KARAOKE: CÔNG NGHIỆP GIẢI TRÍ THỜI HIỆN ĐẠI – Phần 2: CHÂN DUNG TIẾP VIÊN 07-04-2020 Thao Nguyen

(Phóng sự)

Nói về dạng karaoke biến tướng (dân gian hay gọi là karaoke ôm) như đã trình bày trong bài viết trước, tất phải nói về các tiếp viên nữ. Họ là ai? Từ đâu đến? Do những tình huống và hoàn cảnh nào? Qua thâm nhập thực tế tại thành phố đông dân nhất nước là HCM, có thể đúc kết một vài khám phá – dù chưa thật đầy đủ – nhưng cũng có thể tạm gọi là cơ bản.

NHU CẦU CỦA BẢN NĂNG

Trước tiên phải nói rằng, nghề tiếp viên đặc biệt này không thể tự nó hình thành mà là từ hệ quả của xã hội, cụ thể là từ nhu cầu hưởng thụ của cánh đàn ông. Có cầu thì mới có cung, đó là quy luật của thị trường. Rõ ràng trong thời chiến loạn lạc hay trong hoàn cảnh nghèo túng chung, loại hình này chắc chắn khó tồn tại. “Ăn no rững mỡ”, đó cũng là quy luật. Nhưng “rững mỡ” cỡ nào thì đó cũng do từ hiện thực của xã hội. Xã hội tốt lành thì cung cách “giải tỏa” nó khác với một xã hội xấu xí bệnh hoạn. Đó là lẽ tất nhiên.

Nhìn ra cộng đồng xã hội người Việt nói chung, Sài Gòn nói riêng, hiện nay hẵn ai cũng thấy một thực trạng hưởng thụ vật chất cao trào khá phổ biến, đặc biệt từ giới trẻ và lớp trung niên. “Ăn” và “chơi” là hai nhu cầu được đặt lên hàng đầu. Ăn đây chủ yếu là ăn nhậu, là mồi lạ hương kỳ, là bia rượu tràn lan. Chơi đây không phải là các thú tiêu khiển nhẹ nhàng có văn hóa mà là chơi theo kiểu hưởng thụ nặng về vật chất tính dục. Thật ra, ăn và chơi có lúc, có giới hạn, có mức độ thì không hề mang tội vạ gì. Bên cạnh nhu cầu giải trí giải tỏa, đó còn là nhu cầu giao tiếp quan thiết trong cộng đồng, hoặc vì tình cảm hoặc vì chuyện làm ăn. Vấn đề đặt ra ở đây chính là “nơi chốn”, là ăn có nơi, chơi có chốn.

Ở các xứ sở tiến bộ, người ta sớm ý thức được nhu cầu này của con người. Đó là bản năng tự nhiên, nên họ đã phải thừa nhận và chấp nhận để bản năng này được thỏa mãn bằng một lối thoát phù hợp. Nói rõ hơn, luật pháp ở các nơi đó cho phép những kiểu ăn chơi nhạy cảm này được tồn tại trong một khuôn khổ nhất định có kiểm soát, ở một vị trí thích hợp trong cộng đồng. Cụ thể như ở Thái Lan với các “phố đèn đỏ” công khai hay các màn sexyshow ở phương Tây chẳng hạn.

Ở ta từ xa xưa, dù luật lệ cấm đoán nghiêm ngặt, dù truyền thống văn hóa đạo đức lên án mạnh mẽ, nhưng những hành vi mang tính bản năng tính dục này vẫn lén lút tồn tại dai dẵng trong xã hội. Ngày nay, dù đạo đức và luật pháp vẫn chưa thừa nhận, vẫn xem đó là những hành vi phạm pháp và cố gắng tiêu trừ, nhưng rõ ràng chúng vẫn diễn ra, thậm chí diễn ra dữ dội hơn và tràn lan trong cộng đồng, dưới muôn vàn hình thức lầu xanh trá hình từ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán bar đến các cơ sở massage hay karaoke trên mọi nẽo đường con phố.

Và, rõ ràng dạng karaoke biến tướng (mà dân gian quen gọi là “karaoke ôm”) chỉ là một trong số những lối thoát bất đắc dĩ, một trong những “kênh” lén lút để giải tỏa bản năng – dù chỉ thỏa mãn một cách nửa vời, không đâu đến đâu.

NGUỒN CUNG TIẾP VIÊN

Như vậy, nếu xét theo luật cung cầu thì để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ấy của cánh đàn ông, nguồn cung tiếp viên nữ mới có cơ hội hình thành và phát triển. Vậy họ là ai, từ đâu đến và từ những tình huống hoàn cảnh nào?

Như đã nói ở bài viết trước, ưu tiên để được thu dụng làm tiếp viên karaoke phải là những cô gái trẻ trung tuổi từ 17,18, trễ lắm là dưới 30, có nhan sắc, có ngoại hình hấp dẫn. Đặc biệt càng có nét “nai tơ” lại càng tốt. Trang phục thì bắt buộc phải ngắn gọn và… mát mẻ. Biết hát hay không điều này chưa quan trọng, miễn là phải biết uống rượu và khéo chiều khách. Về “nghiệp vụ”, có thể hình dung ra những chỉ dẫn ban đầu của má mì – thông thường là người quản lý trực tiếp – hoặc tiếp viên tự học hỏi lẫn nhau về cách giao tiếp ra sao để được lòng khách, dẫu ở đây chưa đến mức độ phải so sánh với thủ thuật điêu luyện mà Tú bà dạy cho Kiều với “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề”!

Đa phần họ ở nhà trọ không xa lắm với các điểm hành nghề. Ở các điểm karaoke tự phát (không đăng ký kinh doanh) họ phải “trực chiến” 24/24 giờ, và tới “nhập cuộc” ngay khi có cuộc gọi của sếp quản lý. Còn ở các cơ sở lớn có khách hàng thường xuyên, thường tùy số tiếp viên nhiều hay ít mà họ được “ứng trực” hay phân ca. Và một tiếp viên có thể làm ở một hay vài nơi miễn là đáp ứng kịp điều kiện ứng trực. Tất nhiên, để dấu kín thân phận và cũng do nhu cầu “làm mới”, “của lạ” để hấp dẫn khách, của cả tiếp viên lẫn chủ quản, chuyện thay đi đổi lại nơi hành nghề và chỗ ở của tiếp viên là điều thường xuyên xảy ra.

LƯƠNG BỔNG

Về lương bổng, thật ra thực tế hầu hết trong số họ chẳng có lương hướng gì, mà chỉ sống chủ yếu bằng tiền boa (hay còn gọi là tiền típ) của khách, thậm chí tiền boa này còn phải bị “chia” bớt lại cho má mì khi gặp khách sộp. Về mức độ tiền típ tất nhiên tùy lòng “hảo tâm” của khách, ít hay nhiều tùy khách “xẹp” hay “xộp”, tùy khách keo kiệt hay hào phóng.

Tất nhiên mức độ tiền boa còn tùy vùng miền mà khác nhau, chẳng hạn như ở các tỉnh miền Trung thường thấp hơn các tỉnh phía Nam, cụ thể như ở Sài Gòn. Hai nữa, cũng còn tùy cơ sở sang hèn, và độ hấp dẫn của tiếp viên ra sao. Đặc biệt còn phải tùy vào mức độ giao tiếp “được lòng” hay “không được lòng” của khách. Tuy nhiên thông thường cũng phải theo “thời giá”, trong đó, “giá trần” thường không giới hạn nhưng “giá sàn” thì vẫn tồn tại mặc nhiên.

Tại Sài Gòn những năm gần đây 1xị (100 ngàn) cho mỗi tiếp viên là giá sàn ở những cơ sở bình dân và 2xị (200 ngàn) cho những cơ sở sang trọng và tiếp viên hấp dẫn. Như vậy, nếu chỉ ngồi hát tiếp khách 2 hoặc 3 lần, mỗi lần chừng 2 giờ (là khung thời gian trung bình) thì thu nhập của mỗi tiếp viên karaoke cho mỗi ngày đêm ít nhất cũng được từ 2 đến 3 trăm ngàn. Nghĩa là mỗi tháng xấp xỉ 10 triệu. Thực tế ở các cơ sở kinh doanh karaoke hạng sang ở nội thành Sài Gòn, có những tiếp viên thu nhập gấp 2 hoặc 3 lần mức trên.

“Tiền đó em tiêu xài ra sao?” Đó là câu mà khách thường hỏi, và câu trả lời chung chung tiêu biểu vẫn thường nghe là: “Trả tiền ăn, ở, tiêu vặt còn phần lớn gởi cho gia đình cha mẹ dưới quê”. Còn câu hỏi: “Ngoài công việc này em còn làm gì khác để kiếm thêm không?” là câu hỏi khá tế nhị mà các cô thường đánh trống lãng.

LAI LỊCH

Tất nhiên những câu trả lời như trên chưa chắc đã là trung thực. Vì làm cái “nghề” mà thiên hạ hay “dòm ngó” này ai cũng muốn dấu kín thân phận, kể cả với người gần gũi như má mì. Họ xem như là những “người lạ” xuất hiện trên địa bàn làm ăn, không hề là cư dân thường trú hay tạm trú để người ta có thể nắm rõ lai lịch. Họ dấu kín thân phận vì luôn nghĩ đây là công việc tạm thời dưới ánh đèn mờ, phải để dành ánh sáng ban ngày cho tương lai, dù vẫn biết đó là tương lai đầy bất trắc và vô định.

Nhưng cũng từ đó, có thể xác định phần nào lai lịch của các tiếp viên. Họ đa phần từ các tỉnh, các miền quê lên thành phố. Ở Sài Gòn là từ các tỉnh miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí các cô gái vùng sông nước này còn ra tận cả miền Trung hành nghề, như ở Đà Nẵng hay Huế… Số khác đến từ ngoại thành hay các tỉnh lân cận.

Qua tìm hiểu, ở Đà Nẵng, hiếm khi gặp tiếp viên nào nói giọng Quảng, tương tự ở Huế hiếm khi gặp cô nào nói giọng Huế. Chỉ có giọng Nam hay thỉnh thoảng có giọng “đàng ngoài” như Quảng Bình, Hà Tĩnh… là những cô gái cần đi xa quê để né ánh mắt của người thân hay bạn bè, đồng hương. Điều này cũng làm ta tự hỏi và cũng tự có câu trả lời: “Tại sao con gái Huế và xứ Quảng không chịu làm công việc này, mặc dù đa phần kinh tế của họ khó khăn hơn người miền Nam”.

Còn nữa, khi đi sâu hơn vào tìm hiểu thân thế của các tiếp viên, nhiều lúc người ta phải giật mình và chua xót. Nhiều cô gái ở quê do thất nghiệp hoặc do “lánh nặng tìm nhẹ”, thấy đồng tiền ở đây dễ kiếm hơn những hình thức lao động phổ thông khác mà không ngại dấn thân vào nghề. Đáng nói hơn là cũng có nhiều cô gái ở thành thị, do nhu cầu bức xúc về kinh tế gia đình buộc phải làm công việc thời vụ bất đắc dĩ ấy. Họ có thể là học sinh, sinh viên đang theo học, hoặc có công ăn việc làm hẵn hoi nhưng thu nhập không đủ trang trải mức sống tối thiểu. Thậm chí có trường hợp là phụ nữ trẻ đã có gia đình nhưng gặp tình huống túng quẩn. Và còn nhiều hoàn cảnh éo le khác nữa không thể biết hết. Rõ ràng là trong cái đáng chê trách vẫn còn có cái đáng thương cần thông cảm.

THAY LỜI KẾT

Như vậy, xét về mặt đạo đức xã hội, hoạt động karaoke biến tướng rõ ràng là một tệ nạn đáng lên án và cần được loại trừ. Nó hình thành và phát triển một mặt từ nhu cầu của bản năng vật chất ở con người, mặt khác từ nhu cầu sinh tồn cấp bách của một bộ phận nữ giới trẻ trong bối cảnh nền kinh tế mà thất nghiệp vốn tràn lan.

Vì vậy, muốn ngăn chặn tệ nạn này người ta không thể chỉ dùng những biện pháp hành chính đơn thuần mà cần phải có chiến lược giáo dục phù hợp, nói chung là tạo môi trường lành mạnh cho xã hội, song song với phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần nhìn nhận và chấp nhận nhu cầu giải tỏa bản năng như một thực tế để có giải pháp quản lý phù hợp như người Thái đã và đang làm. Ở đó, thực tế những loại hình nhạy cảm này lại là mảng thu hút khách du lịch.

Như vậy, nếu cho rằng karaoke biến tướng là một căn bệnh của xã hội, thì việc chẩn đoán và điều trị cần căn cứ vào nguyên nhân gây nên và tác động vào căn bệnh. Đó là những vi-rút tiềm ẩn trong con người, câu kết với những vi-rút tiềm tàng ngoài xã hội. Đã gọi là tiềm ẩn hay tiềm tàng thì không thể tận diệt được, mà chỉ giới hạn ở mức độ “bao vây” hay “đình chiến”. Nghĩa là mầm mống còn thì người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát.

Giải pháp quan trọng và cần thiết vẫn là “giải tỏa tâm lý” ở người bệnh (ở đây là giải tỏa cả tâm- sinh-lý) đại để có thể ví như cách chữa trị của ông tổ khoa phân tâm học Sigmund Freud trước đây. Nôm na là cho “nó” nói ra và được thỏa mãn (trong những điều kiện cho phép).

Con người ngoài cái “siêu ngã” (superego) là lý tưởng cao cả, ngoài cái “bản ngã” (ego) là ý thức chân chính, còn tồn tại một cách tự nhiên cái “tự ngã” (Id) chính là bản năng tầm thường. Giải quyết được mâu thuẩn tồn tại giữa ba cái ngã này chính là giải pháp, là liều thuốc hữu hiệu nhất để điều trị căn bệnh phức tạp và trầm kha này.

Karaoke biến tướng, hay karaoke ôm, cũng tương tự như những loại hình giải trí “ôm” khác đang tồn tại trong xã hội ta, chẳng qua cũng chỉ là những căn bệnh xã hội, mà chỉ có liều thuốc “đặc trị” như trên mới chữa được mà thôi./.

Bài: Thao Mạnh (2019)
Ảnh minh họa: sưu tầm trên internet

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác