CÁI TÔI TRONG GIAO TIẾP 17-08-2017 Thao Nguyen

“How to Win Friends and Influence People” – là tên một cuốn sách nổi tiếng, bán chạy nhất (best-selling) và có tầm ảnh hưởng sâu rộng với công chúng trên thế giới – đã ra đời hơn 80 năm về trước của tác giả người Mỹ Dale Carnegie (1888-1955). Nó đã được dịch ra hằng trăm thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, với bản dịch đầu tiên của học giả Nguyễn Hiến Lê với tên gọi là “Đắc Nhân Tâm – bí quyết của thành công” và đã được lưu hành tại Việt Nam, tái bản nhiều lần từ hơn nửa thế kỷ nay.
.
Đây là tác phẩm được đánh giá là “cuốn sách đầu tiên và hay nhất mọi thời đại về nghệ thuật giao tiếp và ứng xử”. Là cuốn sách “gối đầu giường”của hàng triệu người thành đạt trên thế giói. Tựa đề của cuốn sách đã nói lên nội dung trọng tâm đó, nghĩa là làm sao để “được lòng người”, thu phục được nhân tâm. Chính đó là chìa khóa, là bí quyết của thành công, không chỉ thành công trong lĩnh vực kinh doanh, làm ăn – như ý tưởng gợi mở ban đầu của cuốn sách – mà còn ở các lĩnh vực khác nữa, trong đó có thành công trong giao tiếp xã hội hằng ngày.
.
Bài viết ngắn này không có tham vọng trình bày tất cả những nguyên tắc ứng xử cũng như kết quả đạt được ở mọi lĩnh vực nhờ những “tham mưu” phong phú từ cuốn sách mang lại, mà chỉ giới hạn ở phạm vi giao tiếp hằng ngày trong đời thường cũng như trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh đến “cái tôi” xem nó có khả năng chi phối kết quả ứng xử ra sao, và phải chăng nó là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại trong giao tiếp?

ego3

“Cái tôi đáng ghét”. Đó là cụm từ phê phán về “cái tôi”, một thói đời đáng chê trách trong xã hội ta, khi có người cứ cho mình là “nhất”, là “quan trọng”, là “hoàn toàn đúng”, và tất nhiên cho rằng người khác là dở, là tầm thường, là sai. Điều này thể hiện qua thói quen nói quá nhiều về mình. Đây hầu như là một căn bệnh mà ai cũng có thể mắc phải, chỉ khác là có người bệnh nhẹ, có người bệnh nặng, hay quá nặng, trầm kha hết thuốc chữa, gọi là bệnh “phì đại”, không phải phì đại… tiền liệt tuyến mà là “phì đại cái tôi”!
.
Nếu để ý lắng nghe câu chuyện giữa hai người nào đó, ta có thể nhận ra rằng đại từ mà họ (hoặc một trong hai) dùng nhiều nhất trong câu chuyện chính là “tôi”. Tôi thế này, tôi thế kia, tôi, tôi và tôi…Nghĩa là họ chỉ biết có “tôi”, không cần để ý đến người đối diện. Nói khác là họ chỉ biết “thao thao bất tuyệt” về cái tôi, về chuyện của mình mà không hề biết “lắng nghe” chuyện của người khác. Hãy đoán xem người “bị nghe” sẽ cảm thấy thế nào?
.
Tất nhiên là không vui, đôi khi bực mình, chán ngấy. Và như vậy người nói nhiều về cái tôi trong tình huống này đã chẳng hấp dẫn được người nghe, nghĩa là thất bại trong nghệ thuật giao tiếp, ứng xử. Ngược lại, nếu người đối thoại cố gắng để ý đến câu chuyện, tỏ ra quan tâm lắng nghe, thậm chí còn “khơi gợi” thêm để người nói …trút hết nỗi lòng, thì cái người nghe này có vẻ đã thành công trong cuộc tiếp xúc ấy.

Trong “Đắc Nhân Tâm”, Dale Carnegie có kể một câu chuyện đại ý như thế này: Có lần ông gặp và nói chuyện với một bà nọ, là người từng biết ông. Trong dịp gặp gỡ ngắn ngủi ấy, bà này cứ tranh thủ liên tục …trút hết nỗi niềm tâm sự của mình từ đầu đến cuối. Tất nhiên Dale không còn phút nào để đàm, để “tham gia” vào câu chuyện, ngoài những cái gật đầu và dạ dạ, vâng vâng theo phép lịch sự tế nhị. Vậy mà bà ấy, sau câu chuyện, đi khoe khắp với mọi người là “ông Dale nói chuyện hay quá”. Mà thực tế thì ông ấy có nói câu nào đâu?

Người nói ít về mình thường là người khiêm tốn và biết lắng nghe người khác, vì vậy mà họ có dịp quan sát, học hỏi và tích lũy được nhiều điều cả hay lẫn dở, hay thì bắt chước còn dở thì tránh đi. Và nhờ đó mà họ tiến bộ. Ngược lại người cứ nói nhiều về mình, tự cho mình hơn kẻ khác, thì đâu cần phải học hỏi ai, học được điều gì để bù vào cái hạn hẹp, chủ quan vốn có của cá nhân mình? Vì vậy mà họ ngày càng thui chột trí não. Đó là chưa nói đến thói thường “thùng rỗng thì kêu to”. Càng “nổ” bao nhiêu thì bên trong càng “rỗng” bấy nhiêu.

ego4

Tham gia vào mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng, hẵn ai cũng thấy “cái tôi” được thể hiện khá phổ biến trên nhiều tài khoản cá nhân. Đến nỗi có người ví von rằng mạng xã hội chẳng khác gì một…cái chợ hay một trung tâm triển lãm (!), chỉ khác là các nơi này trưng bày hàng hóa vật chất, còn mạng xã hội thì trưng bày, “quảng cáo” cái…“vốn tự có” tức “cái tôi” của người trong cuộc: những cái tôi vĩ đại, nhưng giá cả thì cứ…trôi nổi bấp bênh. Vì vậy mà không lạ gì sau khi trở thành “cư dân mạng” một thời gian, nhiều người cảm thấy chán, muốn rời bỏ.

Nói như vậy không phải là chê mạng xã hội dở, là vô ích. Bởi nếu dở và vô ích thì tại sao thế giới vẫn có hàng trăm triệu tài khoản đang vận hành sử dụng. “Hay” hoặc “dở” là do người dùng, do nhu cầu, do mục đích sử dụng ra sao, bản thân mạng xã hội không hề “có lỗi”. Mới đây có một vị chức sắc nào đó phát ngôn cho rằng “mạng xã hội làm người ta tha hóa” liền bị cư dân mạng “ném đá” dữ dội. Có lẽ vì ông này chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của mạng xã hội mà không nhận ra mặt tích cực của nó chăng, hay chỉ vì ông ấy giải thích chưa đầy đủ?

Mạng xã hội, thực ra cũng chỉ là nơi giao tiếp, gặp gỡ giữa những con người với nhau trong xã hội, có khác chăng là nó tạo điều kiện gặp gỡ một cách gián tiếp, kết nối trên phạm vi rộng lớn hơn: phạm vi toàn cầu. Do đó vấn đề nghệ thuật giao tiếp, ứng xử sao cho “được lòng người” cũng vẫn phải đặt ra – như trong đời thường – cho bất cứ ai muốn thành công trên đường đời nói chung hay trong công việc làm ăn nói riêng. Một trong những nghệ thuật ứng xử đó là “kềm hãm” được “cái tôi” của mình, thậm chí dấu nó đi càng kỹ càng tốt – trừ phi bạn buộc phải dùng lý lẽ đúng đắn và chân thành của nó để thuyết phục một ai đó. Không ai muốn người khác hơn mình cả, đó là tâm lý tiêu cực chung của con người bình thường không thể phủ nhận.

Triết lý hơn một chút, theo phân tích tâm lý của Alfried Adler – học trò của nhà phân tâm học Sigmund Freud – thì “cái tôi” là con đẻ của “mặc cảm tự ty”. Chính mặc cảm này đã thúc giục mỗi cá nhân con người cố gắng tỏ ra là mình phải hơn đồng loại. “Cái tôi” đúng là “đáng ghét” thật, nhưng cũng “đáng thương” làm sao? Phải vậy không?

*Bài viết: Nguyên Đạo – Ảnh minh họa: sưu tầm

 

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác