VĂN HÓA THỜ PHỤNG CỦA NGƯỜI KẾ MÔN 03-10-2019 Thao Nguyen

KHÁI LƯỢC VỀ
VĂN HÓA THỜ PHỤNG
CỦA NGƯỜI KẾ MÔN

Như bao ngôi làng khác ở Thừa Thiên Huế – vốn là vùng đất Thuận Hóa xưa – làng Kế Môn cũng in đậm nét văn hóa tín ngưỡng qua việc thờ cúng có tính truyền thống từ khởi thủy. Dạo một vòng từ đầu đến cuối làng, từ trước ra sau làng, người ta sẽ thấy hiện hữu đây đó gần như dày đặc những công trình thờ tự, từ khiêm tốn đến đồ sộ, từ cổ kính rêu phong đến rực rỡ sắc màu…Tất cả như muốn nói lên rằng quá khứ và hiện tại – người chết và kẻ sống, cõi âm và cõi dương – như đang cùng đan xen, tồn tại bên nhau, hết sức tự nhiên và gần gũi…

Tuy vậy, khác với các làng phía bên kia sông Ô Lâu, nhờ vào tầm vóc và vị trí địa lý hết sức đặc thù, các công trình thờ phụng của làng Kế Môn đã được người xưa bố trí một cách vô cùng hợp lý. Đầu làng và cuối làng là các đền, miếu thờ thánh thần. Chính giữa làng, ở mặt tiền hướng ra đồng ruộng và dòng sông Ô Lâu dành vị trí danh dự cho ngôi Đình làng thờ Thành Hoàng. Từ đường các họ thuộc “Thập nhị Tôn phái” từ họ Bùi đầu làng đến họ Hồ cuối làng đều được ưu tiên xếp thành một hàng ngang dọc theo con đường huyết mạch băng qua mặt tiền khu dân cư. Sau “lưng” làng, dọc con đường Cấy ngay chân độn rú là những miếu, nghè, am thờ các vị thủy tổ có công. Và ngay giữa vùng độn rú cát trắng rừng thưa – “nghĩa trang tự nhiên” của làng là các miếu Âm hồn, xem như “bàn thờ chung” cho mỗi khu vực của người cõi âm.

Ngoài ra, dù mới được xây dựng có phần hơi muộn, nhưng Nhà thờ Tổ nghề Kim hoàn thờ hai cụ Tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ở vị trí phía sau đình làng cũng đã hoàn thành tâm nguyện “đền ơn đáp nghĩa”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của bao thế hệ thợ vàng bạc nói riêng và của dân làng nói chung. Bởi nếu không có sự xuất hiện của hai vị này – nghĩa là không có nghề kim hoàn – thì làng Kế Môn chắc chắn đã không được sầm uất và thịnh vượng như ngày hôm nay.

Mặc dù công trình thờ tự có vẻ đa dạng, đa sắc và đa đối tượng như vậy, nhưng xét kỹ mới thấy rằng ý nghĩa thờ phụng của người dân Kế Môn vẫn hướng tới ba tín ngưỡng chính – vốn chi phối sâu sắc đến đời sống vật chất và tâm linh của họ: một là thờ cúng ghi ơn tổ tiên, những người đã khai hoang khai khẩn, xây dựng và vun đắp cho mảnh đất thiêng của làng, hai là thờ cúng tổ nghề (kim hoàn và kể cả nghề nông), và ba là thờ ơn trên trời đất thánh thần, trong đó có cả thổ, thủy và sơn thần – nói chung là vùng đất địa linh đã mang lại sự sống cho họ.

Vậy do đâu người Kế Môn lại có nhu cầu thờ cúng đa dạng và đa đối tượng như vậy?

Nhìn lại lịch sử hơn sáu trăm năm về trước, theo dòng người Nam tiến, người dân Kế Môn đã đến nơi đây khai khẩn dựng làng lập họ. Vùng đất mà tổ tiên – các thế hệ tiên phong – phải khai hoang phục hóa này vốn lạ lẫm, khắc nghiệt, đầy rẫy những bất trắc, tai ương, là “ác địa” đối với con người. Bởi vậy mà ngoài bản lĩnh và quyết tâm tự thân, người dân làng vẫn rất cần tới sự “trợ giúp” của thần linh – những năng lực siêu nhiên – là điều dễ hiểu.

Mặt khác, đây cũng chính là vùng đất mà người Chăm bản địa tiền trú từng có một tập quán thờ cúng khá phong phú, mà minh chứng là vô số những di tích đền miếu đặc trưng hiện vẫn tồn tại rải rác khắp vùng đất của huyện Phong Điền ngày nay. Chẳng hạn như phế tích tháp Vân Trạch Hòa, tháp Thế Chí Đông, tượng Phật Lồi ở Ưu Điềm, các miếu thờ Poh Nagar và các ngẫu tượng linga, yoni ở các xã Phong Hòa, Phong Thu, Phong Hiền,… Chắc chắn với điều kiện cộng cư một thời gian dài với người bản địa, ít nhiều cũng tạo cho người dân Việt mới đến những ảnh hưởng nhất định, cả trong lối sống nói chung và tập quán thờ cúng nói riêng. Ở trên địa phận làng Kế Môn, miếu Bà Chúa Ngọc ở đầu làng là một trong số những di tích đó. Bà “Chúa Ngọc” viết gọn từ “Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc” là phiên âm theo lối Hán Việt từ “Poh Ynư Nagar”, vị nữ thần của người Chăm.

Ngoài miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Ngài Khai canh, miếu Đôi, miếu Ngũ Hành, các miếu Bổn Thổ, Nghè họ Trần Đăng,… cũng như Đình làng và Từ đường các họ – là những công trình thuộc hàng cổ xưa nhất, thì các công trình còn lại có lẽ đã xuất hiện muộn hơn vào đầu thế kỷ 19, dưới triều đại nhà Nguyễn, đặc biệt vào triều vua Minh Mạng, thời kỳ nhà vua bắt đầu cho chấn hưng Nho giáo – sau hàng chục thập kỷ phai nhạt vì chiến tranh loạn lạc triền miên – và tạo điều kiện cho Tam giáo (Nho, Phật, Lão) cùng tồn tại và phát triển. Sự xuất hiện của đền Văn Thánh đầu làng, đền Võ Thánh ở cuối làng, cũng như ngôi Chùa Vạn Phước mà khởi thủy tọa lạc ở phía Tây có lẽ là hợp lý ở thời kỳ này.

Về các nghi lễ, ở Đình làng hằng năm hai dịp “xuân thu nhị kỳ” đều diễn ra các lễ tế long trọng. Mùa Xuân vào tháng Giêng hay tháng Hai âl. làng cúng Xuân tế, để vừa tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá dựng xây làng xã, vừa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, quốc thái dân an, con em trong làng học hành đỗ đạt. Khoảng Rằm tháng Bảy có lễ cúng Thu tế cũng với mục đích tương tự.

Ở Từ đường tộc họ cùng các chi, các nhánh trực thuộc, hằng năm vào tháng Chín âl. có lễ Giỗ Chạp (tức vừa giỗ vừa chạp mộ – phương ngữ gọi là “dẫy mả”), đặc biệt -12 năm một lần – diễn ra Đại lễ Tiếu kỳ quy tụ toàn thể con dân họ từ nhiều thế hệ gọi là “Việc Tiếu”. Các đền, am, miếu cũng có ngày húy kỵ riêng. Còn tại tư gia thì quanh năm không nhà nào lại không có một vài lần cúng giỗ cho vong linh người thân quá cố.

Các nghi lễ ở Đình làng và các họ tộc thường có các quy ước và chương mục bài bản “xưa bày nay làm” tương tự như nhau: đại thể có 3 lễ chính diễn ra từ một đến 2 ngày: lễ Túc Yết, lễ cúng Cô hồn, và lễ Chánh tế. Lễ vật căn bản là heo nguyên con đã luộc chín. Dâng lễ lần lượt có 3 tuần rượu, đọc văn sớ và trước khi lễ tất là một tuần trà. Điều khiển lễ có ban xướng dẫn, phụ họa bởi âm thanh chiêng, trống đại, và bộ lễ nhạc truyền thống. Lễ cúng Cô hồn diễn ra ở ngoài trời với các lễ vật tuy dân dã nhưng khá đặc trưng.

Việc thờ cúng như trên liệu nay có gì thay đổi?

Ngày nay, hầu như các công trình thờ tự kể trên đều được dân làng quan tâm bảo tồn, tuy mức độ ưu tiên lại khác nhau tùy vào ý nghĩa và tầm vóc quan trọng của công trình cũng như khả năng tài chính của người dân. Ngôi Đình làng, Từ đường các họ, Tổ đình kim hoàn và ngôi Chùa làng là các ưu tiên hàng đầu. Tất cả các công trình này đều được đại trùng nhiều lần cả trước, trong và sau chiến tranh với vật liệu ngày càng được cải tiến theo hướng bền vững và hiện đại. Các miếu Âm hồn ở Rú làng cũng như miếu Đôi, miếu Bà Chúa Ngọc cũng dần dần được quan tâm trùng tu từ nguồn kinh phí tự nguyện của một số “mạnh thường quân”.

Như vậy, qua việc bảo tồn có chọn lọc tùy vào cấp độ ưu tiên, có thể thấy quan niệm về thờ phụng của người Kế Môn có sự chuyển biến theo hướng thực tiển. Trong 3 đối tượng thờ tự nêu trên thì thờ tổ tiên và tổ nghề vẫn chiếm vị trí quan trọng. Riêng đối tượng thứ ba là thần linh thì ngày càng có phần mờ nhạt và trở thành thứ yếu. Những công trình thờ phụng và lễ nghi liên quan tới phạm trù siêu nhiên này chỉ được bảo tồn một cách hạn chế và tồn tại qua thời gian như những di tích hoặc có thể sẽ trở thành phế tích.

Đó ắt hẵn là kết quả từ chuyển biến về trình độ dân trí của cư dân làng trong bối cảnh tiến bộ chung về khoa học kỹ thuật cũng như văn hóa xã hội của đất nước và thế giới thời hiện đại. Nhưng điều đáng ghi nhận là người Kế Môn, trong bối cảnh được mất giữa văn hóa và phát triển, vẫn bảo tồn và gìn giữ được truyền thống thờ phụng tổ tiên, trong đó có hai di sản quan trọng và độc đáo là Đại lễ Tiếu kỳ 12 năm một lần ở các tộc họ mà dân làng quen gọi là “Việc Tiếu” và Lễ Điện Gươm trong các lễ tang mà dân làng quen gọi là “Lộn Gươm”, một nghi lễ vừa mang tính khoa học lại vừa mang tính huyền vi của một tín ngưỡng.

Tóm lại, với người Kế Môn, quá khứ không hề tách rời với hiện tại và tương lai. Chính quá khứ đã nuôi dưỡng hiện tại, là cái gốc vững chắc cho cây cành lá hoa sum suê xanh tốt. Thờ phụng nghiêm túc chính là thể hiện đạo hiếu truyền thống của người Việt nói chung và người Kế Môn nói riêng, vì một chân lý bất di dịch “cây có cội, nước có nguồn, người có tông, chim có tổ”. Đó cũng là đạo lý làm người: “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đặc biệt với những người Kế Môn xa quê, bất luận đang sống ở các tỉnh thành trong nước hay hải ngoại xa xôi, hành trang mà họ mang theo rõ ràng không bao giờ thiếu những nghi lễ thờ phụng tổ tiên truyền thống từ nơi cố hương. Đó cũng là tâm nguyện sắc son của những người Kế Môn sống xa quê: “ly hương mà không ly tổ”./.

*Nguyễn Thanh Mạo
(Mùa Giỗ Chạp 2019)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác