Cặp rắn Mãng Xà tu ở chùa Trà Am, Huế 21-04-2013 minhhien
Chùa Trà Am được xây dựng từ năm 1923, khi xây dựng thành lập chùa, tổ khai sơn lấy biệt hiệu của mình đặt tên cho chùa là Tra Am , Tra Am là do điễn tích của Trung Hoa, theo Nam Sử, Trương Phu thuở nhỏ tên là Tra, cha ông là Trương Thiệu tên tục là Lê. Vua Tống Văn Đế thường gọi đùa rằng :” Tra sao bằng Lê được !” Trương phu cười mà tâu rằng: ” Lê là cây trăm quả, Tra đâu dám sánh bằng !” Đời sau dùng điển tích này ám chỉ cho người sau không bằng người xưa, ngụ ý trong sự khiêm nhường tôn kính, Tổ khai sơn lấy biệt hiệu Tra Am không dám tự cho mình bằng được như sư phụ. Trong di chúc để lại vị tổ khai sơn này nói câu; ” Tự hậu Tra bất như Lê dã ” để tỏ lòng tôn kính sư phụ mình. Người dân Huế đọc không quen được chữ Tra Am họ đọc trại ra thành chữ Trà Am lâu ngày người ta quen gọi tên chùa là Trà Am, nó là Tra Am với cái điển tích có ý nghĩa mà vị tổ khai sơn đã đặt cho nó. Ông cùng với mấy đệ tử là Trí Uyên, Trí Hiển, Trí Giải và vài ba người giúp việc xắn tay áo đốn cây, chặt lá, cuốc đất làm nền xây dựng chùa, giữa một mảnh đất còn hoang vu chưa có dấu vết chân người lui tới, lúc đầu chỉ là một mái tranh che sơ sài, phên tre bện, được trét bằng đất sét với rơm ngả qua màu vàng, gian trước để thờ Phật, bên tả là nhà trai tăng và bếp, bên hữu làm phòng khách phía sau là thư phòng và chổ nghĩ ngơi. Cảnh trí chung quanh chùa là một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật hiếm có, tất cả cây cỏ, khe suối, núi đồi, đá tảng được tạo hóa sắp xếp tạo thành một quần thể, để khi ai đó bước chân đến ngôi chùa này cũng cảm thấy phảng phất chung quanh một sự nhẹ nhàng bay bổng, để tâm hồn mình trở nên thanh thản, thanh tịnh siêu thoát trước cảnh sắc quang phóng thoát tục, ở nơi đó con người dễ hòa mình trong sự trầm mặt, sâu lắng tĩnh lặng của triết lý Phật Giáo.
Cảnh trí, chung quanh chùa thật tuyệt vời, nơi nầy đã nói lên sự sâu sắc, với ý nghĩa của con đường tu học mà con người đã chọn với sự giác ngộ, giải thoát những cảnh trầm luân đau khổ của con người. Đường đi vào chùa Trà Am phải đi ngang qua một cái cầu làm bằng thân một cây thông to, có tay vịn, chiếc cầu này bắt ngang một giòng khe, suối nhỏ mang tên là Tẩy Bát Lưu, Tẩy Bát Lưu có nghĩa là là giòng khe để rữa bình bát. Chùa Trà Am, sau nầy đổi tên là ” Mật Sơn Tự,” là một ngôi chùa nhỏ, nằm sau lưng núi Ngự Bình. Muốn đi đến chùa, phải đi theo con đường đất đỏ, chạy sau lưng núi từ phía An Cựu, rẽ qua tay trái, băng qua một giòng suối, đi ngang qua nghĩa trang của tộc họ Nguyễn Khoa, nép theo các hàng tre xanh dẫn đến cổng chùa. Ngôi chùa này cũng như bao nhiêu ngôi chùa khác ở Huế, có vườn mít, chuối, chè xanh, có một hàng trúc xanh cao lớn bao bọc. Chùa này thuộc loại chùa nghèo, vách xây, mái lợp ngói âm dương, sân chùa lát gạch, bên trong chánh điện lát bằng xi măng, cách xa phía sau chùa, có ba ngôi mộ tháp của các vị trụ trì đã viên tịch. Những đặt điểm sâu lắng trong tâm hồn, mỗi khi tôi nhớ lại Huế là nhớ đến câu chuyện của người Sa di và Thượng Tọa kể về cặp rắn Mãng Xà tu ở chùa này. Trong chuyến viếng chùa lần đầu tiên, cách đây đã khá lâu, khi cảnh hoàng hôn buông xuống một mảu vàng rực sau sườn núi Ngự Bình, khi tiếng chuông công phu chiều vừa chấm dứt thì người Sa di cho tôi biết là trong chùa này có cặp rắn Mãng Xà khổng lồ ở dưới hang của các ngôi tháp, vào đợt công phu sáng thường hay bò vào chánh điện để nghe kinh, và nghe xong thời kinh, thì bò về lại hang ở dưới tháp. Theo lời người Sa di cho biết thì cặp rắn Mãng Xà này ở chùa này đã lâu, rất hiền, không nguy hiểm, không đáng sợ, vì trong mấy năm tu ở đây, ông ta chưa bao giờ thấy hay nghe nói về cặp rắn Mãng Xà này làm hại ai cả, mặc dù hình thù rất dễ sợ làm cho người nào mới gặp lần đầu cũng phải khiếp đảm vì sự to lớn của thân hình bởi những khoang rằn ri màu vàng và đen sọc trên các vảy dày sắp lớn trên mình. Tôi đang nghe người Sa di kể lại câu chuyện về cặp rắn Mãng Xà tu thì Thượng Tọa bước đến. Với nụ cười hồn nhiên và đôn hậu của một vị chân tu, ông ta nói thêm rằng đừng có sợ sệt hay lo lắng chi cả, lúc đầu chưa quen, thì cứ ngồi yên trên giương, rút chân lên, để xem cặp rắn bò vào nghe kinh. Với sự ngạc nhiên pha lẫn nỗi bâng khuâng lo sợ, tôi đánh bạo hỏi; Thượng Tọa, sao không đuổi cặp rắn ấy vào núi, mà để ở gần chùa như vậy, có thể làm hại đến tánh mạng của các vị tu hành, hay các Phật tử hành hương, thì Thượng Tọa trả lời rằng:- Chùa chiền là nơi thanh tịnh để cho chúng sinh tìm đến tu tập, nay chúng sinh đã đến đây tu hành nghe kinh hiểu pháp, mà đuổi họ (chỉ cặp rắn Mãng Xà) đi thì không hợp đạo lý, hơn nữa, họ không làm gì hại đến ai cả, vả chăng muốn đuổi họ đi, thì không ai có đủ sức đuổi họ, hãy chờ thời công phu sáng, thì anh sẽ thấy họ, và chứng kiến sự hiền hòa của họ. Nghe ThượngTọa, giải thích như trên, tôi cũng tạm yên tâm, song chưa hết thắc mắc, nằm trên giường nghĩ miên man, mà ngủ hồi nào không hay, đến khi nghe các tiếng chuông của đại hồng chung ngân vang, tôi mới thức giấc, bèn ngồi xổm dậy, buổi công phu sáng bắt đầu. Tiếng chuông đại hồng chung kèm theo tiếng niệm danh hiệu các vị Phật của người Sa di vừa chấm dứt, các đèn dầu và nến được thắp sáng thì Thượng Tọa, đắp y hậu nặp chỉnh tề, bước lên chính điện để niệm hương cúng Phật. Xong phần này, Thượng Tọa ngồi trệt tọa xuống, một tay chuông, một tay mõ bắt đầu tụng kinh. Độ 5 phút sau, tôi còn ngồi xổm trên giường tre, thì bỗng nghe những tiếng đập bạch bạch dưới nền chánh điện, và qua ánh đèn dầu và đèn nến chập chờn, tôi thấy rõ ràng một con rắn to, dài thân hình tròn, óng ánh xanh như một ống tre luồng cỡ bằng bắp chân người, trên đầu có một cái mồng đỏ như mồng gà trống, nhưng mồng không đứng thẳng mà ngả sang một bên, giống như đội chiếc mũ ca-lô trên đầu. Tiếng đập bạch bạch dưới đất là do cái đuôi rắn đập xuống nền, khi di chuyển, vì hình như có phần cuối của đuôi bị cụt. Tiếp theo sau là một con rắn khác thân hình đen nhánh, vẽ từng khoang, nhưng cái mồng
đỏ trên đầu thì nhỏ hơn và đứng thẳng đang bò vào, nhẹ nhàng ít tiếng động hơn. Bò qua cửa xong, thì 2 con chia làm 2 hướng, bò thẳng về phía bàn thờ, leo lên bàn thờ, và quấn tròn mỗi con một bên, khoanh tròn chồng chất lên với nhau, thấy mà lạnh tóc gáy. Sau này khi hỏi người Sa di tại sao một cặp rắn mà con ngắn con dài, 2 mồng trên đầu lại khác nhau, thì người Sa di, tu trong chùa, giải thích rất trịnh trọng, bằng cách gọi 2 con rắn Mãng Xà ấy là “Ông dài” và “Ông cụt”. Ông cụt là con rắn đực, có mồng lớn, Ông dài là con cái, có mồng ngắn
Người Sa di kể tiếp cách đây mấy năm, cặp rắn Mãng Xà này có thân hình bằng nhau, sau vắng bóng một thời gian mấy tháng, khi trở về lại đây, thì con rắn Mãng Xà đực bị cụt đuôi, có lẽ qua một cuộc hành trình dài ngày nguy hiểm trong rừng sâu, hay sau một cuộc chiến đấu sinh tử với những con thú khác trong rừng, nên bị trọng thương, mình mẩy bị đầy thương tích, phải dưỡng thương trong hang dưới mộ tháp mấy tháng. Và trong lúc ấy chỉ có con cái vào chánh điện nghe kinh mà thôi, mỗi buổi sáng. ông ta cho biết thêm, ban đêm vào lúc khuya, gần sáng trong chùa nghe có tiếng gà gáy xa xa như tiếng gáy của gà tre, thì đó là tiếng gáy của Ông cụt, nhất là trong những đêm trăng sáng. . . Còn Ông dài thì không bao giờ nghe gáy cả. Buổi kinh mai tụng vừa xong, chuông đổ được một hồi, tiếng mõ vừa chấm dứt, trong khi Thượng Tọa, quỳ lạy để rút lui, thì cặp rắn Mãng Xà từ từ bò xuống, và trườn ra khỏi cửa như khi mới vào, và tiếng động của Ông cụt mỗi lúc một xa dần, về hướng hang của ngôi mộ tháp. Trong tuần trà đạo buổi sáng, khi gặp lại Thượng Tọa, ngài mỉm cười hỏi tôi đã thấy cặp rắn Mãng Xà ấy chưa, và giảng thêm rằng:“Trong các kinh Phật, anh có thường nghe nói đến 4 chữ THIÊN LONG BÁT BỘ. Trong 8 loại chúng sinh nguyện phát tâm tu tập và bảo vệ chánh pháp, hộ trì ngôi Tam Bảo, mà loài rắn là một trong những bát bộ ấy, vì họ cũng biết nghe kinh, hiểu pháp, tu tập hành trì tâm trí, nên tâm linh của họ cũng thăng tiến. Và phải trải qua một thời kỳ tu tập khá lâu dài có thể vài nghìn năm hay ngắn hơn cũng có thể tiến hóa từ loài vật, súc sinh tiến đạt đến quả vị loài người, và từ cõi người biết tu tâm dưỡng tánh, làm việc lành thì có thể lên đến các cõi chư Thiên, hay nếu thức tĩnh giác ngộ sớm thì có thể thành Phật. Ngày trước, khi Đức Phật đang ngồi tu khổ hạnh, ngồi dưới cội Bồ Đề, bên Tây Tạng trong dãy Tuyết Sơn, có nhiều ngày bị mưa bảo, gió lạnh hoành hành các vị thần rắn đến quấn quanh mình Ngài, dùng 7 cái đầu xòe ra để che chở cho Đức Phật khỏi mưa ướt, gió bão. Cũng như trong các chuyện thần thoại của Tàu, các mỹ nữ Thanh Xà, Bạch Xà cũng là những con rắn tu lâu năm, Đắc Kỷ hay Nguyệt Cô đều do những con hồ ly tu lâu năm thành người. . . Được hỏi về lối sống của cặp rắn Mãng Xà tu, thì Thượng Tọa cho biết họ không ăn thịt, chỉ ăn những bó hoa tàn, uống nước cúng thải ra, các vỏ bầu bí, dưa, mướp, bỏ xuống dưới chân hang trong ngôi mộ tháp. Nói đến chuyện cặp rắn Mãng Xà tu thì không những ở Chùa Trà Am ở Huế mà còn có câu chuyện cặp rắn Mãng Xà tu ở Chùa Hang Châu Đốc.
Đông Triều
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận