NÉT VĂN HÓA QUÊ TÔI 05-02-2012 minhhien
Nét văn hoá quê tôi
Cuộc mưu sinh ở quê hương đầy gian khó khiến những người con làng vàng Kế Môn (Điền Môn-Phong Điền) phải xa quê lập nghiệp. Nhưng dù bất kỳ ở đâu họ cũng hướng về nơi quê cha đất tổ, đóng góp một phần công sức để dựng xây quê hương ngày một phồn vinh…
Truyền thuyết nghề vàng
Mỗi miền đất, mỗi làng xã trên đất nước Việt Nam đều có những giai thoại riêng về nguồn gốc khai sinh của nó. Quê tôi cũng thế, dù là thế hệ sinh sau đẻ muộn nhưng qua những tư liệu, câu chuyện giữa những bậc lão làng, ít nhiều tôi cũng hiểu được nguồn gốc nghề vàng truyền thống mà ông cha bao đời đã nâng niu giữ gìn như cho thế hệ hậu sinh.
Trong một lần trò chuyện với các bậc tiền nhân trong làng, tôi được nghe kể về giai thoại của làng vàng quê tôi. Có rất nhiều truyền thuyết về ông tổ khai sinh nghề kim hoàn và truyền lại cho con cháu người làng Kế Môn. Trong truyền thuyết ấy, có một truyền thuyết với sức thuyết phục của nó, được nhiều bậc cao niên trong làng thuận ý. Chuyện kể rằng, vào thời nhà Lê, ông Cao Đình Độ (sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá), xuất thân trong một gia đình nông dân, thiếu thời đi học chữ Nho, khi trưởng thành theo học nghề đúc đồng, rồi học được nghề thợ bạc từ người thầy gốc Trung Quốc. Đất nước có chiến tranh, ông cùng con trai là Cao Đình Hương vào xứ Thuận Hoá để mưu sinh, lập nghiệp. Trên đường đi, đến địa phận làng Kế Môn, thuyền của hai cha con ông bị chìm ở Khút Bàu Ngược và được hai người đàn ông họ Huỳnh Công và Trần Duy cứu sống. Cảm tạ công ơn cứu mạng, hai cha con Cao Đình Độ quyết định ở lại làng để sinh sống và truyền nghề cho con em trong làng. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn, ông Cao Đình Độ được vua Quang Trung tiến vào cung làm đồ trang sức cho các bậc cung tần mỹ nữ và được phong chức Lãnh binh, đến ngày 28 tháng 2 năm 1810 ông tạ thế, trở thành Đệ nhất Tổ sư nghề kim hoàn. Nối nghiệp cha, Cao Đình Hương tiếp tục nghề kim hoàn và cũng được tiến vào cung dưới thời vua Gia Long. Đến khi về già, ông xin về lại làng Kế Môn để làm tiếp công việc của người cha đang còn dang dở. Ông mất ngày 02-02-1821, trở thành Đệ nhị Tổ sư nghề kim hoàn. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày mùng 02 và 27 tháng 02 Âm lịch, những người thợ kim hoàn của làng Kế Môn ở khắp mọi miền luôn hướng về nơi quê cha đất tổ để tưởng nhớ đến hai vị Tổ sư khai sinh ra nghề Vàng. Hiện, phần mộ của hai vị Tổ sư được an táng tại khu vực nghĩa trang đường Phan Bội Châu (Huế). Ngày 02-3-1990, đền thờ của hai ông được Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá Việt Nam theo Quyết định số 168/VH-QĐ.
Học được nghề vàng, các thế hệ cha anh truyền lại cho con cháu đời sau thành làng nghề truyền thống. Cũng chính nhờ đó mà cuộc sống của những người dân làng Kế Môn khấm khá hẳn lên. Chị Hoàng Xuân Thảo chủ tiệm vàng Thuận Thành-Duy Mong (Huế) tự hào: “Nghề vàng đã giúp con cháu người làng Kế Môn có được cuộc sống ấm no. Dù ở đâu chúng tôi cũng hướng về nơi quê cha đất tổ, đóng góp một phần công sức nhỏ bé để dựng xây quê hương ngày một đổi thay”.
Và những tấm lòng xa quê
Kế Môn xưa vốn đìu hiu, xơ xác. Cả làng gần 3.000 khẩu thì hết gần 80% thuộc diện đói kém. Cái nghèo, cái đói cứ bám dai dẳng người dân nơi đây một thời gian dài. Thanh niên trai trẻ hồi ấy không cam chịu cảnh quanh năm một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà bát cơm chỉ toàn khoai với sắn. Họ quyết chí ra đi, đến các thành phố lớn tìm kế sinh nhai. Vì thế, mà bây giờ người làng Kế Môn nói chung và những người thợ kim hoàn nói riêng có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc…
Hồi ấy, lũ trẻ con trong làng rất ít được học chữ, không chỉ bởi thiếu giáo viên mà cơ sở vật chất cũng rất thiếu thốn. Trường học chỉ là một mái nhà che tạm “mượn” của Hợp tác xã nông nghiệp Kế Môn. Hai bên được lợp bằng những tấm phên tạm bợ, mái thì dột nát, xiêu vẹo. Lớp học cứ lóc nhóc người đứng kẻ ngồi, bởi có ghế ngồi thì không có bàn mà những người có bàn thì phải đứng vì không có ghế. Cứ thế, hết năm này sang năm khác lũ trẻ trong làng dần lớn lên trong bần hà, cơ cực.
Ra đi lập nghiệp từ những miền ký ức đó, những người con làng vàng Kế Môn không chịu khuất phục số phận ấy, hầu như đều thành công và giàu có chính bằng nghề truyền thống và sự cần cù, nhẫn nại vốn đã thấm sâu và máu tự bao đời. Nhớ về quê hương, làng xóm, về ông bà, tổ tiên, những người con xa quê đã không ngừng đóng góp tiền của mong quê hương ngày một đổi thay. Ngày mới giải phóng đất nước, ông Bùi Tín, một người con của làng vàng bay từ Mỹ về Việt Nam để thăm quê hương. Việc đầu tiên ông làm là đóng góp 17 cây vàng để sửa chữa trường học cho con em trong làng. Không thể tả hết nỗi vui sướng của lũ trẻ khi được ngồi học có bàn ghế đàng hoàng, không còn nỗi lo sợ mưa ướt sách vở khi đang ngồi trong lớp học. Sau đó không lâu ông Bùi Tiến cũng ở Mỹ đã ủng hộ 1.000 USD mua sắm một bộ tivi, đầu video giao cho Hợp tác xã nông nghiệp Kế Môn quản lý. Mỗi tuần, Hợp tác xã chiếu phim hai lần để phục vụ bà con, vào thứ 4 và thứ bảy trong tuần. Mỗi lần đến ngày chiếu phim làng đông vui như hội. Từ khắp làng trên xóm dưới, già trẻ gái trai đều rủ nhau đến sân hợp tác xã để xem. Từ bao đời nay, người làng Kế Môn mới được biết đến phim ảnh…. Song, người con luôn đau đáu về quê hương và có công đóng góp lớn nhất theo như đánh giá của bác Bùi Dây, Trưởng làng, phải kể đến là ông Hồ Huệ, hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Rời quê hương khi còn trai trẻ, một thân một mình vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Hành trang duy nhấ ông có được là một chút vốn liếng nghề kim hoàn học được của các bậc cha anh. Trải qua một thời gian dài làm ăn, sinh sống ông đã đứng vững và làm giàu nơi đất khách quê người. Nghe tin quê hương chìm trong biển nước trong trận đại hồng thuỷ năm 1999, ngày đêm ông mất ăn mất ngủ, mong sao thảm hoạ nhanh chóng qua đi. Chỉ mấy hôm sau khi lụt tan, ông đã vận động quyên góp Hội đồng hương tại thành phố Hồ Chí Minh hơn 500 triệu đồng và đích thân ông mang tiền, quà về quê để thăm hỏi chia sẽ khó khăn với bà con. Tiếp đó, ông ra Hà Nội học hỏi cách xây chùa Một Cột để về xây dựng tại quê hương mô hình chùa này tại nhà thờ họ Hồ. Năm 2003, ông cùng các bậc cao niên trong nghề cùng bàn bạc hội ý xây dựng nhà thờ ông tổ nghề Kim Hoàn tại thôn 3. Công trình được khởi công và hoàn thành trong năm 2003, với tổng diện tích là 950m2. Trong đó, diện tích xây dựng khoảng 250m2, kinh phí xây dựng gần 700 triệu đồng; xây thư viện tại thôn 4, với hơn 1.000 đầu sách đủ các lĩnh vực: văn học, kinh tế, toán, hóa, vật lý, truyện tranh thiếu nhi…
Kế Môn nay đã đổi thay nhiều. Nhà cửa đã khang trang, đường xóm đều được bêtông hoá, hệ thống điện thắp sáng vào các thôn xóm trong làng, không còn hộ nghèo, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 90% hộ có xe máy, tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 100%…
Nhờ những tấm lòng và sự đóng góp của những người con làm nghề Kim Hoàn xa xứ mà quê hương Kế Môn ngày một khởi sắc. Những hậu duệ nghề Kim Hoàn hôm nay đã không phụ lòng các các bậc tiền nhân, không chỉ kế thừa mà đã phát huy, giữ gìn một làng nghề truyền thống như giữ một nét đẹp trong văn hoá làng xã Việt Nam.
Linh Đan
Phản hồi (10)
Hoàng Thành Việt
Tháng Hai 6th, 2012 lúc 09:24việt xin đính chính Ông cao đình hương mất vào 08/02 đa số nghề kim hoàn ở huế giỗ ông ngày 07/02 còn đà nẵng trở vô thì giỗ ông cao đình độ vào 27/02 lí do mà mỗi nơi giỗ tổ mỗi khác đà nẵng kính trọng người cha còn huế kính trọng thầy chúc bạn viết bài ni hay đó
Hoàng Thành Việt
Tháng Hai 6th, 2012 lúc 09:24việt xin đính chính Ông cao đình hương mất vào 08/02 đa số nghề kim hoàn ở huế giỗ ông ngày 07/02 còn đà nẵng trở vô thì giỗ ông cao đình độ vào 27/02 lí do mà mỗi nơi giỗ tổ mỗi khác đà nẵng kính trọng người cha còn huế kính trọng thầy chúc bạn viết bài ni hay đó
Trần Duy Vĩnh
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 05:39Chào cậu Việt
Vĩnh_Anh_Hào
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 05:43Có phải cậu Việt đó không? Cháu là cu Vĩnh con Sương Thu nè cậu
Trần Duy Vĩnh
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 05:48Cháu Là cu Vĩnh con Sương Thu nè cậu, Cháu đang ở tỉnh Bình Dương
Hoàng Thành Việt
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 05:52bài này cháu viết há?đầy đủ chi tiết đó nhưng giỗ tổ vào 07/02 cháu ah chứ ko phải 02/02
Linh Đan
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 07:26Tôi là người đã viết bài này. Cảm ơn anh đã đọc và quan tâm. Tuy nhiên, các số liệu trong bài viết của tôi đều được kiểm chứng. Vì bài của tôi đã đăng trên Báo Thừa Thiên Huế và các tài liệu tôi thu thập được đều rất đáng tin cậy. Hơn nữa qua làm việc với cơ quan chức năng, các thông tin của tôi cũng đã được text lại kỹ. Thân!
Hoàng Thành Việt
Tháng Hai 9th, 2012 lúc 13:31bạn ko tin thì 07/02 này bạn đến đường diệu đế huế giỗ tổ kim hoàn hoặc hỏi chị thuân anh mong hiệu vàng duy mong làng kế môn đó
Linh Đan
Tháng Hai 10th, 2012 lúc 03:21Tôi là người làm báo chỉ tin vào những tài liệu xác thực được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt. Có thể những người bạn nói biết rõ về nguồn gốc nghề vàng nhưng không có chứng cứ xác thực thì tôi cũng không thể đưa vào tác phẩm của mình. Cảm ơn bạn đã quan tâm!
Hoàng Thành Việt
Tháng Hai 10th, 2012 lúc 03:59vậy tùy bạn thôi. vì 2 ông đó là ông tổ nghề vàng của làng tôi
Bình luận