NGƯỜI KẾ MÔN VỚI ĐẠI LỄ TIẾU KỲ Ở CÁC TỘC HỌ 22-03-2015 Thao Nguyen

*Bài viết: THẢO DÂN

S73R20556Việc Tiếu họ Bùi 2012

  • Về tên gọi của đại lễ:

Trước tiên xin nói về hai từ “Việc Tiếu” mà các họ hiện nay quen dùng khi tổ chức lễ. Các cụ thường giải thích một cách khá đơn giản: Việc là sự việc, còn Tiếu (Hán tự) là vui. Việc Tiếu có nghĩa là “hỷ sự”, là việc vui của con dân họ. Cũng có lý, bởi nội dung của Việc Tiếu chủ yếu là sự kiện đoàn tụ con cháu trong họ, để cùng nhớ về tổ tiên cội nguồn. Chỉ có điều hơi “lấn cấn” là tại sao lại không dùng “tiếu sự” cho đồng bộ chữ Hán mà lại dùng “Việc Tiếu” là nửa Việt, nửa Hán?

Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là mới đây, trong Đặc san “Về Nguồn”, tiếng nói của hội Đồng hương Làng Kế Môn tại Tp.HCM và vùng lân cận (số xuân Qúy Tỵ 2013), học giả Nguyễn Thanh Trung, là con dân của làng Kế Môn, đã đưa ra một lời giải thích đáng chú ý, căn cứ vào khẩu truyền của cụ Nghè Quách (Bùi Viết Quách), còn gọi là cụ Nghè Biên ngày trước ở làng, truyền lại cho học trò là cụ Trần Duy Cường, năm nay 85 tuổi, đang sống ở Đà Lạt. Qua đó, “Tiếu” là “Trai đàn Chẩn tế”, còn “Việt” đây theo Nôm tự là của người Việt. Cho nên phải viết đúng là “Việt Tiếu” chứ không phải là “Việc Tiếu”.

Để lý giải cho điều này, theo cụ Nghè Biên truyền khẩu lại, Việt Tiếu nguyên gốc là một nghi lễ về tôn giáo (Đạo Phật) của Chùa làng Kế Môn xưa (xây năm 1828 thời Minh Mạng), khi sư Trụ trì chùa tổ chức lần đầu tiên một cuộc lễ gọi là “Trai đàn Chẩn tế”, với hình thức cầu đảo cầu nguyện, ăn chay nằm đất, cầu Trời khấn Phật, cầu ông bà tổ tiên, những người đã khuất, để phù hộ cho dân làng vượt qua một giai đoạn tai ương thảm họa thời ấy.

Sau đó, vì thấy có hiệu quả, lễ được chuyển dần về các họ tộc trong làng. Rồi theo thời gian, khi đã bớt tai ương, dịch bệnh (có thể là do kết quả của tiến bộ khoa học), lễ được tổ chức thưa dần, từ 4 năm, 5 năm  giãn ra tới 12 năm. Đồng thời, nội dung của lễ  cũng được chuyển hóa dần thành lễ cúng ông bà tổ tiên và đoàn tụ con dân họ theo định kỳ như ngày nay.

Tất nhiên, vì là truyền khẩu nên độ tin cậy của “giả thuyết” này cũng cần có thời gian và cơ hội để được kiểm chứng. “Việc Tiếu” hay “Việt Tiếu” là hai tên gọi đồng âm nhưng chữ viết và nghĩa hoàn toàn khác nhau, chưa biết nghĩa nào là đúng với khởi thủy. Bởi vậy để cho “chắc ăn” người viết bài này vẫn thường dùng từ “Tiếu Kỳ” thay vì dùng “Việc Tiếu” hay “Việt Tiếu”.

  • Cảm xúc ngày đại lễ:

Nhưng dù tên gọi của đại lễ này thực sự có ý nghĩa ra sao, thì đối với các họ tộc ở Làng Kế Môn, trong các lễ nghi truyền thống, đại lễ này vẫn là sự kiện trọng đại bậc nhất. Do các họ cứ lấy năm âm lịch làm cố định, nên hễ cứ tới năm Mùi là hai họ Nguyễn và Lê tổ chức; hay như năm Thìn có đến bốn họ là họ Trần Duy, họ Hoàng Ngọc, họ Hồ và họ Bùi; năm Thân có họ Đặng, năm Tuất có họ Phan và Trần Đăng.

Vì là định kỳ tương đối dài, tới 12 năm, nên đối với con dân các họ, nếu bám trụ hết cả đời ở làng thì tối đa cũng chỉ tham dự được khoảng 7 lần, nếu sống thọ được trên 80 tuổi (12 x 7 = 84). Đó là nói về thời bình, còn trong thời chiến tranh ly tán, dân họ ở phương xa, lại gặp hoàn cảnh khó khăn dù cố gắng cũng không thể về, thì cơ hội lại khác: có người cả đời chỉ dự vỏn vẹn vài ba lần, thậm chí chỉ  một lần duy nhất.

Thí dụ như bản thân tôi: tuổi Bính Tuất sinh năm 1946, họ Nguyễn, Việc Tiếu năm Mùi. Giở lịch ra sẽ thấy các năm Mùi lần lượt tới nay là: 1955, 1967, 1979, 1991, 2003, 2015. Nghĩa là có cả thảy 5 lần tổ chức (trừ năm 1967 chiến tranh ác liệt, phải di tản không tổ chức được), thì thực tế tôi chỉ mới tham dự có 3 lần vào các năm 1955, 2003 và lần này 2015 (nếu không có gì trục trặc vào giờ chót).

Bởi vậy mà rõ ràng được về làng dự Việc Tiếu họ là quý giá biết bao! Nhất là đối với những người ở tuổi “xế bóng”. Những người ở tuổi 70, thường khi tạm biệt bà con họ hàng, rất ngần ngại khi …nói tới 3 từ “see you again” (hẹn gặp lại 12 năm tới). Bởi biết có sống tới tuổi 82 không mà hẹn! Đó là nói tuổi thọ thời nay đã được kéo dài, còn ngày xưa thì …khó nói hơn nữa vì tuổi 50 thời ấy đã ra ông lão rồi.

Và cũng vì đại lễ trải dài cả đời nên mỗi lần tham dự là mỗi lần mang một tâm trạng, một cảm xúc khác nhau: lúc còn bé, chỉ biết tung tăng theo người lớn, thích nghe pháo đốt hơn là nghe những tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng nhạc lễ ọ i è lạ lẫm. Thời thành niên thì phải tất bật tham gia trực tiếp vào công việc tổ chức. Đến thời lão niên thì lên khăn đóng áo rộng xanh lễ lạy hầu ngài, với vai vế ăn trên ngồi trước, ra vẻ lão tiền bối…Rõ là cảm xúc không thời nào giống thời nào.

Một điều gây ấn tượng cho người về dự nữa là …chứng kiến những cái mới lạ: khung cảnh mới, con người mới. Bởi sau 12 năm ắt phải có nhiều thay đổi: làng mạc, nhà cửa, đường sá,…rồi những con người: mới hôm nao bé tí mà nay đã…tợ như mấy câu thơ của Dương Khuê: “Hồng hồng, tuyết tuyết – Mới ngày nào chửa biết cái chi chi – Mười lăm năm thấm thoát có xa gì – Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu!”.

Rồi cũng trong chiều hướng thấm thoắt đó của thời gian, gặp lại nhau bỗng thấy những cái đầu đã bạc trắng từ bao giờ, những đôi má hóp, những đám da mồi…nhiều lúc giật mình mà chẳng nhận ra nhau.  Mới thấy thấm thía về cuộc đời ngắn ngủi, về thời gian qua mau…về cảnh cũ người xưa, về những tháng ngày phiêu bạt, bôn ba đây đó và về những ký ức, những kỷ niệm của một thời niên thiếu, trai trẻ…

 

IMG_1897                                                                 Việc Tiếu họ Trần Duy 2012

  • Suy nghĩ hậu đại lễ

Hơn cả những ngày Tết cổ truyền, Đại lễ Tiếu Kỳ ở các họ là dịp để đoàn tụ. Không chỉ đoàn tụ tạm đại, tứ đại hay  ngũ đại đồng đường, mà là cả chi, phái, cả họ, cả giòng họ cùng một ông tổ. Dịp này mới biết được chính xác ai còn, ai mất, mới biết thực hư gia cảnh của mỗi thành viên trong gia tộc. Mới nhớ một lẽ thường ở đời là “năm ngón tay ắt có ngón ngắn ngón dài”, hoặc “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” như người xưa đã phán.

Thế mới biết tất cả rồi cũng sẽ bị thời gian cuốn phăng đi. Chỉ còn lại cái mà người ta hay gọi là tình cảm gia đạo, tình ruột thịt hay tình máu mủ. Dù đã trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ, nhiều nhánh phái khác nhau, giọt máu đã có phần loãng đi, nhưng vẫn còn đó chung một ông Tổ. Ông bà ta cũng thường nói: “Máu loãng còn hơn nước lã” hay “Giọt máu đào hơn ao nước lã” là vậy. Mỗi một con dân trong họ phải hiểu điều đó, hiểu để thương yêu, gắn bó, tôn trọng nhau, đoàn kết với nhau, thì mới mong có lần Việc Tiếu sau đông vui, hoành tráng  hơn lần trước. Bằng ngược lại, Đại lễ Tiếu Kỳ, di sản văn hóa phi vật thể của tổ tiên để lại, sẽ có nguy cơ mai một với các thế hệ về sau.

*Trích đăng từ www.langkemonsaigon.com

 

 

Phản hồi (1)

  • nguyenbanh
    Tháng Tư 16th, 2015 lúc 18:53

    bài viết hay nhiều ý nghĩa . hai chử Việc và Việt cần nên nghiên cứu phổ biến đúng theo từ xưa cha ông đã sử dụng để sau nầy con Cháu chúng ta còn sử dụng trong công việc của họ- làng .

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác