KARAOKE : CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ THỜI HIỆN ĐẠI 19-12-2019 Thao Nguyen

Người Nhật có hai phát minh rất gần gũi và thực dụng cho dân sinh mà thế giới phải ghi nhận, thán phục và biết ơn. Đó là món thực phẩm MÌ ĂN LIỀN và thú giải trí KARAOKE. Mì ăn liền do ông Momofuku Ando, người sáng lập Công ty Thực phẩm Nissin phát minh, còn karaoke là con đẻ của ông Inoue Daisuke, người được trao giải Nobel về hòa bình năm 2004 về phát minh độc đáo này. Dưới đây xin tản mạn đôi chút về món KARAOKE, một thú giải trí về âm nhạc phổ biến không chỉ dành cho người Nhật mà còn lan tỏa ra khắp thế giới.


.
NGUỒN GỐC CỦA KARAOKE
.
Karaoke ra đời tại Nhật vào năm 1971, được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu thập niên 1990. “Kara”, tiếng Nhật có nghĩa là không (như trong từ karate) ghép với “oke” viết tắt từ tiếng Nhật ōkesutora (gốc tiếng Anh orchestra) có nghĩa là dàn nhạc. Thuật ngữ karaoke không chỉ dành cho người Nhật mà còn được ghi vào Oxford, một cuốn từ điển tiếng Anh có uy tín nhất của thế giới. Theo nghĩa ấy, karaoke chỉ có phần nhạc đệm mà không có lời hát, không có xướng âm. Phần xướng âm sẽ dành cho người biểu diễn trực tiếp với mi-cro và hát theo lời bài hát được chạy chữ lần lượt trên màn hình.

Từ nguyên gốc ra đời ở nước Nhật, karaoke dần dần được “xuất khẩu” sang các nước châu Á rồi lan rộng ra đến cả thế giới. Từ đó đến nay, karaoke đã từng bước phát triển và phổ biến rộng rãi song song với quá trình cập nhật tiến bộ của công nghệ máy móc về điện tử. Lúc đầu karaoke chỉ được ghi trên băng nhựa, sau mới chuyển sang dạng đĩa cùng với các đầu đọc tương ứng CD, VCD rồi DVD. Từ ban đầu chỉ đơn thuần hiển thị lời hát, sau mới kết hợp với video để minh họa. Và trên đà phát triển không ngừng của công nghệ dàn karaoke, hiện nay chỉ cần một chiếc máy vi tính hay điện thoại cầm tay là có thể hát karaoke được.

Tại Nhật, thuở ban đầu khi mới ra đời các máy karaoke chỉ được đặt giới hạn tại các cửa hàng, khách sạn, cho khách hàng giải trí, sau đó mới phát triển ra ngoài cộng đồng rồi thâm nhập vào trong các gia đình. Từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, người lớn cho đến lão niên, ai cũng có thể hát karaoke với nhau một cách thoải mái. Nói chung, theo đà phát triển của công nghệ máy móc điện tử, karaoke dần dần trở thành một ngành công nghiệp giải trí có tầm cỡ và hấp dẫn thu hút hàng triệu người tham gia tự diễn.
.
LỢI ÍCH CỦA KARAOKE
.
Karaoke không chỉ là một thú vui giải trí đơn thuần, mà còn mang lại nhiều lợi ích khác nữa cho người sử dụng. Nghiên cứu cho thấy karaoke ra đời không phải do ngẫu nhiên, không chỉ là ý tưởng sáng tạo nhất thời của một cá nhân, mà chính là sản phẩm bắt nguồn từ văn hóa Nhật Bản. Đó là giá trị tập hợp, là tinh thần cộng đồng, là nhu cầu hòa hợp. Theo đó, nhân cách con người chỉ có thể có được từ trong các mối quan hệ xã hội. Thông thường ít ai hát karaoke một mình, mà phải hát cùng với ai đó: với các thành viên gia đình, với bạn hữu, với bạn đồng nghiệp,… Đó chính là cơ hội tiếp xúc, là môi trường thuận lợi để con người tự hoàn thiện mình.

Nói một cách cụ thể và dễ hiểu, khi đi hát karaoke, người ta có dịp hòa mình, có dịp thể hiện giọng hát của mình với người khác hoặc với một nhóm hay với đám đông, đồng thời nghe người khác thể hiện. Tác động hỗ tương này sẽ giúp cá nhân, một mặt dạn dĩ, tự tin hơn khi đứng trước đám đông, mặt khác có cơ hội rèn giũa giọng ca để tiến bộ.

Hát karaoke còn có lợi cho sức khỏe. Trước tiên là có cơ hội giảm stress, giúp cơ thể tỉnh táo và khỏe khoắn hơn. Karaoke giúp trí óc người già được minh mẫn khi nhận diện được các từ xuất hiện trên màn hình, đồng thời giúp cải thiện thính giác của họ. Với trẻ nhỏ, karaoke giúp các em đọc được lời bài hát và cách phát âm. Đặc biệt hát karaoke khi cao giọng sẽ làm gia tăng dung tích của phổi, nói nôm na là “nở phổi”, giúp cơ thể thu nạp được nhiều oxy hơn. Đây chính là tiền đề để một số bác sĩ chuyên khoa ứng dụng liệu pháp karaoke vào cách chữa trị các bệnh nhân hen suyển.
.
KARAOKE GIA ĐÌNH
.
Tại Việt Nam, vào đầu thập niên 1990, rải rác ở nội thành Sài Gòn bắt đầu xuất hiện các điểm kinh doanh karaoke. Họ chia cơ sở ra nhiều phòng, có cách âm, lớn nhỏ tùy chọn lựa của khách. Có khi đôi bạn, đôi tình nhân, có khi nhóm bạn, có khi các thành viên gia đình tới đó đặt phòng tính giờ và hát với nhau. Vừa hát vừa lai rai nhẹ với ít bia, nước giải khát hay trái cây, bánh ngọt. Chủ kinh doanh ngoài tính tiền phòng theo giờ, còn kiếm lời bộn từ các thực đơn nhẹ ấy.

Dần dà, do dịch vụ giải trí này có mòi khấm khá, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke mới tiếp tục ra đời và lan rộng, phát triển quy mô và chuyên nghiệp hơn cả về phòng ốc lẫn máy móc âm thanh. Tuy nhiên hình thức phục vụ khách thì vẫn như cũ: đơn giản là khách tự hát với nhau như trong gia đình và được hầu bàn phục vụ ăn uống. Nói chung, không gian ca hát vẫn trong sáng, vui tươi và vô tư như vốn có thuở ban đầu, nghĩa là thuần giải trí về âm nhạc. Người đã biết hát cũng như chưa biết hát đều có cơ hội kiểm tra hoặc tập luyện giọng hát và kỹ thuật biểu diễn của mình. Nghĩa là vừa giải trí vừa có triển vọng làm… ca sĩ!
.

KARAOKE TIẾP VIÊN
.

Nhờ công nghệ máy móc điện tử về âm thanh mỗi ngày một hiện đại và phát triển phổ biến trong xã hội, song song với mức sống cư dân được nâng lên, tới lúc nhiều gia đình ở Việt Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng, đã có khả năng và cơ hội sắm được dàn âm thanh karaoke chuyên dụng cho riêng mình. Họ không cần phải tới các cơ sở nơi công cộng nữa. Từ đó những tụ điểm karaoke ngoài cộng đồng này trở nên thưa khách dần. Trước nguy cơ ế ẩm đó, một loại hình kinh doanh karaoke mới ra đời. Đó là karaoke có tiếp viên nữ.

Tất nhiên nếu đã có tiếp viên nữ thì khách hát không còn mang không khí thuần gia đình nữa. Mà là các nhóm khách, đặc biệt là cánh nam giới mày râu. Lúc này đã có tình huống tham gia cùng ca hát ăn uống của tiếp viên. Và số lượng tiếp viên có thể ít hay nhiều không giới hạn tùy khách yêu cầu, nói khác là tùy túi tiền của khách. Như vậy ngoài tiền phòng, tiền ăn uống, lúc này còn phải thêm tiền boa cho tiếp viên nữa.

Nói về tiếp viên, hiện chưa có một thống kê nào chỉ ra số lượng tiếp viên nữ đang hành nghề trên 24 quận huyện của thành phố Sài Gòn là bao nhiêu. Nhưng với hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke hiện đang hoạt động trên địa bàn, có thể tính ra số lượng tiếp viên không dưới hàng chục ngàn, nếu tính trung bình mỗi cơ sở chỉ thu dụng 10 nhân viên. Và như vậy, nếu xét về mặt kinh tế, thì phải ghi nhận là các cơ sở kinh doanh này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động thất nghiệp.

Có dịp trải nghiệm ở các cơ sở kinh doanh theo dạng này mới nhận ra đa số các tiếp viên nữ đều có xuất xứ từ các miền quê, đông nhất là từ đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam bộ. Tất nhiên muốn được thu nhận vào tiếp khách phải là những cô gái trẻ trung và có ngoại hình thật hấp dẫn, bắt mắt. Có thể biết hát chút ít hay chưa điều đó không quan trọng, cần nhất là phải biết “uống” và chiều khách. Họ cùng ngồi với khách, có thể 1 tiếp cho nhiều khách hay chỉ 1 với 1 tùy khách chọn lựa, thậm chí 2 hoặc nhiều hơn để tiếp cho một khách sộp. Họ cùng hát với khách và chuyện trò giao lưu thoải mái như những người bạn…
.
KARAOKE BIẾN TƯỚNG
.
Nếu karaoke chỉ dừng lại ở đó thì khỏi cần phải bàn thêm. Nhưng ở trong một xã hội mà khuynh hướng thỏa mãn vật chất lấn át cả nhu cầu văn hóa tinh thần thì bất cứ một loại hình giải trí nào cũng phản ảnh ít nhiều hiện thực xã hội đó. Karaoke có tiếp viên cũng không ngoại lệ.

Thực tế ban đầu chỉ là cùng nhau hát hò, ăn uống, trò chuyện, nhưng rồi đến một lúc hơi men sẽ thấm dần và bốc lên. Thói thường trong không gian kín đáo, thiếu ánh sáng và trước những tiếp viên ăn mặc thiếu vải gợi cảm ấy, điều gì sẽ xảy ra thì ai cũng có thể hình dung ra. Lúc này, ai hát cứ hát, ai “giao tiếp” cứ việc giao tiếp. Nhiều khi hát chỉ để mà hát, âm nhạc chỉ tồn tại ở trên màn hình ti-vi, còn khán giả bên dưới thì tranh thủ “ai lo phần nấy”. Về mức độ “giao tiếp” thì tùy người, có khách nhẹ nhàng, có khách thô bạo. Và giao tiếp ở mức độ thân hay sơ, “nặng hay nhẹ” thông thường sẽ nhận được tiền boa tương xứng của khách.

Tuy nhiên có một thực tế đáng ghi nhận là ở các cơ sở kinh doanh nhạy cảm này, dù có được bảo kê hay không, có lẽ họ cũng tự vạch ra một “lằn ranh đỏ” mà tiếp viên không thể vượt qua. Vì vậy, nhu cầu “tăng hai tăng ba” của ai đó thông thường sẽ phải xảy ra ở bên ngoài, tại những địa chỉ khác, và tất nhiên cơ sở sẽ thoát trách nhiệm.
.

.
Những năm gần đây, nhiều cuộc bố ráp của cơ quan hữu trách đã phát hiện ra nhiều cơ sở kinh doanh loại hình này, xem như một tệ nạn xã hội, với những bằng chứng cho thấy, dù hiện trường vẫn chưa vượt qua “lằn ranh đỏ”, nhưng mức độ “giao tiếp” đã đi quá đà, không còn một giới hạn nào cả. Có thể dùng từ “thác loạn” để mô tả những trò mua vui này mới chính xác. Đó là một mặt trái hay gọi là tiêu cực của karaoke tại các cơ sở kinh doanh. Vì lợi nhuận và để câu khách, giới quản lý sẵn sàng “buông lỏng” hoặc lờ đi.
.
KARAOKE TRA TẤN
.
Nhưng chưa hết, karaoke còn bị “mang tiếng” bởi một thực trạng tiêu cực khác đang diễn ra trong cộng đồng. Đó là karaoke tại các gia đình cư dân, đặc biệt ở những địa bàn đông dân lao động. Ở đây, nhà cửa thường san sát và không ai có khả năng hay chịu đầu tư làm vách cách âm như ở các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp. Đã vậy, dàn âm thanh còn được vô tư khuếch đại thật khủng với những tiếng bass có khi làm rung chuyển cả nhà cửa.

Thực trạng là nhà này hát nhà kia buộc phải nghe, thậm chí xóm này hát xóm kia còn nghe, dù hay dù dở, dù ở thời điểm cần nghỉ ngơi sau giờ làm việc hay đêm khuya cần giấc ngủ, dù nhà bên cạnh hay trong xóm có người già yếu hay bệnh hoạn cần tĩnh dưỡng. Rõ ràng có thể xem đây là một hình thức tra tấn bằng âm thanh, cực kỳ nguy hại cho thính giác con người.

Vậy mà, đáng buồn là những “thính giả bất đắc dĩ” này chỉ biết kêu trời, chịu trận, không biết kêu ai, vì nói ra thì đụng chạm với hàng xóm láng giềng, mà trình báo với cơ quan hữu trách về an ninh trật tự thì ít ai quan tâm và nếu có thì cũng viện cớ “rất khó xử lý” vì phải thu thập được… bằng chứng, trong khi chưa sắm được máy đo độ ồn! Rất nhiều vụ xích mích, cãi vả giữa nhà hát karaoke và nhà bị nghe đã xảy ra, thậm chí dẫn đến ẩu đả, đâm chém thương vong cũng từ những bức xúc lên đến cực điểm của hình thức tra tấn này.
.

Bức xúc vì hàng xóm vừa ăn nhậu vừa hát karaoke quá to, trong khi cha già đang bệnh nặng và con gái không thể học bài, dù đã sang năn nỉ nhưng hàng xóm vẫn không nghe, lại còn gây sự ra đòn trước, người đàn ông này đã phải dùng dao đâm chết đối thủ. (Ảnh chụp lại từ clip của ANTV)
.

KẾT LUẬN

Như đã trình bày ở trên, bản thân karaoke là một thú vui giải trí rất lành mạnh và bổ ích cho mọi người nam nữ từ già đến trẻ. Là món ăn tinh thần đáng giá của mọi gia đình ở trong cộng đồng. Về góc độ kinh tế, karaoke trở thành một ngành kinh doanh giải trí âm nhạc phổ biến và có tầm cỡ, mang lại lợi nhuận đáng kể cho các doanh nghiệp. Karaoke đồng thời cũng không ngừng kích thích đà phát triển của công nghệ máy móc về điện tử. Bởi vậy mà khắp thế giới từ Á Phi sang Âu Mỹ ai cũng tận dụng triệt để phát minh này.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có điều khác là người Việt đã quá lạm dụng khi khai thác thú giải trí này, đẩy nó từ môi trường tươi vui lành mạnh và bổ ích vốn có sang bầu không khí ô nhiễm và nguy hại bởi vô vàn những biến tướng, bởi những cung cách giao tiếp, cư xử cực kỳ vô cảm và vô trách nhiệm của cư dân đối với cộng đồng.

Như vậy, có thể nói cung cách khai thác hay ứng dụng một phát minh hay công nghệ ở một vùng miền nào đó, ngoài cái chung, vẫn ít nhiều mang sắc thái riêng, nói khác là phản ảnh hiện thực văn hóa đạo đức của cộng đồng xã hội ấy. Qua trải nghiệm trong thực tế, có thể nêu lên một hình tượng về hoa anh đào để chứng minh, rằng khi đem trồng ở xứ sở Mặt Trời Mọc hoặc ở Washington DC. thì cư dân và du khách được dịp thưởng ngoạn say sưa, mà khi đem trồng ở Hà Nội thì chỉ vài giờ sau khi nở, hoặc là hoa đã tan tác dưới bàn tay của cư dân hoặc sẽ “được” bẻ vô tư mang về nhà làm… kỷ niệm vậy./.

Thao Mạnh – Sài Gòn 10/2018

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác