TỪ VĂN HÓA ĐẾN DÂN SINH: NHỮNG CÔNG TRÌNH ĐẬM NÉT CHỮ TÂM CỦA NGƯỜI KẾ MÔN 27-11-2019 Thao Nguyen

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Lời trong một bài hát của Trịnh Công Sơn mà ai cũng đã từng nghe, rất quen. Phải! Một tấm lòng! Có “tấm lòng” mới làm được nhiều việc cho cộng đồng, cho làng, cho nước, cho xã hội. Người Kế Môn cũng vậy. Những công trình công cộng từ văn hóa cho đến dân sinh lần lượt ra đời vài thập niên qua, làm cho bộ mặt làng trở nên hoành tráng và hiện đại, tất cả đều cần đến tiền, nhưng tiền bỏ ra chính là từ “tấm lòng” mà có.

Xây dựng, bảo tồn các công trình thờ tự từ làng tới họ cơ bản là bổn phận, là nghĩa vụ của con dân làng lớp hậu sinh, của con cháu đối với tổ tiên ông bà, nghĩa là của tập thể, của cộng đồng, nhưng những công trình phục vụ văn hóa và dân sinh (ngoài phạm vi đầu tư của nhà nước) thì hoàn toàn do cá nhân tự nguyện, do hảo tâm của người dân. Bài viết này xin được ghi nhận sau đây một số công trình nổi bật do cá nhân đóng góp xây dựng trong vài thập niên trở lại đây, mà hầu hết người làng từ trong nước ra đến hải ngoại đều biết tới. Đó là:

Về văn hóa, có Văn MiếuThư Viện làng do ông bà Hồ Huệ từ Tp.HCM về đầu tư.

Văn Miếu hay còn gọi là Khu Tưởng niệm, xây dựng năm 2002, tọa lạc tại Rú làng thờ các vị danh nhân khoa bảng và nhân sĩ yêu nước tiêu biểu của làng như Nguyễn Thanh Oai, Trần Dĩnh Sĩ, Nguyễn Lộ Trạch, Hồ Tá Bang… Thoạt nhìn Văn miếu có vẻ hoang sơ, có thể do thiếu điều kiện chăm sóc và bảo dưỡng, nhưng không gian ở đây khá là yên tĩnh, dễ gợi cho người đến viếng một cảm giác trầm tư khi suy ngẫm về quá khứ. Dẫu sao khi đã “nên vóc nên hình” thì việc tôn tạo sau này vẫn dễ dàng thuận lợi hơn. Và tương lai, thiết nghĩ đối tượng được tưởng niệm cần được cập nhật bổ sung thêm, đặc biệt là những người có công đối với làng, qua đề xuất và chọn lọc của một “hội đồng văn hóa” của làng có tầm, có tâm, có uy tín và khách quan.


Văn miếu làng Kế Môn (ảnh internet)

Thư Viện tọa lạc tại Thôn 2 xóm Thư Viện gần đường Nguyễn Thanh Côn. Là thư viện làng duy nhất tại Thừa Thiên – Huế, được thành lập năm 1999, nhằm giúp bà con và các em học sinh sinh viên trong làng có cơ hội đọc sách. Thư viện làng Kế Môn nguyên là ngôi nhà ở khang trang được chia làm hai gian: gian chính dùng làm thư viện và gian nhỏ dùng làm nơi ở cho gia đình người thủ thư. Thư viện có gần 5.000 đầu sách, bao gồm nhiều chủng loại từ văn chương, khoa học đến các loại sách học làm người, tạp chí và sách truyện thiếu nhi,… hầu hết được các cá nhân và các tổ chức trao tặng.
Sau này, vào năm 2015, thư viện được trang bị thêm một số máy vi tính trong đó có 5 máy do Qũy Bill & Melinda Gate Hoa Kỳ gởi tặng, số còn lại vận động từ các đồng hương ở Sài Gòn và vùng lân cận.


Thư viện làng Kế Môn (ảnh internet)

Về dân sinh, bê tông hóa con Đường Ngang và xây mới Trung tâm thương mại là hai công trình nổi bật.

Đường Ngang: trước khi được mở rộng và bê tông hóa, cũng như bao con đường khác ở trong làng, con đường này vốn nhỏ hẹp và được đắp toàn đất từ thời xa xưa. Qua đồng thuận từ chính quyền địa phương, khoảng cuối thập niên 1990, gia đình ông Nguyễn Thanh Truyền, định cư tại Mỹ, đã bỏ ra số tiền 30.000 đô-la Mỹ tài trợ để chỉnh trang và bê tông hóa con đường này. Nếu cộng cả chi phí làm hệ thống cống thoát nước xuyên qua con đường, thì tổng chi phí ước tính khoảng 36.000 đô-la Mỹ. Và khi hoàn tất, con đường đã được đặt tên “Đường Nguyễn Thanh Côn” (tên thân phụ của nhà tài trợ) như một nghĩa cử tri ân.


Đường Nguyễn Thanh Côn

Trung tâm thương mại xã Điền Môn:

Là công trình do ông bà Hồ Huệ từ Tp.HCM bỏ tiền vừa tài trợ vừa đích thân chỉ huy thi công từ A đến Z, tọa lạc trên một khu đất khá rộng trên đồng “Trưa” cuối làng, bên cạnh Xóm Lò Rèn cũ. Với kinh phí tổng kết ước tính 8 tỷ, công trình hoàn tất và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012, đáp ứng mong mỏi của dân làng về một ngôi chợ đã vắng bóng trong một thời gian dài (từ 1968).

Có điều đáng tiếc là, tuy trên danh nghĩa là Chợ của xã Điền Môn, nhưng do vị trí đặt chợ lại không nằm ngay giữa hai làng Kế Môn và Vĩnh Xương như ngôi chợ cũ vốn có trong quá khứ mà lại xuôi về tận cuối làng, sát cạnh chợ Điền Lộc, nên theo người “làng trên” thì đây phải gọi là Chợ làng Kế Môn mới hợp lý, hợp tình. Hệ quả là công việc mua bán kinh doanh của dân làng ít nhiều bị cạnh tranh, khó phát triển, không tương xứng với một mặt bằng rộng đến 2.000 m2 của trung tâm.

May thay, chủ đầu tư cũng thấy được điều này – hoặc cũng đã dự báo được điều này từ trước – đã khéo tận dụng không gian và mặt bằng thừa đáp ứng các nhu cầu về văn hóa, giáo dục, thể thao và giải trí của người dân. Trung tâm nay dần hình thành như một khu phức hợp đa năng và đa dụng, phục vụ cộng đồng cư dân mọi mặt của đời sống từ kinh tế, văn hóa đến xã hội, trở thành một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh về công trình phục vụ văn hóa và dân sinh của làng.


Trung tâm thương mại xã Điền Môn
(ảnh cắt từ clip flycam của Nguyễn Hồng Hạnh 2019)

Ai cũng đồng ý rằng có tiền mới làm được việc. Đúng. Nhưng thực tế chứng minh không phải chỉ có tiền. Làng Kế Môn có nhiều người khá giả (thậm chí “cả ngàn người giàu” – theo cách nói trên một bài báo), nhưng không phải ai có tiền cũng sẵn sàng đóng góp cho lợi ích của cộng đồng, của làng xóm. Phải có cái Tâm chủ động. Tôi cho rằng những công trình kể trên đều xuất phát từ cái Tâm mà có. Tiền bạc là cần thiết, nhưng đó chỉ mới là điều kiện Cần, còn cái Tâm mới là điều kiện Đủ. Và những người Kế Môn tiêu biểu như vừa kể chắc chắn sẽ được người đời sau tôn vinh là những Người Có Công, những người con ưu tú của làng.

*Nguyên Đạo (2019)
(Trích bài chọn đăng trong cuốn “Làng Kế Môn”
sẽ ra mắt vào đầu năm 2021 – nhân kỷ niệm 30 năm thành lập
hội Đồng hương làng Kế Môn tại Sài Gòn)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác