CHẠP MẢ Ở QUÊ TÔI 30-10-2012 minhhien
Nói đến chạp mả là người ta liên tưởng đến cái tết nguyên đán tràn đầy hạnh phúc. Chạp mả thường rơi vào tháng Chạp là tháng 12 âm lịch.
Ở quê tôi theo tục lệ mỗi năm là chạp một lần, nhưng vì mỗi lý do khác nhau mà quê tôi đa phần đã chuyển sang tháng chín âm lịch, những tháng này quê tôi có phần rảnh rổi hơn, đồng nghĩa cùng con cháu ở xa có phần ít bận rộ hơn tháng Chạp. Những ngày này, quê tôi nhộn nhịp hẳn lên khi các tộc họ quê tôi tô chức lễ chạp mả theo như các ông truyền lại. Xuất phát từ câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, người dân quan niệm lễ chạp mả có 3 ý nghĩa lớn, đó là sửa sang mồ mả cho ông bà tổ tiên đón năm mới; giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ và cuối cùng là dịp để con cháu sum họp, quây quần bên mâm cơm chia sẻ chuyện làm ăn, gia đình, họ tộc trong một năm qua. Cũng chính vì thế mà ở quê tôi, chạp mả được xem là ngày lễ quan trọng của dòng tộc, nếu con cháu không có mặt đông đủ thì có lỗi với cha ông và bị người lớn quở trách. Đến ngày quy định, con cháu, dâu rể ở xa đều tập trung về nhà thờ họ và sau đó trở về theo các nhánh để cùng nhau tay cuốc, tay rựa ra độn để chạp phát bụi rậm, dọn cỏ mồ mả cha ông. Công việc phải được cháu con thực hiện nghiêm túc, bởi đây cũng chính là thể hiện sự kính trọng, lễ phép với tổ tiên. Những tộc họ có nhiều mồ mả thì trước ngày giỗ chạp sẽ tổ chức cho con cháu phát dọn trước gọi là dẫy mả trội để đến ngày chính thức kịp hoàn thành và làm lễ cúng tạ tổ tiên. Sau khi sửa sang mồ mả, con cháu sẽ thắp nén nhang lên mộ để tưởng nhớ công đức sinh thành của cha ông và mong được tổ tiên phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau làm ăn khấm khá, rạng rỡ công danh, tộc họ đoàn kết đùm bọc… Trong những ngày này, các ông cao niên thường dẫn con cháu theo và giải thích rõ danh tánh, vai vế của người nằm dưới mồ để thế hệ sau kế tục công việc chăm sóc mộ phần. Ngày nay, nhiều gia tộc có điều kiện kinh tế thì quy tập mồ mả tổ tiên vào một khu đất rộng và xây dựng khang trang, dựng bia mộ đề danh tánh để gìn giữ nấm mồ cha ông cho đời sau biết và tiện bề hương khói.. Sau khi hoàn thành công việc, con cháu lại tụ tập về nhà thờ tộc hoặc nhà trưởng tộc dâng lễ cúng tạ tổ tiên. Cho dù cuộc sống có khó khăn thì lễ vật dâng cúng trong lễ chạp mả phải được sắm sửa đầy đủ lễ. Cúng xong con cháu quây quần bên mâm cơm để ăn uống chuyện trò. Trong làng tôi không thiếu những ngôi mộ vô chủ do trải qua thăng trầm lịch sử nên con cháu thất lạc, không có người thân sửa sang, gọi là “mả lạng”. Đối với những ngôi mộ này, người dân trong làng xóm cùng nhau tổ chức đi sửa sang, chung góp tiền của để mua lễ vật cúng tế tại các miếu âm hồn thể hiện đạo nghĩa với người đã khuất.
Cứ như vậy, lễ chạp mã ở vùng Kế Môn quê tôi được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đây là nét văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc của người dân Kế Môn quê tôi.
Thành Việt
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận