Chuyện Con Chó 16-10-2011 minhhien


Lúc còn nhỏ ở ngoài Làng Kế Môn, tôi thấy chỉ có một số rất ít dân làng buôn bán hay làm nghề tiểu thương ở trên chợ, còn hầu hết đều theo nghề làm ruộng, nhà nào ít, thì năm ba sào hay khá hơn thì vài ba mẫu. Còn nghèo, không có ruộng, đến mùa gặt cấy thì đi làm công cho nhà khác, trước là để có cơm ăn ngày bốn hoặc năm bửa, chưa kể lại có thêm được một bao lúa của chủ nhà trả công mang về.

Nhưng dù giàu hay nghèo, hầu như nhà nào cũng có nuôi thêm một ít con lợn (heo), con gà hay con vịt , để mỗi khi kỵ giổ hoặc cưới hỏi ,làm một vài mâm cơm, trước là để cúng cho người  đã mất, sau để mời bà con nội ngoại ăn giổ hay tiệc tùng . Còn không, khi cần tiền thì đem ra chợ bán, có được ít tiền mua gạo hoặc các thức ăn hay những thứ cần thiết khác. Có người nghĩ xa hơn một chút, nuôi nó cho mau lớn, để dành  đến lúc lấy vợ, gả chồng cho con , thì cho con làm để làm vốn.  Biết đâu từ một con Nái, con Mái, hay mấy con Vịt cấy đó…sau này sinh sôi nẩy thành đàn mà con cái lại trở nên khấm khá !!!

Ngoài ra, có nhà còn nuôi một hai con Chó, nhất là trong nhà có con nít “Baby”. Đúng là một công hai việc,trước là để giữ nhà, sau là để các chú  thím Chó dọn giùm (thanh toán sạch sẽ) mấy đống c. vừa thải ra …, không phải tốn công lau chùi, dọn dẹp…Nói chung, ngoài con trâu ra,  con Chó cũng là một trong những con vật được trọng dụng, hơn nữa, chó cũng có tình, có nghiã lắm. Bởi vậy, dân ở Làng mình ít  có ai đem chó của mình nuôi ra làm thịt. Vả lại, phần đông dân làng đều theo Đạo Phật hay Thờ Cúng Ông Bà, nên thịt chó, thịt ếch là điều cấm kỵ … Nhưng lại có một người , rất nổi tiếng trong Làng về việc ăn thịt chó. Những ai đã lớn tuổi hay thường về thăm làng vào những năm của thập niên 1950 hay 1960 đều biết đến  Ôn Viễn,một người ngụ cư (người từ làng khác tới ở tại làng), nhà ôn ở nơi Bến Ông Lới. Thời đó tụi tôi đặt ông là” Vua” ăn thịt chó, bởi vì ông đi tới đâu, thì chó chạy theo ông , có khi cả đoàn, vừa chạy, vừa sủa inh ỏi…sủa cho đến khi nào khuất bóng ông mới thôi. Bến ôn Lới,nơi ông ở, là một bến cụt, chỉ như là một con rạch nối liền với bến Dưới, để tròng nốt qua lại trong muà gặt cấy, chứ không phải là Hói chạy thẳng ra Sông. Bởi vì nó không chảy ra, chảy vào như con sông hay con hói ,nên mặt nước hình như đọng lại một chổ giống nước ở trong hồ. Và cũng vì ông làm chó ngay tại cái bến đó nhiều quá, đến nổi, dưới bến lúc nào mở và lông chó cũng đóng thành từng mãng lớn nổi lềnh bềnh trên mặt nước thấy mà khiếp đảm…Thực tình thời đó, tôi cũng không hề hay biết : Chó ở đâu, mà ông có để làm thịt ăn hoài như vậy. Nhưng có một lần, tôi biết chắc chắn, nhân một dịp được về làng ăn tết. Thím của tôi, có nhà ở ngay sát đường ngang, trong nhà có hai em bé, nên thím có nuôi một con chó Vện , ngoài con Vện ra, thím còn nuôi thêm một đàn vịt chừng ba bốn con gì đó. Một bửa nọ, không biết vì sơ ý hay sao? đàn vịt cuả thím xổ  chuồng, chạy tuốt  xuống mấy đám ruộng sát đường cái Quan để tìm mồi hay rong rêu mà ăn, không may, gặp lúc ôn Viễn , là người từ lâu nay, được thôn trưởng của 2 ngụ Nhứt và Nhì Đông (từ xóm Đập ở đầu Làng tới Xóm Đình ở giữa Làng) , cử ôn làm người canh giữ đồng  ruộng  “Rice field’s  guardian”. Thế là trong chốc lát, cả mấy con vịt đẵ nằm trọn trong tay ôn, nghĩa là ôn có quyền sinh sát,vì vịt đã vi phạm cái tội  xuống ruộng ăn hay phá lúa của dân mà…Nhưng  ngược lại, ôn không thèm mổ vịt để ăn, ôn kêu thím tôi xuống nhà cho chuộc mấy con vịt lại, với một điều kiện duy nhất rất ư là dể dàng:  đưa cho ôn con chó Vện, thế là xong. Tết nhất đến nơi, có mấy con vịt trong nhà trong cửa, chờ  làm thịt để cúng” Ôn Mệ” ba ngày đầu năm ; không có vịt,làm gì có tiền để mua đồ cúng, thế là phải chịu đưa cho ôn con Vện để lấy lại mấy con vịt , vì có ai đi giết chó làm đồ cúng bao giờ ! ! !

Rồi một lần khác, độc đáo hơn nữa, hôm đó,tôi nghe bà con kể lại : ông có việc đi xuống chợ Đai Lộc (chắc là để mua củ riềng hay lá mơ). Vưà đi ngang qua quán hớt tóc của ông Đường nơi xóm đập, sát bên  chợ, mấy con chó đang nằm trước sân, hình như ngữi hơi và thấy ông, chúng xông ra và sủa ầm vang cả xóm chợ , ông đi tới đâu, mấy con chó chạy theo sau lưng ông chừng đó…và không hiểu có tình tóan trước hay không ? nhanh tay ông, lấy một vật nhọn để sẵn trong túi, rạch một lổ vào dưới da  nơi ống chân, làm máu chảy ra …rồi ôn la hoảng hốt,:”tui bị chó cắn, tui bị chó cắn… chảy máu nè bà con ơi ” Thế là ông có dịp làm khó dễ,  đòi Ông chủ quán hớt tóc, phải đưa ông vào bệnh viện trong Huế điều trị “Bịnh chó dại” . Đâu có ai nghĩ rằng: ” chó suả là chó không bao giờ cắn”, người Mỹ cũng có câu” Barking Dogs seldom bite” nếu nó muốn cắn, cứ việc gầm gừ im lặng, chờ cơ hội, đớp cho một phát, rồi cong đuôi chạy là xong ngay.  Nghe ôn Viễn nói vậy, cả nhà ông thợ hớt tóc cũng lo lắm, không biết  tính sao?  Đưa ông vô Huế chữa bịnh tốn kém dữ  lắm, đã hao tổn tiền bạc lại mất thời giờ, bỏ tiệm cắt tóc ai làm đây-tết nhứt đến gần kề,  đang phân vân do dự,  thì ông Viễn mới đề nghị: “ thôi được, đưa cho tôi một con chó, tất cả mọi  chuyện sẽ xong ngay. Thế là thêm một chú chó , được đưa lên giàn hỏa ” tử vì đạo”.

Đó là chuyện ngoài Làng lúc nhỏ, tôi được nghe và thấy. Sau này vào sống ở Đà Nẵng với bà con, trong nhà cũng có nuôi một con chó khá lớn, tên là” con Ky”. Chắc là giống tốt và được ở thành phố, ăn uống, chăm sóc đầy đủ, nên to lớn  và khỏe lắm, vì vậy  năm nào cũng đẻ được vài chú chó con, đẻ xong, lại đem cho bà con hay hàng xóm nuôi…Cứ như vậy, nó sống với gia đình của cậu suốt hơn mười năm.  Nhớ  Tết Mậu Thân, chiến tranh xãy ra ngay trong thành phố, súng đạn nổ um sùm.. khắp tứ phiá, hoảng hốt, nó chạy lạc đi đâu mất,cả nhà không ai hay biết  Ba bốn ngày sau cũng không thấy nó về nhà, ai cũng nghĩ, chắc bị trúng đạn chết hay đi lạc bị người khác bắt rồi. Khoảng gần một tuần sau, tình hình trong thành phố trở lại bình thường và yên tỉnh, buổi tối cả nhà đang ngủ, bổng nghe có tiếng chó rên rên,rỉ  rỉ  và có cả tiếng quào cấu vào bức cửa sắt ở tầng trệt, tôi vội vùng dậy, bật đèn và chạy xuống cửa để coi động tỉnh ra sao, thật là bất ngờ, vửa mở cửa ra,  đã thấy con “Ky ”  chồm dậy và tông cửa chun vô nhà thật nhanh, mặt mày bơ phờ, mình mẫy lem luốt,vẫy đuôi mừng rỡ lắm. Thế là cả nhà thức dậy, mừng không thể tả, cậu tôi mừng và xúc động quá, không cầm được nước mắt…Nhưng than ôi! chỉ vài tháng sau, chắc tại con Ky cũng đã già, sức khỏe cũng hao mòn theo năm tháng, nên nó cứ yếu dần cho đến một ngày nọ, con Ky cũng trút hơi thở cuối cùng…Cả nhà ai cũng thương tiếc. Sau khi nó mất, chúng tôi  kiếm một cái thùng giấy thường dùng để đựng hộp nữ trang khá dày và cứng , vừa đủ để đặt nó vô thùng, tôi thuê chiếc xe xích lô, chở lên nghiã điạ gần ngã ba Cai Lang, tìm một khoảng đất trống nằm dưới chân mộ người ta, nhờ bác chạy xe Xích Lô đó đào một cái huyệt nho nhò, vừa lớn bằng cái thùng giấy rồi bỏ xuống và lắp đất lại như một ngôi mộ nhỏ trước khi ra về… Tình cờ vài năm sau, có dịp đi ngang qua nghiã địa đó để tới nhà của người bạn ở Thanh Khê, tôi ghé vào thăm, ngạc nhiên hết sức, bây giờ ngôi mộ  vẫn còn đó và không biết người nào đã vun xới , đắp thêm đất chung quanh cao ráo, tươm tất, sạch sẽ,trông  như một ngôi mộ của người chết , có cả mấy chưng nhang của ai đó đã thắp cho con Ky nữa. Đúng là số nó có phước.

***

Bây giờ đến chuyện bên Mỹ, trong nhà anh Ba tôi , mấy đứa cháu cũng có nuôi  hai con chó thật dể thương ,  mỗi lúc đi đâu về có hai con chó, đùa giỡn với nó cũng vui vẽ lắm. Khi nào cà nhà đi khỏi, hai con chó được mấy cháu thả ra sau vườn , có hàng rào bao quanh nên rất an toàn . Một bửa nọ, không biết sao, cháu lớn mở cửa hàng rào để đem thùng rác ra bỏ ngoài đường cho xe rác đến lấy, xong  vội vàng lên xe đi học, quên đóng cửa , thế là mấy chú chó được tự do, thừa cơ hội chạy tung tăng ra đưòng ,có lẽ lâu ngày bị nhốt trong nhà, trong vườn, hôm nay đươc chạy chơi thỏa mái,không ai theo dõi, nên thi nhau chạy bạt mạng, vì thiếu “cảnh giác”, nên không may, một con đã bị chiếc xe lấy rác tông chết, bỏ xác nằm bên lề đường. Đến trưa, cháu Ngọc đi học về mới biết tin con chó mà cháu cưng nhất đã bị  chết rồi, thương và thấy tội nghiệp quá, cháu khóc suốt ngày, sưng húp cả hai mí mắt. Sau đó, phải thuê  ông Mễ hàng xóm đem bỏ nó trong thùng , đưa ra nghĩa trang của thú vật ( Pet  Cemetery)  chôn cất tử tế.  Vừa mất chó, lại tốn thêm mấy trăm đô trả công và đất tại nghĩa địa cho người ta nữa…

Chó và người  qúy mến và thương nhau như vậy đó.

***

Trở lại chuyện của Chó ỏ bên quê nhà . Tuần rồi, lên online tìm đọc mấy cái tin “xe cán chó” (ý nói mấy cái tin tức vô thưởng vô phạt của mấy anh chàng phóng viên nhà báo trước năm 1975, cả ngày ngồi tán dốc ở mấy quán cà phê bên lề đường, gặp chuyện không quan trọng, chuyện riêng tư, hay chuyện nhà chuyện cửa của dân cũng đưa lên báo, bắt độc giả phải đọc). Nhưng lần này cái câu chuyện chó rất là trầm trọng, đến mức ông Mike Ives, một phóng viên quốc tế của hãng thông tấn Mỹ  AP.  ở Hà Nội phải lên tiếng và gọi đó là: “ Dog Wars” , xin tạm dịch là: ”Cuộc chiến Vì Chó”.

Câu chuyện kể không phải vì các con chó cắn xé , đấm đá hay giết nhau như thời kỳ chiến tranh trong nước., mà  mục đích của bài viết là nói về  “Tệ nạn ăn trộm Chó” ở Hà Nội. xin được ghi lại, nếu bà con nào chưa đọc, thì đọc  cho biết. Chuyện kể:  Ông Nguyễn Văn Cường, một người dân Hà Nội, đang ở trong nhà, nghe có tiếng tri hô: ”Trộm”, “Trộm”  từ người hàng xóm, tức tốc cháy ra, thì đã quá muộn. Hai tên trộm đi trên xe gắn máy đã chộp lấy con chó yêu qúy của ông và phóng vèo đi mất.

Ông Cường và hàng xóm đuổi theo hai tên trộm trong tuyệt vọng. Trong khi đó hai tên trộm chuyên nghiệp, vừa chạy vừa ném gạch ngói vào những người đang truy đưổi. Một trong những miếng gạch đá bay trúng đầu một người đứng gần đó và giết chết ông này ngay tại chổ.

Những cuộc rượt đuổi người trôm chó, xãy ra rất bình thường trên cả nước. Vì dân mình, nhất là người ngoài miền Bắc,thích nhậu Cầy Tơ , không thua gì mấy ông củ sâm Đại Hàn cả, nên nhu cầu  thịt chó , cung cấp bao nhiêu cũng không đủ, đã vậy thịt cầy laị bán được giá, nên nhiều người thích “kinh doanh”  tổ chức đi trộm chó bán cho các cửa hàng ăn “Mộc Tồn” là mau có tiền nhất. Thỉnh thoảng, cũng có người đi ăn trộm chó, bi chủ dùng gậy gộc đánh chúng đến chết-thậm chí có trường hợp, người bị mất chó, châm lữa đốt chết tên trộm nữa. Ngược lại, mấy tên chuyên đi trôm chó, cũng xử dụng vủ khí  như dao búa, gạch đá… để chống trả người truy đuổi.   Tình trạng trộm chó mỗi ngày mỗi leo thang,mỗi ngày mỗi táo bạo hơn, và cứ thế, chỉ vì mấy con chó , đã có không biết bao nhiêu người phải  ”hy sinh tính mạng” để bảo vệ con cầy.  Các quán thịt chó đã phát triển rất nhanh, ở khắp hang cùng ngỏ hẻm của Hà Thành  và các thành phố lân cận…

Chó ỏ Việt Nam, thường  được thả và đi lung tung ở ngòai đường, nên chúng dễ dàng trở thành những miếng mồi ngon. Một con Chó còn sống, bán được gần 6 đô la /kg , thậm chí còn đắt hơn cả thịt gà. Trộm được một con chó nặng khoảng 20 kg, có thể bán được hơn 100 đô, cần gì phải đi làm cho cực thân xác !

Ở phương tây, nói chung người ta nuôi chó mèo trong nhà, vì họ coi những con thú như là một thành viên trong gia đình, nên chó hay mèo , họ trân qúy, nâng niu , chiều chuộng , săn sóc, mặc dù biết là nuôi nó , chi phí không phải ít : ngoài việc  lo ăn uống, đưa đi bác sĩ, tiền thuốc men, chủng ngừa, cắt lông,  cắt tóc, móng chân, móng tay… ôi thôi đủ chuyện. Có người lớn lên, không cần lập gia đình, chỉ nuôi một hay vài con mèo hoặc chó, coi như bạn bè thân thiết hoặc như con cái trong nhà ,thế là đủ. Còn bên mình, nuôi chó, một là để giữ nhà, hai là để ăn thịt, chó chưa được qúy trọng như các người  ở tây phương, mặc dù, ở Việt Nam, ngày nay , đã có nhiều người , nhờ cách này hay cách khác, trở thành  đại gia, cũng đua đòi học làm sang, trong nhà cũng tậu một hay vài con chó loại hiếm qúy, đắt tiền để có dịp khoe khoang với thiên hạ , cán bộ , hay đồng nghiệp trong sở.  Tổ chức tiệc tùng mừng sinh nhật cho chó, có khi tốn cả mấy  chục triệu…

Riêng bà con mình, nghĩ sao về chuyện này ? qúy vị là người  ủng hộ  “sống trên đời, không ăn thịt chó, chết xuống âm phủ, không có miếng thịt chó mà ăn” hay trái lại là người sẽ phản đối mạnh mẽ  chuyện giết chó ăn thịt.  Nếu được như vậy,  ngại ngùng gì mà không  gia nhập  hội “ Bảo vệ thú vật “  “We Love Pet” qúy vị nghĩ sao?

Hoàng ( ngày 6/10/2011)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác