Ý NGHĨA LỄ VU LAN 31-07-2014 minhhien
Theo truyền thống của Phật giáo từ ngàn xưa để lại. Hằng năm vào ngày rằm tháng 7 các chùa nô nức, tưng bừng, nhiệt tình trong ánh mắt, long trọng tổ chức ngày lễ hội Vu Lan. Lễ hội nhằm mục đích báo hiếu, tưởng nhớ tới công ơn sinh thành của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phát huy bản sắc hiếu đạo, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lành, cho linh hồn của những người đã khuất và tri ân tổ tiên, cầu an phù hộ cho gia đình bình an. Lễ Vu Lan mang đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng đặc trưng riêng của những người theo đạo Phật. Do đó lễ hội Vu Lan bắt nguồn vào tín ngưỡng Phật giáo từ lâu đời, lời dạy của đức Phật được dân gian đón nhận, sự hiếu hạnh rất quan trọng đối với người con Phật
Cho nên trong kinh điển Phật giáo ca ngợi việc hiếu hạnh là công ơn lớn. Đó là một trong tứ trọng ân: công ơn cha mẹ, công ơn chúng sanh, Quốc gia và Tam bảo. Kinh Vu Lan báo hiếu nêu rõ :”hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật” thì hiểu biết về đạo hiếu nó như thế nào. Nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tình thương yêu dưỡng dục đó nó to như trời biển. Vì vậy làm con phải nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Vu Lan là mùa báo hiếu, nhờ sự chú nguyện của các chư Tăng nhân vào ngày rằm tháng 7 là ngày xóa tội vong nhân, cũng là ngày của người con đối với cha mẹ, cầu nguyện cho cha mẹ thoát cảnh luân hồi khổ đau.
” Cha mẹ thương nhớ bên mình,
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi ”.
Tình thương yêu của cha mẹ như suối nguồn.
Trong cuộc đời dẩy đầy những bất hạnh vô thường, có đôi lúc chúng ta không làm tròn chữ hiếu. Sống như thế nào cho có tinh, có hiếu thì mới phải đạo làm người, hiếu đạo là ánh sáng là tâm của con người. Người theo đạo Phật cho rằng ngoài thế giới hiện hữu còn có thế giới linh hồn, khi con người chết, thể xác tan rã, nếu chưa giải thoát thì linh hồn vẫn còn tồn tại ở cõi bơ vơ với cảnh địa ngục. Xuất phát từ đó xem lễ Vu Lan báo hiếu là một phần tâm linh là để bày tỏ lòng biết ơn đến các bậc sinh thành, tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Lễ Vu Lan là lễ hội lớn của mọi người theo đạo Phật mang màu sắc tin ngưỡng dân gian là một lễ hội của tôn giáo chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh. Thường là cầu nguyện khấn vái hương linh của những người đã quá cố về chùa nghe kinh, cầu siêu cho linh hồn được siêu thoát, được thể hiện theo truyền thống đạo lý ‘’ Cây có cội, nước có nguồn ‘’ mang tính nhân văn của những người theo đạo Phật và tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Bên cạnh đó qua nội dung, ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan đã giúp cho con người hiểu ‘’ Hiếu vi tiên ‘’. Người theo đạo Phật thấm nhuần giáo lý đạo Phật luôn luôn tâm niệm thành kính.
Tôn giả Mục Kiền Liên là một trong số đệ tử xuất chúng của đức Phật. Ngài có huệ nhãn thần thông, quán chiếu biết được mẹ mình đang bị đày đọa ở địa ngục. Ngài không quên tình nghĩa của một người con đối với cha mẹ. Dùng tuệ nhãn quan sát khắp bốn phương tám hướng, Tôn giả Mục Kiền Liên thấy mẹ mình là bà Thanh Ðề đang chịu cảnh tội đồ trong ngục A tỳ, thân thể gầy héo, xanh xao, chỉ còn da bọc xương, khổ đau khôn xiết. Dù biết đó là do kết quả của thói tham lam, độc ác, sự dối trá từ thuở sinh tiền mẹ đã gây nên, nhưng Ngài vẫn không khỏi thương xót. Dùng pháp thuật của mình, Tôn giả Mục Kiền Liên mang cơm dâng lên mẹ. Nhưng, do nghiệp quá lớn cho nên bát cơm bà Thanh Ðề cầm trên tay bỗng hoá thành than đỏ. Chứng kiến cảnh tượng ấy, Ngài rất đau lòng, về bạch lại với Phật, mong Ðức Phật cứu vớt để linh hồn của mẹ mình được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiền Liên, đức Phật đã chỉ cách để Ngài có thể cứu vớt được mẹ ra khỏi cảnh đoạ đầy. đức Phật nói: “Ông tuy quyền phép vô biên, lại hiếu thảo hơn người, tấm lòng của ông làm cảm động cả trời đất nhưng tội ác của mẹ ông quá nặng, một mình ông không thể cứu được mẹ. Ðến ngày rằm tháng bẩy, Chư Phật hoan hỷ, Chư Tăng tự tứ, hãy sửa soạn lễ vật cúng, thành tâm thỉnh cầu Chư Tăng chú nguyện thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được. Theo lời Phật dạy, nhằm ngày rằm tháng bảy, Tôn giả Mục Kiền Liên lập bồn Vu Lan dâng lễ vật cúng, thỉnh mời Chư Tăng đến chú nguyện. Nhờ đó bà Thanh Ðề mới được siêu thoát. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát. Noi gương hiếu đễ của Tôn giả Mục Kiền Liên, hàng năm, cứ đến ngày rằm tháng bảy các tín đồ Phật giáo, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ. Lễ vật không nhất thiết phải phô trương hình thức bằng mâm cao, cổ đầy mà vì lòng hiếu thảo. Lễ vật là do tâm linh chân chất hiền hòa dâng lên ông bà, tổ tiên, cha mẹ để tỏ lòng hiếu kính.
Lễ hội Vu Lan như một nét độc đáo của những người theo đạo Phật, góp chung vào nên văn hóa của dân tộc Việt. Mỗi lần đến ngày hội lễ Vu Lan là một cơ hội để mọi người hiểu thêm về lễ báo hiếu ngày rằm tháng 7 của Phật giáo, cũng nhiều dấu ấn đặc sắc mà truyền thống của Phật giáo từ ngàn xưa đã để lại.
Đông Triều
Phản hồi (1)
Kê Nhân
Tháng Mười Hai 11th, 2014 lúc 17:20Bài thơ: Vu lan vắng mẹ.
Bao năm rồi vắng mẹ…
Tuy tuổi con đã già
Vu Lan về lặng lẽ
Trong mưa buồn xót xa.
Mỗi năm Vu Lan qua
Là mỗi mùa xao xác
Lá rơi trong gió lạc
Mây xám trời long đong.
Mưa Ngâu rơi long tong
Ngoài hiên xiêu xiêu giọt
Nghiêng nghiêng làn gió buốt
Nhớ dáng Người lom khom.
Rét run chiều quê hương…
Người ra vườn nhổ Ném*
Hái gom rau, gói ghém…
Mai, sớm về chợ xa.
Nhà khổ nên vắng quà
Mẹ thương con, con biết.
Tuy đời con thua thiệt,
Nhưng được Mẹ thật thà!
Mẹ không giỏi bôn ba…
Mẹ không giàu nghị lực
Mẹ lặng thầm tủi cực
Vụng về trong lời ru.
…Tháng Bảy về rồi ư !?
Mẹ sao ! không về nữa.!?
Xa xôi trong nỗi nhớ…
Thương hoài bóng Mẹ tôi.!
Thảo Hanh.
Chú thích:
*Ném: là tên địa phương dùng để gọi củ Nén, cây Nén thường được trồng trên những luống ở đồng cát khu vực miền Trung của Việt Nam.
Bình luận