KẾ MÔN QUÊ TÔI 18-11-2022 Thao Nguyen

Tác giả: Nam Sơn – Hoàng Đông

*Giới thiệu :

   Có lẽ những bậc lão niên tầm 70-80 tuổi đang trải qua gần cả cuộc đời ở làng, hay những đồng hương sống tha phương, từng một thời ấu thơ niên thiếu gắn bó với quê nhà như chúng ta, khi được hỏi “làng ta có những gì: có bao nhiêu cồn ngoài đồng, bao nhiêu bàu trong rú, bao nhiêu am miếu rải rác từ đầu tới cuối làng, họ này họ kia ra sao…rồi những tích xưa, chuyện cũ về làng từ xa xưa…”, thì hẵn là không ai có thể nhớ và kể lại một cách tường tận hết mọi thứ.  Có lẽ, theo tôi biết, chỉ trừ một người : đó là nhà thơ bình dị, người con của Kế Môn, có bút danh là Nam Sơn và Hoàng Đông.

     Điều đó quả thật không sai khi ta đọc qua bài vè sau đây của tiên sinh, miêu tả chi tiết về cảnh làng qua 138 câu vè, dẫu mộc mạc đơn sơ nhưng chứa đầy cảm xúc và ý nghĩa. Qua bài vè này, người đọc có thể hình dung ra  một bức tranh sống động đầy màu sắc của ngôi làng Kế xưa cũng như nay, mà có lẽ, không một họa sĩ tài danh nào có thể vẽ lên được đầy đủ như vậy. Đến nỗi, nhiều người làng đã quả quyết rằng : muốn biết về làng Kế Môn ư ? chỉ cần đọc bài vè “Kế Môn quê tôi” của Nam Sơn – Hoàng Đông ! Thực hư ra sao ? Xin mời các bạn cùng đọc:

.

                     Bao giờ trở lại quê hương,

            Ô-Lâu nước biếc, một đường chảy ngang.

                  Nhìn vào đồng ruộng mênh mang

            Bốn con hói dọc[1], hói ngang nối dài.

                  Bờ rào rồi đến đường quai[2],

            Đứng giữa Cồn Nổi  ngắm hoài thêm mê.

                  Các bến tròng nốt bộn bề,

            Đến mùa gặt hái đồng quê rộn ràng.

                  Bến Đíu nằm trước đình làng,

            Sau độn Lại Tải trấn an dân mình.

                  Đường Ngang nằm ở sau đình,

            Hai bên hai họ  Trần-Huỳnh xinh xinh.

                  Đường Quan “bốn chín” trước đình,

            Nối liền Quảng Trị  dân tình bán buôn.

                  Ngũ hành miếu ở cuối thôn,

            Lò Rèn, Xóm Đập, mội trong dân hiền.

                  Nguyễn Văn[3] xây cạnh lò rèn,

            Dân họ đóng góp  của tiền dựng nên.

                  Dòng khe Đại Lộc kề bên,

            Chảy ra Đồng Dạ  bọc miền ruộng ta.

                  Nhìn ngược lên Khút xa xa,

         Hàm Rồng, Hói Gạch thẳng tòa Vĩnh Xương.

                  Vào làng chỉ có một đường,

            Sau ranh độn cát Vĩnh Xương, bàu Cuồng.

                  Miếu Bà Chúa Ngọc đầu thôn,

            Rồi qua Văn Thánh, giáp rồn Miếu Đôi.

                  Xưa kia Hán học thi rồi

            Vinh quy bái tổ, hoa khôi bảng vàng

                  Lui về theo dọc đường Ngang

            Phía trên nhà ở  lớp hàng phân minh.

                  Mỗi xóm có lũy tre xanh,

            Mỗi nhà có giếng nước lành trong veo

                  Nhà khá cho đến nhà nghèo

            Bước vô sân ngõ giếng ao gọn gàng

                  Họ Bùi, họ ở đầu làng

            Thành nội, thành ngoại cửa đàng lầu cao

                  Tiền đường hậu tẩm đẹp sao

            Lưỡng long triều nguyệt khác nào cung vua

                  Trên rú Bàu Đán thuở xưa

            Nước chảy cứu hạn đồng trưa của làng

                  Thiên Chúa thờ sát đường Ngang

            Dân Họ mới lập lợp toàn bằng tôn

                  Ở đời kẻ dại người khôn

            Đừng cậy quyền thế tiếng đồn tràn lan

                  Xuôi về họ Đặng  họ Phan

            Hoàng Ngọc gần rú lợp toàn bằng tranh

                  Rồi xuống hai họ Nguyễn Thanh

            Đi qua Xóm Cụt vòng quanh lên cầu[4]

                  Khe Phụ nước chảy về đâu

            Chảy ra Đạt Khẩn[5] ở sau trường làng

                  Thổ Kỳ miếu vũ cầu an

            Họ Lê trước xóm đàng hoàng đẹp thay

                  Họ Hoàng dưới bến nơi đây

            Nhân dân bốn bến lập xây nhà thờ

                  Rồi qua Xóm Cụt hiện giờ

            Trước, trường chữ Hán, nay vừa chữ Ta

                  Phan Văn[6] cách xóm không xa

            Dân Họ ít ỏi làm nhà thờ riêng

                  Trần Văn[7] cách xóm kế bên

            Trần Đăng[8] gần rú, Nghè liền phía sau

                  Xưa kia Võ tướng Công hầu

            Oai linh hiển hách đâu đâu kiêng vì

                  Khi làng có chuyện lâm nguy

            Ăn chay cầu đảo vậy thì bình an.

                  Huỳnh Trần hai họ sau làng

            Nhà thờ lợp ngói, cửa đàng thành xây

                  Bàu Môn sau rú đâu đây

            Ở nơi chân độn[9] thẳng ngay Đình làng

                  Ngôi chùa Vạn Phước huy hoàng

            Phụng bay, rồng lộn, tiền đàng nguy nga

                  Hai lầu chuông trống vang xa

            U minh cảnh tỉnh dân ta tháng ngày

                  Điện thờ tượng Phật đẹp thay

            Xa gần đóng góp dựng xây chùa chiền

                 Canh Tý đặt đá đầu tiên

        Giáp Thìn sáu bốn[10] hội phiên khánh thành

                  Trống cờ rợp đất đua chen

            Mười phương lễ bái lạ quen nghẹt người

                  Đường Ngang đi thẳng về xuôi

            Họ Hồ trầm tĩnh một trời Nhứt Đông

                  Rồi qua cho đến Xóm Cùng

            Ghé am Võ Thánh Quan Công phụng thờ

                  Trần Đình mới dựng bây giờ

            Bình phong cửa ngõ đơn sơ gọn gàng

                  Rồi ra ngoài đập cuối làng

            Có ngôi Tân Miếu bệ vàng rất linh

                  Xưa kia quan võ Triều đình

            Có vợ Đại Lộc ngoại tình thơ rơi

                  Trung cang nghĩa khí nhất thời

            Vì vợ vu cáo cuộc đời thác oan

                  Luôn luôn phò hộ dân làng

            Mỗi năm Tết đến đặt bàn cầu yên

                  Băng qua độn cát thấy liền

       Thấy khe Ngòi Viết giáp nguyên Truông Tàu

                  Đồng khoai trồng mãi đến đâu

            Từ khe Đại Lộc đến bàu Vĩnh Xương

                  Bàu Lấp, bàu Nứt cuối truông

            Băng qua bàu Bể thấy dương Mả Ngài[11]

                  Trần Huỳnh Thỉ Tổ bên ngoài

            Bên trong mồ mả kéo dài khắp thôn

                  Mả lớn cho chí mả con

            Lăng bia chen chúc độn trong độn ngoài

                  Âm Hồn tảo mộ tháng Hai

            Thờ ba ngôi miếu điện đài phân minh

                  Rồi ra ghé lại thăm Đình

            Năm căn hương án thần linh phụng thờ

                  Bình phong ngự thẳng cột cờ

            Hai bên nhà Hội[12] đình thờ chữ Môn

                   Đến khi có lễ toàn thôn

            Nhân dân lễ bái bảo tồn thuần phong

                  Hương xông trầm đốt đèn chong

            Thần Hoàng cảm niệm ghi công tiên hiền

                  Khai canh, khai khẩn đầu tiên

            Tạo dựng cơ nghiệp thổ điền cho dân

                  Đồng trưa, đồng ruộng mênh mông

      Huyện cồn, Thót, Cửa, Chứa, Nôn khác làng[13]

                  Cày sâu cuốc bẩm chuyên cần

            Mỗi năm hai vụ đủ phần ấm no

                   Khi nên trời cũng giúp cho

            Làm ruộng phải tính phải so mới giàu.

                  Tha phương cầu thực đâu đâu

            Mỗi năm Tết đến rủ nhau về làng

                  Thợ nề, thợ mộc, thợ vàng

            Nề mộc tương đối, nghề vàng làm nên

                  Bánh bèo bánh ướt quay kem

            Đầu lạ đắp đổi sau quen lắm tiền

                  Luôn luôn nhớ đến tổ tiên

            Mỗi năm Tết đến thay phiên nhau về

                  Bà con, chú bác bốn bề

            Thăm mồ thăm mả thăm quê của mình

                  Quay về bái tạ Đình thiêng[14]

            Nhờ phong thổ tốt dân mình làm nên

                  Muốn cho tài lộc vững bền

            Kế Môn đất tổ phải nên hướng về

                  Góp tiền xây dựng làng quê[15]

            Bồi đắp xứ sở tưởng về hậu lai

                   Dân làng bất cứ ai ai

            Kế Môn hai chữ  nhớ hoài đừng quên.

.

                     *CHÚ THÍCH :

-[1] : 4 hói gồm :Hói bến Dừa, bến Phụ, bến Đình, bến Đưới.

-[2] : Đê bao nhỏ phía trong bờ rào.

-[3] : nguyên văn : Họ Nguyễn

-[4] : Trước đây từ xóm Cụt qua xóm Khe (Ông Phụ) con đường nhỏ và uốn cong (lên hướng rú) chứ không thẳng như bây giờ.

-[5] : Tên một dòng ruộng ( nhất đẵng điền) nằm giữa đường Quan và hói Ngang, sát ngược bến Phụ.

-[6] : nguyên văn : Họ Phan.

-[7]: nguyên văn : Trần Đình.

-[8] : nguyên văn : Trần Văn.

-[9] : Phía trên và sát đường Cấy.

-[10]: Chùa khánh thành năm Giáp Thìn 1964.

-[11]: nguyên văn : “Bàu Nức, bàu Bể, bàu Cuồng

                    Bàu rèn Lấp trước thấy dương mả Ngài”

-[12]: nguyên văn : “trường học”

-[13]: năm cồn : cồn Huyện, cồn Thót, cồn Cửa, cồn Chứa và cồn Nôn là ruộng cồn của Kế Môn nhưng ở địa phận các làng khác.

-[14]: nguyên văn : “ Rồi ra ghé lại thăm đình” ( câu này lặp lại ý và từ của một câu trước đó, nên đề nghị tạm thời đổi lại như trên).

-[15] : nguyên văn : hương quê.

         *Giới thiệu và chú thích :   THẢO NGUYÊN    

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác