TÌM HIỂU VỀ “CÁI TÂM” TRONG MỖI CON NGƯỜI 09-10-2012 minhhien

Kết thúc Truyện Kiều, để lý giải cho thuyết “tài mệnh tương đố” của mình, Tố Như tiên sinh đã quay về với tư tưởng Phật giáo khi ông viết :
“ Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cũng hay dùng cụm từ “ có tâm, có tầm” để chỉ những người vừa có tri thức, hiểu biết, lại vừa có đạo đức, có tấm lòng. Vậy “tâm” là gì? Trong mỗi con người “cái tâm” “nằm” ở đâu? Hình dáng nó ra làm sao ? Làm thế nào để có thể “nhận biết”nó,“điều khiển”hay“làm chủ”được nó ? Đó là những câu hỏi mà ai cũng muốn hỏi, nhưng không phải ai cũng có thể trả lời được.
Nhìn một cách chung chung và dễ “thấy” thì con người ta cấu tạo bởi hai thành phần: phần vật chất (thấy được, sờ được) gọi là “thân” hay xác và phần tinh thần (không thấy, không sờ được) gọi là phần hồn hay “tâm”. Đạo Phật gọi thân là “sắc” đối lại với tâm là “danh”, nên thay vì nói “thân và tâm” thì dùng từ “sắc và danh” để chỉ hai thành phần cấu tạo nên con người.Trong đó, “danh” (tâm) bao gồm cả bốn yếu tố:thọ (chỉ cảm xúc), tưởng (tưởng tượng), hành (ý muốn) và thức (nhận biết). Đặc biệt, hai yếu tố hành và nhất là thức đóng vai trò quan trọng vì chúng là cội nguồn gây ra “nghiệp”.
Cũng theo đạo Phật, cần nói thêm thức ở đây lại bao gồm từ cái nhận biết của năm giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) tương ứng với: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức và thân thức đến một thức nữa là ý thức. Ngoài ra còn hai thức khác là mạt-na thức (còn gọi là tâm tư-lương) và quan trọng hơn cả là a-lại-da thức (còn gọi là tâm tập-khởi). Tổng cộng có tám thức. Như vậy “cái tâm” trong con người bao hàm các thành phần thọ, tưởng, hành, thức; trong đó thức có vai trò quan trọng và chứa đến tám yếu tố khác nhau. Cho nên tâm còn được gọi là tâm thức, là trung tâm của cảm giác, của tình cảm, của ý thức và hành động.
Ngoài những phân tích kể trên, trong kinh điển Phật giáo nói chung, cũng như các từ điển Phật học khác, chữ “tâm” còn được hiểu, được định nghĩa, được phân tích bằng nhiều tư duy hết sức phong phú, sâu sắc và đa dạng. Chữ “tâm” còn là từ ghép của rất nhiều từ mà khi tổng hợp lại ta thấy chúng đều xoay quanh hai nguồn gốc trên cơ thể con người là “tim (heart) và “óc”(mind), tương ứng với tình cảm và ý thức của con người. Nghĩa là cùng xác nhận cái gốc đã sinh ra tâm.
Xét về tầm quan trọng của “tâm” đối với con người, kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: “nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là tất cả mọi việc đều do tâm tạo ra, tâm làm chủ. Chỉ có tâm là hiện hữu, là thật; còn vạn vật đều là mộng, là ảo. Đức Phật đã dạy :“tâm sanh ra vạn pháp”.Trong đó, tâm sanh ra những điều tốt nhất (cực lạc) nhưng cũng đồng thời sanh ra những điều tệ hại nhất (địa ngục) cho cuộc đời. Bởi vậy, nếu muốn không còn tạo ác nghiệp dẫn đến khổ lụy, dẫn đến sanh tử luân hồi thì chúng sinh phải làm sao “nhận ra” tâm mình và “làm chủ”được tâm mình.
Để “nhận diện” được tâm, phải thấy rằng: cùng một sự thật, tâm có thể biểu lộ qua hai bộ mặt, hai trạng thái khác nhau. Một, theo hướng tích cực, tâm là tâm sáng, tâm thiện, tâm bình hướng đến “chân tâm”, đó là “tâm giác ngộ”, là trạng thái tinh tấn, giải thoát của tâm; ở đó, tâm tự do, không bị trói buộc và nhận thức đúng đắn. Hai, theo hướng tiêu cực, tâm là tâm mê, tâm ác,tâm loạn, đó chính là “tâm vô minh”, là trạng thái vẩn đục, ô trược của tâm; ở đó, tâm bị trói buộc, nô lệ, nhận thức sai lầm. Xa hơn nữa, trong đạo Phật , tu là để hướng tới , đạt tới chân tâm ( tức tâm Phật). Ngộ (nhận ra) và chứng được chân tâm tức là chứng Niết bàn. Đó là một trạng thái, một cảnh giới của tâm không còn tham sân si, chứng đắc vô ngã và thoát ra khỏi sinh diệt, sinh tử luân hồi, chỉ ở Đấng Giác ngộ có được mà thôi.
Tương tự, khi so sánh tâm thiện với tâm ác , chúng ta hay hình dung trong mỗi con người luôn tồn tại một “ông thiện” bên cạnh một “ông ác”, nói khác là luôn hiện hữu đồng thời một “ông Bụt” bên cạnh một con “quỹ dữ”. “Làm chủ” được tâm mình có nghĩa là khống chế được con “quỹ dữ” và phát huy được tâm thiện trong con người. Từ đó, con người suy nghĩ và hành động theo hướng tích cực. Nên trong một ý nghĩa rộng hơn, đạo Phật cho rằng hễ “tâm bình thì thế giới bình” bằng ngược lại “ tâm loạn ắt thế giới sẽ loạn”.
Xét như trên, ý nghĩa của chữ “tâm” trong đạo Phật quả là vừa thâm sâu lại vừa bao trùm, vừa gần gủi nhưng cũng rất mơ hồ, trừu tượng, thật khó mà “nhận diện” cho thật rõ ràng, nhất là đối với những ai “ngoại đạo”, những người theo văn hóa phương Tây, cũng có thể là trong các bạn trẻ, phần đông chưa có điều kiện nghiên cứu về giáo lý của đạo Phật. Tuy nhiên, qua những điều vừa trình bày , các bạn cũng như tôi, có thể đã bắt đầu “nhìn thấy” được phần nào “bóng dáng” của nó. Ít ra, khi ta quay về với ý nghĩa của chữ “tâm” bình thường và gần gủi nhất sau đây, cũng có thể tạm hiểu “cái tâm” là gì, mà vận dụng ý nghĩa của nó vào cuộc sống đời thường.
Đó là, ngày nay, người ta hay sử dụng cụm từ “có tâm, có tầm” để chỉ năng lực của một người vừa có chuyên môn, hiểu biết vừa có tấm lòng. Nói theo truyền thống là vừa có “tài” vừa có “đức”. Như vậy, tâm ở đây là đạo đức, là tấm lòng, là tâm thiện. Xã hội đã nhìn nhận người có tài mà thiếu đức (không có tâm) thì không thể đảm đương, không thể thành công và cũng không bền trong vai trò lãnh đạo , nếu không nói là mang họa đến cho xã hội và cho chính bản thân mình. Lịch sử thế giới với những cuộc chiến tranh tàn khốc xuất phát từ cái tâm đầy tham vọng của những nhân vật lịch sử đã chứng minh điều này.
Quay lại cuộc sống đời thường với những con người bình thường như chúng ta, cái ý nghĩa gần gủi nhất mà ta được hiểu thì “tâm” chính là “tấm lòng”, như Trịnh Công Sơn đã từng mong mỏi : “ Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”Qủa là một lời khuyên đầy ý nghĩa, vì bất cứ việc gì xuất phát từ “tấm lòng” và thực hiện với tất cả “tấm lòng” đều có cơ may mang lại kết quả tốt đẹp, không chỉ cho riêng mình, cho xã hội mà còn cho cả cộng đồng rộng lớn hơn là thế giới, là nhân loại. Ngược lại, những việc làm không thực sự xuất phát từ cái “tâm” trong sáng, tâm thiện, mà lại từ cái “tâm” ác, tâm tham thì hậu quả sẽ thật khó lường. Hãy đặt ngược vấn đề và thử tưởng tượng : “Trong cuộc sống, nếu không một ai có tấm lòng …điều gì sẽ xảy ra ?
Cuộc sống quanh ta trong xã hội hiện nay cần lắm những con người có tấm lòng. Những “tấm lòng vàng” dang rộng vòng tay giúp đỡ những con người khốn khó bất hạnh. Xã hội cũng đang cần lắm những “tấm lòng son” để xử sự với nhau tử tế hơn, nhân bản hơn, công bằng hơn trong ước mong “hãy sống với nhau thật thà” như một lời trăn trối của nhạc sĩ họ Trịnh ngày nào mà nay vẫn còn văng vẵng bên tai !
Cầu mong cho tất cả chúng ta, ai cũng có được một “cái tâm” an, để mọi gia đình đều được hạnh phúc, xã hội yên vui và thế giới thanh bình. Xin mượn bốn câu thơ sau đây trong bài “Tâm Xuân” của Nguyên Đạo để kết thúc bài viết này :

“Vườn đời thấm giọt sương Tâm,
Cho cây trổ lộc, ươm mầm ra hoa
Đạo Vàng tỏa ánh trăng ngà
Hương Thiền xông ngát đậm đà ý Xuân”…

* THẢO NGUYÊN

Phản hồi (16)

  • hotadien
    Tháng Mười 10th, 2012 lúc 13:04

    VẠN SỰ TẠI TÂM

    -Tâm là một điểm tuy nhỏ nhưng quan trọng ,nên người ta mới gọi là tâm điểm
    -Tâm của chúng ta càng quan trọng hơn vì nó nói lên nhân cách của một con người
    -Tâm lệch lạc thì cuộc sống ngiêng nghã đảo điên
    -Tâm gian dối thì cuộc sống bất an
    -Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù
    -Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất hoan hỷ
    -Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá

    Tâm bất khoan dung thì cuộc sống bực bội triền miên .Cho nên ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương mà còn :

    – Đặt tâm trên Mắt để nhìn thấy nổi đau khổ của tha nhân
    – Đặt tâm trên Tay để giúp đở người khác
    – Đặt tâm trên Chân để mau mắn chạy đến với người cùng khổ
    – Đặt tâm trên Miệng để nói lời an ủi và đừng xúc phạm ai
    – Đặt tâm trên Tai để biết nghe lời thống thiết của người khác
    – Đặt tâm trên Vai để biết chia sẻ trách nhiệm với mọi người

    (Nguyễn Hàng )

  • văn thơ
    Tháng Mười 10th, 2012 lúc 16:20

    kính gửi tác giả
    óc có thể là mind còn tâm ở đây theo chau nghĩ khong phai la heart

  • hoang
    Tháng Mười 10th, 2012 lúc 19:35

    1: “Tâm” là trái tim bằng xương, bằng thịt (Phật giáo không để ý tới nghĩa này);

    2. “Tâm” là thức (vijnàna) và theo một nghĩa nào đó, nó chính là ý thức thông thường của con người;

    3. Không chỉ là ý thức, “Tâm” còn là toàn bộ thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm” không chỉ là lý mà còn là tình. Cái “Tâm” này chính là “manas”;

    4. Ở góc độ “Tâm” là thức thứ tám, thì nó bao gồm cả tiềm thức,

    5. “Tâm” còn là sự tổng hợp của tất cả cái “Tâm” theo nghĩa thứ hai, thứ ba, thứ tư;

    6. Trong Phật giáo, “Tâm” còn là bản thể vũ trụ, đó chính là tâm thể, chân tâm.

    Khi vào Việt Nam, hầu hết nghĩa của chữ “Tâm” vẫn được giữ lại. Vốn có cảm tình và ưa chuộng đạo Phật, nên người Việt Nam rất đề cao chữ “Tâm”.

    Không phải ngẫu nhiên trong cuộc sống, người ta luôn khuyên nhau, hay câu cửa miệng của mọi người khi thấy người khác lo lắng thì nói hãy “yên tâm”, “an tâm”.

    Mọi người đều biết rằng, nếu nôn nóng, giận dữ thì đều làm cho cái “Tâm” không yên thì sẽ mất khôn. Cho nên, muốn an “Tâm” thì phải sống chính trực ngay thẳng, trong sáng. Đây chính là phép an tâm trong Phật giáo

  • hoang
    Tháng Mười 10th, 2012 lúc 20:52

    Có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. Trước khi bị xử tử, anh ta hối hận; và để chuộc lại tội lỗi của mình, anh xin hiến trái tim của mình cho người cần thay tim. Nhưng sau đó không bệnh nhân nào dám nhận trái tim của anh, vì sợ sau này cũng độc ác như anh!Văn hoá Đông Tây tuy có nhiều khác biệt, nhưng đều lấy “tâm” diễn tả tình cảm của con người. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của chữ “tâm”.
    1. Nghĩa chữ tâm:
    2. Tâm có hai chữ Hán là 心 và 芯 [1] ở đây là chữ 心, chữ tâm 心 là chữ tượng hình, viết kiểu tiểu triện có hình trái tim, còn viết kiểu khải thư 心 thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu.
    Chữ tâm (心) có rất nhiều nghĩa:
    1.1. Nghĩa thông thường: (dt.) (1) Tim (heart): tâm tạng (quả tim), tâm thất (ngăn bên dưới trong trái tim). (2) Lòng, dạ, ruột, phần bên trong (inner): tâm phúc (bụng dạ); không tâm thái (rau rỗng ruột, tức rau muống). (3) Lòng, tình cảm con người (inner emotion): tâm cảm (inner feelings), tâm phục (thật lòng kính trọng vâng theo); tâm ý (lòng dạ và đầu óc); đồng tâm nhất trí (cùng một lòng, một ý). (4) Giữa (center), điểm ở giữa, quy tụ các điểm khác, thường nói về phần giữa đều gọi là tâm: viên tâm (điểm giữa vòng tròn), trọng tâm, trung tâm. (5) Tên một ngôi sao trong Nhị thập bát tú, sao Tâm, tức sao Hoả. (6) Tên một bộ chữ Hán, bộ Tâm, cũng viết là忄, khi đứng bên trái.
    1.2. Nghĩa tâm lý và đạo đức: Ngày xưa, người ta ngộ nhận tâm là nguồn gốc của mọi sinh hoạt tâm lý, nên các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm: tâm tưởng (thinking); tâm tính (mood), tâm ý (idea). Ngày nay, theo các thí nghiệm tâm sinh lý, điều đó không đúng nữa. Dầu vậy, tâm vẫn còn được coi là: (1) Tượng trưng của tình cảm, tình yêu (love): ♥. (2) Khả năng nhận thức sự vật, suy nghĩ và cảm giác: tâm trí (mind). (3) Khả năng phán đoán về thiện ác theo quy luật đạo đức: lương tâm (conscience). (4) Toàn bộ các hiện tượng tâm lý, từ cảm giác đến tình cảm, hành vi, ý chí…: tâm lý (psychic), tâm trạng (mental = tâm thần). (5) Phần linh thiêng nơi con người, đối lập với thân xác: tâm hồn (spirit, soul = linh hồn); tâm linh (spiritual).
    2. Tâm trong Phật giáo
    Khái niệm “tâm” của Phật Giáo không đơn giản như các học giả phương Tây lầm tưởng. Tâm được xem là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của Phật Giáo. Kinh Pháp Cú, vốn được xem như Kinh Thánh của Phật Giáo mở đầu như sau:“Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”. Một cách khái quát, qua các kinh điển Phật Giáo [2] người ta có thể phân biệt sáu loại tâm:
    2.1. Nhục đoàn tâm (肉團心): trái tim thịt (Phật Giáo không để ý nhiều tới nghĩa này). Ví dụ: “Hễ Bồ Tát nghe tiếng bọn người ác ngoại đạo đem lời dèm pha phá huỷ Phật giái, dường như ba trăm mũi giáo đâm vào tâm mình” (Bồ Tát Giái Kinh).
    2.2. Tinh yếu tâm (精要心): chỗ kín mật, chỉ cái tinh hoa cốt tuỷ. Ví dụ: “Phật pháp lấy tâm làm gốc, lấy thân và khẩu làm ngọn” (Long Thọ Bồ Tát).
    2.3. Kiên thực tâm (堅實心): là cái tâm không hư vọng, cũng gọi là chân tâm. Chỉ cái tuyệt đối, cái mầm mống giác ngộ vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, đó là Phật tính:”Căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm. Căn bản của bồ đề niết bàn là chân tâm”(Kinh Thủ Lăng Nghiêm).
    2.4. Liễu biệt tâm (了別心) [3]: gồm sáu loại nhận thức đầu trong tám thức [4], tức là tri thức giác quan và ý thức. Căn cứ phát sinh của nó là giác quan, thần kinh hệ và não bộ. Có tác dụng dựa vào với ngoại cảnh bên ngoài và phân biệt nhận thức chúng: “Tâm buồn cảnh được vui sao, tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an”.
    2.5. Tư lượng tâm (思量心) còn gọi là Mạt-na thức (末那識) [5]: thức thứ bảy trong tám thức. Một trong các chức năng chính của nó là nhận lập trường chủ quan của thức thứ tám (A-lại-da thức), lầm cho lập trường này là bản ngã của chính mình, vì vậy mà tạo ra chấp ngã, là bản ngã, cái tôi của con người (ego-consciousness). Bản chất của nó là suy tính, nhưng có sự khác với thức thứ sáu. Nó được xem là tâm trạng của một lĩnh vực mà người ta không thể điều khiển một cách có chủ ý, thường phát sinh những mâu thuẫn của những quyết định tâm thức và không ngừng chấp dính vào bản ngã: “Mạt-na nhậm trì ý thức linh phân biệt chuyển, thị cố thuyết vi ý thức sở y: Mạt-na nhận lấy ý thức, khiến sinh khởi phân biệt; nên gọi nó là chỗ y cứ của ý thức” (Du-già sư địa luận)
    2.6. Tập khởi tâm (集起心) còn gọi là A-lại-da thức (阿賴耶識) dịch nghĩa là tạng thức (藏識) [6]: chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng tinh thần. Là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, hoạt động tâm lý; là nơi lưu trữ những hạt giống sinh ra muôn sự muôn vật, hữu hình hay vô hình. Tâm lý học phương Tây thường gọi thức này là vô thức hay tiềm thức: “Nhất thiết thế gian trung. Mặc bất tùng tâm tạo: Tất cả những gì trong thế gian. Đều là do tâm tạo” (Kinh Hoa Nghiêm).
    Phật Giáo không quan niệm tâm là một cái gì thuần nhất, giản đơn theo kiểu như khái niệm linh hồn. Theo Ngũ uẩn, tâm không phải chỉ là một cục hay một khối cứng nhắc, mà là một luồng tư tưởng, một chuỗi dài tư tưởng, có sinh có diệt (khác quan niệm “hồn thiêng bất tử”), có năng lực (nghiệp lực) được chuyển từ luồng này sang luồng khác. Cái luồng tâm này với những nghiệp lực là căn bản cho sự tái sinh. Theo Vi Diệu pháp, tâm không phải là một cá thể, mà là một dòng tâm thức gồm nhiều loại tâm khởi lên rồi diệt. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức lặng lẽ trôi chảy trong ngũ uẩn, nếu không có một tâm nào khác khởi lên. Khi chết, dòng tâm thức cuối cùng của kiếp này trở thành dòng tâm thức đầu tiên của kiếp sau. Duy Thức học khai triển thêm tâm thức là cái biết, căn bản là tạng thức, chứa đựng các loại chủng tử … Tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào, có thể nói theo Thiền Tông: Có hai thứ tâm. Một thứ là tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi là Vọng tâm là tâm của chúng sinh. Hai là Chân tâm có tự tính là thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tính giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.
    3. Tâm trong Công giáo
    3.1 Trong giáo lý
    Tuỳ theo văn mạch và mối tương quan, “tâm” trong Công Giáo được diễn tả bằng nhiều danh từ khác nhau: Tim (heart), cõi lòng con người (the depths of one’s being), tâm hồn (mind), linh hồn (soul), lương tâm (consciene).
    3.1.1. Dùng từ “tim” [7] (con tim, trái tim, quả tim) khi muốn nói “tâm” là:
    – Trung tâm hiện hữu của con người.
    – Nơi thầm kín của cá nhân, lý trí hay người ngoài không dò thấu được, chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thăm dò và thấu suốt được.
    – Nơi con người chân thật với mình nhất, để chọn lựa sự sống hay sự chết.
    – Nơi gặp gỡ để sống các mối tương giao, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: Nơi sống giao ước.
    3.1.2. Dùng từ “lòng con người” khi muốn nói “tâm” là:
    – Nơi Thiên Chúa đã ghi sâu các giới luật tự nhiên của Ngài [8].
    – Nơi quyết định chọn Thiên Chúa hay không [9].
    – Nơi có sự giận dữ và ganh tị là hậu quả của nguyên tội [10].
    – Nơi phát xuất những ý định xấu, là nguồn gốc của mọi tội lỗi [11].
    – Nơi Chúa Thánh Thần sẽ đổi mới, ghi khắc lề luật mới [12].
    3.1.3. Dùng từ “tâm hồn” khi muốn nói “tâm” là:
    – Trung tâm của nhân cách luân lý [13].
    – Nguồn phát xuất các đam mê, đam mê căn bản nhất là tình yêu do điều thiện hảo lôi cuốn [14].
    – Nơi Thiên Chúa đã ghi sâu các giới luật tự nhiên của Ngài [15].
    – Nơi cần thanh luyện để chiến đấu chống lại nhục dục [16].
    3.1.4. Dùng từ “linh hồn” khi muốn nói “tâm” là:
    – Nguyên lý thuần linh nơi con người, nhờ đó con người là hình ảnh Thiên Chúa [17].
    – Cái thâm sâu nhất và giá trị nhất nơi con người [18].
    – Sự sống của con người và cũng là toàn diện con người [19].
    – Mầm sống vĩnh cửu do Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo mà con người mang nơi mình [20].
    3.1.5. Dùng từ “lương tâm” khi muốn nói “tâm” là:
    – Nơi con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ [21].
    – Tiếng gọi con người phải yêu mến và ra lệnh phải làm lành lánh dữ [22].
    – Nơi phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu [23].
    Như vậy, một cách tương đối, có thể hiểu “tâm” là: (1) “tâm hồn” trong tương quan với “thân xác” trên bình diện con người nói chung. (2) “linh hồn” trong tương quan với “thể xác” trên bình diện con người tôn giáo. (3) “lương tâm” trong tương quan với “thiện ác” trên bình diện lý trí. (4) “cõi lòng” trong tương quan với “thân xác” trên bình diện ý chí. (5) “trái tim” trong tương quan với “yêu ghét” trên bình diện tình cảm.
    3.2 Trong thực hành
    Đạo Chúa bắt nguồn từ “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8), vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi phó nộp Con Một của Người cho thế gian (x. Ga 3,16): “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).
    Bởi đó, có lệnh truyền “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Ai ghét bỏ tha nhân, kẻ ấy không còn là môn đệ của Chúa Giêsu nữa: “Người ta căn cứ vào dấu này để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
    Kitô hữu có bổn phận “huấn luyện lương tâm” [24] và “thanh luyện tâm hồn” [25] để thể hiện chữ tâm: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc 12,30), để đi cho đến tận cùng sự sống là “chết cho người mình yêu” (x Ga 15,13-14) khi ấy, Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm. Đó là lý do mà xưa kia người Việt gọi Đạo Chúa là “Đạo Yêu Thương” vậy.
    4. Kết luận
    Trên bình diện hữu thể luận: “Tâm” trong Phật Giáo và Công Giáo có ý nghĩa rất khác biệt nhau. Tuy nhiên, cả hai đều có thể nhất trí rằng: Con người có thể và cần phải điều chỉnh đào luyện cái tâm của mình, nỗ lực thanh lọc tâm được thanh tịnh, giải thoát tâm khỏi tham ái, dục vọng, ích kỷ, hận thù.
    Trên bình diện tâm linh: Đối với Phật Giáo, niềm tin về sự tương thuộc các pháp và về luật nhân quả cũng như quyết tâm đi đến giác ngộ là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để phát huy tình yêu đồng loại và lòng từ bi. Còn đối với Công Giáo, niềm tin vào Thiên Chúa đem lại sự gần gũi với Đấng Thiêng Liêng và khuyến khích họ vun trồng lòng bác ái và tính vị tha. Và điều hiển nhiên là: Con người ai cũng có thiện tâm thì thế giới sẽ yên trụ mãi mãi; con người có ác tâm thì thế giới sẽ huỷ diệt.
    Muốn đạt tới được mong ước của Đức Hồng Y Gioan Baotixita: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” hay “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, để canh tân giáo phận, đều cần đến thiện tâm.

    Ghi chú
    [1] Tâm芯: bấc, tim đèn, tên một thứ cỏ xưa dùng làm tim đèn: đăng tâm (tim đèn).
    [2] Bốn quyển Lăng Già Kinh Chú nêu ra 2 tâm: Hãm-lật-đà (Tự tính thanh tịnh) và Chất đa tâm (Lự tri tâm). Chỉ Quán nêu ra 3 tâm: Chất đa tâm, Hăn-lật-đà tâm (Thảo mộc tâm), Hi-lật-đà tâm (Tính tập tinh yếu tâm). Ðại Nhật Kinh Sớ nêu ra 2 tâm: Chất đa tâm và Cán-lật-đà tâm. Cán-lật-đà tâm gồm có 2 nghĩa: Nhục đoàn tâm và Chân thực tâm. Trong Duy Thức Luận Thuật Ký và Duy Thức Khu Yếu, tông Pháp Tướng nêu ra 3 tâm: Chất đa (tâm), Mạt-na (Ý), Tì-nhã-để (thức). Tông Kính Lục nêu ra 4 tâm: Hột-lị-đà tâm (Nhục đoàn tâm), Duyên lự tâm, Chất-đà tâm, Kiền-lật-đà tâm (Kiên thực tâm). Tam Tạng Pháp Số quyển 19 nêu ra 4 tâm: Nhục đoàn tâm, Duyên lự tâm, Tích tụ tính yếu tâm, Kiên thực tâm. Tóm kết lại có 6 loại tâm.
    [3] Liễu biệt: (1) Biết, nhận biết, nhận thức; hiểu biết sự vật một cách phân biệt; (2) Cho thấy, làm cho biết, diễn tả, hiện hành; (3) Thấy, nhận biết.
    [4] Phật Giáo quan niệm có tám loại hình tướng của tâm gọi là bát thức (thức là sự phân biệt, phân tích, phân loại và nhận biết đối tượng). Tám thức này bao gồm năm thức giác quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức; ý thức; mạt-na thức (tương ứng với ý niệm về bản ngã) và a-lại-da thức (là kho chứa mọi dấu ấn từ kinh nghiệm của mình). Sự phân chia tám thức chỉ là một phương tiện để dễ tìm hiểu những mặt khác nhau của thức; nó không phải là cố định như thế. Thực ra, tám thức ấy chỉ là tám tác dụng hay tám cách biểu hiện của nhận thức, chứ không phải là “tám cái tâm” riêng rẽ, biệt lập. Tuy là có tám thức, nhưng các thức đều liên hệ mật thiết với nhau; tuy một mà là tám, tuy tám mà là một, cho nên chúng có thể thu về một mối, đó là thức – tức là căn bản thức hay a-lai-da thức.
    [5] Mạt-na (S: manas) thường dịch sang chữ Hán là Ý. Theo Duy thức học, mạt-na được xem là cứ điểm sinh khởi những quan niệm sai lầm về ngã (ngã si, ngã kiến, ngã mạn) và những phiền não do kết quả từ những quan niệm sai lầm trên.
    [6] A-lại-da thức (S. ālayavijñāna) còn gọi là A-đà-na, Như Lai tạng, chân thức hay thức căn bản; A-lại-da (S. ālaya) nghĩa là tàng trữ, chất chứa duy trì mọi tập quán, xu hướng, ảnh tượng lưu lại trong mỗi người.

    {söu taàm}

  • Thành Việt
    Tháng Mười 11th, 2012 lúc 07:38

    chào bạn hoang
    mặc dầu việt không hiểu rộng lắm ,nhưng qua bài viết của hoang, việt thấy hay lắm nếu việt không nhầm hoang đây chính là hoanggia trong bài viết các Tộc Họ
    chúc hoang sức khỏe ,hẹn gặp lại

  • hoang {vo hoang tu }
    Tháng Mười 12th, 2012 lúc 17:37

    mình ko phải đâu bạn thành việt ơi . chỉ là ngẩu hứng thôi , dù sao cũng cám ơn ban việt quá khen ,

  • hoang
    Tháng Mười 14th, 2012 lúc 14:21

    Cuộc sống ngày một phát triển với nhiều điều mới mẻ, thôi thúc ta tìm kiếm và vươn tới tầm cao của sự hiểu biết ,nhưng điều đó không phải dễ dàng vì để đạt được những ước mơ và khát vọng đó, con người phải vượt qua nhiều thử thách, gian nan.
    Vậy đâu là sức mạnh để con người vượt qua chặng đường nhiều chông gai đó để đạt được những ước mơ và khát vọng của mình ? Sức mạnh ấy đơn giản chính là chính bản thân ta như nhà cách mạng Nguyễn Bá Học đã đưa ra một lời khuyên vô cùng quý giá đối với con người :”Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Câu nói của ông không đơn thuần chỉ cho ta những bản chất của những khó khăn mà mỗi con người đã, đang và sẽ vấp phải trong cuộc sống này mà đã chỉ cho ta hướng đi đúng đắn để vượt qua điều đó.
    “Đường đi” chính là cuộc sống của ta đây, không gian nan vì “ngăn sông cách núi”mà khó vì ý chí “lòng người” không thể vượt qua. Tuy mỗi người đều có một cuộc sống riêng nhưng hình như mọi đường đời đều có chung một điểm chính là những con sông những vách núi đang chờ ta chinh phục .Thật vậy , có ai đi đến thành công mà chưa từng bị thất bại làm sờn lòng , nhụt chí nhưng với niềm tin và sự hi vọng chiến thắng ,ta tự tích lũy và rút ra được những bài học, kinh nghiệm đường đời quý giá, rồi từ đó ta biết được đâu là con đường riêng và cách đi riêng để đạt được mục tiêu .Hãy lấy việc học làm một điển hình tiêu biểu cho ý kiến trên. Càng lên lớp lớn , việc học tập ngày càng nhiều bắt ta phải thật kiên trì và bền bỉ . Khó khăn đấy gian khổ đấy , nhưng không vì lẽ đó mà các bạn học sinh lại đánh mất hi vọng và niềm tin của mình ,các bạn luôn cố gắng hoàn thành tốt việc học, đương nhiên có nhiều lúc thực sự mệt mỏi lắm nhưng đó không phải là cái cớ để các bạn lùi bước. Mọi nỗ lực luôn được đền đáp bằng những thành công to lớn , giờ đây các bạn trở thành những người công dân tốt , những người có ích và có chỗ đứng trong xã hội .
    Nhưng bên cạnh đó, một số khác thì lại nao núng, ngại ngần trước việc học khó khăn , họ vẫn ham chơi, thích làm quen và giao tiếp với bạn xấu . Liệu rồi những cái thú vui ấy cũng chẳng đem lại gì cho bạn chăng ? Và khi bạn nhận thấy đã lãng phí quá nhiều thời gian cho việc vui chơi thì hình như mọi thứ đã muộn đễ sửa đổi khi nó đã trở thành thói quen . Những trò chơi , những cuộc tán gẫu dài ấy chỉ là những cái lợi trước mắt, nó thể hiện sự ngại ngần của con người khi phải đương đầu trước khó khăn mà cuộc sống đang thử thách bản thân bạn. Rồi mọi hậu quả mà bạn gánh chịu lại bắt đầu từ chính sự e ngại và tư tưởng muốn hưởng thụ. Mỗi chúng ta cần phải hiểu, ngại khó, ngại khổ trong học tập sẽ dẫn đến thất học, lạc hậu trong tư tưởng ảnh hưởng đến chính mình và cả xã hội.
    Là học sinh, chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ và bổn phận của mình, luôn tự nhắc nhở bản thân:
    “Không có việc gì khó
    Chỉ sợ lòng không bền
    Đào núi và lấp biển
    Quyết chí ắt làm nên.”
    Và “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.”
    Nói như vậy có nghĩa là, nhiệm vụ chính của chúng ta là học tập, sẽ không có lí do gì để chúng ta không cố gắng học tốt, chỉ có tích cực trau dồi kiến thức chúng ta mới trở thành những chủ nhân có ích cho đất nước, đứng trước một bài tập khó hay đứng trước những phút chúng ta lười biếng hãy nhớ tới câu nói của thầy Nguyễn Bá Học để vượt qua, để vươn lên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
    Câu nói của thầy giáo Nguyễn Bá Học là một lời khuyên vô cùng hữu ích đối với tuổi trẻ thời đại mới. Cuộc sống đang phát triển từng ngày, từng giờ, thế hệ trẻ chúng ta cần có một quyết tâm, một ý chí mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn mà vươn tới chân trời tri thức đang rộng mở. Phải luôn nhớ rằng hãy vượt lên chính mình để vươn tới những đỉnh vinh quan chói lọi đang chờ chúng ta chinh phục

  • hoang
    Tháng Mười 15th, 2012 lúc 17:11

    Cuộc đời của mỗi con người chúng ta đc ví như những con đường, không phải lúc nào đường đi cũng bằng phẳng, êm xuôi mà đôi lúc cũng có những khúc đường quanh co, gập ghềnh dễ làm ta chùng bước. Nguyễn Bá Học đã từng nói:” Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
    Từ “Đường đi” trong câu trên có 2 nghĩa, đó là con đường đi theo nghĩa đen hoặc còn có nghĩa là cuộc đời của con người. Cuộc đời của con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, Nguyễn Bá Học đã dùng từ “ngăn song cách núi để” chỉ nói lên điều đó và khi gặp khó khăn, người ta lại thường hay chùng bước, thiếu ý chí mà tiến lên phía trước giống như từ “Ngại” mà Nguyễn Bá Học đã nói. Ở đây Nguyễn Bá Học muốn nói về cuộc đời con người có nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta phải biết vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, đừng vì khó khăn, trắc trở ngay trước mắt mà vội vàng từ bỏ.
    Theo em, “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, cuộc đời vốn nhiều thử thách, chông gai, chúng ta phải luôn tìm cách vượt qua được, chứ đừng thấy cái khó khăn trước mắt thì bỏ cuộc. Câu răn đầu tiên của Đức Phật trong 14 điều răn: “Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”, con người có thể làm được tất cả, chỉ cần lòng người có ý chí quyết tâm, có nghị lực kiên cường thì không gì có thể ngăn cản đươc họ. Tóm lại, những khó khăn, gian khổ mà con người cần vượt qua có thành công hay không là do chính bản thân họ, cho dù có khó đến đâu nhưng lòng người có ý chí vững vàng, niềm tin vào bản thân và cố gắng hết sức vượt qua thì cũng sẽ thành công, còn ngược lại, không có lòng quyết tâm, ý chí tin vào chính mình, không cố gắng hết sức thì cũng sẽ không làm được gì.
    Xung quanh ta đã có rất nhiều người vượt qua được những khó khăn trong cuộc đời tưởng chừng như là không thể vượt qua được như thầy Nguyễn Ngọc Ký, “vẽ cuộc đời từ chính đôi chân”, cho dù đã bị liệt hai tay nhưng thầy đã dùng chân của mình để viết và giờ thầy đã là một người thầy giáo được nhiều người biết đến và khâm phục. Ngược lại, lại có những con người chỉ vì cái nghèo khó mà đã làm những việc trái với pháp luật đạo lý con người, họ đi cướp bóc, trấn lột để kiếm cái ăn cho mình mà không nghĩ gì đến sự mất mát của người khác.
    Vì vậy, ngay từ trong ghế nhà trường, chúng ta cần phải rèn luyện ý chí bền bỉ, phải noi theo những gương sáng trong cuộc sống, trong học tập, cần học thật tốt để vững vàng cho mình hành trang vào đời thêm vững bước. Trong xã hội, chúng ta nên san sẻ với những người còn khó khăn, thiếu thốn để giúp họ vượt lên chính mình.
    Câu nói ”Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông” của Nguyễn Bá Học muốn khuyên chúng ta rằng: trong tất cả mọi chuyện, dù gặp khó khăn đến đâu, chỉ cần con người có ý chí, có nghị lực thì ” Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm “, bao gian nguy hiểm cũng có thể vượt qua được. Hãy đừng gục ngã tước những thử thách mà hãy xem nó như một trò chơi phải chiến thắng!

    Bài 3
    Được sống, đó là món quá quý báu nhất mà tạo hóa đã ban cho chúng ta. Chính vì vậy, chúng ta phải biết trân trọng cuộc sống của mình, phải biết sống có lí tưởng, có niềm tin và biết yêu thương. Hơn hết, chúng ta phải biết sống có nghị lực để đối mặt với những thử thách trên đường đời. Cũng như nhà văn Nguyễn Bá Học đã nói: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nội dung cũng như ý nghĩa câu nói ấy mang đến.

    Khi đã sống, ai cũng có khát khao vươn đến hạnh phúc, đến thành công, đến đỉnh cao tri thức. Và cụm từ “đường đi” trong câu nói của Nguyễn Bá Học chính là hình ảnh ẩn dụ cho con đường tìm đến hạnh phúc, đến thành công ấy của con người. Hay nói cách khác, đó chính là hình ảnh khái quát về cuộc sống của chúng ta. Dù ta chọn đi trên con đường nào, ta đều phải đối mặt với những thử thách riêng, những vật cản riêng của nó. Và “sông”, “núi” chính là những chướng ngại vật trên “đường đi” ấy. Chúng ta không nên đối mặt với những vật cản đó với thái độ “ngại”, ngại ngùng, e dè hay thậm chí sợ hãi. Câu nói của vị tiền nhân Nguyễn Bá Học là lời nhắc nhở không chỉ cho những con người thuở xưa mà còn cho thế hệ hôm nay về nghị lực sống. Cuộc sống hiện hữu rất nhiều khó khăn, thử thách gian nan. Nhưng chỉ cần lòng ta bền, chí ta quyết thì sẽ vượt qua tất cả.
    Câu nói của Nguyễn Bá Học rất đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Cuộc sống có dễ dàng hay không là tùy thuộc vào nghị lực sống của mỗi cá nhân. Chỉ cần bền lòng quyết chí, ta sẽ vượt qua tất cả. Thành công, vinh quang và hạnh phúc, đó không phải là một điểm đến, mà là cả một cuộc hành trình. Chúng không tự động tìm đến chúng ta, buộc chúng ta phải tìm kiếm, đấu tranh với nỗ lực phấn đấu không ngừng. Đã có biết bao tấm gương về nghị lực sống trong xã hội. Chẳng hạn như thầy Nguyễn Ngọc Ký tuy bị liệt hai tay nhưng thầy đã vượt lên số phận, tập viết bằng chân, và trở thành một nhà giáo mẫu mực, giúp ích cho đời. Thầy là tấm gương về nghị lực sống cho thế hệ trẻ noi theo. Hay cậu học trò người Dao, Lý Láo Lở, tuy hai tay không trọn vẹn nhưng vẫn nuôi ước mơ vào đại học, trở thành người thầy đáng kính đáng trọng của trẻ em vùng cao. Hay kình ngư hai mươi hai tuổi người Mê-xi-cô, San-chez, không có tay, chỉ có một chân nhưng anh đã giành rất nhiều huy chương… Từ xưa tới nay, từ đồng bằng đến miền núi, từ đông sang tây, nơi nào cũng có những con người tràn đầy nghị lực sống cho dù hoàn cảnh của họ rất khó khăn. Bởi vậy, chúng ta đừng sợ “sông” rộng, “núi” cao. Vì mỗi lần đối mặt với chúng là thêm một lần tôi luyện nghị lực bản thân, rèn ý chí, sự bền bỉ cũng như lòng can đảm. Nếu thất bại cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng là sau mỗi thất bại đó, chúng ta biết vươn dậy, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu để rồi đối mặt với những thử thách tiếp theo trong tư thế chủ động sẵn sàng. Cũng như ông cha ta luôn nhắc nhở: “Thất bại là mẹ thành công”. Bác Hồ cũng từng khẳng định rằng:
    “Không có việc gì khó
    Chỉ sợ lòng không bền
    Đào núi và lấp biển
    Quyết chí ắt làm nên”.
    Trên con đường tìm đến hạnh phúc và vinh quang, điều quan trọng không phải ở chỗ chúng ta đang đứng mà là hướng chúng ta đang đi. Và nghị lực sống là nhân tố không thể thiếu giúp chúng ta duy trì hướng đi đúng đắn của mình. Bên cạnh đó, sống có nghị lực góp phần rèn luyện nhân cách con người: sự kiên trì, bền bỉ, lòng dũng cảm.
    Thật đáng khâm phục những con người sống có nghị lực, vượt lên nghịch cảnh, biết hướng đến sự tốt đẹp trong cuộc sống như thầy Nguyễn Ngọc Ký, cậu học trò Lý Láo Lở…!Tuy nhiên, trong xã hội không phải ai cũng có nghị lực để đối mặt thử thách, vượt lên chính mình. Hãy tưởng tượng một người sống mà không có nghị lực, cuộc sống của họ sẽ vô nghĩa biết dường nào. Chẳng hạn, một học sinh gặp bài toán khó, suy nghĩ chưa bao lâu đã vội gấp tập lại. Đó là một thái độ học tập không tốt, gặp bài dễ mới làm, dần sẽ tạo nên thói quen lười suy nghĩ, lười tư duy. Như vậy ngừơi học sinh đó sẽ không tiếp nhận các kiến thức mới cùng sự linh họat khi xử lí vấn đề trong mỗi bài toán, đến lúc kiểm tra thi cử lại quay cóp, thiếu trung thực. Nỗi lo âu của ngành giáo dục cũng phần nào xuất phát từ việc thiếu quyết tâm vượt qua bản thân, thiếu nghị lực của chính mỗi học sinh. Hay một người mơ ước làm bác sĩ để sau giúp người giúp đời. Nhưng thấy quá khó khăn rồi bỏ cuộc. Chẳng lẽ chỉ vì thế mà ta từ bỏ mơ ước chính đáng của mình. Thật đáng thất vọng!
    Con người là sản phẩm hoàn mỹ nhất của tạo hoá. Mỗi con người sinh ra đều mang trong mình những khả năng đặc biệt và sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua phong ba bão táp cuộc đời. Vì thế, mỗi cá nhân phải có nhận thức đúng đắn, tự giác rèn luyện sự bền bỉ, ý chí phấn đấu, lòng kiên định, nhẫn nại, rèn luyện nghị lực sống. Khi gặp trở ngại nào, ta nhất định không được bỏ cuộc công việc đang làm, phải quyết tâm hơn nữa. Ngoài ra, gia đình và nhà trường cần dạy bảo con em bài học về lòng can đảm, lòng kiên trì, và trên hết là nghị lực sống để vượt qua khó khăn trên con đường học vấn. Ông bà có thể lồng những bài học ấy vào các câu chuyện kể trước khi đi ngủ cho cháu. Thầy cô có thể xen những bài học ấy vào các giờ giảng đạo đức của mình. Xã hội cần quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, có những chương trình gây quỹ hỗ trợ người nhiễm chất độc màu da cam, những người khuyết tật, nghèo khó…, giúp họ hoà nhập cuộc sống dễ dàng hơn.

  • bạn đọc
    Tháng Mười 16th, 2012 lúc 13:10

    Cuộc đời là một chuỗi những thử thách. Bước qua được thử thách có nghĩa bạn đã thành công!

  • phan van hoanh
    Tháng Mười 19th, 2012 lúc 12:18

    ho phan nha minh it nguoi qua cong tac trung tu ton tao ho con nhieu kinh phi lam vay kinh mong con chau ho phan huong ve tam linh to tien de no mat no may voi ngui ta mong rang tu nay con dan ho phan duoc vinh hien

  • phan van hoanh
    Tháng Mười 19th, 2012 lúc 12:33

    than goi hoang khong biet hoang bao nhieu tuoi ma xung ho minh la uv bts tinh hoi phat giao daklak la nguoi ke mon buon buon vao trang mang cua lang thay bai viet nay cua hoang khi doc co le hoang con tren ghe nha truong ma da thau dao phat phap rat dang tan duong ngay nay rat it ban tre danh thoi gian tham khao kinh dien phat giao day la mot dieu dang tiec xa hoi cang ngay cang thuc dung gioi tre bi cuon vao con loc song voi khong con may ban duoc nhu hoang dang tiec that chao hoang chuc hoang luon vung tin o ly tuong cua minh.

  • hoangtu
    Tháng Mười 19th, 2012 lúc 15:02

    bạn viết ko có dấu mình ko hiểu j cả

  • hoangtu
    Tháng Mười 19th, 2012 lúc 16:06

    1/ Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ Cha Ân dưỡng dục
    Mùa báo hiếu bùi ngùi thương Mẹ Đức Cù lao

    2/ Noi gương đạo hiếu Mục Liên
    Cầu cho cha mẹ bình yên thọ trường

    3/ Đố ai đếm được lá rừng
    Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
    Đố ai đếm được vì sao
    Đố ai đếm được công lao mẫu từ

    4/ Ai còn Mẹ,
    Xin đừng làm Mẹ khóc!
    Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe không
    Để một mai khi rớt cánh hoa hồng
    Khỏi tiếc nuối những ngày vui bên Mẹ

    5/ Cha cho con một cuộc đời
    Mối tình sâu kính trong lời dạy khuyên
    Lòng Cha nghiêm nghị thiêng liêng
    Cho con lẽ sống giữa miền trần gian

    6/ Mẹ là bóng mát giữa trời
    Cha là điểm tựa bên đời của con

    7/ Lên non mới biết non cao
    Nuôi con mới biết công lao Mẹ hiền

    8/ Công Cha bằng biển cha ơi
    Nghĩa Mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.

    9/ Cha là tất cả cha ơi!
    Cha là hình ảnh trọn đời thiêng liêng

    10/ Đạo làm người không chỉ là đạo hiếu
    Nhưng không hiếu thảo không phải con người.
    {SƯU TẦM }

  • hoàng công thành
    Tháng Mười 20th, 2012 lúc 12:59

    chú phan văn hoành viết không có dấu,không có chấm phẩy đọc không ra.mong chú lươ ý

  • hoang tu
    Tháng Mười 23rd, 2012 lúc 20:28

    Con người ta luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt, mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại.

    Có một lần, tại một trường trung học, ngài hiệu trưởng đến gặp các em học sinh để nói chuyện. Trong khi nói, ông giơ lên cho các em thấy một tờ giấy trắng, trên đó có một chấm tròn đen ở một góc nhỏ, và hỏi:

    – Các em có thấy đây là gì không?

    Tức thì cả hội trường vang lên:

    – Đó là một dấu chấm.

    Ngài hiệu trưởng hỏi lại:

    – Thế không ai nhận ra đây là một tờ giấy trắng cả ư?

    Và ngài kết luận:

    – Thế đấy, con người luôn luôn chú ý đến những lỗi nhỏ nhặt, mà quên đi tất cả những phẩm chất tốt đẹp còn lại. Khi phải đánh giá một sự việc, hay là một con người, thầy mong các em sẽ chú ý đến tờ giấy trắng nhiều hơn là những vết bẩn có trên nó.

  • duicui-kemon.@.yahoo.com.vn
    Tháng Một 19th, 2013 lúc 19:50

    nhất tâm-nhị…tam…thất tâm…cuối cùng phải là thật tâm.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác