? Có lẽ , trong bất chợt, tôi sẽ trả lời : hoa sen ! Đúng vậy, đó là một loài hoa cao quý : ” Trong đầm gì đẹp bằng sen, lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng…” Xanh, vàng, trắng là một phối màu vừa trong sáng, vừa toát lên một vẽ thanh cao như vươn lên khỏi các sắc màu tầm thường khác.Hương sen thì thoang thoảng, nhẹ nhàng và quý phái khiến tâm hồn ta lâng lâng như bay bổng…
Ấy vậy mà nếu có ai hỏi tôi rằng : hoa gì gợi nhớ bạn về thời ấu thơ sâu sắc nhất thì chắc chắn tôi sẽ không trả lời là hoa sen. Bởi vì, đối với tôi, ở quê nhà thời niên thiếu, tôi không hề được thấy hoa sen tận mắt. Có chăng là thấy qua sách vở, qua những nét bút màu vẽ phù hiệu chiếc hoa sen tám cánh đối xứng, biểu tượng trong gia đình Phật tử…Hay có may mắn vô Dinh thì cũng chỉ được ngắm xa xa những bông sen hồng quanh hồ của Hoàng thành trong không gian phố xá chẳng hề yên ả…
Tôi sẽ không ngần ngại đáp rằng loài hoa mà tôi yêu thích nhất lại có tên là Hoa Sầu Đâu, một loài …hoa dại ngày xưa đã từng hiện hữu khắp làng tôi mà chẳng nghe thấy ai trồng, và cũng không thấy ai bẻ để cắm vào bình bông trên bàn thờ cả. Nhưng hương sắc của loài hoa này đã không ngừng tô điểm cho xóm làng một bộ mặt ấm áp, nên thơ và vô cùng sinh động…


Tôi cũng chưa hiểu cái từ “sầu đâu” đã có nơi nào đó chia xẻ không và có nghĩa là gì ! Chỉ biết có nơi còn gọi là “sầu đông”( có lẽ vì mùa đông cây rụng sạch lá, chỉ còn trơ cành, như…đang sầu, đang chết chăng ? ). Tôi cũng chưa có được cái may mắn đi về miền quê phía Bắc để so sánh ” hoa Soan ” ngoài ấy có giống như hoa sầu đâu của tôi không. Nhưng vẫn tin rằng , soan cũng là một loài hoa đang nằm trong ký ức của nhiều người, từng là kỷ niệm khó phai khi nhớ đến cái tựa đề quen thuộc ” Hoa soan bên thềm cũ…”

Có một dạo, tôi cứ tưởng những cây sầu đâu ở quê nhà,cũng đã theo chân những cây tre biến mất khỏi thảm thực vật… Nhưng mà không, vẫn còn đó lác đác bên hàng rào, xóm này và xóm khác, những cây sầu đâu trổ hoa rộ giữa mùa xuân mà nhìn xa xa , màu hoa đặc trưng vẫn không thể lẫn với màu nào khác được. Sầu đâu cao trung bình bốn hay năm mét, thân khá xốp và nhẹ, xưa từng là loại gỗ có thể được đẽo thành “guốc mộc” như loài ” mứt ” vốn được sử dụng phổ biến. Sau kỳ ” ngủ đông ” trơ trụi lá, đầu xuân, sầu đâu bắt đầu ” ươm mầm ” ra hoa. Những chùm hoa phát triển thật nhanh và không lâu bao phủ cả tàng cây, trước khi những búp lá non bắt đầu xuất hiện.
Bình thường, bạn sẽ không phân biệt rõ hình dạng của một bông hoa sầu đâu đơn lẻ, vì chúng trỗ thành chùm, mà hoa lại nằm trên cao. Chỉ thấy một màu trắng phớt pha lẫn tím nhạt. Chỉ khi bạn bẻ xuống một cành, soi rọi kỹ từng bông hoa bé bỏng trong bàn tay, sẽ thấy màu sắc độc đáo của nó . Hoa năm cánh màu tím nhạt : tím nhưng không “sương khói”, không “buồn” như phượng tím Đà lạt, không “tím cả … chiều hoang” như màu tím hoa sim . Màu tím hoa sầu đâu có nét trong sáng như một niềm hy vọng, lại có nét “sầu” xa xôi, man mác như… chấp nhận một số phận “xuân nở đông tàn”. Có lẽ vì vậy mà chính giữa bông hoa , trồi lên một nhân nhụy hình trụ tím ngắt và cứng cáp, đối kháng với cái vẻ mềm mại, nhẹ nhàng của nhũng cánh hoa xung quanh .

Đấy là sắc, còn hương sầu đâu thì sao ? Hẵn là nó sẽ không quý phái, thanh cao như hoa sen, như mai vàng mùa xuân hay ngọt ngào, quyến rũ như hoa hồng tường vi, mà hương sầu đâu có nét đặc trưng của hoa đồng cỏ nội.Nhưng xin bạn đừng đưa ngay một chùm hoa sầu đâu lên sát mũi : bạn sẽ cảm nhận điều không muốn : một mùi cay nồng khó chịu phát ra từ vị đắng của cây lá sầu đâu, vốn được nông dân dùng như một “giải pháp” để ủ phân, nước tưới và ủ dú cho trái cây mau chín…Trong không gian yên tĩnh, có thể với làn gió nhẹ hiu hiu, bạn hãy thả bộ dưới hàng sầu đâu đang trỗ rộ bông, lúc đó, bạn mới cảm nhận được mùi hương đích thực của nó : thoang thoảng, nhẹ nhàng, mông lung…như hương đất, hương cây cỏ hòa lẫn vào nhau…
Đối với riêng tôi, đó là mùi ký ức không bao giờ phai, là mùi kỷ niệm không bao giờ quên… Và sáu mươi năm sau, khi trở về nơi của thời thơ ấu, mùi hương ấy tôi gặp lại như một cố nhân : vẫn còn y nguyên đó và cũng với cảm xúc như ngày nào…Nhìn những chùm hoa tím nhạt lung linh trong gió nhẹ mùa xuân, tôi như thấy mình bay bổng, như đang tãn mạn bên hàng sầu đâu trổ bông, và tâm hồn mình như quyện vào với hương hoa đồng cỏ nội, chơi vơi như đang trong một giấc ngủ êm đềm và thiên thu …

Thảo Dân ( Sg 4/2012 )

Phản hồi (23)

  • thaonguyen
    Tháng Tư 10th, 2012 lúc 20:10

    NỖI NIỀM HOA SẦU ĐÂU

    Em là gái chân quê
    Như hoa sầu đâu mùa xuân nở rộ…
    Cũng là hoa…
    Nhưng em là hoa đồng cỏ nội
    Là hoa dại…
    Là chân quê như người ta vẫn gọi
    Vì hương sắc khiêm nhường, nào quyến rũ được ai !

    Ngày lại ngày…
    Vẫn chân lấm tay bùn
    Vẫn mưa dầu nắng dãi
    Vẫn mồ hôi thấm đẫm đồng lúa nương khoai…
    Hương em nồng, vị em đắng chát trần ai !
    Như hương vị sầu đâu, bướm ong nào thăm hỏi ?!

    Đã biết thân phận mình…
    Em nào mơ nào tưởng đến tình ai !
    Nên dù Anh đã tới…
    Đã cố hứa hẹn giải bày
    Em vẫn ngại ngần, chưa trao thân gởi phận…

    Em ngước nhìn Anh…
    Như sầu đâu vươn cao dưới trời xuân thơ mộng
    Không gian yên tĩnh…
    Chỉ có Anh và Em và một vùng cây cỏ màu xanh
    Em cảm nhận quanh mình
    Anh như làn gió ấm lắc lay ôm lấy tình em…

    Ôi ! Mùa xuân ơi ! Thời gian ơi !
    Xin dừng lại…
    Cho hoa sầu đâu nở mãi dưới trời quê !
    Cho màu xanh lơ tan trong mầu hoa tím
    Đừng cho mai đây…
    Khi hè qua, thu tới, gió lạnh về
    Hoa sầu đâu sẽ chóng tàn và rơi rụng…

    Hoa rụng, thân gầy bơ vơ, trơ cành trụi lá
    Bầu trời đông cũng xám xịt một màu tang
    Em sẽ về đâu giữa lệ đẫm hai hàng ?
    Còn chi đâu khi anh đã xa xăm ?
    Ta lạc mất nhau rồi !
    Biết tìm nhau đâu giữa đất trời thăm thẵm ?!

  • Bé Lành
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 09:18

    Bài viết quá hay Ôn ơi!!! Lâu lắm rồi con mới được nhìn lại hình của cây và bông xù đâu (Cây hoa sầu đâu).

  • tranthilai
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 13:53

    Nếu không đọc bài viết này, có lẽ mình không còn nhớ rằng có 1 loài hoa rất đẹp mà mình đã từng được nhìn thấy. ký ức tuổi thơ của mình cũng có liên quan đến cây sầu đâu nhưng không phải là hoa mà là trái sầu đâu. Còn nhớ không BÉ NHỎ, BÉ TỌP? cứ mỗi mùa sầu đâu trổ bông, kết trái là chúng mình cứ chực người lớn chặt bớt nhánh hoặc nhờ anh LÌ, anh HEO bẻ xuống cho mình hái những chùm trái sầu đâu, rồi nhanh như thoắt chúng mình bó lại thành bó to ơi là to, chặt thêm cây tre nhỏ xóc vào làm đòn gánh, gánh 2 chùm đi bán, chỉ là chơi đồ hàng thôi nhưng sao chúng mình say mê đến vậy nhỉ? Tuổi thơ chúng mình còn gắn với những cửa hàng bán nước: nước vo gạo, nước gạch, nước của bông hoa diêu bông giả ra, đổ nước vào thành chất dẻo dẻo….đồ chơi của chúng mình chỉ có các vỏ hến, các bình nhựa thôi..Vậy mà chúng mê hoặc khiến chúng mình bỏ cả ngủ trưa, lén bố, lén mẹ để chơi trò buôn bán. Vui quá phải không TỌP, NHỎ, THANH???Nhớ những trò ” lăm mười mười lăm hai mươi”, chơi trốn tìm để rồi núp vào gầm ghe không chui ra được khóc huhu…Nhớ lắm, ôi nhớ lắm những tiết mục văn nghệ mà ca sĩ nhí là NHẬT XÙ với bài hát không nhí chút nào ” LÁ DIÊU BÔNG”. Nhớ những đám cưới trẻ thơ, nhớ những buổi tắm mưa, tắm khe, tắm bể…Ôi, vui biết bao nhiêu…ngày ấy…tuổi thơ ơi….

  • Hoàng Thị Ngọc Diễm
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 15:17

    (Tặng Chú Thảo Nguyên!!!đồng cảm cùng Chú)
    Giữa đất trời thăm thẳm gió mênh mang
    Thương tình anh Sầu Đâu vẫn dịu dàng
    Em vẫn thế vẫn hương đồng cỏ nội
    Vẫn là hoa dại bên đàng thế thôi
    Em vẫn thế vẫn hương nồng vị đắng chát bờ môi
    Vẫn trân trọng tình anh ấp ôm ngàn thu xanh mãi
    Em vẫn thế khi đông về thân trơ cành trụi lá
    Vẫn khao khát tình anh lặng lẽ một góc trời
    Một góc trời với mong đợi chơi vơi
    Thân em bơ vơ nào ai chờ ai đợi???
    Chỉ riêng em vẫn âm thầm chờ đợi
    Đợi xuân sang em áo tím mơ màng
    Đủ dịu dàng khoe sắc tím hoang mang
    Đủ thoang thoảng hương mông lung vời vợi
    Đủ xua tan những nỗi chờ nỗi đợi
    Đủ để lòng ai tản mạn phút yên vui
    Đủ để kí ức xưa được sống mãi bên đời
    Đủ để tình đầy vì tình còn dang dở
    Mùa đông qua em vẫn mệt nhoài trăn trở
    Mong ngóng xuân về hoa đua nở trên cành
    Để em được đền đáp tình anh!
    Khơi dậy trong anh phút bình yên êm ả
    Khơi dậy trong ai những tâm hồn trơ đá
    Biết an ủi Sầu Đâu cô đơn rét mướt suốt đông dài
    Muốn nhắn gởi cùng anh về nơi chốn thiên thai
    Hãy chở giùm em con thuyền mơ ước
    Dù mai này trên đường đời sau trước
    ƯỚC ngàn năm Hồn Quê mãi xin còn!!!

  • Trần Nhật Duy
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 15:48

    cái lứa tụi miền ai cũng có chơi mấy trò đó hí . nếu có LIKE thì chắc Like cho bạn Lài mỏi tay thôi hihi.

  • thaonguyen
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 20:14

    Gởi Cháu Lài và các bạn trẻ đồng hương,
    Thảo Dân khi viết bài :”Hương sầu đâu quê tôi” và bài thơ phản hồi ” Nỗi niềm hoa sầu đâu” của Thảo Nguyên cùng ngày, ngoài cảm xúc chân thành của riêng mình, còn có một kỳ vọng là muốn cổ động cho một ” chiến dịch ” viết về quê mình từ những điều nhỏ nhất… từ trong các bạn trẻ. Làng mình có nhiều điều để viết, nhưng không cần phải viết những điều cao xa, mà bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất, gần gủi nhất. Ấy là những… hoa trái đồng nội của quê nhà ( không phải là xoài thơm, măng cụt, sầu riêng… đắt tiền của miền Nam, mà là những ổi sẻ, khế chua khế ngọt, những trù mèo, mó ngắn móc dài…) từng là những kỷ niêm của thời thơ ấu mà ai cũng đã từng trải qua.
    Theo chú, sau những giờ phút lao động căng thẳng hàng ngày, viết là một nhu cầu vừa là thư giản cho chính mình, vừa là cơ hội để có thêm những người bạn đồng cảm, vừa rèn luyện cho mình những kiến thức phổ thông cũng như chuyên sâu… sẽ giúp ích rất nhiều cho mình sau này khi nuôi dạy con cái , xa hơn là cháu chắt…
    Riêng về những đổi thay ở quê mình trong quá trình phát triển chung , mặc dầu trước đây chú có bài ” Viết về cây tre làng tôi ” ( đã đăng trong trang web này ), chẳng qua chỉ là một lời cảnh báo.Thâm tâm chú vẫn không có những mong muốn cực đoan nào. Người phương xa có quyền có những ý thích của mình, nhưng dù sao vẫn phải đặt lợi ích của bà con sở tại lên trên hết. Mặc dầu những con đường xóm hiện tại không hội đủ những yếu tố thẫm mỹ , thơ mộng của nó như trong ký ức của nhiều người, nhưng lại phục vụ tốt cho nhu cầu vận chuyển của bà con nông dân . Đó là ưu tiên số một. Sau này, khi mức sống nâng lên, yếu tố thẫm mỹ sẽ xuất hiện, và bóng mát của con đường sẽ là một phần trong đó.
    Chỉ có điều chú thấy rằng : một cuộc sống gọi là đầy đủ phải có cả phần vật chất và tinh thần đi song song. Thiếu một trong hai phần đó, cuộc sống sẽ khập khiểng , mất thăng bằng nghiêm trọng.

  • hotadien
    Tháng Tư 11th, 2012 lúc 20:20

    “Sầu đâu ai khéo đặt tên
    Ai sầu không biết riêng em không sầu “(ca dao )
    Phải không bé LÀI ?

  • Orin
    Tháng Tư 12th, 2012 lúc 00:34

    Sầu đâu! Một loài cây luôn có mấy tên gọi. Người miền ngoài thì gọi là xoan, nên khi ai đó cạnh nhà có khuôn mặt thon đẹp, thì đem trái xoan gắn vào mặt họ, gọi là mặt trái xoan. Người miền Trung thì bâng khuâng mỗi khi màu trời bàng bạc chuyển dần vào Đông, lòng trống trải hỏi là sầu đâu. Người Nam Bộ thì ngỡ ngàng phôi phai khi tiết trời nhàn nhạt, miên man cho là sầu đông…

  • tranthilai
    Tháng Tư 12th, 2012 lúc 11:03

    to HOTADIEN: Hihi, ca dao hay và đúng quá. Con gái quê mình luôn thân thiện và nở nụ cười trên môi chứ… phải không anh?

  • hotboyphuocbinh
    Tháng Tư 12th, 2012 lúc 12:31

    Loi Cam On
    hom nay xom 10(xom nguyen nguoc}da hoan thanh .toi cung la nguoi con cua xom .toi xin chan thah cam on.ba con co bac .da dong gop,gop suc, xay dung xom 10.hom nay ngay 22/3 .xom 10 co mam com moi khach.cung la ta on nhung nguoi gop suc ,de hom nay duoc hoan thanh rat la dep.xin chan thanh cam on .

  • Tranduyvinh
    Tháng Tư 12th, 2012 lúc 13:12

    Con gái xứ KẾ quê tôi
    Nụ cười còn đó tôi luôn nghi ngờ
    Bây giờ tôi mới hiểu ra
    Cười cười,nói nói cho vừa lòng nhau.

  • hotboyphuocbinh
    Tháng Tư 12th, 2012 lúc 13:15

    TUỔI THƠ TÔI

    Sầu đâu ơi hỡi ! sầu đâu
    Đi đâu cũng nhớ kế môn thắm tình
    Nhớ lúc thơ ấu đã từng
    Chăn trâu cắt cỏ vui cùng làng quê
    Giờ đây phải sống xa quê
    Đi vào Bình Phước nhớ thương quê nhà
    Nhớ lúc thơ ấu ở nhà
    Thương cha thương mẹ sớm hôm ra đồng
    Gieo từng hạt lúa nảy mầm
    Thiên tai lủ lụt đến gần
    Tương tư sầu muộn biết tỏ cùng ai

    Gửi tặng: Chú Thảo Nguyên, em Lài và các bạn

  • thaonguyen
    Tháng Tư 13th, 2012 lúc 06:57

    Hoa sầu đâu vừa gọi điện trách Thảo Nguyên :

    “Tôi có sầu đâu, có muộn đâu !
    Đem chi chuyện cũ tô lên màu
    Với tôi tất cả là… dĩ vãng
    Sầu đâu tôi vẫn có sầu đâu ?”

    Vậy xin cho Thảo Nguyên viết lại Đoạn Kết :

    Hoa rụng, thân gầy bơ vơ, tơ cành trụi lá
    Bầu trời kia cũng xám xịt một màu tang
    Nhưng anh ơi em vẫn biết khi mùa xuân sang
    Hoa sầu đâu sẽ nở trên cành
    Ta sẽ lại gặp nhau sau bao ngày lưu lạc
    Dẫu lúc ấy…
    Da ta đã mồi, tóc ta đã bạc…
    Tình yêu kia vẫn sống mãi với thời gian
    Ta sẽ bên nhau giữa hoa nở hai hàng
    Và vĩnh viễn bên nhau giữa đất trời hoa cỏ…

  • Hoang Thanh
    Tháng Tư 14th, 2012 lúc 09:44

    Sao hôm qua thoát liền vậy tuấn. Bữa nay làm thơ gê hi, ở xa có khác.

  • DuyAnh
    Tháng Tư 16th, 2012 lúc 08:40

    Đề nghị anh MinhHien cho lập thêm một forum trong website để bà con có thể ễ dàng post những bài viết hoặc hình ảnh của mình về quê hương đi . Nhiều khi muốn viết nhưng ngại vì phải gửi qua nhiều công đoạn qu1a . Trân trọng.

  • HiềnHồ
    Tháng Tư 26th, 2012 lúc 23:24

    Mình rất thích bài viết này của Thảo Dân, mà Thảo Dân là ai? mình nghĩ, qua mỗi bài viết tác giả nên giới thiệu đôi nét về mình để bà con hiểu thêm.

  • hoàng thành việt
    Tháng Năm 8th, 2012 lúc 08:01

    việt xin góp thêm một nhành bông sầu đâu
    Ô kìa! sầu đã nở bông
    Rơi rơi tím cả tháng 3 giận hờn
    khung trời như đã xanh hơn
    đường quê ướp một mùi thơm nhẹ nhàng
    sắc hương khiêm tốn dịu dàng
    bông như đủ để ngỡ ngàng lòng ai
    thủy chung như ước hẹn lời
    bông sầu tím cả khung trời nhớ thương

  • thaonguyen
    Tháng Sáu 23rd, 2012 lúc 06:32

    TẾT ĐOAN NGỌ Ở QUÊ TÔI

    Theo tập tục, thông thường khi hai bên cá nhân hay gia đình có quan hệ ân nghĩa với nhau, người ta thường chọn những ngày đặc biệt trong năm để “qua lại lễ tết”, đặc biệt trong hôn nhân, khi có vợ mới “đi hỏi” và đang chờ cưới,thì gia đình chú rể, nếu không muốn mất vợ, hẵn sẽ không thể quên “thủ tục” này. Người ta cũng thường nói đến cụm từ “Mồng Năm, ngày Tết” để chỉ những ngày “đặc biệt” đó. Ngày Tết tức là Tết Nguyên Đán, còn Mồng Năm đây là mồng 5 tháng 5 âm lịch, tức Tết Đoan Ngọ. Xem như vậy thì vị trí của Tết Đoan Ngọ, quan trọng chỉ đứng sau Tết Nguyên Đán cổ truyền. Vậy Tết Đoan Ngọ là gì ? Xuất xứ từ đâu ? Nội dung của ngày Tết ấy ra sao ? Đối với làng Kế Môn ta, tập tục này hiện nay còn tồn tại không và tồn tại ở mức độ nào ?

    Khi bạn lên Google và gỏ vào từ “Đoan Ngọ” sẽ nhận được một loạt những bài báo ngắn nói về nhiều khía cạnh của ngày Tết này.
    Đọc qua, bạn sẽ có thể tự giải đáp được phần nào những thắc mắc vừa kể. Và điều mà ai cũng đã được biết một cách chung chung là Tết Đoan Ngọ xuất xứ từ Trung Quốc, một đất nước đã từng đô hộ Việt Nam ta suốt “một ngàn năm Bắc thuộc”. Qua đó, những ảnh hưởng sâu đậm về văn hóa dân gian của người Hoa lên người Việt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến “ý chí tự chủ” của người Việt Nam trước những tập quán nói chung và các “lễ tết” nói riêng của người Trung Quốc, để thấy rằng người Việt không hề rập khuôn một cách máy móc những tập tục này, mà luôn có sự chắt lọc, ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, bản sắc và tinh thần của người Việt.

    Từ một “Ngày Giết Sâu Bọ”, để bảo vệ mùa màng, là mục đích sơ khởi của Tết Đoan Ngọ, nội dung của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch ở Việt Nam đã dần dần được phát triển thật đa dạng theo chiều hướng hết sức khoa học và nhân bản, từ Miền Bắc cho đến tận Miền Nam. Khoa học vì “Đoan Ngọ” (thời điểm bắt đầu giữa trưa ) của ngày Ngọ, tháng Ngọ, chính là “đỉnh điểm cực thịnh” của “dương khí”, từ đó dẫn đến những tác động vừa tích cực lại vừa tiêu cực lên vạn vật, trong đó có cây cỏ và con người. Ăn những món ăn có tính “giải độc”, uống những thức uống mang tính ” giải nhiệt”. phải chăng là giải pháp để đối phó lại với những tác động tiêu cực từ thiên nhiên, mà người Việt đã tìm ra ? Nhân bản vì đây là dịp để” về nguồn”, để nhắc nhở con cháu, không cần phải đi đâu xa, hãy tìm về với hoa lá cây cỏ quanh ta, vốn là những dược liệu quý báu cho sức khỏe con người, và đây cũng chính là dịp “đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt trong ngành dược. Bởi đây chính là ngành nghề thiêng liêng mang lại sức khỏe cho xã hội.

    Trong bối cảnh chung đó, làng Kế Môn, một làng quê ở miền đồng bằng Trung bộ ,vốn có đủ mọi hình thái địa hình của thiên nhiên ( ao, hồ, sông, suối, rừng, đồi…) với một thảm thực vật vô cùng phong phú với hơn trăm loài cây cỏ, và với thời tiết mùa Hè nóng bức, mà mặt trời buổi trưa tháng năm như một “lò lửa” sát ngay ở trên đầu, ngay từ buổi hình thành làng, chắc hẵn đã có tập tục lễ tết này rồi. Và thực tế cho thấy, trong những thập niên cuối thế kỷ 20, ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được tổ chức đều đặn. Món vịt luộc chấm nước mắm gừng ( kèm cháo vịt ) và món chè kê ( kèm xôi đậu xanh ) có lẽ là hai món chính trong hương vị ngày Tết này. Chỉ thời gian gần đây, do du nhập từ phía Nam, mới có thêm món bánh tro, bánh ú.

    Nhưng nội dung quan trọng mà bài báo này muốn nhắm tới không phải chỉ là “khẩu vị” đơn thuần, mà chính là… “hương vị” : hương vị của “lá mồng năm”. Thật vậy, vô rú hái lá mồng năm lúc mặt trời mới lên ( không phải đợi đến giữa trưa ) trong một không gian tỉnh mịch, dưới cát trắng, trên trời trong, vừa là một nhu cầu thưc tế ( để có nguồn nước uống quanh năm cho gia đình ), mà lại vừa là một cái thú tham quan đất trời cây cỏ không đâu có được. Chỉ thoạt bước đến đầu Truông, bạn đã “nghe thấy” một mùi thơm vừa dịu dàng vừa thanh thoát, ngào ngạt tỏa ra không biết từ đâu ! Có phải như đang ở trong Khiêm lăng của vua Tự Đức với vô vàn hương sứ trắng thanh cao ? Hay đang trong một cảnh tiên huyền ảo cùng với Lưu Nguyễn đời Hán ?

    Không đâu, đây là thực chứ không phải mộng. Không phải hương hoa sứ trâm anh hay hoa đào diễm lệ. Đây chính là Hương Chìu mộc mạc giản đơn nhưng mà thanh cao của quê tôi, mà có lẽ, nếu bạn đã “gặp gở” một lần, hẵn sẽ khó mà quên. Để mà thấy rằng, ông bà tổ tiên ta đã có được diễm phúc biết bao khi nằm xuống trên vùng đồi cát trắng này, với hằng hà sa số những “thảm chìu” trắng tinh phủ kín cả những bụi trâm bù từ tầng thấp đến tầng cao, và mùi hương thì chỉ có nhắm mắt, ngồi thiền và cảm nhận mà không thể dùng từ cho chính xác hay so sánh với mùi hương nào khác được.

    ” Sớm hè sực nức hương chìu
    Tưởng như lạc giữa hoang siêu chín tầng
    Ngạt ngào hương tỏa lâng lâng
    Trắng tinh ôm cả một rừng hoang sơ…”

    Tất nhiên, mồng năm không chỉ có lá của dây chìu, mà còn vô số những hương lá đa dạng và độc đáo khác, mà tinh dầu được kết tụ ở dung lượng tối đa trên lá vào ngày này. Có thể kể : tràm, nổ, vằng, mả ren, bông trang, chanh, bưởi, sả, ổi, tre, sim, mắm nêm, bìm bịp…tất cả đều tươi tốt và sẵn sàng cho ngày hái mồng năm. Và tỉ lệ từng món nhiều ít còn tùy khẩu vị của từng người, nhưng đa phần đều có vị chát và đắng, nếu không quen, khó mà uống lâu dài thay cho trà và chè lá, vốn đắt tiền và chỉ dành cho các dịp cúng giỗ và đãi thợ. Lá mồng năm được hái về, chặt nhỏ, phơi đầy cươi cho đến lúc khô thi vô bao cất ở gian bếp à dùng quanh năm như các bạn đã biết.

    Rất tiếc, các bạn trẻ hiện nay, đa số không được uống lá mồng năm để thấy được hương vị của nó. Có thể là hương vị khó ưa, khó nuốt, nhưng đó lại là thuốc, những dược chất có được mà không tốn tiền mua .Người viết cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực dược học dân tộc, nên không thể phân tích cho các bạn thấy mỗi thứ lá có tác dụng gì cho sức khỏe của con người, ví như nước lá chè xanh có tác dụng gỉai nhiệt, nước lá gừng tiêu đàm…Chỉ thấy tự bản thân, sau mười mấy năm ròng rả uống nước lá mồng năm thời thơ ấu ở quê nhà, nay đã gần “thất thập cổ lai hy” mà hai hàm răng vẫn còn nguyên vẹn ( răng trắng chứ không nhuộm ! ). Liệu điều đó có liên quan gì đến dược liệu của lá mồng năm ?!

    * THẢO DÂN ( Tết Đoan Ngọ Nhâm Thìn 2012 )

    Đính kèm :
    Ảnh 1 : Hoa Chìu
    Ảnh 2 : Hoa Móc (ngắn)

    2 Các tập tin đính kèm| 3.5MB

    DSC03107.JPG
    DSC03016.JPG

    Xem SlideshowTải xuống hết

  • HiềnHồ
    Tháng Sáu 24th, 2012 lúc 09:15

    To: THẢO DÂN : Lá mồng 5 ( nước lá ) con cũng đã từng được mệ ngoại với mạ con nấu cho uống. mới uống không quen thì thấy khó chịu, nó đắng đắng,chát chát nhưng được cái là có mùi thơm . nghe mạ với mệ nói uống nước nớ tốt lắm nên con cũng ráng uống, uống mãi chặp quen. có người nghiện nước lá, trong nhà lúc mô cũng có lá mồng 5 để uống quanh năm. họ uống thay nước lọc luôn, ai đã từng uống nước lá mồng 5 rồi mà quay qua uống lại nước lọc thì thấy nhạt nhẽo,vô duyên lắm.

  • Nguyễn Banh
    Tháng Sáu 24th, 2012 lúc 19:08

    ở làng mình khi mô củng uống nước lá bẻ trong rú không kể mùng năm . một lần về làng khi mô chú thím mình củng làm cho mình một bao . có cái đặc biệt mùi nước lá , và mùi vị uống nước ở làng mình khác hẳn nước lá làng khác .hiền hồ là ai rứa hè . mình tìm trong trí mình ở làng không có họ hiền , hay là hiền hồ theo ngữ tây .

  • hotboyphuocbinh
    Tháng Sáu 24th, 2012 lúc 20:58

    ko co trang tro chuyen buon wa nhi?

  • HiềnHồ
    Tháng Sáu 25th, 2012 lúc 09:57

    to: Nguyễn Banh : dạ, con cũng ko biết chú là ai nhưng đọc những phản hồi của chú con nghĩ cấp bậc của chú chắc trên con nhiều nên con xưng đại bằng chú vậy. HiềnHồ là tên và họ của con bị con đảo ngược đó chú, ngữ tây nhưng người thì ta, người làng mền chính gốc khôn lai giống làng mô hết chú nợ . chúc chú và gia đình sức khỏe !

  • Nguyễn Banh
    Tháng Sáu 26th, 2012 lúc 10:24

    chào hiền hồ . trước năm sáu lăm thế kỷ trước chú ở bến phụ học trường đình làng thầy khuyến dạy nay thầy đã mất . năm sáu chiến tranh gia dình chú hai mẹ con vào quãng nam . sau năm bảy lăm về huế . hiện ở huế , hiện nhà ở làng và thờ tự ở xóm cụt . nội thân ở làng là chú giáo và thím dĩnh . chú thấy trang WEB làng mình nhiều khi khó cập nhật các hình ảnh khó đưa lên . nhưng nói chi thì nói chú củng rất mừng và cám ơn người đã có tâm lập nên tranh WEB về làng mình để bà con được thông tin cập nhật nhanh hơn , và tiếng nói của dân làng gần gủi hơn . cháu còn trẻ chú cúc cháu mạnh khỏe thành đạt .

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác