TỪ DUY XUÂN VIÊN ĐẾN TỊNH TÂM KIM CỔ : DẤU ẤN CỦA NGHỆ THUẬT VÀ BẢO TỒN LÀNG NGHỀ 01-12-2019 Thao Nguyen

(bút ký)
Năm 2014, có dịp về làng vào những ngày đầu hè tháng Ba, tôi dạo một vòng bằng con đường Ngang từ đình làng ngược lên hướng ủy ban xã. Mặt tiền làng thay đổi nhiều so với tưởng tượng của tôi trước khi về đây. Bên cạnh Từ đường và cổng Tam quan quen thuộc của các họ với đường nét kiến trúc cổ kính – hoặc cũ kỹ rêu phong hoặc mới được tôn tạo còn nguyên cả nước sơn sặc sỡ – xuất hiện khá nhiều những kiến trúc nhà ở theo phong cách mới.

Nhưng ấn tượng đập vào mắt tôi lại là ngôi nhà khang trang hai tầng với khuôn viên sát bên đường ở gần đầu làng – mà theo con mắt chuyên môn của tôi, đây là công trình nhà ở được cập nhật theo trào lưu kiến trúc hiện đại, một biệt thự đúng nghĩa. Nó khá quen thuộc ở các khu dân cư hạng sang ở các thành phố lớn, vậy nhưng ở đây vẫn nhận ra có nét khá hài hòa với cảnh quan thiên nhiên của làng, khác hẵn với một vài căn “nhà phố ba tầng lầu mái bằng” xuất hiện rải rác trong làng vào thập niên 1990, vốn bị chê là “không phù hợp”.

Nhà ai vậy nhỉ? Tôi nhìn lên tấm biển treo ở cổng nổi lên dòng chữ: “Duy Xuân Viên” rồi lẩm nhẩm Duy… Xuân…. À… thì ra đây là nhà của ông bà Duy Mong – Xuân Thảo. Đã nghe nói bây giờ mới chứng kiến tận mắt. Tôi liếc nhìn qua khe cổng: bên trong nhà đóng kín cửa, sân vườn lác đác đây đó những chậu kiểng quý nhưng lặng yên, không một bóng người. Có lẽ gia chủ lâu lâu mới về nghỉ ngơi thư giãn hay vào các dịp hiếu hỷ, nhà xây lên chỉ để đó chờ đến ngày… “rửa tay gác kiếm” chính thức vui thú điền viên? Vậy thì còn chi bằng!


Duy Xuân Viên

Năm 2015, tôi được chị Xuân Thảo tặng 2 tập thơ: một tập có tên “Mùa hoa khế” của riêng chị và tập kia “Tình quê” in chung với một số bài thơ của các thi hữu. Nghe danh đã lâu nay mới hân hạnh được chị tặng thơ, quý hóa biết chừng nào! Nhưng đọc qua nội dung, tự nhiên tôi đâm ra “ganh tỵ” với các thi hữu của chị! Hóa ra Duy Xuân Viên không chỉ là ngôi nhà bình thường, mà còn là một “điểm hẹn trong mơ” của những người yêu thơ ca và văn nghệ, cũng là nơi giới thiệu và quảng bá hình ảnh của quê nhà Điền Môn! Ấy thế, là “đồng hương đồng khói” với nhau, mà tôi – có lẽ cũng như vài bạn thơ ở làng – lại chưa từng được bước chân vào nơi đó bao giờ! Thế có “tức” không?!

Mà thôi, người ta thường nói “hữu duyên thì thiên lý cũng năng tương ngộ”, còn “vô duyên” thì… đối diện bên “cựa ngọ” cũng bất tương phùng”! Biết sao mà nói được! Thôi thì cứ hẹn lại một ngày…

Rồi năm 2017, dịp Festival, lẩn vào dòng khách du lịch, tôi ghé thăm “Tịnh Tâm Kim Cổ” ở Thành Nội – nơi trưng bày giới thiệu những sản phẩm của nghề kim hoàn thủ công xứ Huế. Cũng từng “nghe danh” và thấy hình ảnh trên mạng đã lâu, nay tò mò muốn “mục sở thị”. Lại nữa, là đồng hương, không lẽ “người ngoài” biết tỏng mà mình lại không, thì thật là… không phải! May mà không có mặt anh Duy Mong hay chị Xuân Thảo để phát hiện ra tôi. Vì nhờ đó tôi vừa tham quan mà vừa nghe được những đánh giá khách quan của mọi người về điểm nhấn độc đáo này của làng nghề kim hoàn Kế Môn ở Thừa Thiên Huế.

Đúng là sáng kiến có một không hai của người đã khai sinh ra nó. Tịnh Tâm Kim Cổ: một không gian lý tưởng để tham quan và tìm hiểu về nghề kim hoàn thủ công, vốn đã ra đời và tồn tại qua hàng trăm năm ở Cố Đô này. Ở đây, du khách có cơ hội “mục sở thị” từ các món đồ nghề thô sơ ngộ nghĩnh xưa của cha ông đến các thao tác khéo léo trong chế tác thủ công truyền thống. Để rồi chỉ biết xuýt xoa chiêm ngưỡng và thán phục với hàng trăm sản phẩm tinh xảo từ vàng, bạc và đá quý qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.

Điều thú vị là ở đây có sự lồng ghép thật hài hòa tự nhiên giữa kinh tế và văn hóa, giữa kinh doanh và tiếp thị, cũng như giữa làm ăn với thư giãn. Nhưng đặc biệt quan trọng là ý thức và tâm huyết của chủ nhân muốn bảo tồn một làng nghề kim hoàn thủ công trước nguy cơ mai một, đang nhanh chóng nhường chỗ cho một ngành nghề chế tác kim hoàn của thời máy móc hiện đại.


Tịnh Tâm Kim Cổ

Kinh doanh và văn hóa hay lợi nhuận và nghệ thuật là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt, ấy thế mà ở đây, chúng hòa quyện vào nhau, bổ trợ cho nhau, nâng tầm giá trị cho nhau để tạo nên một sức sống vừa mạnh mẽ lại vừa khả ái dịu dàng. Phải chăng nó đang phản ảnh một cách trung thực chân dung của người đã sáng tạo và khai sinh ra nó: một cặp đôi Duy-Xuân, mà theo tôi, là một trong những “cặp đôi hoàn hảo” của Kế Môn thời hiện đại.

Người ta thường nói “Có tiền mua tiên cũng được” và thực tế là “có tiền mới làm được nhiều việc có ích”. Đúng. Nhưng biết sử dụng tiền bạc vào mục đích nào để làm cho nó bớt “khô cứng” hay “bạc bẽo” đi… lại là cả một nghệ thuật, một đẳng cấp khôn ngoan mà không phải ai cũng đạt tới được.

Từ Duy Xuân Viên ở đầu làng đến Tịnh Tâm Kim Cổ ở Thành Nội Huế chính là hai dấu ấn độc đáo của văn hóa nghệ thuật và làng nghề kim hoàn của Kế Môn. Người ta đã từng biết rằng Kế Môn vừa là làng Vàng mà cũng vừa là làng Khoa bảng trong quá khứ. Trong hiện tại, truyền thống “cân bằng” giữa “giàu và đẹp” ấy vẫn được lưu giữ và bảo tồn ở bất cứ nơi đâu có cộng đồng người Kế Môn, trong nước cũng như hải ngoại. Mà Duy Xuân Viên và Tịnh Tâm Kim Cổ là một nét son trong bức tranh nhiều sắc màu tươi vui và sống động ấy.

*Nguyên Đạo (2019)
(Trích bài chọn đăng trong cuốn “Làng Kế Môn”
sẽ ra mắt vào đầu năm 2021 – nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập
hội đồng hương làng Kế Môn tại Sài Gòn và vùng lân cận)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác