KẾ MÔN VÀO MÙA GIỖ CHẠP 01-10-2016 Thao Nguyen

GIỖ CHẠP Ở LÀNG KẾ MÔN :
MỘT NÉT VĂN HÓA

“Đến hẹn lại lên”, cứ đến tháng Chín âm lịch, người Kế Môn từ phương xa lại lũ lượt kéo nhau về làng tham dự vào những ngày giỗ chạp, từ trong Chi, ra Nhánh, rồi đến Họ, kéo dài ít nhất cũng vài ba ngày. Có khi hết nội rồi đến ngoại, “dây mơ rễ má” dính dáng tới họ này họ kia lại kéo ra cả tuần hoặc hơn mới xong việc.

j3a
(Lăng mộ Tổ họ Trần Đăng)

Đường về quê

Người Kế Môn tha phương tản mát ra lập nghiệp ở nhiều nơi, từ nhiều thời kỳ khác nhau. Trừ hải ngoại, một số vùng đất ở trong nước có nhiều người gốc Kế Môn sinh sống đã qua vài thế hệ như Đà Nẵng, Đà Lạt – Lâm Đồng, vùng Tây Nguyên nói chung – trong đó có Gia Lai, Kontum, Buôn Hồ, Cây số 52,…và trong Nam là vùng Sài Gòn cùng các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Đồng Nai…

Riêng tại Sài Gòn, thường là giữa tháng Tám âm lịch, nhìn quanh quất đã thấy bà con rục rịch chuẩn bị về quê. Người khó thì xe đò, khá hơn thì máy bay giá rẻ hay Vietnam Airline hạng siêu khuyến mãi (super economic). Mà phải can-me mua trước mấy tháng mới có. Kế Môn ở thành phố này có nhiều người khá, nhưng vẫn xài tiết kiệm, họ nghĩ rằng thà để tiền về cho bà con họ hàng, chứ chẳng sung sướng gì với cái vé thương gia (business) hạng sang giá cao ngất ngưởng.

Nhiều bà con lấy mùa giỗ chạp tháng Chín kết hợp đi du lịch, một công mà đôi chuyện. Thú vị nhất có lẽ là đi bằng xe lửa, nhưng giá vé tàu giường nằm lại quá cao – cao hơn máy bay giá rẻ nhiều. Ông bà già sáu mươi trở lên được giảm 20%, thì cũng chẳng thấm tháp gì, còn lại thì trọn vé tính ra tiền triệu. Điều đáng nói là mùa giỗ chạp lại rơi vào mùa mưa bão của xứ Huế. Với tuyến Sài Gòn – Huế, chẳng ai về mùa này nếu không có việc cần kíp. Thực tế là nhiều năm qua, các toa tàu giường nằm trống rỗng, có khi chỉ 1 hoặc 2 người trong một phòng 6 giường. Thế mà nhà tàu vẫn kinh doanh theo lối vô tư, chẳng nhạy bén chút nào.

May mắn là đường từ Huế về làng dạo này tha hồ lựa chọn. Đông người thì bắt taxi từ sân bay Phú Bài về thẳng, đổ xịch ngay ngõ hay vô tới “cươi” luôn, chỉ mất 40 phút. Đi lẻ thì xe ôm cũng tới làng trong một giờ. Còn có việc ghé chợ Đông Ba mua sắm chút ít thì lên xe bus đậu ngay bến bên cạnh chợ, chạy về hướng Thuận An, qua cầu Tam Giang, tới Điền Hải rồi ngược lên Thanh Hương. Trở vô cũng vậy, có điều lỡ mà gặp lụt thì xuống Thuận An hay lên Vân Trình đều “dính” cả, vì phải qua các đoạn đường thấp. Chỉ có lối thoát duy nhất là qua cầu Hòa Xuân, băng qua Phong Chương, lên Phò Trạch rồi theo Q.L.1 là chắc ăn, không bị ngập.

Những năm gần đây, thời tiết thay đổi, chẳng thấy lụt to về mùa này. Không như những năm trước đây, lụt lội thường xuyên, nhiều bà con bị kẹt lại làng nhiều ngày vì không tìm được đường trở vô. Vô được tới Huế lại bị tắt đường bộ, đường sắt, thời tiết xấu máy bay chịu thua, lại tắt thêm vài bữa. Vậy mà cũng chẳng sao. Về là cứ về. Lăng tẩm mồ mả ông bà tổ tiên, ở đâu cũng ghi rõ ba chữ “Hiếu Vi Tiên” là vì vậy.

w64
(Lăng mộ Tổ họ Nguyễn Thanh)

Giỗ và Chạp

Tục Giỗ Chạp, tức cúng giỗ đi đôi với chạp mộ – người Kế Môn gọi là “dẫy mả” – đã có lâu đời ở Làng Kế Môn. Trước đây có bài báo nói về đề tài này và tác giả bài báo đã đặt câu hỏi : “Tại sao hầu hết các họ lại lấy tháng Chín âm lịch – là tháng mưa gió bão lụt – làm ngày giỗ chạp hằng năm mà không lấy các tháng khác, trong khi tháng 12 âl vẫn được người Việt gọi là tháng Chạp?” Và câu trả lời, theo tác giả, chỉ có thể là do thời tiết khí hậu và do tập quán về mùa màng thời vụ nông nghiệp từ xa xưa của người dân làng.

Cụ thể, lý do thứ nhất: tháng 9 là tháng “đồng không mông quạnh”: công việc ngoài đồng phải dừng lại, sau khi gặt xong vụ Trái (hè thu). Lúc này cánh đồng bắt đầu hứng và ngâm nước lụt từ đợt này tới đợt khác cho tới cuối tháng Mười. Ruộng sâu đã vậy, ruộng cạn (tức đồng Trưa) cũng không khá hơn. Đó là lúc bà con nông dân rảnh tay nhất để lo việc làng việc họ. Mặt khác, lý do thứ hai: mùa tháng Chín, sau vài trận mưa lớn từ tháng Tám, đất cát trong Rú đã chuyển từ khô sang ẩm, bắt đầu dẽ đi: cuốc, cào để vun mộ, cát sẽ không “trầm lên trụt xuống” khó khăn như lúc còn nắng hè.

Về lý do thứ hai: cũng cần nhớ lại là, trước đây, mồ mả ở Rú với nấm hình tròn chỉ toàn đắp bằng cát, cao chừng 30 – 40 phân, chứ chưa có điều kiện để làm bằng xi-măng với lăng tẩm đồ sộ, kiên cố như bây giờ. Sở dĩ năm nào cũng phải dẫy, bởi cứ đến mùa hè, cát khô, lại bị gió biển thổi liên tục, nấm mộ cát tròn lắm lúc gần như sang bằng, có khi xê dịch ra khỏi vị trí ban đầu – nhất là các nấm mộ gần “cụp”, trực diện với gió, bên kia Khe làng… Bởi vậy mà dân làng từ xưa đã có tập quán tẩm liệm xác bằng cát vàng – một loại cát có màu đặc trưng để phân biệt với cát trắng xung quanh quan tài, cùng với việc trồng 2 cây “chừng” phía trên đầu và dưới chân, mục đích không gì khác ngoài đề phòng sự cố xê dịch, mất dấu của nấm mộ.

Đó là CHẠP – tức là dẫy mả. Còn về GIỖ thì vẫn còn một thắc mắc mà chưa ai có câu trả lời: đó là tại sao các họ lại đồng loạt giỗ vào tháng Chín âm lịch? Không lẽ xưa kia các cụ Tổ lại ngẫu nhiên quy tiên cả vào tháng Chín? Vậy thì tạm thời có thể lý giải rằng: đây có thể là vừa “hiệp kỵ” – là ngày kỵ chung tự chọn, mà cũng là để “kết hợp” vừa giỗ vừa chạp một lần cho tiện mà thôi. Ngày nay, có vài Chi, Nhánh có sáng kiến chọn tháng Chạp, hoặc tháng Giêng thay cho tháng Chín, vừa gặp mùa Tết, lại vừa tiện đi về cho người phương xa, nhưng vẫn là số ít, chưa thay đổi được tập quán chung.

Hiện tại, mồ mả phần lớn đã kiên cố hóa, có thành quách, bia đá hẵn hoi, các nấm mộ đã được định hình bằng xi măng, hoặc tròn hoặc vuông chữ nhật, nên với các ngôi mộ này, việc “chạp” chỉ có tính hình thức và khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tại Rú làng hiện nay cũng còn một số lượng lớn các ngôi mộ chỉ đắp toàn cát, thường là các ngôi mộ “cổ”, xa xưa, không còn thân nhân, hậu duệ hay bà con để có điều kiện chăm sóc, thì vẫn phải thao tác bằng cuốc, cào, “trang” và phát quang bằng rựa như công việc chạp truyền thống. Và đây mới là vai trò quan trọng và cần thiết của các Chi, các Tộc, là trách nhiệm chung của con dân họ phải chăm sóc, mà không cần biết đó là mộ của ai, chỉ biết rằng mộ của người trong họ là đủ.

Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa giỗ chạp của Làng Kế Môn so với các nơi khác. Bởi trong khi nhiều nơi, công việc giỗ chạp thường chỉ mang tính chất gia đình, mộ nào có thân nhân thì mới được chăm sóc, mộ nào không thì kể như chịu cảnh hoang phế, thì ở Kế Môn, việc giỗ chạp không chỉ có gia đình mà còn là của Chi, của Tộc, mang tính chất gần như là “cộng đồng”. Vì vậy mà sau mùa giỗ chạp, hầu như tất cả các ngôi mộ tại Rú làng Kế Môn bao la đều được làm mới hết sức chu đáo, khang trang, bất kể là mộ của ai, lớn hay nhỏ, thấp hay cao, đẹp đẽ hay sơ sài.

Có điều là ngày trước, mỗi họ tự hình thành một khu chôn cất riêng. Tất cả các ngôi mộ trong họ đều quây quần lại một vùng (thường là nằm quanh mộ ông Tổ), nên con cháu đi chạp ít khi bỏ sót. Càng ngày, do dất đai khan hiếm và nhu cầu huyệt mả tăng lên, đòi hỏi phải mở rộng dần phạm vi, lệ ấy không còn duy trì nữa, và tiện nơi nào người ta chôn nơi đó. Do vậy mà dù cùng một họ, nhưng kẻ thì ở rú Tây, người ở rú Đông, kẻ ở rú Trong, người ở rú Ngoài, đòi hỏi vị “trưởng đoàn” (thường là người đánh phèn la) phải rành rẽ đường đi nước bước để dẫn đường, nếu không rất dễ bỏ sót mộ.

c60
(Hội chứng mặt tiền)

Nơi để quay về

Người Kế Môn tuy đã ra đi định cư ở nhiều nơi, lấy nơi ở mới làm quê hương thứ hai của mình. Nhưng một số không ít bà con cỡ trung và lão niên hiện giờ vẫn nuôi ước ao một ngày nào đó về nằm lại với ông bà trên mảnh đất quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Nói là ước ao, bởi không phải ai cũng có điều kiện để “hồi hương” lúc nằm xuống, nhất là những bà con ở tận bên kia bờ đại dương. Mà có lẽ phải nói rằng con người có “số”: sống thì có “điền trạch”, chết thì có “mộ địa”, hay nói theo nhà Phật là “vạn sự tùy duyên” vậy.

Chỉ có điều, với những ai coi chết đi là hết, xương cốt thiêu đi thành tro bụi, gởi chùa hay dứt khoát hơn là rải sông rải biển, thì điều đó khỏi phải bàn. Nhưng nếu coi mồ mả là hệ trọng thì Rú làng Kế Môn – một nghĩa trang thiên nhiên tuyệt vời, là nơi có thể chọn để nằm xuống, hơn bất cứ khu nghĩa trang nào khác ở thành phố hay các làng mạc khác. Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây, có hiện tượng “săn tìm đất đai” để “xây nhà sẵn”, vừa âm thầm vừa công khai diễn ra ở Rú làng – trong đó đáng để ý nhất là “hội chứng mặt tiền” đã không ngại theo chân người thành phố về tận chốn thôn quê. Và những con đường mới mở băng qua Rú làng năm qua cũng đã vô tình giúp nhiều ngôi mộ bỗng dưng trở thành “nhà mặt tiền”.

Và rồi tương lai, Rú làng sẽ ngày càng đông đúc nhưng hiện đại với lăng tẩm mồ mả ngày một kiên cố, có trật tự và đẹp đẽ hơn. Chỉ mong sao, tập quán Giỗ Chạp hằng năm vẫn được duy trì một cách đều đặn và nghiêm túc trong các Chi, Tộc, vì đó chính là thể hiện đạo lý làm người mang ý thức “cây có cội, nước có nguồn, người có Tông, chim có tổ”; là một đạo Hiếu, một truyền thống văn hóa nhân bản đặc sắc và khá độc đáo của người Làng Kế Môn, mà không phải nơi nào cũng có được.

NGUYỄN VINH
(Trích Đặc san Về Nguồn – Xuân Bính Thân -2016)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác