Một Lần Về Quê 30-09-2011 minhhien
Xin cảm ơn anh Hoàng Lý, từ phương xa đã gửi bài về cho website
Năm tôi lên chín tuổi, vì hoàn cảnh qúa đơn chiếc, mẹ tôi mất sớm; còn lại một đàn con dại phải chăm nuôi săn sóc. Nhân dịp cậu Ba ở Đà Nẵng về làng để chạp mả và cúng Nhánh ; xong xuôi, sửa soạn vào lại. Cha tôi đã gởi tôi đi theo Cậu vào Đà Nẵng ăn học.
Nhớ lại buổii tối, trước ngày lên đường, Ba tôi đã gọi tôi lại và căn dặn: “Ngày mai,con đi với cậu Ba vô Hàn sống với gia đình cậu, nhớ lo ăn học. Dù sao trong đó cũng đầy đủ hơn,. Ở đây,quê mình nghèo quá, chưa có đủ trường lớp, vả lại, Ba cũng không muốn con phải cực khổ, vừa đi học vừa chăn trâu vất vã. Con đi cố gắng học, ở nhà đã có các anh con!”
Thời đó, chúng tôi gọi Hàn để chỉ về thành phố Đà Nẵng, nơi đó có con sông Hàn từ miền thượng du, chảy ngang qua trung tâm thành phố trước khi đổ ra biển…, cũng có người gọi là Tourance- một tên cũ, có từ lâu, lúc thực dân Pháp đặt chân lên đô hộ nứơc ta.
Tôi còn nhớ rõ cái ngày theo bước cậu Ba để ra bến tàu vô Huế. Đó là một buổi sáng sớm mùa đông, giữa tháng mười âm lịch. Trời rất lạnh, mưa buồn giăng khắp ngỏ. Tôi được anh Hai ưu ái trao cho một miếng ny lông làm áo đi mưa; còn Ba tôi dậy thật sớm, luộc mấy củ khoai, rồi gói trong miếng lá chuối và dặn “cất đi-để ăn đường xa”,cũng như nhét vội 2 bộ quần áo cũ, tương đối còn tốt nhất vào trong cái xách đan bằng sợi lát-hay còn gọi là cây cói- Cái bao, mà trước đó, tôi thường dùng để đựng sách vở đi học- Thời đó,chúng tôi làm gì mà có đựơc một chiếc cặp đi học bằng da hay bằng nhựa… nên tôi cũng nâng niu, giử gìn cẩn thận lắm…
Từ Làng Kế Môn quê tôi, muốn vào Dinh- tên chỉ về thành phố Huế thời đó. Chúng tôi phải đi bằng ca nô- một loại ghe máy lớn như những chiếc tàu đánh cá ta thường thấy. Tàu đi ngang qua trước làng Đại Lộc, xuôi theo dòng sông Ô Lâu, tới Thế Chí Tây, Thế Chí Đông; băng qua Phá Tam Giang sóng nước bềnh bồng -mênh mông -hồ hải, đến Lãnh Thủy, cửa Thuận An, rồi ngược dòng Hương Giang, qua Thành Công, đến Bao Vinh, trước khi cặp bến Đông Ba- Gia Hội. Từ đó mới mua vé xe đò Hiệp Lực hoặc Tắc xi An Lợi để vào Đà Nẵng.
***
Mãi hơn 3 năm sau, sau khi thi đậu bằng Tiểu Học với hạng Á khoa của cả thành phố và trúng tuyển được vào lớp Đệ Thất trường Trung Học công lập Phan Chu Trinh, để thưởng công lao sau bao tháng ngày chăm lo sách vở, Cậu Mự cho được mấy chục bạc và sung sướng nhất là được cho về Làng thăm gia đình, nghỉ hè trước khi trở lại nhập học.
Lúc ra đi, còn quá nhỏ, vả lại vì quá nôn nóng, bồn chồn bởi được lên thành phố ăn học, nên tôi cũng chẳn mấy có cơ may để tâm đến ngôi Làng nhỏ bé-nơi mà mình đã đựơc sinh ra và lớn lên từ đó. Bởi vậy, lần được trở về quê khi ấy, tôi đã hết sức vui mừng, nôn nóng…nó đã gợi lại cho tôi nhiều hình ảnh và những cảnh tượng tốt đẹp nhất.
Từ Thành phố Huế về Làng Kế Môn-quê tôi, cách nhau chừng 40 cây số. Thời đó, phương tiện đi lại bằng xe còn rất hạn chế và khó khăn. Nên muốn về Làng, chúng tôi phải đáp Ca Nô từ bến Đông Ba, xuôi dòng sông Hương, ra Phá Tam Giang, rồi mới ngược theo dòng sông Ô Lâu đề về Làng… Tàu Lộc Trình, khởi hành từ giữa trưa, nhưng đến xế chiều mới về đến bến Đồng Dạ, vì phải ghé nhiều nơi để khách hàng lên xuống.
Từ bến Đồng Dạ, muốn vào đến làng, thường thì phải theo con đường chính là xóm Đập, đi ngang qua chợ Đại Lộc, mới ngược theo con đường Quan, sau khi băng ngang qua chiếc cầu gổ .ngăn cách ranh giới giữa hai Làng (Kế Môn-Đại Lựơc). tới khu Lò Rèn, rồi đi theo xóm để vào nhà.. Nhưng lúc đó, chúng tôi lại thích đi theo lối tắt, bằng cách đi băng qua bãi cát trắng của Đồng Dạ, dựa theo bờ mương của những đám ruộng khoai, hoặc mấy đám dưa, rồi từ đó đi theo các bờ ruộng, hai bên ngập nước, vào con Hói đầu Làng, dọc theo bến Đưới. Đi như vậy, có cái khoái là được dịp nhìn lại đồng ruộng xanh tươi màu mở…được nhìn những chú cá nhỏ tung tăng bơi lội giữa giòng nước bạc lung linh…rồi vụt biến vào trong đám lúa mỗi khi nghe tiếng khua chân của người qua lại…
Làng tôi, phần đông cũng giống như những ngôi làng khác. Từ phía xa, chỉ thấy một lũy tre xanh rủ bóng, chen lẩn giữa đó là những căn nhà tranh mộc mạc, thấp thóang mới có vài căn nhà ngói củ kỹ nằm láp ló dưới những hàng cau cao vút, vươn lên dưới nền trời xanh nhạt, xa xa thoáng hiện những đám mây trắng lững lờ trôi theo chiều gió. Các con đường trong làng, nói chung rất là thẳng tắp, không giống như những con đường làng thời còn thơ ấu, cắp sách đến trường đã được học qua sách vở, nó không ngoằn ngòeo, khúc khuỷu, quanh co hay lồi lõm…đặc biệt là ở chổ đó…
Từ đầu làng đến cuối thôn, có ba con lộ chính: trứơc làng, là con đường chính Cái Quan khá rộng, chạy dài từ giáp ranh Làng Đại Lộc lên đến đầu làng Vĩnh Xương, nối dài tới Thanh Hương và ra tận thi xã Quảng Trị. giữa làng là con đường Ngang, nhỏ hơn, nhưng lại là con đường được dân làng đi lại nhiều nhất, vì rất thuận tiện từ nhà hay xóm này qua xóm khác..Và phía sau sát bờ độn cát lại có them con đường Cấy.Cả ba con đường chạy song song từ hướng Đông Nam qua hướng Tây Bắc, dọc theo đó là những xóm cũng rất ngay thẳng, ngăn nắp.. điều đó như đã nói lên phần nào sự chân thật của người dân địa phương, cũng như công sức xây dựng đầy sáng tạo của các bậc tiền bối người làng.
Mặc dù nói là như vậy, nhưng có một vài đoạn cũng bị lồi lõm vì những bước chân nặng nề của các đàn trâu trong làng, ngày ngày hai buổi ra đồng vào lúc sáng sớm tinh sương khi mặt trời chưa mọc và trở về chuồng lúc hoàng hôn đã đổ xuống.
Lần trở về làng lần đó, đang ở vào thời gian mùa hè, giữa tháng 6 và tháng 7. Đây cũng là lúc những con trâu trong làng và các chú mục đồng được thảnh thơi nhất sau khi cày cấy cho vụ mùa tháng 5 xong. Trâu hoàn toàn được ngơi nghỉ. Vào lúc đó, tôi thường theo mấy anh em mục đồng, đưa trâu ra đồng cỏ tận sau cụp, gần sát với bờ biển, để trâu khỏi bị muỗi đốt, nghỉ ngơi, bồi dưỡng, hóng mát sau những ngày dài miệt mài canh tác .Hoặc có khi, xong mùa gặt hái, trâu lại được đưa ra ngủ ngoài bãi cát trắng Đồng Dạ, cồn Nỗi, dọc theo bờ sông Ô Lâu, đề hằng ngày trâu đựơc ăn no, tắm mát, dưỡng sức để chuẩn bị cho mùa cày bừa sắp tới.
Nhớ lại những lúc cùng các mục đồng nằm thảnh thơi giữa đồng cỏ vắng, nghe mấy chú nghêu ngao ca hát, vui đùa nhởn nhơ để quên đi bao tháng ngày nhọc nhằn gian khổ với công việc đồng án. Tâm trạng tôi cũng khoan khái vô cùng. Nhớ ngày nào còn bé, ngồi trên mình trâu ngêu ngao ca hát…
Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao…
Hình ảnh con trâu đã thật sự in sâu vào tâm tưởng của chúng tôi thời ấy, cho mãi đến sau này, vì hoàn cảnh đi xa để ăn học, rồi phải vào lính…bôn ba khắp chốn, xuôi ngược đó đây, đến lúc rời bỏ quê hương làng nước ra đi, đến định cư trên đất khách quê người. Trên đầu giờ cũng đã hai thứ tóc, suốt ngày phải lăn lộn với cuộc sống, nhưng mỗi khi nhớ lại hình ảnh con trâu, thì bao nhiêu kỷ niệm thân thương lại hiện về trong ký ức…Nhớ mới ngày nào đó, là một cậu bé lên sáu, lên bảy, đầu cúp “ca-rê”, sống lam lũ ở làng, sáng cắp sách tới lớp, chiều về cơm nước xong, lại theo trâu ra đồng cày cấy phụ giúp mẹ cha. Nhớ mãi cái bài học thuộc lòng của chị Yến (cô gíáo Làng) dạy, nơi cái lớp học lợp bằng tranh nho nhỏ đựơc dựng lên đầu bến Đình những năm sau hiệp định Giơ- neo 1954.Cái bài học thuộc lòng tuy ngắn ngủi, nhưng vì mãi ham lo đi cắt cỏ cho trâu ăn sau giờ tan học, nên không thuộc hết bài, để phải bị cô giáo bắt qùy trên miềng vỏ xơ mít, đau và sưng húp cả hai đầu gối.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cái cầy là nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó ai mà quản công
Bao giờ cây lúa đầy bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…
Bây giờ, còn đâu nữa hình ảnh con trâu với cánh đồng lúa chín, làm sao có được cảnh đồng quê, lúa vàng bát ngát..Nơi đây, tại xứ người, chỉ toàn là nông trại, máy móc tinh vi, cơ khí thay cho trâu cày. Nông trại ở đây khác với đồng quê bên mình. Tìm đâu ra cái cảnh cỏ nội hương đồng một thời ấp ủ hồn ta! Thưở ấy, dân làng tôi, cũng như những nông dân nói chung, xem con trâu như là người thân thiết nhất của mình. Con trâu là cả một sự nghiệp rất lớn đối với nông gia, trâu với người làm ruộng rất ư là mật thiết. Sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc, đã thấy trâu và người làm quần quật ngoài đồng, cho đến khi mặt trời lặn hẳn về hướng tây, mới thấy trâu thủng thỉnh về chuồng. Trâu hết sức được qúy trọng và con trâu cũng hết sức chung thủy. Tôi nhớ Ông Nội tôi nuôi một con trâu hơn cả chục năm, đến lúc quá già mới chịu đổi một con trâu khác trẻ, mạnh hơn.
Nếu thời đó, ai sống ở thôn quê, mới thấy cái ao ước của những nhà làm nông chất phát, suốt cả đời làm lụng vất vả siêng năng, dành dụm lâu lắm mới tậu được một con trâu để lo cày bừa sanh sống. Trong làng, đâu phải nhà nào cũng sắm được cặp trâu…
Nhưng thời thế đổi thay. Sau năm 1975, tôi không còn may mắn để đựơc trở về thăm làng xưa , xóm cũ nữa. Từ sau ngày chính quyền ở miền Nam đã thay đổi, phải tập trung cải tạo…đến lúc được thả về lại bỏ nước ra đi. Những con trâu từ thời Ông Nội tôi để lại cho cha tôi, rồi đến anh Hai tôi , lần lượt chính quyền mới chiếu cố cho vào “hợp tác xã” làm ăn tập thể…Tôi không rõ cái nổi khổ đau hay phấn khởi hay hồ hỡi của người nông dân làng tôi như thế nào khi những con trâu yêu qúy nhất của mình từ bấy lâu nay tự nhiên không còn tư hữu nữa? Và tôi cũng không biết những chú mục đồng ngày nay có còn được cái cảnh nghêu ngao, ca hát mỗi lúc đưa trâu ra đồng, vào những buổi sáng tinh sương hay những buổi chiều vàng trên đường về xóm.
Lý Hoàng
(Trích trong Đặc San NHỚ NGUỒN do Hội Tương Tế Làng Kế Môn tại Thành Phố Houston, TX phát hành năm 1986)
Phản hồi (3)
hotadien
Tháng Mười 1st, 2011 lúc 05:37Anh HOÀNG ơi ! cho em ké bài thơ của em vào đây với anh nha .
Quê hương tôi , vùng TAM GIANG lộng gió
Có những đồi cát bỏng bàn chân
Có đường ngang , vương mình theo thương khó
Gắn mãi chân ai , vẫn còn mang
Quê huơng tôi dòng Ô LÂU lênh láng
Nuôi ruộng đồng cứ mãi màu xanh
Đã in trong lòng người bao năm tháng
Tắm với dòng sông … Nước ngọt lành
Những ngày mưa rơi . Ôi chớm lạnh
Thoảng một mùi hương đất thoảng nhanh
Một mùi hương sao êm đềm chất phác
Mà sao cứ vương vấn mãi trong lòng
Nơi đây quê hương giờ xa cách
Bao giờ có được những ngày xưa
Sao không như chim trời tung cánh
Lang thang trong những tháng ngày mưa
Ôi KẾ MÔN làng tôi sao mà cứ đẹp
………………………………………………………
htd – EAKAR ngày đầu của tháng 10 / 2011
Be Lanh
Tháng Mười 4th, 2011 lúc 02:16Chào Cậu Lý !
Con là Bé Lành Cậu ơi, Cậu cũng có tham gia trang web làng của mình nữa à. Con cũng mới tham gia được khoảng 1 tháng thôi.
Con đọc những dòng tâm sự của Cậu khi Cậu rời xa làng Con cảm động quá.
Cậu giữ gìn sức khỏe Cậu nhé!
Bé Lành.
Võ Trung Chương
Tháng Mười 4th, 2011 lúc 05:48Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi dất đã hóa tâm hồn. Những dòng trong bài viết này chẳng thể nào nguôi ngoai trong trái tim mỗi con người Kế Môn cả.
Bình luận