TỪ CÂU CHUYỆN VỀ ẨM THỰC CỦA NGƯỜI KẾ MÔN ĐẾN THƯƠNG HIỆU MINH TÂM 25-09-2024 Thao Nguyen
Nói về những người giàu có khá giả ở làng Kế Môn thường người ta nghĩ ngay đến những người kinh doanh trong nghề vàng bạc. Điều này dễ hiểu vì đó là truyền thống, là một thực tế của người Kế Môn xưa nay. Nhưng xã hội ngày một tiến bộ, phát triển, đời sống ngày một nâng cao, thì ngoài việc sắm sửa nữ trang, dùng vàng bạc như một phương tiện bảo vệ giá trị tài sản thì những nhu cầu khác, cũng đồng thời nẫy sinh và phát triển một cách hết sức phong phú và đa dạng. Ẩm thực là một trong số những nhu cầu ấy.
Ngày xưa, đặc biệt giới bình dân, trong tiệc tùng ăn uống, tại hộ gia đình cũng như họ tộc làng xóm, thực đơn thường giản dị, cứ “xưa bày nay làm”. Thực hiện những món ăn thức cúng thường do chính con cháu trong gia đình hay họ hàng tập trung nấu nướng. Tập tục này có nhiều cái lợi mà một trong những ưu điểm chính là niềm hân hoan của sự đoàn tụ, gắn bó và đông vui trong gia tộc. Nhưng sau này dần dần người ta nhận ra có phần bất tiện vì tốn khá nhiều công sức và thời gian của con cháu, đặc biệt là quý cô quý bà. Bởi nấu nướng bếp núc thường là công việc của phụ nữ, chưa hết, ăn xong thì phải dọn, mà phần dọn dẹp cả “bãi chiến trường” kia ắt cũng dành cho phụ nữ!
* Từ nghề nấu đám tiệc
Gần đây, để cho “khỏe” người ta thường “đặt hàng” thực đơn trọn gói ở những địa chỉ chuyên môn về ẩm thực. Các tiệc cưới hỏi, các lễ cúng lớn nhỏ và liên hoan ở các chi, nhánh, họ ở làng hiện nay là một ví dụ điển hình. Từ đó mới hình thành và phát triển một ngành nghề mới, gọi một cách bình dân là nghề “nấu đám tiệc”, cũng tương tự như các “nhà hàng” ở thành phố, chỉ khác là có tính “di động” và linh hoạt hơn về thực đơn, món nào cũng chìu, giá nào cũng có tùy khẩu vị và túi tiền của khách.
Người Kế Môn xa quê, ngoài ngành vàng, cá biệt cũng đã có những đồng hương sống bằng nghề ẩm thực. Ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1960’s đã có người làng từng bán bún bò hay phở, cụ thể là tiệm phở đắt khách nhất một thời tên Ngọc Lan ở góc Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – Tự Đức (nối dài) Quận 1 của vợ chồng và các con bà Trần Thị Lý (lấy chồng Vĩnh Xương là ông Nguyễn Dự). Phở tiệm này khá ngon và nổi tiếng (mỗi ngày bán xấp xỉ 15 kg thịt bò, xương thì hầm bằng hai cái thùng nhôm to gần như thùng phuy). Điều này đã khiến chủ nhà nổi lòng tham đòi tăng giá thuê mặt bằng liên tục, kết cục là sau năm 1980 bà Lý phải đầu hàng dời đi. Điều đáng chú ý là người thuê sau (hay chính chủ nhà) cũng bán phở và lấy tên Ngọc Lan nhưng phở lại quá tệ, rồi tiệm vắng khách dần, từ đó biến mất luôn cái thương hiệu Ngọc Lan!
Đó là nói chuyện xưa, thời mà người Kế Môn hiện hữu ở Sài Gòn lác đác chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nay thì khác, người Kế Môn xa quê đã đông đảo gấp bội ở thành phố, ước có tới cả ngàn. Trong đó, bên cạnh những tiệm vàng ngày càng mai một dần do thời thế, bỗng xuất hiện những thương hiệu khác, trong đó có ẩm thực – mà nổi tiếng nhất là Cà phê Trung Nguyên. Dẫu nay thương hiệu cà phê này đã không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu nhưng người Kế Môn vẫn rất tự hào với người con gái họ Lê – là chủ của thương hiệu. Chỉ tiếc rằng, có lẽ vì là nhân vật quá nổi tiếng nên những đồng hương làng Kế bình thường (mà đại diện là hội đồng hương làng tại Sài Gòn) quá khó để tiếp cận và thân thiện với bà chủ thương hiệu này.
*Đến Thương hiệu Minh Tâm
Nhưng đặc biệt hơn cả là sự xuất hiện của một thương hiệu ẩm thực về “nấu đám tiệc” khá nổi tiếng và quen thuộc với đồng hương, mà những món ăn thức cúng truyền thống của người làng xưa đã và đang được thương hiệu này “phục dựng” một cách khá “trung thực” và hấp dẫn hằng năm trong tiệc họp mặt đồng hương mùa xuân. Đó là thương hiệu Minh Tâm của ông bà Hồ Thị Lộc.
Khởi nghiệp từ 30 năm trước vào năm 1994, người ta cho rằng vào thời điểm ấy, với tay nghề nấu nướng khá nổi trội so với bạn bè, bà Lộc đã chập chững bước vào nghề thuở ban sơ với các bàn tiệc nhỏ từ trong gia đình, gia tộc rồi tiến dần ra xã hội. Từ tính chịu khó, yêu nghề, biết lắng nghe rút tỉa kinh nghiệm, tay nghề ngày một được nâng cao, thực đơn ngày một phong phú, đa dạng và phù hợp với trào lưu thưởng ngoạn ẩm thực của mọi giới, từ bình dân tới thượng lưu. Đó chính là chìa khóa giúp bà Lộc duy trì và phát triển dần nghề nghiệp của mình, giúp Minh Tâm trở thành một thương hiệu có tầm cỡ như ngày nay. Tất nhiên không loại trừ yếu tố thời thế, Minh Tâm đã gặp thời. Nhưng cái “thời” sẽ không đến khi con người ta không biết định hướng cho nghề nghiệp trong một bối cảnh phát triển của xã hội cụ thể, không biết chớp lấy cơ hội.
Ngoài tay nghề và thời thế thì khả năng tổ chức và quản lý một doanh nghiệp của Minh Tâm thật đáng được ngưỡng mộ. Ai cũng biết nghề này đòi hỏi một lượng lớn nhân viên nấu nướng ở “hậu trường” và phục vụ tại bàn tiệc. Và lực lượng này không ai khác chính là các con em trong bà con nội ngoại và đồng hương của ông bà chủ. Một công đôi chuyện: vừa có đủ nhân lực phục vụ vừa tạo công ăn việc làm cho bà con và đồng hương. Việc này nói thì dễ mà làm thì không dễ, bởi phải tạo nơi ăn chốn ở cho khối nhân lực này, mà nhà đất ở trung tâm Sài Gòn ai cũng biết là vô cùng đắt đỏ.
Nhưng Minh Tâm đã làm được, đã “trụ” được qua thời Cô-vit và ngày càng phát triển lớn mạnh, khách hàng ngày càng đông và đa dạng: từ những nhân vật nổi tiếng, các văn nghệ sĩ đến giới bình dân, nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm tìm đến đặt hàng liên tục.
.
Từ hơn năm qua, khi ông xã bà Lộc – người cộng sự đắc lực của bà – đột ngột qua đời, may thay các con của ông bà cũng đã trưởng thành và sẵn sàng kế tục sự nghiệp của cha mẹ. Minh Tâm sau 30 năm vẫn vững bước tiến về phía trước với tâm thế đầy tự tin và hy vọng.
.
Một điểm độc đáo của Minh Tâm không thể không nhắc đến: đó là những hoạt động Từ Thiện không ngơi nghỉ của thương hiệu này. Những kỳ thiên tai bão lũ trong các năm vừa qua ở miền Trung , ở làng đều có bàn tay giúp sức xoa dịu nỗi đau của Minh Tâm. Hoặc tự thân, hoặc phối kết hợp với các mạnh thường quân khác, không ồn ào hay quảng cáo, Minh Tâm đã trao gởi cho bà con gặp nạn những món quà rất kịp thời và đầy ý nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “miếng khi đói bằng gói khi no”… Đó cũng chính là cái Tâm sáng của thương hiệu rất phù hợp với ý nghĩa của hai từ Minh Tâm vậy.
Xin cầu chúc cho Minh Tâm mãi vững bước phát triển, chúc bà chủ mãi vui khỏe và đội ngũ quản lý cùng tập thể nhân viên luôn gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống …
* Thanh Mạo ( Sg, 9/2024)
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận