1 TỶ VÀ 30 NGÀN (Chuyện thời sự) 07-01-2017 Thao Nguyen
“Một người ăn nguyên một con gà, một người…chảy nước miếng đứng nhìn, vậy bình quân mỗi người ăn nửa con gà”. Có ai đó đã diễn giải đầy chất khôi hài bằng một phép tính đơn giản và …chính xác như vậy khi nghe người ta bàn về thu nhập bình quân đầu người. Bởi nếu hai từ “bình quân” ở các xứ khác chỉ là một cách tính bình thường, thì ở ta hiện nay, khi mà cái hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng bị đào sâu và nới rộng khủng khiếp, thì việc lấy con số bình quân thật là trớ trêu và mai mĩa.
Đọc báo thấy thông tin về mức thưởng cao nhất Tết Đinh Dậu 2017 ở các tỉnh thành mà không khỏi ưu tư. Trong khi ở các thành phố có doanh nghiệp thưởng đến 1 tỷ đồng hoặc thưởng xe hơi có giá trên 1 tỷ, thì có nơi mức thưởng…cao nhất chỉ 30 ngàn đồng. Vậy nếu tính theo “bình quân” thì cũng …khả quan lắm rồi phải không? Vì 1 tỷ + 3o ngàn chia 2 sẽ là 5oo triệu lẻ 15 ngàn. Mỗi người hơn 5oo triệu để tiêu tết thì quá tốt còn gì, tha hồ mà mua sắm! Khốn nỗi, đó lại chỉ là mơ, vì chẳng ai chia cho ai cả. Một tỷ là một tỷ còn 3o ngàn vẫn là 3o ngàn không hơn. Và thực tế phũ phàng là 3o ngàn đồng hiện nay chỉ mua được một bó rau – mà là rau dởm chứ chưa phải rau ngon.
.
Biết nói làm sao nhỉ? Nhưng trước hết hãy thử hình dung cái cảm giác của những ai lĩnh thưởng 3o ngàn sẽ như thế nào? Và những ai được lĩnh 1 tỷ đồng hoặc hơn sẽ ra sao? Một sự đối nghịch quá rõ ràng và…nghiệt ngã. Người thì quá vui còn người thì quá thất vọng. Phải chăng vì người này quá “giỏi” còn người kia thì quá “dở”? Chẳng ai tin như vậy cả, bởi một thực tế là xã hội ta hiện nay người có nhiều tiền chưa hẵn đã là “giỏi” và người nghèo cũng chưa hẵn là “dở”. Vì nếu có “giỏi” thì chỉ giỏi dối trá, lừa đảo, giỏi tham ô, móc ngoặc, giỏi cậy quyền cậy thế, chia phe lập nhóm để làm giàu trên mồ hôi và sự thật thà của người khác.…Còn “dở” thì ngược lại, không biết làm những chuyện ấy.
.
Doanh nghiệp cũng vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng được ưu ái như những doanh nghiệp “sân sau”, cũng được độc quyền như những doanh nghiệp của các “nhóm lợi ích”. Những doanh nghiệp dù có “giỏi” đến mấy mà không có người chống lưng, thì vẫn cứ ỳ ạch, thậm chí phá sản vì không chịu nỗi những chi phí không tên. Đó là chưa kể có khi những doanh nghiệp công làm ăn thua lỗ, lụn bại nhưng thưởng tết thì vẫn cứ thưởng, thậm chí thưởng cao. Đó chẳng phải là nghịch lý, khó hiểu gì, mà đơn giản là gian dối để thủ lợi riêng cho cá nhân và phe nhóm mình mà thôi.
.
Các nước tiến bộ và phát triển trên khắp thế giới, tất nhiên không phải là không có chênh lệch giàu nghèo, thu nhập của họ cũng không hề bị cào bằng, nhưng đó lại là một sự chênh lệch hợp tình và hợp lý, không ai thắc mắc gì cả. Bởi điều quan trọng ở đây là sự phân phối lợi tức xã hội công bằng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng; không phải cứ ngồi mát mà ăn bát vàng; không phải chỉ một chữ ký trong vài giây trên bàn giấy mà thu về hàng tỷ, trong khi giải nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, lại cứ nghèo rớt mồng tơi.
.
Ngược lại với đà tiến bộ này chính là một bước thụt lùi đáng xấu hổ, là bất công xã hội, ở đó những cái tốt, người tốt bị dìm xuống, còn cái ác, kẻ xấu lại lên ngôi. Kẻ xấu không nhiều bằng người tốt nhưng lại chiếm hữu phần lớn lợi tức của toàn xã hội. Có phải đây là một hình thức “người bóc lột người” mà người Việt ta đã đổ bao xương máu, đấu tranh không ngừng trong quá khứ để xóa bỏ? Mà đó cũng chính là mục tiêu của cách mạng Việt Nam?
.
Không lẽ ta lại phải tin vào số phận “giàu nghèo có số, thời vận có khi”. Để rồi hằng ngày cứ bỏ tiền mua vé số cầu may từ vé thành phố đến vé các tỉnh, và mới đây lại có thêm Vietlott, và kết quả là hàng chục triệu người mua chưa chắc đã có một người trúng và nghèo vẫn cứ hoàn nghèo? Không lẽ, cứ theo cái đà đua nhau xổ số hà rầm này – chưa kể đề đóm vốn đã tồn tại tràn lan trong xã hội – đất nước ta lại dần dần trở thành một ổ cờ bạc khổng lồ, biến người dân thành những con bạc nghiện ngập may rủi, bệnh hoạn để không còn lấy một chút nghị lực mà đấu tranh cho công bằng xã hội?
.
Một tỷ so với 30 ngàn tiền thưởng, như vậy, sẽ chưa phải là tỷ lệ cuối cùng, mà một ngày nào đó e rằng tỷ lệ này sẽ còn tăng lên cao gấp bội, nếu xã hội không có lấy một tiến bộ nào trong phát triển kinh tế bền vững, kiểm soát môi trường sinh thái, cân bằng an sinh xã hội và chống tham nhũng lãng phí. Liệu có còn chút niềm tin nào khi nhìn tới tương lai?
.
*Bài: Hoàng Vân – *Ảnh minh họa: sưu tầm
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận