CHUYỆN VẶT TỪ CÔNG VIÊN 01-12-2016 Thao Nguyen
Theo thói quen, cứ 5 giờ sáng tôi đi tập thể dục. Chủ yếu là đi bộ cho “khỏe” tim mạch. Nơi tôi chọn là một công viên ở vùng Nam Sài Gòn, cách nhà tôi chừng non cây số. Công viên có tên Đồng Diều, vì trước đây vùng này là cánh đồng ruộng trống trãi, gặt xong, đất trở nên khô cứng, sạch sẽ, người dân xung quanh tận dụng nơi này làm bãi pic-nic và thả diều. Sau này người ta lấp ruộng, phân lô bán nền, dần dần hình thành những dãy nhà phố khang trang, không còn dấu tích của cánh đồng lúa cũ nữa.
.
Cư dân ở đây đa phần từ nơi khác đến, thường là khá giả, đủ cả Bắc Trung Nam. Công viên nhỏ này lọt thõm giữa khu dân cư khá tiện cho người xung quanh tới tập thể dục, cả sáng lẫn chiều. Họ có đủ các lứa tuổi từ trẻ tới già, nhưng phần đông là lớp người trung niên và lớn tuổi, hưu trí. Tới đây, người thì đi bộ vòng quanh các lối đi, người tập các động tác thể dục căn bản, người chia nhóm tập các bài dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, người thì chia phe đánh cầu lông, lại có người học khiêu vũ…Thôi thì đủ trò.
.
Đặc biệt, mới nhìn qua, có cảm giác như đây là công viên dành cho nữ, bởi nữ giới chiếm số lượng áp đảo. Đa phần họ tập dưỡng sinh với các bài tập rất bài bản, có đồng phục thay màu mỗi ngày, có đủ các “dụng cụ hỗ trợ”: máy phát nhạc, phát lời hướng dẫn, kiếm, quạt,…đúng như hình ảnh “màu mè” của phái đẹp! Tôi để ý thấy họ chia thành 3 nhóm tập riêng rẽ, mỗi nhóm khoảng trên dưới hai chục người, thường là với trang phục khác nhau. Trong đó, một nhóm quy tụ phần lớn dân Bắc, một nhóm dân Nam bộ và một nhóm (thường trẻ hơn) có thành phần… Nam Bắc lẫn lộn và trang phục tự do. Còn nam giới thì đếm đi đếm lại cũng chỉ chừng hơn chục người. Họ thường chỉ đi bộ, từng người đơn lẻ hoặc từng nhóm nhỏ vài ba người. Tôi thuộc vào dạng “đơn lẻ” này.
.
.
Thường vừa đi vừa thở đều nhịp, tôi có tật hay suy nghĩ vẩn vơ và tò mò quan sát xung quanh. Tôi nghĩ về tính cách của người Việt từ các vùng miền khác nhau, những cái tương đồng và dị biệt, lắm lúc đối chọi nhau. Tôi cũng đã từng nghĩ có lẽ chính “phong thổ” vùng miền và lịch sử, tập quán đã tạo nên những khác biệt đó. Miền Bắc là đất cũ xứ “ngàn năm văn vật” có địa thế hiểm trở với núi cao sông sâu, miền Trung sông cạn núi mòn với Huế từng một thời là đất Thần Kinh; còn miền Nam thì đất rộng, phẳng phì với lịch sử Nam tiến khai hoang nơi vùng đất mới. Có lẽ vì vậy mà chỉ riêng giọng nói không thôi cũng phản ảnh các đặc điểm của địa chất phong thổ từng nơi. Tất nhiên, nếu lấy Hà Nội, Huế, Sài Gòn làm 3 điểm mốc cho Bắc Trung Nam, thì ở các vùng đệm, như Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ,… bản chất của cư dân cũng không thể thoát ra những ảnh hưởng, giao thoa nhất định với các vùng ở hai đầu.
.
Tôi tự ra câu đố vui cho mình bằng cách nhìn dáng đi của từng người từ phía sau rồi cố xác định họ thuộc nhóm xuất xứ từ địa phương nào. Và kết quả thật bất ngờ là đúng tới gần 80%. Rõ ràng dáng đi cũng trở thành “bản chất” của con người ở các vùng miền khác nhau. Theo quan sát chủ quan của tôi, đa số người miền Bắc có dáng đi chắc chắn, oai phong, có chút gì đó như tự tin, kênh kiệu. Họ hay nói chuyện nhiều, đặc biệt về thời sự, về chính trị. Người miền Trung đi đứng khoan thai, nhẹ nhàng, pha chút mô phạm và khá kiệm lời. Còn người miền Nam thường có dáng đi nhanh và khá thoải mái. Họ thường nói chuyện về công việc buôn bán làm ăn. Có lẽ vì những tính cách có phần tiêu biểu ấy mà đa phần dân Bắc thường ưa …lý luận, ưa làm quan, làm chính trị; dân Trung thì khiêm tốn hơn với nghề giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, còn dân Nam thì có năng khiếu vượt trội về kinh doanh thương mại chăng?
.
Dẫu sao thì với những tính cách khá đặc thù ấy, khi chung đụng với nhau, sinh sống và làm việc cùng nhau, hẵn là sẽ không khỏi phát sinh những bất đồng, mâu thuẩn nhất định nếu không biết hòa đồng, không biết bỏ bớt cái đầu óc kỳ thị địa phương, cái “ta” ích kỷ, cái “chúng tao” tự tôn vốn có nơi mỗi con người, hình thành từ phong thổ và lịch sử của mỗi vùng miền. Những mâu thuẩn ấy có khi thể hiện thành đụng chạm ra mặt, nhưng cũng có khi âm thầm hoặc bị dồn nén, khiến cộng đồng đánh mất đoàn kết, đánh mất ý nghĩa của hai từ “đồng bào” quý báu.
.
Sài Gòn Tp.HCM hiện nay là nơi dung nạp đủ cả ba sắc dân từ ba miền Nam Trung Bắc, sau nhiều luồng và đợt di dân trong lịch sử. Từ đó quy mô, cơ cấu và thành phần cư dân vẫn không ngừng biến động, thay đổi. Đến nỗi hiện nay khó có thể diễn tả chính xác một hình mẫu “người Sài Gòn” là như thế nào. Trước năm 75, dẫu Sài Gòn cũng đã từng gom đủ các sắc dân từ ba miền, trong đó có những đợt di dân điển hình năm 45 và 54 từ phía Bắc, nhưng hình ảnh “người Sài Gòn” dạo ấy vẫn còn rõ nét. Còn nay thì không: có cái gì đó rất ngăn chia dị biệt, thiếu hòa đồng giữa những con người mới tới và người cố cựu. Phải chăng những di dân phía Bắc thời ấy đã được “Sài Gòn hóa” bởi người bản địa, vì họ chỉ là thiểu số? Còn nay lại là số đông và còn mang ít nhiều định kiến hay mặc cảm về vùng đất mới, về những người hàng xóm mới?
.
Điều có thể khẳng định là người dân Bắc di cư vào Nam rất chịu khó, luôn có tinh thần tranh đấu để vươn lên. Họ có thừa khôn ngoan và mưu lược (kể cả thủ đoạn) để vượt qua người khác. Vì vậy mà họ thành công, ít ra là thành công về mặt vật chất, về nhà cao cửa rộng, hơn hẵn phần đông dân Sài Gòn cố cựu nơi này. (Nói riêng về mặt rèn luyện sức khỏe thôi cũng đã thấy: trong khi dân Nam bộ sáng sớm tụ nhau ngồi đầy ở các quán cà phê vĩa hè thì dân Bắc lại chịu vào công viên để tập thể dục). Tuy vậy, nếu như sự thành công của họ là kết quả của một nỗ lực tự thân chính đáng thì đó là điều đáng nể phục và hoan nghênh. Bằng ngược lại, thì chính là tước đi cơ hội vươn lên của cộng đồng các sắc dân cùng chung sống. Trong quy luật phân phối lợi tức của xã hội, nếu người này “được” càng nhiều nhờ làm ăn bất chính, cậy thế ỷ quyền thì ắt những người sống chính đáng kia sẽ “mất” càng lắm. Đó chính là nguyên nhân của của tình trạng phân hóa giàu nghèo, là bất công xã hội.
.
Việt Nam ta có địa hình chữ S với núi rừng, đồng bằng và bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam. Đó chính là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tiếc thay nhìn lại lịch sử, ít ra là lịch sử cận đại, sự chia cắt hai miền Nam Bắc (đã hơn một lần) trong quá khứ trở thành nỗi ám ảnh cho các thế hệ người Việt. Ngày nay, nước nhà đã thống nhất, giang sơn đã được thu về một mối, núi liền núi, biển liền biển, sông liền sông, nhưng mỗi người dân Việt hãy tự hỏi liệu lòng người ba miền có thực sự liền lại được hay chưa?
.
Điều này, tôi trộm nghĩ, không hẵn là vì ý thức hệ, vì lịch sử hay lý do nào khác, mà chính là vì vấn đề xung đột lợi ích sinh ra từ bản chất con người mỗi miền vốn dị biệt nhưng lại không thể cùng nhau tìm ra cách san lấp những hố ngăn cách, không thể tự hòa đồng, hòa hợp giữa các cá thể, giữa các tập thể trong cộng đồng người Việt với nhau. Nôm na là “nếu anh có bát cơm ăn thì cũng phải để người khác có chén cháo”, hay “nếu anh sống nhà cao cửa rộng thì cũng phải để kẻ kia có một mái tranh để chui ra chui vào”. Đó chính là tình người, là nghĩa đồng bào, những người cùng chung một cội nguồn và cùng sống trên mảnh đất mà tổ tiên đã bao phen khai phá và vun đắp này. Mất đoàn kết trong cộng đồng là một trong những nguyên nhân dẫn xã hội đến đổ vỡ, bạo lực và rối loạn. Mất đoàn kết cũng làm sụp đổ phòng tuyến quan trọng chống ngoại xâm.
.
Chuyện trong công viên thật vặt vãnh, nhưng xem ra chẳng phải “rỗi hơi” tí nào… Phải không các bạn?
.
Bài và ảnh minh họa: Nguyên Thanh
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận