Kỷ Niệm Trường Xưa 22-01-2012 minhhien

Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp về thăm lại Xóm cũ Làng xưa . ngôi Làng Kế Môn ngàn đời yêu dấu, quê hương của tôi đó. Nơi mà tôi đã được sinh ra và lớn lên, với không biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của một thời thơ ấu.
Làng tôi chạy dài song song với bờ biển Thái Bình Dương, ngược Phá Tam Giang, cách kinh đô Huế khoảng 40 cây số. Phiá sau Làng là những độn cát trắng trải dài cả mấy cây số. Trước mặt, xa xa là dãy Trường Sơn với những ngọn núi cao, đứng sừng sững chạy dài từ Bắc vào Nam, như để che chở và chống đở những luồng gíó nóng khô cháy, đôi khi làm phỏng rát cả da thịt từ vùng Hạ Lào thổi qua, giúp cho người dân hai Tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên nói chung và dân Làng tôi nói riêng bớt được phần nào cái nóng oi bức đó mỗi khi mùa hè đến. Cũng như những cơn rét “cắt da xẻ thịt” thổi xuống từ rừng núi Tây Bắc, miền Bắc nước ta.

Năm mươi lăm năm, thời gian trôi qua thật nhanh, như “bóng câu qua cửa sổ”, đôi khi mình không thể ngờ được. Nhớ mới ngày nào đó còn là một cậu bé chập chửng sống ở làng, khi lớn thêm một chút, được cha mẹ cho cắp sách đi học. Giờ thì mái tóc đẵ bạc màu theo năm tháng, cuộc sống với nhiều bận rộn, lo âu.. Trải qua bao nhiêu thăng trầm, khó khăn và toan tính, tuổi đời mỗi ngày một chồng chất. Rồi phải xa rời quê hương, phải lăn lộn với cuộc sống mới quá nhiều thay đổi trên đất lạ xứ người. Những ký ức ngày cũ, những kỷ niệm xa xưa theo đó cũng dần dần hao mòn, nhạt nhòa theo thời gian. Tuy nhiên, hình ảnh kỷ niệm của thời thơ ấu còn cắp sách đến trường trong những ngày tháng đầu tiên của đời học sinh không làm sao quên hết được, nó mãi mãi hiện hữu trong con tim của mỗi chúng ta.

Làm sao quên được những năm tháng sau ngày đình chiến bởi hiệp định Giơ- Neo 1954, lúc quê Làng mình còn nghèo nàn và thiếu thốn đủ thứ. Khi đó, chúng tôi bắt đầu được cắp sách đi học trở lại sau một thời gian dài đình trệ bởi chiến tranh. Khi chiến tranh đã chấm dứt, rất nhiều nhà cửa, vườn tược bị hư hại, các cơ sỡ giáo dục trong làng cũng chưa có. Nên có thể nói, thời đó, những học trò như chúng tôi “gặp đâu thì học đó”, thầy cô dạy học thông thường chỉ là những “giáo làng “, khả năng cũng rất hạn hẹp, nghĩa là biết gì thì dạy nấy, còn chổ học cứ thay đổi liên miên; khi thì tại nhà nhóm của các Họ (như Họ Hồ, Họ Nguyễn, họ Bùi), khi thì ở tại một căn nhà tranh xiêu vẹo, cạnh đường Quan dưới bến Đình và có khi là tai nhà riêng của thầy như nhà Bác Nhạc, do Anh Mẫu con trai cuả bác phụ trách; hoặc nhà Thầy Trợ cạnh khe đập làng Đại Lộc. Một thời gian sau thì mới vô học tại “nhà hội” cạnh sân Đình Làng- đó là những nơi tôi đã trải qua trong những năm đầu tiên của đời học sinh. Đi học là chỉ biết học, thực tình không biết là mình đang học lớp nào ? trình độ của lớp mấy ? Khả năng thầy cô biết đến đâu thì dạy đến đó, học xong thầy này, có thầy nào khác mở lớp dạy học thì xin vô học tiếp, chỉ có vậy thôi !

Mãi đến năm 1957, sau khi cuộc sống người dân tương đối được ổn định, có nề nếp, Ty Tiểu học Tỉnh Thừa Thiên tại Thành Phố Huề mới cử thầy Tô Thành Kiện từ Huế về Xã Điền Môn, để bắt đầu mở được một lớp học đầu tiên, đó là lớp Ba. Lúc đó phòng ốc cũng chưa có, Xã phải mượn Nhà Tăng lợp bằng tranh của Chùa cũ (tức Chùa Vạn Phước) nằm cuối làng, gần giáp ranh của hai Thôn Kế Môn và Vĩnh Xương để có nơi cho con em trong làng học tập trong khi chờ xây cất trường mới phiá sát dưới đường Quan, gần trụ sở Xã và Chợ Kế Môn.

Cũng cần nói, tuy mới đến nhận dạy tại một nơi khá xa xôi và hẻo lánh cách Huế hơn 40 cậy số, trong một tình trạng vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Trường sở, học cụ chẵn có gì ngoài tấm bảng đen và mấy chiếc bàn học với ghế làm bằng gổ tạp đóng vội, học trò thì lớn nhỏ đủ mọi lứa tuổi, có khi chênh lệch nhau cả 4 hay 5 tuổi nhưng phải học chung một lớp. Vì trước đó là chiến tranh dai dẵng, đâu mấy ai được cắp sách tới trường. Hơn nữa, muốn đi học cũng chưa chắc có người dạy hay có trường sở .Học hành bị gián đoạn. Nên lúc xã mở lớp Ba tại Trường “Chùa”, những người ham học ở trong làng như chúng tôi, ai cũng mừng lắm. Tuy lạ nước, lạ cái, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, với lương tâm nghề nghiệp, cần mẫn, siêng năng và sốt sắng, cộng thêm đức tính hiền hòa, đạo đức sẵn có. Thầy Tô Thành Kiện đã mang về cho học sinh trong làng một luồng sinh khí mới. Thầy đã giúp đỡ, dẩn dắt chúng tôi thành những học sinh tốt, trí tuệ được mở mang và đã thu thập được nhiều hiểu biết trong học hỏi. Là một thầy giáo có được kinh nghiệm về sư phạm, thầy dạy cho những đứa học trò của thầy đủ các môn học mà hầu như trước đó, chúng tôi chưa bao giờ được giảng dạy. Ngoài các môn vế toán đố, chính tả, tập làm văn thông thường, thầy còn dạy các môn khác như Khoa học thường thức, Giữ gìn sức khỏe Vệ sinh, Công dân giáo dục, Đức dục, dạy làm Thủ công cho học sinh nam, nữ công thêu vá cho các học sinh nữ; thầy còn dạy hát, tập múa, đóng những vở kịch ngắn, thể dục v. v… Thuở đó, tuy mới chỉ là học sinh lớp Ba, nhưng chúng tôi đã biết rất nhiều, có thể tự mình làm những trái mãng cầu, trái chuối hay trái đu đủ… bằng đất sét. vót những đôi đủa bằng tre rất trau chuốt, đẹp đẻ…còn các nữ sinh có thể may vá, thêu thùa được các chiếc khăn “mù xoa”, biết lấy vải làm những chiếc cà vạt hay quai nón, những cái bao vải nho nhỏ để đựng viết, mực…v..v. Không phải như học trò lớp Ba, lớp Bốn bây giờ,coi bộ còn ngây thơ ngơ ngác và chưa hiểu biết nhiều cho lắm. Nói nôn na, học sinh thời nay “chơi nhiều hơn học”. Có lẽ vì thời đó phần đông chúng tôi ai ai cũng đã lớn tuổi, lại sống quá kham khổ sau nhiều năm tháng loạn lạc bởi chiến tranh, nên ai nấy đều trở nên chững chạc quá đi thôi!

Có một kỷ niệm, lúc còn học với Thầy Kiện ở trường “Chùa” mà chắc suốt cả cuộc đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời, tôi khó mà quên được. Đó là vào một buổi sáng đi học trên con đường Ngang. Trên đường từ nhà ở ngụ Nhứt Đông (đầu Làng) đi đến trường ở ngụ Nhứt Tây (cuối làng). Khi vừa đi qua khỏi xóm Khe (giữa nhà thờ Họ Lê và xóm Cụt). Nơi đó, có một cái Khe. Về mùa mưa, nước từ trong Bàu gần Rú chảy ra cho tới bến Phụ, nước khá sâu và chảy cũng rất là mạnh. Thời đó chưa có cầu cống gì hết, dân trong làng có khi dùng hai hay ba cây tre hoặc có lúc chặt vài thân cột sầu đâu gác ngang khe để mọi người đi lại, cái cầu tre này rất thuận tiện; một công hai việc: trước là cho người đi ngược về xuôi trên đường ngang, nhưng nó cũng rất tiện lợi cho mầy đứa nhỏ của hai xóm họ Lê và xóm Cụt có nhà ở gần cầu dùng làm cầu xí công cộng, khi nào cần thiết, chỉ việc chạy ra ngồi trên cầu, tuột quần xuống đè giải quyết là mọi chuyện khỏe re.Vì vậy, hình như lúc nào trên cầu và dưới khe cũng có dính ít nhiều phân người hoặc nổi lềnh bềnh dưới nước cả. Coi bộ mấy chú cá đang bơi dưới khe chắc thích lắm.
Lúc tôi vừa qua khỏi cầu, quay lui, thấy phía sau có mấy chị ở các xóm phía xuôi như chị Chót Hạnh, chị Mai, chị Chót Đào và chị Hương ở xóm Đình cùng đang đi cùng nhau từ từ bước qua trên cầu. Vốn nghịch ngợm, sẵn thấy mấy cục bùn khô trên đường Ngang, tôi chụp lấy một cục bùn khô to nhất, rồi ném thật mạnh xuống khe nước, làm nước dưới khe văng tung toé ngược lên khỏi cầu, Chao ôi! chị nào chị nấy bị nước lạnh và không chừng có cả ít phân lẩn lộn bay lên dính ướt cả quần áo. Nhìn thấy áo quần mấy chị bị ướt, sợ qúa, tôi chạy một mạch đến trường không dám quay mặt nhìn lại! Cũng may thời đó, mấy chị đi học, hầu hết đều mặc quần dài bằng vải thô đen và áo bà ba tay dài, chứ chưa có được những bộ quần trắng hay áo dài trắng mỏng manh, bó sát người, đầy khêu gợi hấp dẫn như học sinh con gái thời nay đâu! Nên dù áo quần có bị ướt cả người nhưng chẳng sao cả, vì đâu có ai ‘chộ chi mô” !

Chạy đến lớp, đang ngồi thở hổn hển, lo sợ đủ điều, không biết chuyện gì sẽ đến cho mình đây? Đúng như dự đoán, mấy chị vừa đến tới trường, việc đầu tiên là mét những gì đã xảy ra với thầy Kiện, nên khi lớp học bắt đầu, thầy liền kêu tui đứng dậy và bắt đầu kết tội. Tui còn nhớ thầy nói “ Trò Lý muốn vác đá quăng trời phải không? Tại răng vác đất quăng dưới nước để cho các em nữ sinh áo quần bị ướt hết như vậy? Ôi, lúc đó, tôi đứng mà hai chân run cầm cập, phen này chắc thế nào cũng bị đuổi học hay bị lãnh một hình phạt gì đó nặng lắm. Nhưng không biết trời xui đất khiến sao, tôi trở lại bình tỉnh, nhanh trí và vòng tay xin thầy cho em nói: “Thưa thầy, tại lúc đó em thấy có một con tắn nát (con rắn nước) đang bơi dưới khe nên em mới lấy một cục đất quăng xuống cho nó chết, chớ em đâu có muốn chọc phá mấy chị ni ”. Nghe nói vậy, cả lớp cười rộ lên, thầy cũng cười theo. Có lẽ nhờ vậy, nên thầy chỉ la mắng qua loa và trừ bớt điểm hạnh kiểm thôi. Hơn nữa, nhờ là một trong những đứa học trò nhỏ tuổi và nhỏ con nhất lờp, học hành siêng năng, thuộc loại khá trong lớp, nên thầy cũng thương và không phạt nặng hay bị đưổi học.
Nghịch một lần là tởn tới tra, không bao giờ tái phạm.. Học tại trưởng “Chùa” được vài tháng thì trường Tiểu Hoc Phong Chương đã xây cất xong, qua niên học mới thầy trò chúng tội cũng dọn về trường mới. Lúc này trường mở ra được hai lớp : Lớp Ba do Thầy Giai cũng về từ một nơi nào đó gần trong Huế, còn Thầy Tô Thành Kiện phụ trách lớp Nhì (tương đương lớp 4 sau này) kiêm luôn chức hiệu trưởng. Tôi tiếp tục học ở trường mới thêm một năm, sau đó may mắn được có gia đình người cậu ruột giúp đở, nên rời trường củ để vào Đà Nẵng tiếp tục ăn học.

Tuy đi học xa trên thành phố, vài ba năm sau, thỉnh thoảng tôi cũng có dịp về thăm Làng trong những dịp nghỉ hè hay ba ngày Tết. Nhưng những lần về sau đó cũng không còn dịp gặp lại nhiều bạn bè và các chị thời cùng đi học nữa. Có rất nhiều thay đồi, một số học trò con trai chung lớp đã được cha mẹ gởi gắm người bà con, bỏ làng vào các thành phố để theo học nghề làm Vàng truyền thống của làng; các chị thì đi xa học may vá hay phụ giúp mua bán cho người thân. Chỉ có một số rất ít được may mắn còn tiếp tục đi học các lớp cao hơn ở trong Huế, Đà Nẵng hoặc một vài nơi khác. Riêng về các chị, thời đi học chung trường, chung lớp , hình như tuổi ai nấy đều khá lớn, nên hầu hết đẵ được cha mẹ gả chồng, lập gia đình và sinh con để cái… Vì vậy cũng khó có dịp để gặp lại và có thể nói cho đến giờ này, sau hơn 55 năm trôi qua, có người đã mất, có người vẫn còn vương vấn với cuộc đời, sống rải rác khắp mọi phương trời góc biển. Có những thứ chắc đã quên, nhưng cũng có nhiều thứ vẫn còn quyến luyến đáng nhớ, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu, cùng học, cùng vui chơi dưới mái trường thân yêu ở làng Kế Môn, khó mà quên được…

Năm mươi lăm năm trôi qua, giờ đây chuẩn bị bước lần vào tuổi “tri thiên mệnh”. Hôm nay, ngồi viết lại những kỷ niệm của tuổi học trò dưới mái trường cũ thân yêu, sao mà cảm thấy bồi hồi xúc động với không biết bao nhiêu nỗi nhớ và nuối tiếc. Giờ đây, không biết các thầy, các cô và các bạn bè chung lớp, chung trường ai còn ai mất. Nhân dịp Xuân về Tết đến, xin được mượn bài viết ngắn ngủi này , như là một nén hương lòng để tưởng nhớ đến qúy thầy cô và các bạn bè đã vĩnh viễn ra đi, giờ đây đã nghìn trùng xa cách.
Thầy cũ trường xưa, bây giờ mặc dù không còn nữa vì đã trải qua không biết bao nhiêu đổi thay, nhưng những kỷ niệm thân thương buồn vui đó vẩn còn sống mãi trong tim óc của chúng ta.

Hoàng Lý

Phản hồi (2)

  • thaonguyen
    Tháng Một 23rd, 2012 lúc 12:40

    MỘT GIẤC MƠ

    (tặng Hoàng Lý)

    Giao thừa tôi ghép vần thơ
    Nhớ ngày tháng cũ mộng mơ Xuân nào
    Cuộc đời tợ giấc chiêm bao
    Như nàng bướm trắng bay vào trong mơ
    Như con chim nhạn lượn lờ
    Vút qua song cửa lòng ngơ ngác lòng
    Ai đem Xuân đến cho không
    Xuân đi xuân lại chất chồng tháng năm
    Để cho trăng sáng đêm rằm
    Trăng lu đêm cuối ai nằm đếm sao !
    Ai đem Xuân dấu nơi nao
    Để cho dáng tựa xanh xao hao gầy
    Da mồi đã nhuộm bàn tay
    Tóc xanh đổi trắng như mây mùa hè
    Xuân ơi Xuân nhớ có về
    Cho ta gởi lại hồn quê tuổi hồng
    Cho ta gởi nốt tấm lòng
    Yêu quê ta đã nhớ mong bao ngày
    Cho ta tỉnh giấc mơ say
    Sáu mươi xuân lẻ ngất ngây rối bời
    Để ta thấm nghiệm cuộc đời
    Được mất,mất được cũng mười hư không !

    (Thảo Nguyên, giao thừa Nhâm Thìn )

  • thaonguyen
    Tháng Hai 6th, 2012 lúc 13:21

    LÀNG TÔI

    (tặng H.Lý & Các bạn cùng lớp)

    Làng tôi có lũy tre xanh
    Có con đường Cấy song hành đường Ngang
    Giữa đồng thẳng một đường Quan
    Ngăn đôi trưa ruộng hai đàng nông sâu
    Ruộng đồng tươi tốt xanh mầu
    Ô Lâu sông nước “khút” sâu đầu rồng

    Trên làng xóm xóm song song
    Hai bên vườn tược nhà trong bếp ngoài
    Nhà nhà giếng mội, sân phơi
    Gịậu xanh mơn mỡn mùng tơi, chè tàu
    Trước nhà vươn thẳng hàng cau
    Chùm hoa trắng nõn nấp sau bẹ vàng

    Dưới đồng hói dọc hói ngang
    Bến Dừa, bến Phụ, bến Đình, bến Am
    Xa xa cuối mắt trước làng
    Trường Sơn hùng vĩ cắt ngang lưng trời
    Sau làng cát trắng xây đồi
    Cát vàng đắp độn, xanh ngời biển Đông

    Xuân sang lúa trổ đòng đòng
    Xanh tươi màu lá, mát lòng nông dân
    Hè về lúa chín đầy sân
    Trắng ngần hạt gạo, thơm lừng nồi cơm
    Thu sang đêm tỏa hơi sương
    Bóng trăng huyền diệu soi đường tình nhân
    Đông về gió bấc se chân
    Bếp hồng ai nhúm cho nàng hơ tay ?

    Đông qua, Xuân lại tháng ngày
    Hè về, Thu tới cho quay vòng đời
    Ngoài kia chiếc lá vàng rơi
    Cảnh xưa còn đó mà người đi đâu ?
    Đi đâu ai có biết đâu !
    Người buồn, cảnh có mang sầu đấy chăng ?!

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác