NGHỀ KIM HOÀN KẾ MÔN: 26-02-2023 Thao Nguyen

TỔNG QUAN VỀ NHỮNG

THĂNG TRẦM

QUA CÁC TRIỀU ĐẠI

*

     LỜI DẪN

Thưa quý bạn đọc đồng hương,

Làng Kế Môn ta đã được nhiều người biết đến với vinh dự là cái nôi của nghề kim hoàn, với  cụ Tổ nghiệp khai sinh ra nghề là người họ Cao. Thế hệ tiếp nối thế hệ, con dân người Kế Môn theo nghề vàng trong suốt hơn 200 năm nay, đã mang về cho làng sự giàu có và thịnh vượng mà không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên trong suốt thời gian dài ấy, qua các triều đại, các chế độ chính trị và kinh tế đổi thay, nghề vàng của người Kế Môn cũng không sao tránh khỏi những bước thăng trầm. Về điều này thì không phải ai cũng biết, nhất là các thế hệ về sau, mà có biết thì cũng chỉ truyền miệng với nhau về một thời kỳ, về một giai thoại  nào đó của nghề vàng. Còn viết thành văn, in thành sách như một chứng  tích để con cháu mai sau đọc và có được cái nhìn tổng thể, xuyên suốt về nghề vàng của người Kế Môn từ bước đầu khởi nghiệp cho tới nay, thì hầu như chưa thấy ai làm.

Người viết, do không phải là người trong nghề, nên dù đã có ý muốn viết ra từ nhiều năm nay, cũng thấy rất ngần ngại, vì e rằng mình sẽ không hiểu hết các ngóc ngách của nghề vàng, có thể bị phê phán là võ đoán hay lệch lạc. Nay do nhiều đồng hương tỏ ý khuyến khích và sẵn sàng cung cấp những “tư liệu sống”quý giá về nghề vàng của người Kế Môn qua nhiều thời kỳ, đồng thời với vốn liếng tìm hiểu và quan sát từ bên ngoài của chính bản thân trong suốt hơn 50 năm qua, người viết mạnh dạn thực hiện bài viết này, bằng một cái nhìn tổng quan về lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của nghề, đặc biệt chỉ giới hạn trong phạm vi nghề kim hoàn của người Kế Môn mà thôi.

Do là tổng quan, và chỉ cô đọng trong một bài viết nên không thể đi vào các chi tiết và những sự kiện, tình huống hay nhân vật cụ thể. Bên cạnh đó, cũng do giới hạn về phạm vi chuyên môn cũng như thâm niên của những người cung cấp tài liệu, mà đa phần chỉ thuộc thế hệ U70 về sau, nên hẵn là không thể tránh được sai sót. Rất mong các bậc cao niên trong nghề quan tâm thông cảm và chỉ giáo thêm. Xin chân thành cảm ơn.

*

                    

Làng Kế Môn kể từ thời điểm hình thành vào đầu thế kỷ 15 cho tới cuối thế kỷ 18 chỉ là một làng thuần nông như bao ngôi làng khác ở vùng đất Thuận Hóa nói chung và vùng duyên hải Ngũ Điền hiện nay nói riêng. Rồi như gặp một duyên may trời định, bỗng xuất hiện một nhân vật đặc biệt đã mang đến cho người dân làng một nghề thủ công đáng quý: nghề thợ bạc. Đó là cụ Tổ nghiệp Cao Đình Độ và người con trai cả của cụ là cụ Cao Đình Hương – mà đã được Triều Nguyễn sắc phong lần lượt là Đệ Nhất và Đệ Nhị Tổ sư ngành Kim hoàn Việt Nam.

  • THỜI KHỞI NGHIỆP

Đó là những sự kiện lưu truyền căn cứ trên các tài liệu lịch sử thành văn. Còn theo truyền khẩu, thì thế hệ người Kế Môn đầu tiên đã cùng hai cụ Tổ Cao Đình vào kinh thành làm việc ở ngành Ngân tượng thời Tây Sơn và tiếp nối với thời Gia Long, là những người thuộc hai họ Hoàng và Trần trong làng. Đặc biệt, những người họ Hoàng, sau này buộc phải đổi thành họ Huỳnh, do trùng tên húy của Chúa Tiên là Nguyễn Hoàng.

Các thế hệ tiếp theo, ngoài con cháu dòng tộc của hai họ trên, một số khác cũng được theo học nghề này từ các ông thầy thuộc thế hệ đi trước. Dần dần số thợ kim hoàn người Kế Môn mỗi ngày một đông thêm. Điều đặc biệt ở thời kỳ này là nghề không truyền cho người ngoài mà chỉ được truyền cho riêng người trong làng mà thôi. Sau này, khi người Kế Môn tản mát ra hành nghề lập nghiệp ở khắp nơi, lấy vợ lấy chồng các xứ, sinh con đẻ cái, thì lệ “dấu nghề” này không còn tồn tại nữa.

Trong thực tế, việc học nghề thường được truyền thụ trực tiếp từ các người thợ, là đàn anh truyền cho đàn em, là người đi trước truyền cho người đi sau. Tuy vậy, người chủ vẫn luôn là ông thầy, là “sư phụ”, cũng không khác mấy với những thầy đồ Nho dạy chữ, với tình cảm “tôn sư trọng đạo” vốn có và với những ràng buộc về lễ giáo phong tục thời ấy. Cụ thể là phải để tang khi bản thân thầy hay có người lớn trong gia đình thầy qua đời.

Dụng cụ chế tác (nôm na là đồ nghề) thời kỳ khởi nghiệp này cũng còn rất lạc hậu, thô sơ. Cả đến việc nung đốt vàng bạc vẫn còn dùng than củi và thổi lửa bằng bệ thụt 2 ống đứng không khác gì thợ rèn. Sau này, tiến bộ hơn, người thợ đã thay thế bệ thụt đứng bằng loại “quạt” quay bằng tay để nạp gió qua một ống tròn nằm ngang trên mặt bàn để thổi lửa, tất nhiên vẫn phải dùng than củi, chưa có nhiên liệu nào thay thế cả.

Về sản phẩm chế tác, thời kỳ này thường tập trung cho các sản phẩm trang trí nội thất cung điện, các đồ dùng cho sinh hoạt và các loại nữ trang cung ứng cho vua chúa, hoàng tộc và các quan lại. Như vậy, với việc chế tác các sản phẩm ấy, nghề thợ bạc thời kỳ này rõ ràng đã tiến một bước khá dài với những kỹ thuật chạm trỗ tinh vi hơn từ vàng ròng, so với nghề đúc đồng và chạm bạc thô sơ thời khởi nghiệp của vị Đệ Nhứt Tổ sư.

  • THỜI TIỀN CHIẾN

Cho đến giữa thập niên 1950, đặc biệt sau hiệp định Genève 1954, nghề kim hoàn của người Kế Môn không còn chỉ gói gọn ở kinh thành Huế như một thời gian khá dài trước đó, mà đã bắt đầu lan tỏa ra khắp các vùng tại miền Nam, qua sự ra đời của nhiều tiệm kim hoàn từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, đến Quảng Ngãi, Quy Nhơn,…

Cho đến thời kỳ này, nguồn thu nhập chính từ nghề vàng của người Kế Môn vẫn chủ yếu là từ gia công. Nói khác, người chủ cũng như người thợ chỉ sống bằng tiền công trên sản phẩm. Dạo ấy, so với nghề nông tất nhiên là nhàn, là “danh giá” hơn, qua hình ảnh những người thợ vàng với quần áo bảnh bao, da dẻ trắng trẻo xuất hiện ở làng quê mỗi khi Tết về. Có ai biết đằng sau cái bề ngoài bảnh bao ấy là cả một môi trường làm việc hết sức độc hại và ô nhiễm so với không gian sống trong lành thoải mái với nghề nông chất phác nơi vùng quê. Hơi a-xít, hơi xăng, hơi bốc lên từ độ nung chảy của vàng bạc, suốt ngày cứ quanh quẩn với người thợ.

Từ chiếc bàn làm việc, các dụng cụ chế tác, sàn nhà cho đến quần áo mà người thợ mặc khi hành nghề, thậm chí là hai bàn tay và thân thể trong ngoài của người thợ cũng phải được làm vệ sinh theo cách riêng, theo thời điểm riêng, chứ không phải cứ thấy bẩn, cứ thấy ngứa ngáy khó chịu là quét dọn là tắm rửa như người bình thường. Phải gom bụi, rác và các chất lỏng thải ra từ vệ sinh về một mối, để có thể tận dụng lượng vàng đã “bốc hơi” trong quá trình chế tác. Nếu thợ đông, làm nhiều, cuối năm lượng “heo” thu được tính ra cũng không hề nhỏ chút nào.

Đồ nghề của thợ vàng bạc thời gian này có nhiều món tỉ mỉ hơn để đáp ứng với sản phẩm ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Nhưng dù đã cải tiến, chẳng hạn như đã dùng xăng thay cho than củi, dùng bàn đạp đặt dưới chân thay cho bệ thụt và quạt quay tay, tất thảy vẫn mang tính thủ công.

Có thể phân làm hai loại: dụng cụ căn bản và dụng cụ chuyên dụng. Về căn bản, mỗi người thợ có một bàn làm việc với mặt bàn dày khoảng 3cm, rộng cỡ chừng 70x90cm, một bộ đốt bằng xăng (gồm bệ đạp, ống dẫn và vọt); đe, búa, kìm, kéo, nĩa, nuội, ve, dũa,…loại bằng thép. Còn về chuyên dụng, gồm các đồ nghề sử dụng chất liệu riêng (như đồng, sừng hay gỗ) và được thiết kế đặc biệt hơn để phù hợp với sản phẩm chế tác. Ngoài ra, mỗi tiệm còn trang bị một cân tiểu ly, một máy cáng mỏng quay bằng tay, vài bàn kéo và sau này có thêm bàn dập bằng thép bảng để dùng chung.

*

Đồ nghề thợ vàng  dạng thủ công

Sản phẩm trang sức làm ra từ vàng 24 hay18K,  có thể kể từ món giản đơn như nhẫn ma-dê (marié), lắc, xuyến, đến khó và tỉ mỉ hơn như bông tai, dây chuyền, kiềng,… và phức tạp hơn cả là các loại nhẫn kiểu có gắn đá quý. Các sản phẩm này hầu như không được đúc ra từ các khuôn mẫu có sẵn, mà chỉ được chế tác theo thói quen, theo truyền nghề từ ông thầy là chính. Đặc biệt các loại nhẫn kiểu với nhiều mẫu mã đa dạng tỉ mỉ đòi hỏi người thợ phải thật sáng tạo với tay nghề giỏi mới cho ra được những sản phẩm tinh xảo và có độ thẫm mỹ cao.

Thời gian để đào tạo ra một người thợ vàng với tay nghề đủ để làm các món căn bản thì khó có thể xác định được là bao lâu. Thông thường ở các tiệm vàng của người Kế Môn ngày trước, có thể là ba bốn năm, cũng có thể là năm bảy năm hay hơn, tùy vào “thầy chủ” và tùy theo năng khiếu cũng như khả năng tiếp thụ của từng người theo học. Còn để làm được thành thạo tất cả các món từ giản đơn đến phức tạp thì cần phải có thời gian lâu hơn, nếu không nói là phải học hỏi suốt đời, bởi sản phẩm mỗi ngày một thay đổi, đa dạng, tùy vào thị hiếu cũng đổi thay không ngừng qua nhiều thế hệ của khách hàng.

Rõ ràng là vào thời kỳ này, ở tất cả các vùng miền trong nước, không hề có trường lớp nào đào tạo riêng cho nghề vàng bạc, mà chỉ có thể học theo lối truyền nghề ở các tiệm. Thông thường, trước khi cầm đến các dụng cụ chế tác để tập sự trên các chất liệu ít giá trị như đồng đỏ hay bạc, rồi cuối cùng mới tới vàng, các học trò phải trải qua một quá trình dài làm “lao công”, tạp dịch để phụ việc, phải thức khuya dậy sớm, thậm chí phải làm các công việc thay cho người ở nếu cần. Thời gian “nhập môn” này thường là một vài năm. Đây cũng chính là trải nghiệm để thử thách khả năng chịu khó, cần cù và kiên nhẫn: những đức tính rất cần có để trở thành một người thợ kim hoàn có triển vọng.

Có thể thấy một điều hiển nhiên rằng đích nhắm của người thợ vàng – cũng như bao nghề khác – là trở thành ông chủ, nghĩa là phải ra “dọn tiệm” khi có vốn liếng và cơ hội làm ăn. Vì dù cho lĩnh lương tháng hay khoán sản phẩm với mức cao chăng nữa, thì vẫn chỉ đủ tiêu xài mà không có dư bao nhiêu. Nhiều thế hệ thợ vàng người Kế Môn đã trở thành những ông chủ, từ “chủ nhỏ” đến “chủ lớn” khắp các tỉnh thành miền Nam vào thời kỳ này.

Tuy vậy, muốn “dọn tiệm” hay trở thành chủ tiệm kim hoàn, cũng không phải chuyện dễ. Không phải ai muốn dọn thì dọn. Bởi từ thời kỳ này trở về sau đến trước 1975, ngành vàng bạc đã có Nghiệp đoàn Kim hoàn hẵn hoi, và vai trò của nghiệp đoàn là vô cùng quan trọng. Người thợ, bên cạnh thủ tục hành chính từ phía nhà nước, cần phải chứng minh cho nghiệp đoàn thấy được một lý lịch học nghề rõ ràng. Và chỉ có người thợ đã “ra nghề” mới được phép mở tiệm.

Đó là chưa kể nghiệp đoàn còn quy định rõ trong một “địa bàn” chỉ có thể giới hạn là bao nhiêu tiệm, cũng như “mật độ” và phân bổ vị trí các tiệm ra sao nữa. Cũng na ná như điều khoản ENT (Economic Need Test) của Việt Nam ngày nay dùng làm “hàng rào kỹ thuật” trên thị trường bán lẻ khi gia nhập WTO vậy. Thí dụ: ở Đà Nẵng giới hạn chỉ 100 tiệm, Huế 100, nhưng ở Đông Hà Quảng Trị chỉ được 20. Tất cả những điều kiện nghiêm ngặt ấy,  chỉ nhằm mục tiêu là gìn giữ uy tín và chất lượng cho ngành kim hoàn, ngăn ngừa những hình thức cạnh tranh không lành mạnh có thể xảy ra.

  • THỜI CHIẾN

Khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, ngày càng khốc liệt kể từ đầu thập niên 1960, đặc biệt là khi quân đội Mỹ và đồng minh ngày càng hiện diện nhiều hơn tại Miền Nam vào cuối thập niên này, thì cũng là lúc nghề kim hoàn có nhiều chuyển biến đáng kể. Các tiệm vàng của người Kế Môn lần lượt phát triển thêm khắp các tỉnh thành, từ đồng bằng lên tới cao nguyên, từ Nam Trung bộ  ra tới vĩ tuyến 17. Ngoài các địa chỉ quen thuộc như đã ghi nhận ở phần trên, nghề vàng với các tiệm kim hoàn của người Kế Môn đã vươn tới tận các vùng xa xôi ở Tây Nguyên như Đắc-Tô, Tân Cảnh vùng Kon -Tum, Ban Mê Thuột, Pleiku, Đà Lạt… Tóm lại là các địa điểm làm ăn ngày càng bám sát với trận địa, nơi có đông đảo quân đội đồng minh của nhiều nước tham chiến.

Tại những nơi này, ở vùng hậu phương bao quanh, những ai ăn nên làm ra nhờ tận dụng thời cơ từ cuộc chiến, trong đó có các nhà buôn và thành phần ăn theo cơ hội, thậm chí là công chức và binh sĩ ăn lương nhà nước nhưng có dư chút đỉnh, lúc này, người ta không chỉ giới hạn ở thói quen mua sắm nữ trang, mà còn sắm cả vàng, thậm chí vàng lá để cất giữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong cuộc chiến tàn khốc và chết chóc ấy, tương lai không ai có thể đoán trước được điều gì, người ta phải “thủ” cho những bất trắc có thể xảy ra.

Thế là ngoài thu nhập từ gia công vốn có, các tiệm vàng lúc này bắt đầu phát triển thêm một “nghề” mới: đó là nghề mua bán hay kinh doanh vàng bạc. Thị trường bất ổn, vàng lên vàng xuống thất thường đã mang đến lợi nhuận cho các tiệm vàng nhờ chênh lệch giữa giá vàng của từng thời điểm – mà người trong nghề thường có điều kiện nắm bắt thông tin và đoán định chính xác hơn, cọng với chênh lệch như thường lệ giữa giá “bán ra” và “mua vào”. Bán ra, mua vào càng nhiều thì lợi tức tích lũy càng cao. Đây cũng chính là thu nhập “chủ lực” của các tiệm vàng nói chung và của người Kế Môn nói riêng. Có thể nói, đây chính là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn trong thời chiến vậy.

Tuy nhiên, để trở thành những “đại gia” vàng từng giàu có và tiếng tăm như các ông chủ người Kế Môn ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn hay Pleiku thời này, thì ngoài việc mua bán thường ngày tại tiệm (mà lúc này hầu như đã giao hẵn cho bà chủ quản lý), những người “có gan làm giàu” trong nghề đã phải tiến xa hơn bằng các thương vụ buôn bán vàng sĩ từ nguồn. Thời gian này, nguồn vàng thường xuất xứ từ Hồng Kông, và khi về Sài Gòn – hoặc trực tiếp hoặc qua ngã Cao Miên – nó trở thành thương hiệu vàng lá “Kim Thành” nổi tiếng và độc tôn một thời bên cạnh các thương hiệu Đạt Tín, Thái Sơn quen thuộc. Tất nhiên, làm ăn thì cũng có thời có vận. Ngoài may mắn, thì bất trắc là tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

  • THỜI HẬU CHIẾN

Khi hòa bình trở lại vào năm 1975, hầu hết các tiệm vàng  nói chung đều bị buộc phải đóng cửa. Một số chủ tiệm của người Kế Môn có điều kiện, liều lĩnh tìm đường ra nước ngoài, với hy vọng sống lại được với nghề cũ. Thực tế là hầu hết các chủ tiệm vàng ở các tỉnh thành trước đây đều có khuynh hướng tập trung về Sài Gòn, xem đây như là một “trạm trung chuyển” trước khi có thể ra đi nếu tình thế bắt buộc.

Trong thời gian này, mặc dầu bị đóng cửa, không thể hoạt động công khai, nhưng những người trong nghề và khách hàng vẫn tìm được nhiều cách để bí mật giao dịch, làm ăn với nhau, hình thành một thị trường vàng không chính thức.Và với những người kinh doanh nghề vàng còn ở lại trong nước, lúc này họ vẫn sống được nhờ vào “thị trường đen” nói trên, đặc biệt là những dịch vụ phát sinh trong thời hậu chiến. Cụ thể là có ba kênh làm ăn đáng ghi nhận như sau:

Một là, từ nghề phân kim trên những “rác thải” chiến tranh để lại, chẳng hạn như các máy móc truyền tin, xe pháo hư hỏng của quân đội Miền Nam và đồng minh, đặc biệt là xác máy bay, bị bỏ lại rải rác khắp các chiến trường. Những khí tài này, tùy bộ phận, người ta phát hiện có chứa một hàm lượng không nhỏ nguyên liệu vàng. Đây chính là cơ hội cho không những người thợ phân kim trong nghề, mà cả với người dân, đặc biệt ở các tỉnh Miền Trung, vốn đang đói kém, liều mạng đi săn lùng bất chấp khó khăn nguy hiểm. Tất nhiên nguồn lợi cũng chia đều cho cả hai: một đằng có công săn lùng “nguồn hàng” và bên kia là công lao phân kim.

Hai là, từ phong trào vượt biên và ra đi “bán chính thức”. Hoạt động này đòi hỏi một nhu cầu về cung ứng vàng rất lớn để những người ra đi trang trải các chi phí. Có thể là vàng nữ trang nhưng tiện nhất vẫn là vàng lá 24K. Đặc biệt, việc giao dịch có lúc đi kèm với nhu cầu “hạ tuổi vàng” để tăng thêm số lượng. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến, vì việc giao dịch thường diễn ra trong bóng tối, bí mật, nhanh gọn, nên việc kiểm tra “tuổi vàng” khó mà thực hiện chính xác.

Mặt khác, phải nói đây là một dạng trao đổi, chung chi khá đặc biệt trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nó hoàn toàn phù hợp với tình huống mà người đời hay ví von: “Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, còn đi với ma thì mặc áo giấy” vậy! Ở đây có thể là không đi với “ma” nhưng thực tế là đi trong “bóng tối” – một thứ bóng tối dẫy đầy tráo trở, lừa lọc và hiểm nguy. Từ đó mà lương tâm người thợ vẫn được yên ổn.

Ba là, từ ngoại tệ, là lượng kiều hối từ nước ngoài gởi về – đặc biệt từ thập niên 1990 trở về sau. Tóm lại là những gì liên quan tới vàng bạc, tiền tệ thì lập tức người Kế Môn trong nghề nhạy bén tận dụng để khai thác. Đó là các dịch vụ chuyển tiền “ngoài luồng”.

Dịch vụ này diễn ra bắt đầu vào cuối thập niên 1980, và nở rộ vào những năm sau đó khi lớp người ra đi ở phương xa đã ổn định được cuộc sống nơi xứ người và có triển vọng trong làm ăn. Không chỉ là chuyển USD mà cả tiền Úc, bảng Anh, Euro và một vài loại tiền khác. Tất nhiên dịch vụ này cũng dành cơ hội cho tất cả mọi người chứ không chỉ riêng thợ kim hoàn, tuy vậy người trong nghề vẫn có nhiều lợi thế hơn.

Như vậy, với những giao dịch, mua bán, làm ăn trên “thị trường đen” cọng với ba kênh làm ăn có tính dịch vụ và thời vụ này, những người thợ và hành nghề kinh doanh vàng bạc nói chung – Kế Môn nói riêng – vẫn còn có đất sống, dù chỉ là tạm thời, trong bối cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn của thời bao cấp. Một số bi quan trước thực tại bế tắc của nền kinh tế trong nước đã liều lĩnh chọn con đường ra đi và chấp nhận mọi hiểm nguy. Số còn lại thì trông chờ vào một sự đổi thay nào đó với hy vọng “qua cơn bỉ cực ắt phải tới hồi thới lai”. Và điều đó rồi cũng đã đến.

  • THỜI MỞ CỬA

Kể từ sau năm 1986, mở đầu cho thời kỳ hội nhập với thế giới trong thế bắt buộc, tình hình kinh doanh, mua bán nói chung ở VN bắt đầu được khôi phục trở lại, khi nhà nước chủ trương hướng đến một nền kinh tế thị trường. Nghề vàng, cụ thể là các tiệm vàng, nữ trang cũng không ngoại lệ. Người Kế Môn trong nước  lần lượt mở lại các tiệm kim hoàn trên khắp Miền Nam, từ Đông Hà, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, lên các tỉnh thành vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ở ngay tại Sài Gòn.

Quy mô lớn nhỏ tùy vào vốn liếng của chủ nhân. Nhưng lớn hay nhỏ vẫn có khách hàng thường xuyên và ngày càng đông vui, tỉ lệ thuận với tình hình kinh tế tương đối khởi sắc, khi người dân được dịp bung ra làm ăn và có mòi khấm khá trở lại. Ngoài thu nhập từ gia công thì mua bán vàng, đặc biệt là vàng lá “Kim Thành” thời gian đầu và sau này là các thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn như SJC, PNJ, vẫn mang lại nguồn lợi chủ lực. Thời gian này, người ta vẫn quen dùng vàng như là một hình thức cất giữ đáng tin cậy hơn so với đồng tiền, đặc biệt bước qua đầu thế kỷ 21, khi mà lạm phát trong nước ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Điều đặc biệt là ở thời điểm đầu thiên niên kỷ  này, giá vàng trong nước luôn biến động và tăng nhanh theo giá vàng thế giới, từng đạt mức kỷ lục gần 1.900 USD/ounce (xấp xỉ 49 triệu đồng/lượng tại VN) vào năm 2011, khiến một bộ phận không nhỏ người dân đã chọn cách “lướt sóng” vàng để kiếm lời. Hoạt động này đã giúp các tiệm vàng nói chung và của người Kế Môn nói riêng nhộn nhịp hẵn lên, và tất nhiên thu nhập cũng tăng theo.

Cũng trong thời gian này, nhiều công ty vàng bạc đá quý của các tập thể và cá nhân có vốn làm ăn lớn tại các thành phố – nhất là Sài Gòn – cũng ra đời. Các cty và doanh nghiệp tư nhân này đã biết hội nhập, liên kết với ngành kim hoàn của thế giới. Họ nhập về các máy móc chế tác vàng bạc hiện đại với quy trình sản xuất theo hướng dây chuyền, hàng loạt với khối lượng lớn. Các đơn vị này còn có sẵn một đội ngũ các nhà thiết kế chuyên sử dụng máy tính để tạo mẫu và ra khuôn mẫu cho từng loại sản phẩm, đặc biệt là nữ trang. Nói chung là sử dụng tri thức khoa học vào kinh tế mà người ta hay gọi là “kinh tế tri thức”. Người thợ kim hoàn lúc này hầu như chỉ giới hạn ở công việc “làm nguội” sản phẩm đã được đúc ra mà thôi.

*

Một xưởng chế tác hiện đại

Hệ quả là các tiệm vàng vừa và nhỏ, đặc biệt của người Kế Môn tại các tỉnh thành phía Nam, khó cạnh tranh nỗi về mặt quy mô sản xuất, kỹ thuật, mỹ thuật cũng như giá cả của các mặt hàng cùng loại làm ra. Nghề vàng thủ công như xưa kia bỗng trở thành lạc hậu, ế ẩm. Thợ kim hoàn, thế hệ cũ, chưa hòa nhập, bắt kịp được với công nghệ chế tác mới, đành phải bỏ nghề. Một số các tiệm vàng nhỏ lẻ còn sống được là nhờ vào lợi tức từ kinh doanh mua bán trong tình hình giá vàng và kinh tế bất ổn – như đã nói ở trên, mà hầu như không còn thu nhập từ gia công chế tác như trước đây nữa.

Chưa dừng lại, kịp đến năm 2012, khi nhà nước bắt đầu đưa ra các chính sách và biện pháp thắt chặt nghề kinh doanh vàng trong cả nước, thì tình hình mua bán ở các tiệm vàng vừa và nhỏ càng bế tắc, bi đát hơn gấp bội. Giá vàng không còn bị thả nổi như trước đó, trái lại còn có khuynh hướng giảm dần và tương đối ổn định, dù vẫn thường cao hơn giá thế giới. Dân lướt sóng vàng cũng bắt đầu bó tay. Hệ quả là các tiệm vàng vừa và nhỏ khắp nơi và của người Kế Môn lần lượt ế ẩm dẫn đến đóng cửa. Ngay ở Sài Gòn cũng chỉ còn vài ba tiệm không hơn, và chỉ sống qua ngày nhờ mua bán thêm các mặt hàng bằng bạc.

Riêng ở các tỉnh, những tiệm vàng lớn của người Kế Môn từ xưa nay vẫn còn cơ may tồn tại. Đó là nhờ vào uy tín có sẵn từ lâu vốn đã trở thành gần như “độc quyền”, với “một mình một chợ”! Thêm nữa, ở vùng quê, nơi thiếu vắng các ngân hàng, thì việc sắm vàng để cất giữ của dân quê vẫn là thói quen khó thay đổi. Ở Huế có các tiệm của Duy Mong, ở Bình Phuớc có Đô, ở Vĩnh Long và Long Thành có hai thương hiệu cùng tên Mỹ Ngọc… là những ví dụ điển hình.

  • NGHỀ KIM HOÀN KẾ MÔN Ở HẢI NGOẠI

Nói về nghề kim hoàn của người Kế Môn mà không nói về bổn nghề tại hải ngoại, đặc biệt ở Hoa Kỳ, là một điều hết sức thiếu sót. Bởi khi mà những người Kế Môn ra đi định cư, mang theo cái nghề – là di sản của tổ nghiệp – dùng làm phương tiện sinh sống nơi đất khách quê người, thì phải coi đây chính là một nhánh, một bộ phận, một địa danh lan tỏa của nghề kim hoàn Kế Môn. Thậm chí đây là một bộ phận đặc biệt, gắn với một môi trường kinh doanh tự do, tiến bộ, phát triển và có nhiều triển vọng, đã may mắn thoát ra khỏi những khó khăn, bế tắc từ môi trường kinh doanh trong nước.

Mặc dầu, những người Kế Môn đã di tản lần lượt từ những năm đầu sau 1975, nhưng mãi đến cuối thập niên này và đầu thập niên 1980 – là những năm mà nền kinh tế bao cấp tại VN rơi vào trì trệ, khủng hoảng – những người trong nghề vàng mới quyết định ra đi tìm con đường sống mới, đông đảo nhất là tại Hoa Kỳ. Nơi vùng đất mới lạ lẫm này, những người Kế Môn, từng là chủ của các tiệm vàng trước đó tại VN, đã cố gắng tái khai trương trở lại nghề vàng của mình. Dần dà, nghề vàng có được cơ hội phục hưng, cuộc sống của bà con nơi này ổn định và khấm khá.

Hầu như phần lớn các bang của nước Mỹ đều có người Kế Môn mở tiệm kim hoàn. Theo anh Hoàng Lý  từ Houston trong bài viết “Nghề kim hoàn của người Kế Môn tại Mỹ” thì: “Tập trung vẫn là ở hai bang California và Texas, nơi có người Kế Môn định cư đông nhất. Tại Cali có các tiệm ở Tp. San Francisco, Oakland, San Jose, Sacramento, Stockton và Fresno. Tại Texas thì ngoài hai ba tiệm ở North Texas, số đông còn lại chủ yếu tập trung tại Tp.Houston. Mỗi bang có khoảng trên dưới 20 tiệm.

Một số tiệm khác tản mát ra khắp nước Mỹ ở các Tp. Seattle và Tacoma thuộc Bang Washington,  Portland  thuộc Bang Oregon,  Salt Lake City thuộc Bang Utah, Denver thuộc Bang Colorado, Wichita thuộc Bang Kansas, Saint Pall thuộc Bang Minnesota, Oklahoma thuộc Bang Oklahoma và  Philadelphia thuộc Bang Pennsylvania”.

Thời gian đầu vì chưa hội nhập được với kinh tế Mỹ, mà cụ thể là nghề kim hoàn đá quý, vốn đã được hiện đại hóa bằng máy móc công nghiệp, những người thợ thủ công kim hoàn thuộc thế hệ đàn anh đã buộc phải mở đầu bằng các dịch vụ sửa chữa, tân trang cho khách hàng, người Việt, đặc biệt là với số đông khách bản địa như Mỹ hoặc Mễ (Mexican). Dần dần họ phát triển thêm các dịch vụ mua bán nữ trang các loại, đồ mỹ nghệ vàng bạc đá quý và cả đồng hồ. Cứ thế, các tiệm vàng làm ăn ngày một khấm khá lên. Có thể nói hai thập niên từ 1980 đến 2000 là thời kỳ vàng son của nghề kim hoàn Kế Môn tại Mỹ vậy.

Sau vụ khủng bố 11/9/2001, cũng là lúc kinh tế Mỹ gặp khó khăn và bắt đầu suy thoái, ngành kim hoàn tại đây cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Bù lại, một lớp chủ trẻ người Kế Môn thuộc thế hệ sau có vốn liếng, có tri thức, đã biết xoay xở, phát triển nghề mình theo hướng công nghiệp hóa để hội nhập sâu vào thị trường của người bản địa. Vì vậy, dù một số tiệm nay đã đóng cửa vì nhiều lý do, nhưng nói chung số đông vẫn hoạt động bình thường. Có điều đáng ghi nhận là các thế hệ con cháu Kế Môn về sau này, tại đây, đã không còn tha thiết hoặc bị buộc phải theo nghề vàng như các thế hệ cha ông của họ nữa.

*

Máy móc chế tác hiện đại

  • THỬ NHÌN VỀ VIỄN CẢNH

Ngày nay, kinh tế VN đã hội nhập sâu vào với kinh tế thế giới. Ngành kim hoàn đá quý cũng không ngoại lệ. Ngoài những công ty có tầm vóc của người trong nước, các cty sản xuất vàng bạc đá quý hiện đại của nước ngoài như Hàn Quốc, Úc,… cũng đã có mặt tại Việt Nam. Nói khác, ngành kim hoàn ở  các nước tiên tiến ra sao thì ở VN cũng theo chiều hướng phát triển như vậy. Như thế, rõ ràng nghề kim hoàn thủ công truyền thống của VN nói chung và Kế Môn nói riêng đang trên đà lép vế, mai một, nhường bước cho nghề kim hoàn theo hướng công nghiệp hóa với máy móc và các phương pháp chế tác hiện đại.

Hiện nay để đầu tư vào nghề, cần có vốn lớn, sản xuất quy mô, máy móc chế tác và phương pháp quản lý hiện đại, đặc biệt là có khả năng tận dụng khoa học kỹ thuật, trong đó có máy tính vào các công đoạn thiết kế và sản xuất. Chưa kể đôi khi cần phải “có thân có thế”, có “ô dù” – một thói quen đang trở thành tệ nạn trong xã hội VN hiện nay. Những điều kiện này có lẽ đang nằm ngoài tầm với của các tiệm vàng nhỏ lẻ của người Kế Môn hiện tại. Người thợ kim hoàn cũng vậy, nay đã có các trường lớp đào tạo bài bản, theo hướng phù hợp với máy móc và quy trình sản xuất mới, không còn phải học nghề theo lối thủ công cũ.

Thực tế cho thấy lớp trẻ người Kế Môn theo học nghề vàng ngày càng ít đi, mặc dầu tình hình rời làng quê ra đi lập nghiệp ở phương xa của các thế hệ con dân Kế Môn sau này vẫn còn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu dừng lại. Họ đã buộc phải tìm kiếm một ngành nghề khác để thay thế. Trong lúc đó thì người thợ cũng như doanh nghiệp kinh doanh kim hoàn ngày càng phổ biến cho tất cả mọi người từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi lên tới vùng cao, miễn là đáp ứng được những điều kiện nêu trên. Người Kế Môn tham gia vào nghề vàng này, vốn đa phần chỉ giới hạn trong khuôn khổ gia đình, gia tộc với quy mô hoạt động nhỏ lẻ, dần dần bị cạnh tranh, thất thế và hiện chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn trong cộng đồng các doanh nghiệp kim hoàn.

Tóm lại, với đà phát triển như vậy, một ngày nào đó, nghề kim hoàn thủ công truyền thống sẽ có nguy cơ mai một với số đông người Kế Môn. Lúc đó, thiên hạ sẽ chỉ coi nghề chế tác vàng của xứ sở nhỏ bé này như hiện tượng của một thời vang bóng. Và nếu còn có tấm lòng tri ân Đức Tổ nghiệp Cao Đình, người ta mới nhớ ra rằng: Ừ, làng Kế Môn xa xôi kia đã từng là cái nôi sinh ra, bảo bọc và nuôi dưỡng nghề vàng qua hàng mấy trăm năm.

Cuối cùng, điều đáng ghi nhận và tự hào là nghề kim hoàn thủ công truyền thống của người Kế Môn xưa hiện vẫn được xã hội quan tâm bảo tồn trong bối cảnh chung của các làng nghề thủ công, đặc biệt ở Thừa Thiên Huế, cụ thể qua các kỳ Festival. Trong đó cần ghi nhận nhân tố tích cực đã khơi gợi và quảng bá cho làng nghề kim hoàn Kế Môn chính là “Tịnh Tâm Kim Cổ” ở Thành Nội, Cố đô Huế, một cơ ngơi nhằm giới thiệu và bảo tồn làng nghề có từ sáng kiến và tâm huyết của hậu duệ họ Trần Duy là ông bà  Duy Mong – Xuân Thảo.

       Đến với địa chỉ độc đáo này, các nhà nghiên cứu hay du khách sẽ có cơ hội “nhìn tận mắt sờ tận tay” từ các món đồ nghề thô sơ ngộ nghĩnh xưa của các lão thợ bạc tiền bối đến các thao tác khéo léo, tinh vi trong chế tác thủ công được các tay thợ hậu duệ trình diễn lại. Đến cũng là để chiêm ngưỡng và thán phục trên hàng trăm sản phẩm tinh xảo, cực kỳ thẫm mỹ từ vàng, bạc và đá quý qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Mới xác nhận một điều: nghề kim hoàn đúng là một nghề làm đẹp cho người, cho đời…

      Bài: Nguyễn Thanh Mạo

                        2015

         Ảnh minh họa: internet

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác