CHUYỆN VỀ CÁI LỒNG CHIM (tạp luận) 03-09-2017 Thao Nguyen

Thời bây giờ thiên hạ nở rộ phong trào chơi chim. Đây là thú vui trong bộ “tứ quý” chim, hoa, cá, kiểng. Người lớn chơi đã đành, thanh niên mới lớn cũng chơi. Vừa chơi mà lắm khi lại ngẫu nhiên có được một nghề: nghề mua bán chim. Thường thì người ta chọn những loài chim có tiếng hót hay như họa mi, sơn ca, chích chòe, vàng anh đến chim khuyên, chim khướu, chào mào, cu gáy… Tôi thì chỉ thích có chào mào và cu gáy – là hai loài chim phổ biến và gần gũi nhất ở quê tôi thời niên thiếu. Đặc biệt tiếng gáy của chim cu ban trưa nghe nó buồn buồn, xa xôi như là “ai đang chờ ai đó” vậy.

Cạnh nhà tôi có ông bà hàng xóm cỡ tuổi lục tuần, có cậu quý tử. Hai cha con cùng chơi chim. Sáng nào chưa thức dậy đã nghe tiếng chim hót, y như đang ở vùng quê đâu đó, riết thành ghiền. Rồi bẵng đi một vài hôm tôi không còn nghe tiếng gáy quen thuộc của con chim cu nữa. Tôi sang nhà thăm chơi chỉ thấy bà chủ ở nhà. Tôi hỏi: “Sao mấy hôm rày không nghe tiếng chim cu gáy nữa hả bà?”. Bà buồn buồn giọng tiếc rẻ: “Cậu ơi, tiếc đứt ruột, ông nhà tôi ổng bán con chim của ổng rồi. Chim của ổng vừa đẹp lại vừa gáy hay nữa, hay hơn chim của thằng nhỏ nhiều…”!

hqdefault1

-CON CHIM VÀ CÁI LỒNG CHIM

Nếu có một cách nào đó để tập họp muôn cầm, muôn thú lại mà hỏi chúng rằng: chúng bây thích ở trong lồng, trong chuồng hay thích sống giữa trời cao biển rộng, thì chúng sẽ đồng thanh trả lời dứt khoát rằng: “Chúng tôi thích núi rừng trời biển!”. Chắc chắn như vậy, bởi vì đó mới thực sự là không gian sống lý tưởng, là bầu trời tự do độc nhất vô nhị của chúng.

Chuyện kể rằng có hai con chim nọ, vốn là bạn thân của nhau, một con bị nhốt ở trong lồng và một con – nghe tin bạn bị nạn bèn tới thăm – đang đậu trên cành cây ở bên ngoài. Con chim ngoài ái ngại nhìn con chim bên trong hỏi:
-“Lâu lắm không gặp mày. Mày khỏe không?”. Chim trong vui vẻ trả lời:
-“Khỏe chứ, dạo này tao lên cân nữa đó”.
-“Vậy à”… Rồi con chim trong lồng thao thao bất tuyệt:
-“Mày biết không: từ ngày vô ở đây tao chẳng còn sợ thằng nào ăn hiếp tao nữa. Tụi đại bàng trên trời, rắn rết dưới đất chẳng thấy đứa nào dám lai vãng kiếm chác gì ở đây. Chỉ có con người, nhưng họ cưng tao lắm, sáng trưa chiều tối họ cho tao ăn tao uống đầy đủ thoải mái. Tao chẳng cần vất vả đi kiếm ăn như trước. Tao cũng còn được ca hát thoải mái, thậm chí còn được ông chủ tập cho nói tiếng người nữa… Mà mày có thấy nhà tao đang ở không? Nghe nói cái lồng sơn son thếp vàng này ông chủ mua tới mười mấy triệu bạc lận. Mày coi, bên trong đầy đủ tiện nghi. Ờ… mày có muốn vô đây chơi không?”

Chim ngoài nãy giờ chăm chú nghe, không nói gì, nhưng khi nghe chim trong ngỏ ý “mời” vô nhà chơi, nó rùng mình, vỗ cánh cái rẹt:
-“Vô chơi ư? Cám ơn mày nhiều, tao đi đây. Vĩnh biệt”!
Chim ngoài vừa bay vừa giận run lên, không ngờ thằng bạn của mình ngày xưa bây giờ lại u mê đến như vậy. Nó văng tục chửi thề: “Đ.M thằng ngu, tự do không ưa, lại thích cầm tù, cho mày chết!”

-CHỦ NGHĨA VÀ CÁI LỒNG CHIM

Thời xưa, lúc còn sơ khai, lạc hậu, con người sống chan hòa với thiên nhiên. Cũng như muôn loài khác, con người coi trời đất là mái nhà; rừng núi, sông biển là kho chứa thức ăn, nước uống vô tận. Ngày nay, sau bao thiên niên kỷ trôi qua, con người tự cho mình là “văn minh”, mang đầu óc “tiến bộ” của mình ra để khai thác triệt để, cạn kiệt thiên nhiên, rồi tự nhốt mình trong phòng máy lạnh, nhốt mình trong những yêu sách vật chất tầm thường của bản năng. Tệ hơn nữa, con người ngày nay đang tự nhốt mình trong cái “lồng chim” học thuyết, chủ nghĩa và nhà tù ý thức hệ.

Con người tự chui vào trong những cái lồng chim khổng lồ ấy, rồi tự coi đó là ngôi nhà chân lý, ngôi nhà ưu việt. Ai cũng cho cái lồng của mình là đẹp nhất, tốt nhất, là thành trì vững chắc nhất. Chẳng ai chịu thua ai, và rồi thế giới loài người trở nên hung tợn, tàn ác, coi đồng loại như kẻ thù. Con người không ngần ngại mang những thứ vũ khí hủy diệt ra để giết nhau, để bảo vệ cho cái thành lũy khốn kiếp ấy, bất chấp lương tâm và lương tri của nhân loại. Chẳng ai ngạc nhiên khi chiến tranh cứ không ngừng nối tiếp chiến tranh.

-LỊCH SỬ VÀ CÁI LỒNG CHIM

Lịch sử của một đất nước là dòng chảy tiếp nối những gì đã diễn ra trên đất nước ấy, được ghi lại bởi những nhà sử học. Một trong những điều kiện cốt lõi và hấp dẫn của lịch sử là tính khách quan. Nhà viết sử, ngoài kho tàng tri thức về sử liệu, thì vốn tri thức ngoài sử liệu đóng vai trò quan trọng. Đó là vốn tri thức tổng quát hình thành từ nhiều lĩnh vực khoa học khác.

Nhưng chưa đủ. Yếu tố bao trùm trong nhận thức và đánh giá lịch sử vẫn là vai trò chủ quan của nhà viết sử. Bởi nhiều yếu tố sẽ tác động mạnh lên tính chủ quan này. Những yếu tố đó hợp thành một “hệ thống giá trị”: giá trị phổ biến (hay giá trị chung của nhân loại), giá trị nhóm và giá trị cá nhân – trong đó giá trị nhóm và cá nhân có vai trò tác động trực tiếp.

Giá trị nhóm và cá nhân đây không gì khác, là những quan điểm, những học thuyết, những chủ nghĩa hay ý thức hệ đương thời. Chúng chẳng khác cái vòng kim-cô từng được khóa chặt trên đầu của Tôn Hành Giả, chẳng khác gì những cái lồng chim nhốt các con chim ở trong lồng, không con chim nào có thể mô tả cái không gian bên ngoài lồng chim cho thật đầy đủ, trung thực và khách quan.

Nói như vậy là để thấy rằng, chỉ có những ai đứng ngoài hay vượt lên cái “giá trị nhóm và cá nhân” ấy mới phóng được tầm mắt đủ để nhìn lại lịch sử, đủ khách quan để viết sử một cách trung thực. Đó mới là chính sử, còn không thì chỉ là ngụy sử mà thôi. Nói khác, tôi không thể có đủ khách quan để đánh giá về tôi, lại càng không hề có đủ công bằng để đánh giá những ai mà tôi cho là thù địch. Một triều đại không thể tự đánh giá bằng con mắt sử học về triều đại của mình. Nhà Nguyễn không thể có đủ khách quan để đánh giá về nhà Tây Sơn hay ngược lại. Đó là điều hiển nhiên.

*Hoàng Vân
(Viết khi nghe tin bộ Lịch Sử Việt Nam 10.000 trang sắp ra đời)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác