CÁC VỊ THẦN ĐƯỢC MỜI VỀ CHỨNG KIẾN TRONG LỄ CÚNG LÀNG 09-02-2023 Thao Nguyen

. . Như thường lệ, vào những ngày đầu năm mới âm lịch, các hội đồng hương của làng Kế Môn ở các tỉnh thành lại lần lượt tổ chức Họp mặt Cúng làng theo nghi thức cổ truyền, sao chép từ các lễ tế “xuân thu nhị kỳ” từ cố hương. Trong nghi lễ không thể thiếu phần “độc chúc” (tức đọc văn tế). Mà trong văn tế thì có phần “cung thỉnh” các vị thần và tiền hiền về chứng kiến cho phải đạo “uống nước nhớ nguồn”. Các vị thần và tiền hiền này là những vị nào, đã được ông bà tổ tiên chọn thờ ở những đình miếu nào ở làng?

      Nhiều bà con đã từng chứng kiến cuộc lễ, từng nghe người đọc văn tế xướng lên chậm rãi từng tiếng một, nhưng chắc chắn không phải ai cũng biết rõ những vị được xướng danh ở phần “cung thỉnh” này. Năm vừa qua, anh Trần Duy Huấn – một đồng hương hiện sống ở Bình Phước – đã có công nghiên cứu sưu khảo sách sử để cho ra đời loạt bài đăng trên facebook với tiêu đề: “Những ngôi miếu và các vị thần được thờ ở làng Kế Môn”. Rất tiếc, với một đề tài có tính văn hóa tín ngưỡng liên quan mật thiết với lịch sử của làng như vậy mà lại có quá ít người đọc và tham gia bình luận góp ý.

     Có thể, một trong những lý do khiến ít người đọc là vì các bài viết quá dài và quá chi tiết nên khó tiếp thu chăng? Vậy thì, xin phép tác giả Trần Duy Huấn và bạn đọc cho tôi được mạo muội tóm lược lại một cách vắn tắt  về các vị thần được liệt kê trong văn tế và đang được thờ trong các ngôi miếu ở làng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp đồng hương dễ hiểu và dễ nhớ hơn.

    Theo văn tế, “danh sách” cung thỉnh sẽ gồm 11 bậc theo thứ tự ưu tiên thượng – trung – hạ đẳng. Ngoài 2 vị trí cuối là 10 và 11 dành cho tập thể “thập nhị tôn phái” và quý “tiền hiền tiền bối” thì từ vị trí số 1 đến số 9 dành cho các vị thần. Mời bạn đọc ta cùng lần lượt nhận diện các vị thần từ số 1 đến 9 như sau:

.

    Vị thần thứ 1 :

Cao Các Quảng độ – Hoằng Mô Vĩ lược – Đôn Hậu Phò hựu – Trạc Dương Trác Vĩ – Thượng đẳng – Tôn thần.

     Đây là vị thần của nước Nam được thờ ở một trong hai miếu ở Miếu Đôi (miếu bên phải). Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn (ghi bằng Hán tự): “Cao Các Đại Càn Thượng Đẳng Thần Thần Vị”. Câu đối tán dương công đức của thần:

 *Vế phải: Cao Các Linh Thanh Trường Ủng Hộ.

*Vế trái: Đại Càn Hồng Phúc Vĩnh Phù Trì.

    Từ thần vị và ý nghĩa của các câu đối, qua tra cứu các thần tích, cả về Nhiên thần lẫn Nhân thần, tác giả Trần Duy Huấn xác tín được đây chính là  ngài Tản Viên Sơn Thánh tức ngài Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh -Thủy Tinh.

    Như vậy đây chính là vị Sơn Thần mà ông bà tổ tiên người làng Kế Môn (cũng như một số làng khác ở Thừa Thiên Huế) tôn thờ với mong muốn chinh phục thiên nhiên, vốn là vùng đất “ác địa” từ thuở sơ khai lập làng lập họ.

.

Cao Các Linh Thanh Trường Ủng HộĐại Càn Hồng Phúc Vĩnh Phù Trì.

.

Vị thần thứ 2 :

Hoằng Huệ Phổ tế – Linh cảm Diệu thông – Mặc tướng Thiên Y  A Na Diễn Ngọc Phi Thượng đẳng – Tôn thần.

     Đây là vị nữ thần Thiên Y A Na có nguồn gốc từ người Chăm. Ngôi miếu tọa lạc ở đầu làng đã được trùng tu. Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần Tôn Thần”.

    Theo thần tích của người Việt có ghi lại trên tấm bia ở Tháp Bà Ponaga Nha Trang thì bà đã “có công đem văn minh ra giáo hóa dạy dân cày cấy, nuôi tằm dệt vải và đặt ra lễ nghi…Từ đó ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày thêm sung túc…”

Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Thượng Đẳng Thần Tôn Thần
Thần tích được ghi trên tấm bia ở Tháp Bà Ponaga Nha Trang

.

Vị thần thứ 3 :

Bắc Phương Uy linh Dõng liệt – Tước phong Dực bảo Trung hưng – Gia tặng Đoan túc Linh phò – Tôn thần.

    Đây là vị thần được thờ ở một trong hai miếu ở Miếu Đôi (miếu bên trái). Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Bắc Phương Oai Linh Dõng Liệt Tôn Thần Thần Vị”. Câu đối tán dương công đức của thần:

    -Vế phải: Dõng Liệt Thần Công Trừ Quỹ Mỵ

    -Vế trái: Oai Linh Thánh Đức Chửng Lê Dân

    Từ thần vị và ý nghĩa của các câu đối, qua tham khảo  dịch lý về Thái cực – với bốn phương Đông Tây Nam Bắc cùng các chòm sao trong Nhị thập bát tú, thì “Bắc phương” ở đây thuộc chòm sao Huyền Vũ trong đó Bắc đẩu là sao chủ. Và vị thần đứng đầu phương Bắc này là ngài Huyền Thiên Trấn Vũ – còn được gọi là Chân vũ Tinh quân, Bắc phương Chân vũ Huyền thiên đại đế, Bắc đẩu tinh quân.

     Như vậy vị thần được tiền nhân thờ ở miếu này chính là ngài Huyền Thiên Trấn Vũ” – một vị Thủy Thần có năng lực giúp dân tiêu trừ được các “thế lực u minh”.

Miếu Đôi lúc chưa trùng tu (2004)
Dõng Liệt Thần Công Trừ Quỹ MỵOai Linh Thánh Đức Chửng Lê Dân

.

Vị thần thứ 4 :

Bổn thổ Thành hoàng – Gia tặng Bảo an Chính trực – Hựu thiện  Đôn ngưng – Dực bảo Trung hưng – Gia tặng Tịnh hậu Trung đẳng – Tôn thần.

     Đây là vị Thành hoàng mà tổ tiên làng đã chọn để thờ. Ngôi miếu tọa lạc bên Đường Cấy (khoảng giữa xóm Đề và xóm họ Nguyễn ngược).

       Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Bổn Thổ Thành Hoàng Trung Đẳng Thần Thần Vị”.

     Theo tác giả Trần Duy Huấn, miếu này xưa kia còn gọi là Nghè. Sau năm 1809 khi ngài khai canh của làng là Trần Qúy Công được vua Gia Long phong thần và cho lập miếu để thờ thì miếu này gọi là “Nghè nhỏ” còn miếu khai canh gọi là “Nghè lớn” (tức Nghè sau lưng họ Trần Đăng, mới được trùng tu gần đây)

     Từ tham cứu về thần tích theo chính sử, từ truyền thuyết dân gian về cái chết của “vị tướng đứt đầu” và từ sự hiển linh của ngài Lý Phục Man – một vị danh tướng thời Lý Nam Đế, được các triều vua Lê, Lý, Trần nhìn nhận và phong thần, có thể xác tín được vị thành hoàng đang được thờ ở đây chính là ngài Lý Phục Man, không riêng gì tổ tiên làng Kế Môn chọn thờ mà còn nhiều nơi khác nữa ở trong nước.

Bổn Thổ Thành Hoàng Trung Đẳng Thần Thần Vị

.

Vị thần thứ 5 :

Chung Vũ Đại phu Hồ Trấn Phủ – Tước phong Dực bảo Trung hưng – Gia tặng Đoan túc Linh phò – Tôn thần.

     Đây là thần vị được thờ chung với “Bổn thổ Thành hoàng” ở miếu Thành hoàng (đã nói ở trên). Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Chung Vũ Đại Phu Hồ Trấn Phủ Tôn Thần Thần Vị”.

    Ngài Chung Vũ Đại Phu này là ai? Xin đọc qua phần lược trích sau đây từ tác giả Trần Duy Huấn:  

     “Theo truyền khẩu thì ngài là một vị thầy thuốc giỏi làm ở Thái y viện. Lúc bấy giờ (không rõ thời điểm) xảy ra một trận dịch bệnh “đậu mùa” mà tâm dịch ở làng Kế Môn. Bệnh lây lan nhanh khiến nhiều người mắc phải và số tử vong càng lúc càng nhiều… Trong lúc khốn cùng đó ngài Hồ Trấn Phủ đã tìm ra bài thuốc và cách trị liệu  bệnh “ma đậu” này. Nhờ vậy cơn dịch bệnh được dập tắt. Từ đó dân chúng xem ngài như một thánh y. Sau khi ngài qua đời, với công lao to lớn đó, ngài được vua phong thần để dân chúng thờ phụng và nhờ phúc ngài phù hộ mỗi khi ốm đau bệnh tật. Nhớ ơn ngài đã cứu giúp dân làng trong cơn nguy khốn nên tổ tiên làng Kế Môn đã tôn phụng ngài như một vị Thành hoàng và thờ thần vị của ngài chung ở miếu Thành hoàng”.

Chung Vũ Đại Phu Hồ Trấn Phủ Tôn Thần Thần Vị

.

Vị thần thứ 6 :

Bổn thổ Thổ kỳ – Sắc tặng Bảo an chính trực – Hựu thiện đôn ngưng – Tước phong Dực bảo Trung hưng – Gia tặng Tịnh hậu Trung đẳng – Tôn thần.

      Theo tác giả Trần Duy Huấn, làng Kế Môn có 4 vị thần “bổn thổ”. Đó là bổn thổ Thành hoàng, bổn thổ Thổ kỳ, bổn thổ Tán lý khai canh và bổn thổ Đô ty (tư).

     Trong 4 vị “bổn thổ” này, ba vị Thành hoàng, Tán lý khai canh và Đô ty thuộc về “nhân thần” (tức con người có đời sống và tiểu sử), chỉ riêng ngài Thổ kỳ thuộc “nhiên thần” (tức thuộc về tự nhiên). Ta hay gọi “Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ”, tức là các vị thần được cho là có nhiệm vụ cai quản về đất đai, nhà cửa, ruộng vườn… Xưa hầu hết các làng như Kế Môn đều thuần nông, nên việc thờ phụng Thổ kỳ là lẽ tự nhiên và phổ biến.

      Ngài Thổ kỳ được vua phong tước, phong thần với cấp “trung đẳng”. Miếu Thổ kỳ tọa lạc bên Đường Cấy, cạnh con khe Ông Phụ chảy ra ruộng Đạt Khẩn, thuộc xóm Khe (xóm họ Lê), nay là xóm 14.

Miếu Thổ kỳ (ảnh chụp 2004)

.

Vị thần thứ 7 :

Tán hóa Mặc vận – Thuận thành Hóa tự – Tư nguyện Trang huy – Ngũ hành Liệt vị – Tước phong Dực bảo Trung hưng – Gia tặng Đoan túc Linh phò – Tôn thần.

    Đây chính là “Ngũ hành Liệt vị”, tức “Ngũ Hành Nương Nương” là năm vị thần biểu trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vì chưa có điều kiện tiếp cận bên trong miếu để biết thần vị thờ trong miếu được ghi ra sao, nhưng có điều phổ biến đây chính là tục thờ Bà Ngũ Hành, sơ khai xuất phát từ Nam Bộ.

     Sau này “để chính thống hóa tục thờ Bà Ngũ Hành, năm Duy Tân thứ 5 (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong chung cho năm Bà là “Ðức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Ðẳng Thần”. Ðồng thời phân ra: Thổ Ðức Thánh Phi Tặng Hoằng Ðại Hậu Trung Ðẳng Thần, Hỏa Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung Ðẳng Thần, Kim Ðức Thánh Phi Tặng Chiếu Hiền Hậu Ứng Trung Ðẳng Thần, Thủy Ðức Thánh Phi Tôn Thần Gia Tặng Ôn Hậu Quang Trung và Mộc Ðức Thánh Phi Tặng Thanh Tú Khởi Trực Trung Ðẳng Thần”.(*)

       “Trong thuyết Ngũ Hành, các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ luôn tương sinh và tương khắc, theo quy luật không độc lập với nhau. Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Nhờ đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển”.(*)

       “Năm vị nữ thần Ngũ Hành được tôn thờ với niềm xác tín các Bà có những quyền năng nhất định liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước nôi và cây trái. Ðây là nhóm nữ thần phù hộ cho mọi sinh hoạt của chúng sinh trong xã hội nông nghiệp, rất phù hợp đối với cư dân trên bước đường khai hoang mở cõi”.(*)

      Miếu Ngũ Hành ở làng Kế Môn tọa lạc ở cuối làng (ảnh chụp bên dưới).

Miếu Ngũ hành ở làng Kế Môn (ảnh chụp 2004)
Ảnh thờ Ngũ hành Nương nương (st trên mạng)

.

Vị thần thứ 8 :

Bổn thổ Tán Lý khai canh Trần Qúy Công – Tước phong Dực bảo Trung hưng –  Gia tặng Đoan túc Linh phò – Tôn thần.

     Thần vị của ngài thờ trong Nghè với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Bổn Thổ Tán Lý Khai Canh Trần Quý Công Tước Phong Dực Bảo Trung Hưng Gia Tặng Đoan Túc Tôn Thần Thần Vị”.

     Câu đối 2 bên ngai thờ:

     -Vế phải: “Thác Thổ Khai Cơ Công Vĩ Đại”

     -Vế trái: “Di Mưu Yến Dực Đức Huy Hoàng”

     Đây chính là ngài Trần Qúy Công, vị thỉ tổ họ Trần Đăng (có tên húy là Đẳng). “Ngài là một vị tướng tài có công lớn với nước với dân vào thế kỷ XV, đã theo đoàn quân Nam tiến mở mang bờ cõi. Sau khi tạ thế, ngài được sắc phong: “Tiên Triều Tán Lý Quân Vụ Quân Cơ, Dực bảo Trung hưng Linh phò Tôn thần” được liệt vào “Thiên Thần Tả Giang”. Ngài còn có công lớn về khai canh khai khẩn nên làng đã xây dựng đền thờ để thờ ngài”(**). Đền này còn gọi là Nghè. Mộ của ngài nằm ở vị trí đặc biệt trên độn bạc cao ở giữa rú, hướng tầm nhìn bao quát ra phía khu dân cư, đồng ruộng và sông Ô Lâu. Người dân Kế Môn bao đời vẫn quen gọi là “Mả Ngài”.

Nghè lớn 2012
Ảnh chụp lúc Khánh thành Nghè lớn (trước 2004)
Bổn Thổ Tán Lý Khai Canh Trần Quý Công Tước Phong Dực Bảo Trung Hưng Gia Tặng Đoan Túc Tôn Thần Thần Vị
Thác Thổ Khai Cơ Công Vĩ Đại
Di Mưu Yến Dực Đức Huy Hoàng

.

Vị thần thứ 9 :

Bổn thổ Đô ty Trần Qúy Công – Tước phong Dực bảo Trung hung – Gia tặng Đoan túc Linh phò – Tôn thần.

       Thần vị thờ trong miếu với tước phong của Triều Nguyễn ghi: “Bổn Thổ Đô Ty Trần Qúy Công Tôn Thần Thần Vị”. Câu đối tán dương công đức của ngài:

       – “Dũng Quán Tam Quân Nãi Thần Nãi Thánh”  

       – “Khí Doanh Lưỡng Đại Vi Anh Vi Linh”

      Đây cũng là một võ quan nữa của họ Trần Đăng, sau ngài Thỉ tổ. Theo tác giả Trần Duy Huấn, từ những chi tiết trong cuốn “Những châu bản Triều Nguyễn” mà cụ Trần Duy Anh (cháu nội cụ Trần Dĩnh Sĩ) đang cất giữ, thì ngài Trần Qúy Công này nguyên là một vị “Đô ty chỉ huy sứ cấm vệ quân” thời vua Tự Đức. Trong sự kiện  giặc “Chày Vôi” ngài chịu án tử vì bị cho là cấu kết với loạn đảng, nhưng sau được vua phong thần để minh oan.

     Về chuyện oan khuất này, có thể vì do lệnh vua, cũng có thể vì “lý do tế nhị” trong giao tế với làng bạn, nên không hề có một giải thích rõ ràng nào được ghi chép trong sử sách hay truyền khẩu từ các vị tiền bối của làng. Song ít ra cũng có mấy câu vè của Nam Sơn Hoàng Đông sau đây (trích trong bài vè “Kế Môn quê tôi”) có thể hé lộ cho hậu sinh biết được đôi điều (dù cũng khá mơ hồ) về sự bí ẩn này:

“Rồi ra ngoài đập cuối làng

Có ngôi Tân Miếu bệ vàng rất linh

Xưa kia quan võ triều đình

Có vợ Đại Lộc ngoại tình thơ rơi

Trung cang nghĩa khí nhất thời

Vì vợ vu cáo cuộc đời thác oan

Luôn luôn phò hộ dân làng

Mỗi năm Tết đến đặt bàn cầu yên”

      Miếu thờ ngài Bổn thổ Đô ty ở cuối làng, sát bên trên  Đường Cấy và gần với Khe Đồng Dạ (đính kèm ảnh dưới).

Dũng Quán Tam Quân Nãi Thần Nãi ThánhKhí Doanh Lưỡng Đại Vi Anh Vi Linh

Ghi chú:

1. Các tài liệu tham khảo của tác giả Trần Duy Huấn bao gồm:

     -Đại Việt sử ký toàn thư.

     -Lĩnh nam chích (trích) quái (tg Trần thế Pháp viết vào cuối đời nhà Trần)

     -Việt điện u linh (tg Lý tế Xuyên viết năm 1329 thời Trần)

     -Các tài liệu và nhiều bài viết của các tác giả trong Đền Miếu Việt và Hùng Việt sử quán.

2.(*) Lược trích bài viết “Tục thờ Bà Ngũ Hành ở Nam Bộ” của tg Huỳnh Hà đăng trên Cần Thơ online.

3.(**) Lược trích từ cuốn “Lược sử họ Trần Thừa Thiên Huế (Xb 2012) –Phần “họ Trần Đăng làng Kế Môn”.

4. Bạn nào cần biết thêm chi tiết, xin mời đọc loạt bài của tác giả Trần Duy Huấn đã đăng trên Facebook (nhóm Hội ĐH Làng Kế Môn – Sài Gòn).

5. Bạn nào có những ý kiến gì khác liên quan đến nội dung tác giả vừa trình bày, xin vào Facebook (nhóm Hội ĐH Làng Kế Môn – Sài Gòn) để góp ý bình luận. Tác giả sẽ nghiêm túc tiếp thu và phản hồi. Xin cám ơn!

*Bài viết: Nguyễn Thanh Mạo

*Hình ảnh minh họa: Trần Duy Huấn & Thanh Mạo

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác