TRUNG THU VÀ TRĂNG 01-10-2020 Thao Nguyen

Nói đến Trung Thu – ngày Tết của thiếu nhi – là phải nói đến bánh trung thu, nói tới lồng đèn và đặc biệt là nói tới trăng. Bởi Tết Trung Thu cũng còn được gọi là “Tết Trông Trăng” hay “Ngày Hội Trăng Rằm” của thiếu nhi. Ba món đó nếu chỉ thiếu một thôi, Tết Trung Thu sẽ không trọn vẹn ý nghĩa.

Bánh trung thu thì tầm sáu chục năm về trước, chỉ là những chiếc bánh nhỏ thô sơ, những chiếc kẹo giản đơn – mà chủ yếu là đường ngào. Những năm đầu sau 75, thời còn bao cấp, bánh trung thu dạo đó đã có sẵn một vài thương hiệu nổi tiếng của miền Nam trước đó, nhưng sản phẩm lưu thông gần như là “trần trụi”, hiếm thấy bao bì. Những năm gần đây, bánh ngày càng được đa dạng hóa về mẫu mã, phong phú hóa về nhân bánh và…“hiện đại hóa” theo xu hướng thẫm mỹ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nên có bao bì nhãn mác hẵn hoi. Và hiện tại, chính là “cuộc chiến của bao bì” giữa các thương hiệu bánh, chứ bản thân chiếc bánh – bánh nướng cũng như bánh dẽo – cũng không khác gì nhau mấy.

Về lồng đèn thì xưa chủ yếu là đèn bánh ú. Sau đó cải tiến dần mẫu mã với đèn ngôi sao, đèn cá chép, đèn muôn thú, đèn thiên nga, thuyền buồm… với các loại giấy kiếng trang trí ngày càng đẹp hơn. Rồi có một dạo bỗng thịnh hành với các loại lồng đèn điện tử bằng nhựa lạ mắt, trang bị ánh sáng bằng pin và phát ra âm nhạc nhập từ nước ngoài. Nhưng rồi, xu hướng trở về với lồng đèn truyền thống lại có vẻ thắng thế, các làng nghề lồng đèn thủ công truyền thống tưởng như có cơ hội hồi phục, thì nay lại đối mặt với lồng đèn điện tử một lần nữa, lần này thì từ các công ty trong nước – vì lồng đèn điện tử mẫu mã đa dạng, mới lạ và tiện lợi hơn hẵn.
.
Như vậy, bánh trung thu và lồng đèn trung thu sau gần 70 năm đã có nhiều thay đổi, nhiều tiến bộ đáng kể theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và tất nhiên sẽ không dừng lại ở đó. Còn “ông trăng” thì sao? Hãy trông lên trời: Chị Hằng vẫn thế thôi, chẳng có gì thay đổi cả. Nhưng trăng ở thành phố chắc hẵn phải khác với trăng ở đồng quê. Trăng ở thị thành bị che khuất bởi ánh điện, lầu cao và khói bụi, còn trăng ở quê thì không. Trăng thành phố …phủ phàng, dửng dưng đến nỗi nhà thơ Nguyễn Duy đã phải thốt lên:

“Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường…”

Quả thật, trăng chỉ đẹp thật sự khi ngắm ở đồng quê. Và mỗi thời khắc, mỗi tuần trăng, mỗi mùa trăng lại có những nét độc đáo riêng. Trăng thấp thoáng sau hàng tre có cái dáng của trăng đầu hôm xôn xao, trăng giữa trời chếch Tây có cái hồn của trăng khuya lạnh lẽo.Trăng tròn có cái đẹp của trăng tròn, trăng khuyết, trăng non có cái đẹp của trăng khuyết, trăng non. Trăng ngày hè thì sáng trưng, sáng vằng vặc trên nền trời cao thẵm không một gợn mây. Trăng thu lại khác, vẫn sáng lung linh, nhưng mờ mờ ảo ảo, lúc ẩn lúc hiện sau những đám mây thu bãng lãng. Có lẽ trăng thu là trăng đẹp nhất chăng?
.
Đó là nhìn bằng con mắt thuần “ngoại cảnh khách quan”. Còn trăng “đẹp” cỡ nào lại còn tùy thuộc vào người ngắm trăng– vào tâm trạng của người ngắm. Bởi vì như một lẽ thường tình “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ây thế cho nên thơ về trăng của các thi sĩ mới đa dạng và nhiều màu sắc biết chừng nào. Thúy Kiều của Nguyễn Du nhìn trăng trong tâm trạng nhớ nhung cô đơn thì trăng không còn nguyên vẹn hình hài nữa:
.
“Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường…”

.
Trong lúc Xuân Diệu, dù có người yêu đi bên cạnh, dưới ánh trăng mênh mông, choáng ngợp vẫn thấy mình…bơ vơ:
.
“Trong vườn đêm ấy trăng nhiều quá
Ánh sáng tuôn đầy các lối đi…”
. . . . . . . . . . . . . . . . .
“Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá
Hai người, nhưng chẳng bớt bơ vơ…”

.
Còn với Bàng Bá Lân thì trăng đúng là trăng của đồng quê, dân dã:
.
“Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Dế than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
Diều ai gọi gió véo von
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hởi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?…”

Phải nói TRĂNG là đề tài muôn thuở của các nhà thơ tự cổ chí kim – từ Lý Bạch, Đỗ Phủ cho đến các nhà thơ cũ, thơ mới của Việt Nam. Nhưng nói chung có lẽ ai cũng phải nhìn nhận rằng chưa có nhà thơ nào viết nhiều về trăng như Hàn Mặc Tử – một nhà thơ với số phận cực kỳ nghiệt ngã. Nếu nói rằng trăng hiện hữu bàng bạc khắp thơ của ông cũng chưa hẵn đúng mà phải nói chính xác hơn, rằng với nhà thơ, trăng là chủ đề áp đảo. Tính ra cứ vài bài thơ của Hàn Mặc Tử lại có một bài dính dáng ít nhiều tới trăng. Và mỗi hình ảnh của trăng trong thơ lại mang một tình huống cảm xúc khác nhau về tình yêu, chia lìa và sự tuyệt vọng. Và, có thể nói rằng, trăng cũng chính là vầng sáng diệu kỳ để nhà thơ siêu thăng và thoát tục.

Thật vậy, chỉ tính riêng trong tập thơ “Đau thương” thôi cũng đã có hàng loạt bài nói đến trăng: Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo, Sáng trăng, Đây thôn Vỹ Dạ, Trăng vàng trăng ngọc, Ngủ với trăng, Say trăng, Chơi trên trăng, Trăng tự tử, Một miệng trăng, Cô liêu, Người ngọc,… chưa nói đến số bài trong các tập thơ khác: Bẽn lẽn, Uống trăng, Một nửa trăng, Vầng trăng, Thao thức, Rượt trăng, Phan Thiết! PhanThiết! v.v và v.v…Mà những câu thơ khá quen nhiều người như đã thuộc lòng:
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò…”

“Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi…”

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?…”

“Ta đến nơi – Nàng ấy vắng đâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng…”

“Ta bay lên! Ta bay lên!
Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
Ta ở trên cao nhìn trở xuống
Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm…”

Trở về với Trăng Trung Thu, hẵn với tuổi thơ các em, trăng sẽ là trăng trong và trăng sáng. Là bóng dáng của Chị Hằng, trên đó có chú cuội đang ngồi bên gốc đa. Chị Hằng nhìn xuống các em, soi sáng cho các em rước đèn và ăn bánh. Chị Hằng vẫn luôn vô tư soi thứ ánh sáng dịu dàng xuống cho địa cầu, bớt đi bóng tối của đêm đen. Đối với các em, trăng chỉ có một màu:

“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có chú cuội ngồi
Ôm một mối mơ…”

Chỉ có người lớn là thay đổi, mỗi ngày một già đi, rồi trong nhiều tình huống, bỗng thấy trăng mang nhiều màu sắc khác nhau: trăng vàng, trăng bạc, trăng xanh, trăng xám, trăng mờ,…bỗng thấy trăng mang nhiều trạng thái vui buồn khác nhau: trăng hò hẹn, trăng lả lơi, trăng cô đơn, trăng sầu muộn, trăng nhung nhớ, trăng bi thiết và ngậm ngùi… Nhưng rồi, tất cả những gì thuộc về con người: vui, buồn, hạnh phúc, đau thương,… cũng sẽ đi vào quá khứ cùng với hình hài cũng tan đi thành cát bụi. Chỉ còn lại trăng kia vẫn cứ là trăng – là nguyệt cầu soi sáng mãi trên bầu trời…

*Nguyên Thanh (2016)
(Ảnh: nguồn internet)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác