QUÊ NGOẠI! 19-09-2011 minhhien

Đăng ngày: 21:10 16-04-2010

Thư mục: Tổng hợp

Lần đầu con về quê, cũng là lần cả nhà đưa Ngoại về với mảnh đất của ông bà (làng Kế Môn, Điền Môn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế)… Từ quốc lộ 1A (đoạn giáp giữa Quảng Trị – Huế, xe ngoặt trái chạy dọc con đường ven sông để về làng. Ngang qua cầu Mỹ Chánh, xe lại trong chốc lát để Ngoại nhìn ngắm lại cây cầu, dòng sông thân thuộc. Ngoại nằm đó trong chiếc cỗ áo quan, mắt đã nhắm nghiền nhưng mình tin Ngoại vẫn nhìn thấy cảnh vật quê hương… Cuối tháng 3, nắng xuân trải vàng khắp cánh đồng. Bên bãi sông từng bãi ngô non xanh mướt,một vài nông phu lom khom dẫy cỏ.

Một vài chiếc thuyền lá tre trễ nãi cắm sào bên bờ sông vắng. Xa xa phía kia, dưới rặng tre là làng cổ Phước Tích, một địa chỉ văn hóa vừa được “đánh thức” cách đây mấy năm…Tất cả làm nên một vẻ đẹp thanh bình đến kỳ lạ.

Xe chầm chậm chạy! Con đường về làng nay đã đổ bê tông êm ru. Dường như dưới lớp bê tông lạnh ngắt kia vẫn còn những dấu chân của Ngoại bao năm vẫn đi về. Dấu chân tuổi 20 khi Ngoại  trốn khỏi làng “chập chững” đi theo cách mạng, dấu chân  lần Ngoại dẫn mẹ và các cậu về thăm quê sau ngày đất nước thống nhất…  Ôi những dấu chân hằn in năm tháng! Hôm nay ngoại đang về nhưng không có dấu chân, chẳng phải con đường kia đã trơ cứng xi – măng không còn đủ độ mềm để hằn in dấu vết, mà bởi Ngoại về quê trên chiếc xe tang. Dọc đường đi em Híp  rải tiền vàng để  “xin đường cho mệ Ngoại đi”. Tục lệ thì phải làm theo, xưa bày nay làm. Chứ con tin rằng cô hồn các bác dọc đường chẳng ai cản trở hay làm phiền Ngoại. Ngoại “về quê” mà!… Con người Việt Nam thật lạ kỳ. Bỏ quê, bỏ xứ ra đi bươn chải kiếm sống ở đất khách quê người là để thoát kiếp nghèo, thoát ra khỏi những ruộng lúa nhỏ bé, rời những chiếc thuyền nan rách nát. Ấy vậy, nhưng xa rồi lại thấy nhớ, lại muốn về. Giàu sang cũng là ở xứ người, nằm xuống ở mảnh đất xa lạ (dù mãnh đất ấy đã ở đến vài chục năm đi nữa) là điều không ai muốn… Sống gửi, thác về- Cái quy luật ấy đã ăn sâu vào lòng người Việt, với Ngoại cũng vậy thôi.

Dọc đường quê, những mái đình, chùa cổ rêu phong nằm xen giữa những vườn cây xanh đếm không xuể. Ở xứ này gần như mỗi bước đi là chạm vào di tích. Lịch sử mấy trăm năm của vùng đất ngoại thành Huế ẩn khuất trong những ngôi đình, chùa cổ trong cuốn gia phả của những dòng họ khai canh  miền đất trù phú này. Cùng với đó là nét văn hóa rất riêng của xứ Huế, mà dễ thấy nhất phong tục tập quán, trong tính cách, giọng nói âm trầm…Về quê mới thấy, dù chỉ là  xứ Huế dân dã chứ không phải Huế của những cung vua phủ chúa của kinh thành cổ xưa,  người Huế vẫn có rất nhiều lễ nghi rất đặc biệt. Người Huế rất coi trọng việc tang, đám tang thường được để rất lâu, phải mời sư thầy về cầu kinh, phải có cơm chay…  Đám tang của Ngoại, họ hàng từ Gia Lai, Nha Trang, Đà Nẵng… lần lượt về. Ai cũng muốn thắp cho Ngoại một nén hương, đắp cho Ngoại một nắm đất trước. Ngoại nằm đó chắc hẳn cũng hạnh phúc trước tình cảm của con cháu, bà con thân thuộc.

Ngoại vẫn còn nằm đó nhưng con phải đi vì công việc. Buồn, cứ nghĩ ngợi vì sợ các cậu không thông cảm cho mình. Buồn hơn là không được tiễn Ngoại về nơi yên nghĩ. Mình chưa được ra nơi đó, nghe đâu là một đồi cát rộng. Không hiểu sao mình lại cứ như nhìn thấy cảnh đưa đám Ngoại… Chiều nắng vàng. Tiếng trống xen lẫn tiếng chiêng, tiếng nhạc lễ tấu lên bi thương… Áo quan của Ngoại được đặt trên xe chầm chậm lăn bánh. Cậu Thủy đầu đội nón cời chống gậy đi lui như muốn giữ Ngoại thêm chút nữa. Cậu Truyền (ông cậu quậy phá nhất nhà) ôm di ảnh của Ngoại… Giờ hạ huyệt đến. Mẹ, Híp sẽ khóc nhiều lắm. Không chứng kiến nhưng mình biết vậy, mọi thứ như diễn ra trước mắt mình. Ông Ngoại cũng khóc, mệ Mon cũng khóc… Đôi khi mình thấy kính phục bởi tình cảm ông dành cho bà. Hình như những người như thế hệ ông bà sâu nặng nghĩa tình hơn lớp trẻ bây giờ, mình hay nghĩ vậy. Cái giây phút âm dương cách biệt ấy thật là xúc động. Chỉ vài phút nữa thôi, chỉ vài tấc đất là mọi người không còn nhìn thấy Ngoại nữa… Nghĩ đến đây mình cũng rưng rưng nước mắt, nếu mình có mắt lúc ấy có lẽ mình cũng không cầm được nước mắt. Suốt từ khi ngoại đi mình buồn nhưng không khóc, bởi mình nghĩ Ngoại đi nhanh nhẹn, êm ả như vậy là một điều tốt. Con nghĩ vậy phải không Ngoại?!

Vậy là Ngoại đã về với quê hương, với họ hàng như tâm nguyện. Cuộc sống rồi cũng tiếp tục dòng chảy. Mọi đau buồn rồi cũng qua… Mình chỉ ân hận vì chưa nhìn thấy nơi yên nghĩ của Ngoại. Lòng thầm hứa một ngày sẽ về thăm mộ của Ngoại, về để được nhìn ngắm những nét đẹp của quê Ngoại.

Tàu SE3 chiều 31-3

http://vn.360plus.yahoo.com/traitimtinhsi_kh/article?mid=160

* Bài chép trên web, không thấy tên tác giả, có thay hình

Phản hồi (1)

  • Bé Lành
    Tháng Chín 24th, 2011 lúc 09:14

    bài viet nay doc xong thay xuc dong qua Chu Hien a! Trong tam tri ai ai cung luon nho ve nguon coi, nho ve ong ba cha me va manh dat cua que huong Ke Mon minh!

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác