DUYÊN NỢ 13-03-2017 Thao Nguyen

Vĩnh Xương và Kế Môn là hai làng, trong nhiều thời kỳ, đã được phân giới hành chính nằm cùng một xã. Ở ranh giới giữa hai làng, trước đây từng có một dải rừng rậm rạp, chạy từ chân độn rú ra tới đồng ruộng, tục gọi là “giái”. (tra nhiều từ điển vẫn không thấy có từ “giái” này). Có thể “giái” là do “giới” (là ranh giới) đọc trại ra chăng? Chỉ biết thời kỳ ấy, để xác định vị trí hai bên, dân làng hay gọi là “côi giái” hay “đưới giái” (trên và dưới). Từ đó mà có cách “chơi chữ” của người xưa khi cố tình cho người ta hiểu từ “giái” thành “dái” chăng? Và nếu lấy địa thế theo dòng chảy sông Ô Lâu từ thượng xuống hạ nguồn, thì Vĩnh Xương ở vị trí cao là “côi” và Kế Môn ở vị trí thấp gọi là “đưới”. Cũng vì vậy mà người ta hay nói “xuôi về Đại Lược, ngược lên Thanh Hương” là có lý do.
.
Hai làng Kế – Vĩnh từ xa xưa trong hôn nhân đã có nhiều duyên nợ với nhau. Gái làng trên lấy trai làng dưới hay ngược lại, nhưng phổ biến vẫn là gái làng dưới lấy trai làng trên. Những cuộc gặp gỡ như vậy lắm khi cũng do “ai đó” xui khiến đẩy đưa mà thành, vì ngày xưa, ra khỏi lũy tre làng đã gọi là “xa xứ” rồi, mà ông bà ta xưa lại có tục lấy vợ, gả chồng người trong làng cho gần gũi. Và thực tế, dù có lúc là “tiền hung hậu kiết” hay ngược lại, thì nhìn chung, những cuộc hôn nhân này đã mang lại hạnh phúc – nếu hiểu theo đúng nghĩa của từ này. Nhân nói tới “duyên nợ”, website langkemonsaigon.com xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả đồng hương Nguyên Đạo để độc giả trước là đọc cho vui, sau là để suy ngẫm về chuyện đời, chuyện tình – mà ai cũng đã và đang trải qua.

.
DUYÊN NỢ
.
Ngày xưa, thời còn phong kiến lạc hậu, việc dựng vợ gả chồng phần lớn đều do cha mẹ định đoạt, dân gian từng có câu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đặc biệt là đối với con gái, với nữ giới thì lại càng phải “tại gia tòng phụ”, phải vâng lệnh song thân. Lại còn có chuyện “môn đăng hộ đối” giữa thông gia với nhau nữa. Cá biệt có những bậc cha mẹ hai bên, có thể vì là bạn kết nghĩa hay nặng tình với nhau, khi “con anh con tôi” chưa chào đời, thậm chí các bà chưa mang thai, mà đã hứa “liều” với nhau là sẽ thành sui gia sau này!
.
Ngày nay đã khác xưa nhiều, xã hội tiến bộ, nam nữ bình đẵng, trai gái lớn lên được quyền chọn lựa người bạn đời mình yêu thích một cách tự do, tự nguyện, ít ai còn bắt ép, lấy lý do là “ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên”. Đa phần cha mẹ ngày nay bị buộc phải “thuận ý” theo con, y như rằng “con đặt đâu cha mẹ phải ngồi đấy” vậy. Hoặc giả nếu có can thiệp thì cũng chỉ mang tính “góp ý điều hơn lẽ thiệt”, hay nói theo từ bây giờ chỉ là “khuyến cáo”, vì quyết định “tối hậu” vẫn dành cho “đôi trẻ”- là người trong cuộc.
.
Nhưng dù là lạc hậu hay tiến bộ thì trong mỗi bối cảnh ấy, thực tế cho thấy, con thuyền hạnh phúc không phải ai cũng “xuôi chèo mát mái”, ngược lại không phải ai cũng vướng vào “giông bão”. Nói khác là có cặp sống với nhau hạnh phúc nhưng có cặp thì không. Có cặp ăn ở với nhau tới “đầu bạc răng long” nhưng cũng có cặp lại mau chóng tới hồi tan vỡ. Và như vậy, kết quả ra sao thì ngày xưa trách nhiệm phần lớn thuộc về cha mẹ, còn ngày nay rõ ràng là thuộc về “hai đứa”, những người trong cuộc vốn đã tự định đoạt duyên phận cho mình.
.
Có điều đáng suy nghĩ, rằng với trải nghiệm thực tế trong mỗi chúng ta, có lẽ ai cũng nhận ra, dù xưa là ý đồ của cha mẹ hay ngày nay do “hai trẻ tự tìm đến nhau”, thì vẫn còn đó một câu hỏi là “phải chăng có một ông Tơ bà Nguyệt nào đó đã “sắp xếp” cho sự gặp gỡ này”? Bởi vì từ cái “muốn” cho tới cái “được” là điều có thể dễ mà cũng có thể không. Không phải cứ “vouloir” thì sẽ “pouvoir” như ý chí được. Vì rõ ràng là, nhiều lúc tìm mãi vẫn không thấy “một nửa kia”, nhưng rồi tình cờ “nó” lại đến, đến một cách bất chợt và…không ngờ!

.
duyen-vo-chong1-phunutoday-1018
.
*Câu chuyện “cổ tích”:
.
Xin kể câu chuyện dân gian ngày trước mà có lẽ nhiều người đã từng nghe qua. Rằng xưa có hai thiếu niên nọ, một nam một nữ ở cùng làng với nhau. Cậu thì con nhà giàu, dáng dấp công tử, còn cô bé lại là con nhà nghèo, lam lũ và xấu xí nữa. Một hôm có thầy tiên tri đến nhà đoán mệnh, xem duyên cho cậu quý tử, khi dẫn cậu ta đi quanh làng, tình cờ họ gặp cô bé đang vớt bèo bên ao. Nhà tiên tri nhìn kỹ cô bé rồi buột miệng:” Đây rồi, đây rồi không ai khác, đích thị là vợ tương lai của cậu”.
.
Chàng thiếu niên tỏ vẻ ngạc nhiên và có chút ngỡ ngàng. Từ đó trở đi, cậu bỗng đâm ra tức tối và thù ghét cô bé. “Tại sao nó xấu xí nghèo hèn như vậy mà lại là vợ mình chứ?” Không được. Dứt khoát là không! Rồi, chẳng biết phải làm sao, cuối cùng hắn ta chọn cách giết cô bé đi rồi bỏ trốn khỏi làng. May mắn thay, cô bé đã không chết, vì hòn đá mà hắn ta ném vào đầu khiến cô bé bất tỉnh, lại chỉ gây ra một vết cắt ở ngoài da.
.
Hai mươi lăm năm sau, chiến tranh loạn lạc, thời cuộc xoay chuyển, thiên hạ “đổi đời”, người người ly tán tứ xứ, thế hệ người lớn hàng mẹ cha cũng lần lượt quá vãng, cô cậu thiếu niên ngày nào cũng đã lớn khôn và thay hình đổi dạng, cả hai cùng phiêu lưu đây đó tìm kế sinh nhai. Và tất nhiên ở cái tuổi “tam thập nhi lập” cậu quý tử ngày nào cũng phải tới hồi tạo lập gia thất.
.
Đêm tân hôn, chú rể âu yếm vuốt tóc cô dâu, bỗng sờ tay đụng phải cái gì cồm cộm dưới mái tóc. Anh ta hỏi vợ: “Hình như nàng có cái sẹo trên đầu phải không, bộ nàng bị ngã, vết đạn xước hay…?”. Nàng không trả lời, yên lặng một hồi lâu rồi kể lại đầu đuôi câu chuyện ngày xưa cho chàng nghe. Rồì không dấu được căm hận, nàng nghiến răng: “Thằng khốn! Không biết hắn ta giờ ở đâu, nếu gặp lại, chắc thiếp cũng sẽ lấy một cục gạch thật to đặng ném cho vỡ sọ hắn ra”!…
.
Tất nhiên, câu chuyện đầy “ấn tượng” này có lẽ cũng chỉ là hư cấu, không có thực, chỉ nhằm chứng minh “uy lực” của ông Tơ bà Nguyệt ở đâu đó, chứng minh “tác dụng” của sợi dây tơ hồng trong tay hai vị, vốn cũng chẳng hề có thực. Chính những trải nghiệm của mỗi cá nhân và những người xung quanh mới là “sự thực sống động” để rồi ai cũng buộc phải nghi ngờ rằng nam nữ khi lập thân đều có “duyên số” hẵn hoi và vợ chồng hẵn là có “duyên nợ” với nhau như người đời vẫn thường nghĩ.
.
hinh-anh-tinh-yeu-nguoi-gia-dep-lang-man- (9)
.
*Vậy thì thế nào là duyên số, là duyên nợ?

.
Theo nhà Phật, duyên số và duyên nợ có nguồn gốc từ “luân hồi nhân quả”, gieo gì gặt nấy. Gieo ở đây là “gieo nợ”, mắc nợ từ kiếp trước – gọi là “nợ tiền duyên” – còn gặt ở đây là “gặp”, là hưởng trong kiếp này vậy. Và như thế, vợ chồng đến với nhau kiếp này chính là do duyên nợ từ kiếp trước mà thành, là để “thanh toán nợ nần” với nhau. Có điều phải hiểu rằng “nợ tình” ở đây không hẵn phải là “nợ xấu”, trái lại cũng có thể là cơ duyên để …“góp vốn” làm giàu! Tốt hay xấu, sâu xa vẫn là từ cái “nghiệp” mà ra. Bởi vậy mà có cặp sống với nhau tràn đầy hạnh phúc, còn cặp kia thì không, thậm chí là tổ ấm trở thành “địa ngục trần gian”!
.
Dẫu sao, đó cũng chỉ là một cách lý giải từ niềm tin vào tôn giáo, vào tâm linh, không cần kiểm chứng. Cũng như chuyện ông Tơ bà Nguyệt trong dân gian với sợi “tơ hồng xe duyên” cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Còn thực hư ra sao khó mà có lý lẽ để kết luận chính xác được. Có điều ai cũng phải nhìn nhận rằng trong thực tế, có nhiều tình huống, nhiều hoàn cảnh diễn ra trước mắt khiến người đời phải suy nghĩ. Chẳng hạn như “tiếng sét ái tình” là gì khiến người trong cuộc phải đắm đuối si mê nhau ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên? Ngược lại, sao đã “ghét cay ghét đắng” người ta trong buổi đầu gặp gỡ, lại thành vợ thành chồng? Rồi tại sao yêu thương khắng khít nhiều năm, tưởng chắc rằng sẽ đi tới hôn nhân nhưng cuối cùng đành vỡ mộng? Ngược lại, tại sao chỉ mới bất chợt gặp nhau lại tác thành viên mãn? Tại sao có những cặp đôi sống với nhau như…kẻ thù lại không thể tách rời nhau ra? Ngược lại có những cặp đôi sống với nhau tình nghĩa như “bát nước đầy” lại mau chóng chia ly? Tại sao và tại sao…vv và vv.
.
Rõ ràng là đã có một sự sắp xếp, định đoạt nào đó, từ một bàn tay vô hình nào đó trong quá trình kết hợp vợ chồng, không thể lý giải một cách khoa học, mà chỉ cảm nhận. Không thể cứ “nỗ lực, kiên trì” là tìm ra được một “nửa kia”, nghĩa là dùng “mưu sự” và ý chí của con người để thắng được “thành sự” từ …ông trời. Và thực tế đã chứng minh rằng ai cũng có thể thuộc làu và tuân thủ bài học “đạo nghĩa vợ chồng” từ trong sách vở thánh hiền, nhưng không phải ai cũng có khả năng bảo vệ được hạnh phúc lứa đôi nam nữ.

Nguyên Đạo Ảnh minh họa: sưu tầm
(Trích từ www.langkemonsaigon.com)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác