NGUYỄN LỘ TRẠCH, “TRỊ AN” CHỈ MỘT ÁNG VĂN CHƯƠNG 26-03-2013 minhhien

NGUYỄN LỘ TRẠCH,
“TRỊ AN” CHỈ MỘT ÁNG VĂN CHƯƠNG

(Viết nhân ngày sinh con người Kế Môn lỗi lạc này, 15-2-1853)

Trong lời tựa “Quỳ ưu lục”, Nguyễn Lộ Trạch đã mượn lời thơ của Trương Quảng Khê vịnh Giả Nghị để bày tỏ hoài bão và lí tưởng của mình :
         Ngã diệc vị quân trường thái tức
“Trị an” đồ tác Hán văn chương
         (Ta cũng vì ông than thở mãi
“Trị an” chỉ một áng văn chương)
Mượn thơ người để kí thác lòng mình, đó cũng là một cách ứng xử thanh cao vốn có của người xưa. Đọc thơ để hiểu lòng người và nhờ thơ nói hộ lòng mình, đó là quy luật tiếp nhận văn chương. Qua hai câu thơ trên, Nguyễn Lộ Trạch đã kín đáo kí thác tình yêu dân tộc và gửi gắm lí tưởng của kẻ sĩ trước vận nước khốn nguy. Hoài bão và lí tưởng của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch được nén đúc trong hai chữ “trị an”. Và hai chữ “trị an” ấy ông một đời thể hiện bằng hành trạng và gửi qua những áng văn chương. Văn chương với ông là niềm thao thức khôn nguôi của một con người nặng lòng với nước non. Văn chương với ông là nhịp cầu giao cảm kết nối những tấc lòng cùng chí hướng. Văn chương với ông là sứ điệp để “dâng lên nhà vua rõ” về cuộc thế đổi thay, vận nước đang hồi bĩ cực, mong triều đình mạnh dạn cải cách về giáo dục, chính trị, ngoại giao, quân sự,… để đất nước phát triển theo xu thế hiện đại, quan hệ đa phương với các nước tiên tiến để có thể dễ dàng đương đầu với thực dân Pháp, bảo vệ quyền tự do, độc lập dân tộc.
Nhưng “trị an” là gì ? Trị an theo từ nguyên là làm cho đất nước hòa bình, nhân dân sống trong an lạc. Cũng có thể hiểu ý nghĩa của “trị an” như ý văn của Nguyễn Trãi : “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân – Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” (Bình Ngô đại cáo). Nhưng đặt trong hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, dân tộc ta đối đầu một mất một còn với thực dân Pháp, nền văn minh phương Đông đang cố thủ yếu ớt trước sự xâm lăng của văn minh phương Tây, thì “trị an’ có nghĩa là làm cho đất nước sạch bóng quân thù, dân tộc tự do, dân chủ, quốc gia hưng thịnh trong xu thế hiện đại hóa bền vững có thể ngẩng đầu đi tới mà không hổ thẹn với tiền nhân và với con người năm châu bốn biển. Nói gọn hơn, với Nguyễn Lộ Trạch, “trị an” có nghĩa là an quốc, an dân theo hướng duy tân như khẩu hiệu mà chí sĩ Phan Châu Trinh đề ra sau này : “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.
Chính tư tưởng “trị an” đó đã chi phối hành động của Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch. Là con nhà quan – tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai – Tổng đốc Ninh – Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), kiêm sung chức Thị sư đổng suất Ninh – Thái – Lạng – Bằng quân vụ (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn và Cao Bằng), và là rể của quan Thượng thư Bộ Binh Trần Tiễn Thành, ông có điều kiện thuận lợi để thăng tiến, con đường hoạn lộ của ông như vậy có thể là rất rộng mở và bằng phẳng. Ông lại là người thông minh, có ý thức miệt mài sách vở, nhưng không đi thi, không chọn con đường làm quan bằng khoa cử. Ông không lập danh bằng học vấn mà lập danh bằng hành động duy tân đất nước. Có lẽ đối với Nguyễn Lộ Trạch, con đường cử nghiệp chỉ là lối mòn của người đi trước mà thực tại không còn hợp thời nữa. Ông không muốn dẫm chân lên lối mòn học tập từ chương theo quan niệm “tấn vi quan, thối vi sư” của kẻ sĩ nho học trước và cùng thời với ông. Trong một bài viết trên báo “Tiếng Dân”, 1932, kí giả Bồ Cảng (1) đã nhận xét về Kỳ Am : “Con một ông quan lớn mà ở hạt Thừa Thiên lại có tư chất thông minh ham học như Nguyễn Lộ Trạch, nếu theo đường giàu có quan sang thì có thua gì ai ?. Thế mà tiên sinh không thèm màng đến khoa cử, sĩ hoạn, lại lưu tâm về thực học và ham nhất là sách nói về thế giới”. Còn tác giả “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” thì đánh giá : “Ông học rộng biết nhiều, nhưng không thi cử, chỉ lưu tâm về đường thực dụng” (NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006, tr 818). Có thể chúng ta chưa vừa lòng với từ “thực dụng” mà tác giả cuốn từ điển trên đã dùng, nhưng cũng thấy rõ thái độ trân trọng của họ đối với Nguyễn Lộ Trạch.Và qua những nhận xét ấy cũng đủ thấy Nguyễn Lộ Trạch là con người yêu nước và kháo khát canh tân đất nước biết bao nhiêu. Cái học cũ chỉ có thể giữ cho kẻ sĩ không sa chân xuống bờ vực phi đạo lí, chứ không thể giúp kẻ sĩ thấy được cơ hội lớn của dân tộc trước họa nô lệ ngoại bang, không hiểu được “vận hội mới” trong việc duy tân đất nước.
Cũng theo Bồ Cảng trên báo Tiếng Dân, số 453 và 454, năm 1932, Nguyễn Lộ Trạch là đồng hương và cũng là bạn học rất thân thiết với Trần Dĩnh Sỹ. Trần Dĩnh Sỹ học rất giỏi, đỗ Hoàng Giáp khoa Ất Tỵ (2). Sau khi đỗ, Trần Dĩnh Sỹ tỏ vẻ đắc ý, Nguyễn Lộ Trạch tặng câu đối cho bạn. Kí giả Bồ Cảng quên vế đầu chỉ còn nhớ vế sau :
“Phú quý cạnh lương bức hỉ, khán thử độ kị mã khán ba, anh phong lạc lạc, quân ưng bất phụ nhãn trung nhân”.
Nghĩa là : Giàu sang khéo quấy người thiệt, xem lúc này cưỡi ngựa ngắm hoa, anh phong ít có, người chắc không thẹn người trong con mắt ta. Đọc mấy chữ đó đủ rõ trong con mắt ông không xem khoa giáp là gì.”
Có lẽ, cũng nên hiểu, không phải Nguyễn Lộ Trạch xem thường khoa giáp, phủ nhận giá trị của bằng cấp, mà ông nhận thức lại giá trị thực của cái học từ chương. Với ông, cái học từ chương “nhai văn nhá chữ” (Cao Bá Quát), cái học đóng khung trong “Tứ thư”, “Ngũ Kinh” (3); chế độ thi cử lấy văn sách, thơ phú để chọn người tài giúp nước không còn phù hợp trước sự đổi thay của thế cuộc. Bên cạnh những kiến thức về khoa học nhân văn được xây dựng trên cơ sở mĩ học cũ cần phải được bổ sung những hiểu biết về khoa học nhân văn được nẩy nở trên nền tảng mĩ học mới, về khoa học thực nghiệm rất cần thiết trong sự phát triển nền văn minh của dân tộc. Với ông “trị an” chỉ có thể kết quả một khi mở mang dân trí, canh tân nước nhà theo hướng khoa học kĩ thuật tiên tiến. Ông nhận thức không thể giữ nước và phát triển đất nước khi mà não trạng toàn dân và trí thức chỉ có “Tử viết” (4) mang màu sắc bảo thủ và lạc hậu, với nền kinh tế tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Dân tộc độc lập, đất nước hưng thịnh phải nắm lấy khoa học kĩ thuật, tư tưởng dân chủ của Thái Tây. Hơn nữa, với ông “Thiên hạ quả thực đang chịu tai họa mà ta lại hưởng cái danh hão thì bậc nhân nhân quân tử nào lại chẳng thấy đau lòng sao” (“Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn”, Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, tr. 83). Chính vì vậy, ông đã tìm tòi, khảo sát và nghiên cứu những sách viết về học thuật chính trị Âu Mỹ trong khi “sách Tây học chưa du nhập xứ ta bao nhiêu… và thấy rõ đại thế trong hoàn cầu. Con mắt và cái não sáng suốt như thế thật hiếm có lắm !” (Bồ Cảng, báo Tiếng Dân, số 453 và 454, năm 1932). So với Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch chưa có điều kiện tai nghe mắt thấy nền văn minh Âu Mỹ. Ông chỉ tiếp xúc với tư tưởng, khoa học kĩ thuật phương Tây qua sách vở, nhưng kiến văn của ông đã đạt đến chỗ sâu sắc, thấu lí đạt tình hiếm thấy. Nếu không yêu nước thiết tha, không có trí tuệ sáng suốt, không có tinh thần cầu tiến bộ thì sẽ không có tư tưởng “trị an” mới mẻ như vậy. Trong “Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn” trang 84, Mai Cao Chương và Đoàn Lê Giang đã đánh giá rất cao trí tuệ, hành trạng và văn chương của ‘Cậu ấm tàng tàng” người Kế Môn này : Ông “học rộng, sách báo Trung Hoa, Âu Tây không có gì là không xem tới. Đối với tình hình thế giới, ông hiểu biết sáng rõ, lại rất lưu tâm đến việc nước. Văn chương mạnh mẽ lớn lao, danh tiếng động đến bậc khanh tướng. Nhưng ông không chịu đi thi, đi khắp Nam Bắc mong tìm được người cùng chí hướng”.
Không chỉ đến với văn chương để viết về nền văn minh Âu Mỹ, để tìm một tư tưởng “trị an” mới cho dân tộc, Nguyễn Lộ Trạch còn lấy văn chương để giao du với người cùng chí hướng mong cầu tiếng nói đồng điệu và được học thêm nhiều cái mới, bổ khuyết cho kiến văn về canh tân đất nước, làm đầy đặn lí tưởng “trị an” của ông. Ông đi đây đi đó tìm bạn cùng lí tưởng. Ở trong nước ông lấy văn chương để kết bạn “duy tân” cùng với tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Phú Đường, Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lội (5). Nguyễn Lộ Trạch còn thư từ qua lại với các nhà văn Trung Hoa sang chơi nước Việt Nam, một người tên đầy đủ là Châu Bính Lân, một người chỉ ghi là họ Trình.
Trong một bài viết tặng hai tiến sĩ Vũ Phạm Hàm và Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Lộ Trạch đã phân tích sự khác nhau giữa kẻ sĩ ngày xưa và ngày nay, từ đó chỉ ra con đường mà kẻ sĩ trong thực tại phải chọn lựa để dấn thân. Ông viết : “Làm kẻ sĩ ngày xưa dễ vì chỉ cần hiểu được những việc cần làm đương thời, còn làm kẻ sĩ ngày nay khó vì phải thấu suốt hết những biến đổi trong thiên hạ. Thuyền xe đi được khắp muôn dặm chín châu ở ngay trước thềm, không còn bó hẹp trong cương vực ngày xưa; còn cái học khí hóa thì kì ảo khôn lường, không thể chỉ mô phỏng bề ngoài mà chế tạo ra máy móc khí cụ được” (“Bài viết tặng hai tiến sĩ Vũ Phạm Hàm và Chu Mạnh Trinh”, Sđd, tr. 197). Qua sự phân tích trong đoạn văn trích, ai cũng thấy rõ Nguyễn Lộ Trạch muốn đề cao cái học thực nghiệm, cái học dựa trên cơ sở tư duy phân tích của phương Tây để chiếm lĩnh khoa học kĩ thuật hiện đại mà Âu Mĩ phát minh và áp dụng vào thực tiễn đời sống. Kết thúc bài viết, Nguyễn Lộ Trạch đề cao vai trò của những trí thức thời đại : ‘Việc ngày nay biến đổi khác ngày xưa, hai ông có trách nhiệm với đời này thì không thể coi đó là chuyện vu vơ mà xao nhãng được” (“Bài viết tặng hai tiến sĩ Vũ Phạm Hàm và Chu Mạnh Trinh”, Sđ d, tr. 198). Đấy là cái kết thúc thể hiện niềm tin và khát khao, đất nước chỉ đổi thay khi những trí thức có sự thay đổi nhận thức về thế giới, về thực trạng đất nước và về bản thân.
Trong thư gửi, nhà văn Trung Hoa Châu Bính Lân, Nguyễn Lộ Trạch đã bộc bạch tâm tư của mình, ông tha thiết được gặp người quang đại như Châu Bính Lân để trao đổi, học hỏi nhiều điều mới lạ về con người và về đất nước trên thế giới. Ông viết : “Nếu như ông có thể hạ cố khiến tôi được bút đàm trong chốc lát để vơi bớt nỗi uất ức trong lòng, thì tuy không dám coi là người tri kỉ nơi đất lạ, nhưng được gặp người quang đại như ông, tôi thật học hỏi được nhiều lắm” (“Thư trả lời cử nhân Trung Hoa Châu Bính Lân”, Sđd tr. 182). Trong thư gửi văn sĩ họ Trình, Nguyễn Lộ Trạch chân thành thổ lộ nỗi niềm cô đơn của mình trước con mắt bảo thủ, tưởng ao nhà là biển cả mênh mông của làng nho. “Không lạ gì : làng nho chê tôi là cuồng. Tôi vốn cuồng vậy ! Ông lại có thể giao du với người cuồng chăng ? Hay muốn giao du với người không cuồng chăng ? Say tít cung mây, tự khóc, tự cười, xem xung quanh như không ai – đó là hành động của người cuồng vậy.” Những câu văn ấy thấm đẫm niềm xót xa của con người “đi trước bình minh”, nhìn lại phía sau mình, chung quanh mình kẻ sĩ dấn thân, nhập cuộc còn ít ỏi quá ! Vì vậy ông chân thành và khao khát được kết bạn với họ Trình, một văn sĩ nước ngoài cùng chí hướng với ông, “Xuân này được gặp ông, ông nói tôi là người có lòng hào hiệp, có thể kết bạn cùng chí hướng” (“Thư trả lời người bạn Trung Hoa họ Trình”, sách đã dẫn tr. 186 – 187). Đây không đơn thuần lấy văn chương để kết bạn “dĩ văn hội hữu” mà lấy tư tưởng “trị an” để tìm người cùng hội cùng thuyền trong thiên hạ. Chỉ ở phương diện này cũng thấy rõ Nguyễn Lộ Trạch đã vượt lên khuôn phép lệ thường rồi. Ở thời đại ông mà xây dựng mối quan hệ bằng hữu vượt ra khỏi biên giới của đất nước không phải là nhiều, không phải ai cũng có tư tưởng ấy. Chỉ có những ai yêu nước thiết tha, khao khát học hỏi để mở mang đất nước thì mới có tinh thần bức phá ấy trong tình bạn. Và chỉ ở những ai lấy việc “trị an” cho dân tộc mới đi tìm tri kỉ trên phương diện văn hóa như thế, đúng như sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” nhận định : ông “ngao du khắp nơi để trao đổi quan điểm lập trường với các chí sĩ” (NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006, tr. 818).
“Trị an” bằng văn chương còn thể hiện qua những trước tác của Nguyễn Lộ Trạch. Ông đã sáng tác những tác phẩm chính như “Thời vụ sách thượng” (1877), “Thời vụ sách hạ” (1882), “Thiên hạ đại thế luận” (1892). Qua những tác phẩm này, Nguyễn Lộ Trạch đã thể hiện sâu sắc, cụ thể, khoa học và mới mẻ tư tưởng “trị an” dân tộc bằng con đường duy tân đúng như sách “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, tập III, đã đánh giá : “Thời vụ sách dâng lên vua Tự Đức đề nghị cải cách nhằm “chân dân khí, khai thông dân trí” (Hà Nội, 2003, tr. 178). Hai tập “Thời vụ sách thượng và hạ được Nguyễn Lộ Trạch gộp lại thành “Quỳ ưu lục”. Qua “Quỳ ưu lục” (6), Nguyễn Lộ Trạch ví mình với người liệt nữ nước Lỗ, lo vận nước mà không ai đoái hoài, nhưng lòng vẫn hướng về “cửu trùng như hoa hướng dương hướng về mặt trời” (“Từ điển Bách khoa Việt Nam”, tập III, Hà Nội, 2003, tr. 178). Theo Nguyễn Lộ Trạch, “Thời vụ sách thượng” được ông viết khi triều đình có tâm lí bằng lòng thỏa mãn trước sự kiện Pháp trả lại bốn tỉnh Nam Bộ và nối lại hòa hiếu. Triều đình cho đó là thực tâm của Pháp. Ông dâng lên Tự Đức nhưng bị phê là “nói sao cao quá !”. Ông đau buồn mà ghi thêm sau “Thời vụ sách thượng” : “Năm Đinh sửu (Tự Đức thứ 30 – 1877) người Pháp trả bốn tỉnh, nối lại hòa hiếu, triều đình mừng cho là đã vô sự, nên có lấy việc “Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ” làm đề thi hội. Ôi, đang lúc con hổ đang rình chưa thôi mà đã vội vàng tự mãn, thì cái chí hướng thế nào cũng đủ biết rồi. Tôi trông thấy, đau lòng, ở nhà mà viết nên bài này. KỲ AM tự viết” (Dẫn theo Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, tr. 100).
Tấc lòng yêu nước của ông như thế là bị chối bỏ, tư tưởng “trị an” dân tộc của ông như thế là không được vận dụng. Trong tựa “Quỳ ưu lục”, “Nguyễn Lộ Trạch ví mình như Giả Nghị đời Hán, Trương Cửu Linh đời Đường và Văn Thiên Tường đời Tống, thấy trước tai họa mà không cứu được nước, không giúp được dân. Ông là người đời sau đau xót cho họ nhưng không rõ người đời sau có biết nỗi đau xót của ta mà đau xót cho lời của ta hay không ?” (Dẫn theo Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, tr. 72). Và ông đau lòng viết trong lời đề cuối tập sách “Quỳ ưu lục” : “Than ôi ! Ta sao nhọc nhiều lời, không được dùng đến, mắt thấy buổi khó, kế chẳng ai làm, mà sự đời lại thay đổi như lời ta tiên đoán. Thế thì đời ta, không mảy may bổ ích, có tội với đời, chẳng nhiều lắm sao…” (Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, sách đã dẫn, tr. 71). Hay “Cuối thu Giáp Thân (1884), mưa đêm ngồi lặng, cồn cào hiện trạng, không ngớt lo buồn” (Dẫn theo Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, tr. 137). Cho nên, khi sao chép lại “Quỳ ưu lục”, người chép “Quỳ ưu lục” cũng thấu hiểu nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Lộ Trạch mà ghi : “Không trách những chuyện đã qua nữa mà hoàn toàn trông mong vào người sau, lời nói càng đau đớn mà lòng càng thêm khổ não. Đến ngày nay ta lại càng phục tiên kiến của ông là sáng suốt” (Dẫn theo Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, tr. 146).
Riêng với “Thiên hạ đại thế luận”, Nguyễn Lộ Trạch thể hiện cái nhìn toàn diện, toàn cục diễn biến của đất nước và thế giới. Ông không chỉ khẩn thiết mong cầu nhà vua thấu hiểu để có đường lối “trị an” đúng đắn và khoa học mà còn có mục đích tranh thủ sự đồng tình của các sĩ phu nhiệt tâm nhiệt tình với dân với nước nữa. Chính vì vậy, các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đã đánh gia rất cao bản điều trần này. Phan Bội Châu đã đánh giá “Thiên hạ đại thế luận” như sau : “Cụ (Nguyễn Thượng Hiền) đưa tôi xem tập văn của Nguyễn Lộ Trạch. Tôi được đọc tập “Thiên hạ đại thế luận” và bắt đầu hiểu biết ít nhiều mầm mống tư tưởng hiện đại” (Thơ văn Phan Bội Châu, Chương Thâu giới thiệu, biên soạn, NXB Văn học, Hà Nội, 1985, tr. 254).
Ngoài những tác phẩm trên, Nguyễn Lộ Trạch còn sáng tác những tác phẩm khác, một trong những tác phẩm đó là tạp thuyết “Khỉ nhân ưu thiên” (7). Bài văn này được Bồ Cảng tóm tắt nội dung trên báo Tiếng Dân, số 453 – 454, năm 1932 như sau : “Việc đời nhiều điều đáng lo mà người thường không để ý đến, nếu điều lo kia như khát mà cần uống, đói mà cần ăn thì ai cũng biết được, duy có điều đáng lo đó hơi kín nhiệm, nên kẻ thức giả mới trông thấy mà người thường lại khinh suất. Như chuyện Khỉ nhân lo trời sập, thuở nay ai nghe cũng cười anh Khỉ nhân kia là lo thàm, song có hình thể thì phải suy diệt, biết đâu sau trăm ngàn ức triệu năm trời không có một ngày sụp như Khỉ nhân đã lo kia. Tự thân anh khỉ nhân may ra mà khỏi cái nạn ấy, rồi con cháu của Khỉ nhân, con cháu của con cháu Khỉ nhân, kéo dài mãi ra, có thoát khỏi cái nạn ấy không ? Nay nghe Khỉ nhân lo xa như thế, ai cũng cười Khỉ nhân, không lo như Khỉ nhân, sao cũng thấy khù khờ, không thấy cái gì là khôn ?” (Dẫn theo “Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn” của Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 224).
Đọc tạp thuyết “Khỉ nhân ưu thiên” của Nguyễn Lộ Trạch, Bồ Cảng đã không do dự khẳng định : “văn nghị luận của tiên sinh sâu sắc cảm khái”. Sâu sắc là vẻ đẹp của trí tuệ sáng suốt, tư duy sắc sảo thông minh; cảm khái là nỗi niềm lo dân lo nước của kẻ sĩ, là sự chọn lựa tư tưởng tiến bộ và hành động như thế nào của trí thức trước sự sống còn của dân tộc. Kẻ sĩ cứ một đời cung cúc “vạn tuế” nhà vua, một đời trói buộc tư tưởng của mình bằng sợi dây đã lỗi thời “tam cương”, để đất nước mãi chạy theo quán tính xưa cũ lạc hậu hay mạnh dạn bức phá đổi mới theo hướng hiện đại để vừa tránh được họa xâm lược vừa có khả năng phát triển dân chủ, văn minh. Kẻ sĩ không thể như người khát uống đói ăn, chỉ lo cái lo trước mắt, lo cho sự sống còn của một cá thể người. Kẻ sĩ phải biết lo “trời sập”, lo xa, lo cho an nguy của dân tộc, của đất nước. Muốn được như vậy, kẻ sĩ cần có kế sách “trị an” theo hướng duy tân.
Qua nhưng gì đã trình bày trên, có thể nói rằng, Nguyễn Lộ Trạch một đời tâm huyết lấy văn chương để “trị an” đất nước. Từ việc học tập đến kết giao, từ thư từ, tạp thuyết đến những bản điều trần, ông đã dùng văn chương làm vũ khí duy tân. Tiếc thay, văn chương của Nguyễn Lộ Trạch thất lạc khá nhiều. Theo cuốn gia phả chính tay Nguyễn Lộ Trạch viết, tác phẩm của ông gồm : Kỉ trảo lục (Tự nhạo mình như người nước Kỉ), Kỳ Am dã thoại (Những lời nói quê mùa của Kỳ Am), Kỳ Am thi văn toàn tập (Toàn tập thơ văn của Kỳ Am), Quốc ngữ thị phụ giai ẩn từ (Bài ca quốc ngữ khuyên vợ cùng đi ẩn dật),… nay nhiều tác phẩm chưa tìm lại được. Nếu không, người đọc càng hiểu sâu rộng hơn tấc lòng của ông, tư tưởng duy tân của ông.
Dẫu tác phẩm của Nguyễn Lộ Trạch còn lại không nhiều nhưng cũng giúp những ai yêu văn hóa dân tộc, có tấc lòng tri ân người đi trước, khao khát đổi mới đất nước, sẽ hiểu sâu sắc hành trạng và tư tưởng mới mẻ của ông. Đó là tư tưởng mà ông đã kí thác vào trong hai câu thơ :
Thảo muội kinh dinh tiên thế nghiệp
Giang hồ ưu ái hủ nho tâm
        Tạm dịch :
Gian nan dựng nghiệp công người trước
Phiêu bạt lo đời tình hủ nho.
(8)
(Nỗi lòng mùa thu I)
Nguyễn Lộ Trạch khiêm tốn nhận mình là kẻ hủ nho. Hủ nho như ông đương thời chắc cũng khó kiếm. Hủ nhỏ sao ông lại được Huỳnh Thúc Kháng tôn vinh là một “Văn hào của nền văn hóa Việt Nam, được các sĩ phu đương thời kính trong như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,…” (“Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006, tr 818). Hủ nho Nguyễn Lộ Trạch, liệu người đời nay có sánh kip không ?

Hoàng Dục, 15-2-2013
_____________________
Chú thích:

(1 ) Là bút danh của Huỳnh Thúc Kháng.
(2 ) Theo Cao Xuân Dục là khoa Át Mùi, 1895.
(3 ) Những bộ sách kinh điển trong học tập, thi cử và quan niệm đạo đức của người xưa.
(4 ) Khổng Tử nói, Khổng Tử dạy.
(5 ) Trương Gia Mô và Nguyễn Trọng Lội. Nguyễn Trọng Lội (con của Nguyễn Thông) là 1 trong 6 người thành lập công ty Liên Thành và trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Sáu thành viên sáng lập này gồm : Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh và Hồ Tá Bang. Hồ Tá Bang là người làng Kế Môn, chịu ảnh hương tư tưởng duy tân của Nguyễn Lộ Trạch. Ông là một người điều hành nhà trường và làm “tổng lí” công ty Liên Thành gần 30 năm.
( 6) Trong truyện “Liệt nữ” chép : Ở ấp Tất Thất nước Lỗ, có người con gái chưa chồng, dựa cột than thở, lo cho vua nước Lỗ đã già mà thái tử còn nhỏ. Người đàn bà hàng xóm bảo : “Đó là việc của tôi quan, can gì đến mình”. Người con gái trả lời : “Không phải là không can đến. Năm trước có con ngựa của người khách chạy vào vườn ta, đạp dày cả rau quỳ, khiến cả năm không có rau quỳ mà ăn. Vậy như vua tôi nước Lỗ bị nhục, bọn phụ nữ ta tránh đâu khỏi điều ấy” (Theo lời giải thích nhan đề “Quỳ ưu lục” của Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân số 491-492, 1932.
( 7) Theo Mai Cao Chương và Đoàn Lê Giang là “Kỉ nhân ưu thiên”, nghĩa là người nước Kỷ lo trời.
(8 ) Người viết bài này tạm chuyển dịch để dễ dàng nắm bắt ý thơ, tâm tư tình cảm của Nguyễn Lộ Trạch.
______________________________
Tài liệu tham khảo :

1) “Nguyễn Lộ Trạch điều trần và thơ văn”, Mai Cao Chương – Đoàn Lê Giang, NXB Tổng hợp TP Hồ CHí Minh, 1995.
2) “Từ điển Bách Khoa Việt Nam”, tập III, nhiều tác giả, NXB TĐBK Hà Nội, 2003.
3) “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Bá Thế và Nguyễn Quyết Thắng, NXB Tổng Hợp Hồ Chí Minh, 2006.
4) Thơ văn Phan Bội Châu, Chương Thâu giới thiệu, biên soạn, NXB Văn học, Hà Nội, 1985
5) “Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân”, NXB Đà Nẵng, 2002.
_____

Phản hồi (1)

  • Nguyễn Văn Chiến
    Tháng Ba 9th, 2016 lúc 17:11

    Một trong những người nổi tiếngnhất của Làng Kế môn, xã Điền Môn là cụ Nguyễn Lộ Trạch. Mộ cụ đã được công nhận là di sản văn hóa. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nơi này để đến thăm di tích và viếng cụ.
    Tôi là một người ngưỡng mộ cụ đã lâu, tranh thủ một chuyến về Điền Môn đã tìm đến viếng cụ, nhưng thật gian nan cho tôi – một người chưa từng sống ở vùng này. Tôi đã loay hoay cả buổi để tìm mộ cụ, may là phút cuối gặp một người chỉ dẫn. Nếu không, chắc thất vọng trở về.
    Trên đường 49b từ UBND xã Điền Môn đi ngược về phía nam cỡ 700 m, có một đường rẽ trái ở đây có một biển chỉ hướng đi “Di tích Nguyễn Lộ Trạch cách 1200m”. Tuy nhiên đi đến tận cùng đường này (cũng khoảng trên 1000 m, thì không biết đi thế nào nữa – Vì gặp đường đất đỏ cắt ngang – không biết rẽ phải hay rẽ trái đây? Giá như chỗ này có biển chỉ dẫn mũi tên rẽ phải thì hay quá.
    Chưa hết, đi thêm 200 m, rẽ phải vào rú khoảng 20 m là gặp mộ cụ, mà chẳng có chỉ dẫn nào. Giữa rú mong lung, xung quanh bao nhiêu là lăng mộ hoành tráng, thật khó tìm ra một ngôi mộ khiêm nhường như mộ của cụ. Đúng ra, trên đường đất đỏ ấy, có thêm 1 bảng chỉ dẫn thì đỡ khổ cho mọi người muốn thăm viếng cụ.
    Tôi momng muốn rằng, con em xã Điền Môn có thể quảng bá cho di tích này, và đặc biệt nên có bảng chỉ dẫn cho mọi người dễ tìm đến thăm viếng mộ cụ.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác