ĐÌNH LÀNG KẾ MÔN BIỂU TƯỢNG CỦA PHỒN VINH 04-10-2012 minhhien

ĐÌNH LÀNG KẾ MÔN
BIỂU TƯỢNG CỦA PHỒN VINH

Sau gần ba năm, tính từ ngày khởi công tôn tạo (tháng 4/2009 đến đầu tháng 3/2012), Đình làng Kế Môn đã được khánh thành trọng thể. Lễ khánh thành đã được tổ chức với quy mô như một Đại lễ, kéo dài từ ngày 2 đến 4/3/2012 ( nhằm ngày 10, 11 và 12 tháng 2 Nhâm Thìn). Thật ra, nếu chỉ tính ngôi Chính Điện, hạng mục này chỉ kéo dài trong vòng 8 tháng (đến tháng 12/2009 đã hoàn tất). Nhưng các công trình phụ như Nhà Hội, Đền Cô Hồn, các trụ biểu và hàng rào phía Đông, phải thực hiện ròng rã hơn hai năm do những nguyên nhân khách quan về thời tiết, mùa màng và nhất là tài chánh.
Cũng trong hoàn cảnh ấy, cho tới ngày tổ chức khánh thành, vẫn còn nhiều hạng mục phụ chưa hoàn tất hoặc chưa khởi công như sân đình, hàng rào phía Tây và mặt hậu; nhất là con đường dẫn từ đường Quan (QL. 49B) vào khuôn viên đình ( dự trù sẽ đi vào chính diện ), trong đó có phần Cổng Đình phải tương xứng, vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Tuy nhiên, về thời điểm tổ chức sự kiện khánh thành thì ai cũng nhìn nhận là rất “hợp tình hợp lý” vì đã rơi vào cùng thời gian diễn ra Đại lễ Tiếu Kỳ của cả năm (5) họ ( gồm họ Trần Duy, họ Hoàng, họ Hồ, họ Bùi và họ Trần Văn ). Đó quả là sự đắn đo khôn ngoan của các “ nhà tổ chức” vì nếu giả thiết, sự kiện này diễn ra ở một thời điểm khác, thì chắc chắn là không thể có được số lượng đồng hương hải ngoại và các tỉnh thành trong cả nước về tham dự đông đảo đến như vậy.
Tất nhiên, về dự khánh thành Đình làng, trước hết là để “chiêm ngưỡng” tác phẩm của con dân làng “xem nó ra làm sao”! Qua đó, dù muốn dù không, dù ở hoàn cảnh nào mà mức độ đóng góp của mỗi người tuy có khác nhau (nhiều khi khá chênh lệch), nhưng đều vẫn được bình đẵng về cái quyền nhận xét, đánh giá các ưu khuyết điểm của công trình, mặc dầu vẫn biết, có những góp ý chỉ là để rút kinh nghiệm cho mai sau. Và việc góp ý cho tương lai cũng không bao giờ là thừa, là vô ích cả. Bởi vì, suy cho cùng, Đình làng hiện nay vẫn chưa ai dám khẳng định là vĩnh cữu. Qúa khứ, với biết bao lần tôn tạo đã chứng minh cho điều ấy. Nó chỉ có giới hạn bền vững thôi chứ không hề vĩnh cữu.

Quả thật, đối với kiến trúc ngôi Chính Điện, phải dùng hai từ “uy nghi” và “hoành tráng” mới chính xác. Vì ngôi điện vừa đạt được độ cao ( nền cao, mái “ chồng diêm”) – tức “trục tung” – lại vừa có độ rộng (năm căn trải dài) – tức “trục hoành”. Bên cạnh đó chiều sâu vốn là ưu điểm của dạng nhà có “tiền đàng, hậu tẩm”, đã giúp tăng thêm tính “thâm sâu, kín đáo” của các gian thờ trong nội thất.
Về phần trang trí bên ngoài, đặc biệt ở phần nóc. Với các bộ “lưỡng long triều nguyệt”, trên đó, dáng rồng thi nhau vươn cao như muốn bay bỗng, cọng với dải “cổ diêm” (mặt dựng giữa hai mái) mang trên mình các hoa văn họa tiết chạy bọc quanh bốn phía tòa nhà, tất cả đã tạo cho ngôi điện vừa có được dáng vẻ cứng cáp, chắc chắn lại vừa có tính mềm mại uyển chuyển.

Có đồng hương đã tò mò và băn khoăn : ai “thiết kế” ? (nôm na là “vẽ kiểu”), và thiết kế đã được dựa trên quy chuẩn nào ? Bản thân tôi cũng đã tự hỏi, và khi tìm hiểu mới hay rằng chẳng có “bản vẽ” hay “hồ sơ thiết kế” nào cả… Thật ra, nếu muốn có một kiến trúc độc đáo cho riêng mình, với ý tưởng, triết lý riêng để tạo dấu ấn, thì khó, cần phải nhờ đến các kiến trúc sư có kinh nghiệm trong lãnh vực đền chùa. Chứ nếu chỉ dừng lại ở kiểu dáng chung chung phổ biến như ở Từ Đường các tộc họ ở làng hiện nay ( ngoại trừ nhà thờ Tổ Kim hoàn tương đối có nét đặc biệt ), thì không khó. Cũng vẫn ba gian hai chái như trước đây (họ Trần Đình còn lưu giữ) , hay năm gian , ba gian , với “ tiền đàng hậu tẩm ” phổ biến như ở làng bây giờ. Có khác chăng là kích thước và các tiểu tiết mỗi nơi có khác nhau mà thôi.
Cũng cần nói thêm ở đây về ý nghĩa hàm chứa ở con số 5 ( mà có bạn hỏi tại sao lại là năm gian mà không phải bốn hay sáu ). Để tìm hiểu cặn kẻ vấn đề này, thiết nghĩ lại cần phải quay về với nguyên tắc của “Dịch học Đông phương”. Nhưng ở đây do hạn chế của bài viết, có lẽ chỉ cần tạm hiểu ngắn gọn rằng số 5 tượng trưng cho “ngũ hành” trong thuyết “âm dương ngũ hành” (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), hay “ngũ thường” trong đạo làm quân tử Nho giáo (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín)…Ba gian hai chái (tức 3+2=5) cũng với ý nghĩa tương tự như vậy.
Về kết cấu công trình , thì dẫu gì, ngôi Chính Điện cũng chỉ là một căn nhà trệt, nằm độc lập, chân đứng vững vàng, lại tọa thủ trên nền đất đã ổn định từ lâu (nền cũ), nên kết cấu tương đối đơn giản. Chỉ có một chút khó ở phần mái bê-tông và phần kết nối giữa mái trước và mái sau, nhưng nay kỹ thuật thi công này cũng đã trở nên khá phổ biến và quen thuộc trong nghề rồi.
Vì vậy, chỉ cần các vị trong Ban Xây dựng có chút am hiểu, với sự hỗ trợ của các người thợ có tay nghề chuyên môn cao và có kinh nghiệm ở dạng nhà đặc trưng này, thì vẫn có thể tự thiết kế và thi công đạt kết quả mong muốn mà không cần đến giới chuyên môn như các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng.

Tóm lại, người dân làng, đặc biệt ở phương xa, đánh giá rất cao công trình ngôi Chính Điện và các công trình phụ đã hoàn thành, trong đó, ghi nhận và biểu dương những vị đã dũng cảm đề xuất sáng kiến tôn tạo (ở thời điểm trong tay chưa nắm được nguồn quỹ nào đáng kể) ; ghi nhận và biểu dương bà con đồng hương từ mọi miền đất nước và hải ngoại đã chung tay góp sức về mặt tài chánh; đồng thời không quên ghi nhận và biểu dương Ban Xây dựng , là những người trực tiếp quản lý và thi công công trình.
Tuy vậy, những bà con đồng hương có chút chuyên môn trong ngành vẫn lấy làm tiếc, khi thấy rằng, vì lý do nào đó – có thể là khách quan – những vị có trách nhiệm, ngay từ đầu, hầu như đã không quan tâm lắm đến việc thiết kế lại một “mặt bằng tổng thể” để điều chỉnh lại các hạng mục xây dựng cho hợp lý hơn.
Nhiều bà con đồng hương đều nhìn nhận khu đất Đình làng, với địa giới hình thành nên một hình chữ nhật vuông vức, rộng rãi, là khu vực khá lý tưởng để bố trí xây dựng một quần thể các hạng mục của một công trình thờ phụng có tầm vóc. Nhưng hiện tại, chẳng hạn trong khi phía sau Chính Điện, đất đai còn rộng mênh mông, thì sân đình phía trước lại có phần chật hẹp, không đủ rộng và thoáng, để đạt được một tầm ngắm tối ưu cho ngôi Chính Điện, vốn là công trình “Tâm Điểm” của quần thể kiến trúc. Hay như, dãy Nhà Hội hiện nay, ngoài việc phải có kiểu dáng phù hợp với ngôi Chính Điện, cũng cần “khiêm nhường” hơn, không cần phải quá cao như vậy, và cần nên “thụt lùi” về phía trước, tránh “lấn đầu” che khuất một góc ngôi Chính Điện như hiện nay…
Ngoài ra, nói về Đình làng mà không đề cập một chút về nguồn kinh phí để xây dựng là điều thiếu sót, nhất là với những đồng hương không có điều kiện về dự lễ và nghe báo cáo. Theo ghi nhận, cho đến thời điểm tổ chức khánh thành, chi phí mọi mặt đã lên tới con số 1,8 tỷ đồng (lấy số tròn), trong khi nguồn tiền đóng góp từ mọi phía chỉ tròm trèm con số khoảng 1,75tỷ . Và làng Văn hóa đã phải xuất quỹ để bù vào số thiếu hụt vừa kể. Nhưng cũng trong ngày hành hương vào dịp này, tổng số tiền nhận được theo ghi nhận sơ khởi, đã vượt qua con số 150 triệu đồng (152 triệu).

Như vậy, nếu tính cả các công trình phụ đang dở dang và chưa khởi công như đã đề cập ở trên, chi phí cuối cùng có thể lên đến con số xấp xỉ 2 tỷ đồng hoặc hơn. Một con số, đối với một vài làng bạn còn khó khăn là tương đối lớn, là ước mơ, nhưng đối với một địa danh nhiều tiềm năng như làng Kế Môn thì con số ấy thật nhẹ nhàng nếu không nói là quá khiêm tốn. Thế nhưng, vẫn có nhiều người băn khoăn là tại sao công cuộc vận động thời gian qua lại khá vất vả và trễ nãi như vậy ? !

Có người đã tỏ ra bi quan, thở dài : “ Coi vậy mà không phải dễ… khó lắm…, làng mình mà !” Có đúng như vậy chăng ? Bạn nghĩ sao khi có vị, cũng chẳng phải là “đại gia” tiếng tăm gì lắm, nhưng đã cống hiến hết mình với phần đóng góp có thể nói là “áp đảo” ? Và, trong buổi lễ khánh thành, hình ảnh của anh thật khiêm tốn, đã từ chối ngồi vào hàng ghế danh dự, một vị trí mà anh xứng đáng được ngồi … Có phải anh là cá biệt ? Hay ta đã đánh giá sai tấm lòng của đông đảo con dân làng Kế ?
Một điều cần lưu ý nữa : ta hãy nghe câu trả lời đầy bất ngờ của vị đồng hương ở một thành phố lớn, vốn là một mạnh thường quân tiêu biểu và có uy tín, khi được hỏi : tại sao anh chưa đóng góp vào việc xây dựng này? :

“-Tiếc quá ! tôi có nghe ai nói gì đâu !”
Có thể, vị này, vì bận bịu công việc làm ăn nên vô tình với chuyện làng nước chăng ? Nhưng trước hết, thiết nghĩ những ai có trách nhiệm vận động cho việc tôn tạo Đình làng nói riêng và các công trình khác nữa trong tương lai, nên chăng hãy xem lại cung cách vận động của mình, trong đó có vấn đề quảng bá thông tin liên lạc, không những ở làng, mà còn ở chính các hội đồng hương các nơi nữa ?!

Tiềm năng vốn là sức mạnh, nhưng nếu không được đánh thức, vẫn mãi mãi chỉ là tiềm năng mà thôi !…

*THẢO NGUYÊN (5/2012)

Phản hồi (2)

  • TÔI YÊU LÀNG TÔI@
    Tháng Mười 4th, 2012 lúc 17:07

    Cảm ơn bài viết của người biết nhìn xa trông rộng…Câu nói thật thâm thúy;
    ”TIỀM NĂNG VỐN LÀ SỨC MẠNH NHƯNG NẾU KHÔNG ĐƯỢC ĐÁNH THỨC VẪN MÃI MÃI LÀ TIỀM NĂNG MÀ THÔI”.Nếu con dân Làng mình đều có tâm với Làng, điều biết nghĩ,biết sống chân thành không giả dối thì tiềm năng luôn được khơi nguồn…Hãy là chiếc chổi quét đi những bùn đất để bề mặt được sáng sủa và sạch sẽ hơn.Hãy là chiếc gương để người người ngắm và noi theo.Hãy chung sức chung lòng tô điểm cho Quê Hương ngày càng phồn vinh,,xã hội công bằng văn minh,con dân ấm no hạnh phúc!!!

  • Thành việt
    Tháng Mười 15th, 2012 lúc 14:09

    CHẠP MẢ Ở QUÊ TÔI
    nói đến chạp mả là người ta liên tưởng đến cái tết nguyên đán tràng đầy hạnh phúc,chạp mả thường rơi vào tháng chạp là tháng 12 âm lịch
    ở quê tôi theo tục lệ mỗi năm là chạp một lần, nhưng vì mỗi lý do khác nhau mà quê tôi đã chuyễn sang tháng chín âm lịch, những tháng này quê tôi có phần rảnh rổi hơn,đồng nghĩa cùng con cháu ở xa có phần ít bận rộ hơn tháng chạp .Những ngày này, quê tôi nhộn nhịp hẳn lên khi các tộc họ quê tôi tô chức lễ chạp mả theo như các ông truyền lại Xuất phát từ câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, người dân quan niệm lễ chạp mả có 3 ý nghĩa lớn. Đó là sửa sang mồ mả cho ông bà tổ tiên đón năm mới; giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ và cuối cùng là dịp để con cháu sum họp, quây quần bên mâm cơm chia sẻ chuyện làm ăn, gia đình, họ tộc trong một năm qua. Cũng chính vì thế mà ở quê tôi, chạp mả được xem là ngày lễ quan trọng của dòng tộc, nếu con cháu không có mặt đông đủ thì có lỗi với cha ông và bị người lớn quở trách. Đến ngày quy định, con cháu, dâu rể ở xa đều tập trung về nhà thờ họ và sau đó trở về theo các nhánh để cùng nhau tay cuốc, tay rựa ra độn để chạp phát bụi rậm, dọn cỏ mồ mả cha ông. Công việc phải được cháu con thực hiện nghiêm túc, bởi đây cũng chính là thể hiện sự kính trọng, lễ phép với tổ tiên. Những tộc họ có nhiều mồ mả thì trước ngày giỗ chạp sẽ tổ chức cho con cháu phát dọn trước gọi là dẫy mả trội để đến ngày chính thức kịp hoàn thành và làm lễ cúng tạ tổ tiên. Sau khi sửa sang mồ mả, con cháu sẽ thắp nén nhang lên mộ để tưởng nhớ công đức sinh thành của cha ông và mong được tổ tiên phù hộ cho thế hệ hôm nay và mai sau làm ăn khấm khá, rạng rỡ công danh, tộc họ đoàn kết đùm bọc… Trong những ngày này, các ông cao niên thường dẫn con cháu theo và giải thích rõ danh tánh, vai vế của người nằm dưới mồ để thế hệ sau kế tục công việc chăm sóc mộ phần. Ngày nay, nhiều gia tộc có điều kiện kinh tế thì quy tập mồ mả tổ tiên vào một khu đất rộng và xây dựng khang trang, dựng bia mộ đề danh tánh để gìn giữ nấm mồ cha ông cho đời sau biết và tiện bề hương khói.. Sau khi hoàn thành công việc, con cháu lại tụ tập về nhà thờ tộc hoặc nhà trưởng tộc dâng lễ cúng tạ tổ tiên. Cho dù cuộc sống có khó khăn thì lễ vật dâng cúng trong lễ chạp mả phải được sắm sửa đầy đủ lễ cúng xong con cháu quây quần bên mâm cơm để ăn uống chuyện trò Trong làng tôi không thiếu những ngôi mộ vô chủ do trải qua thăng trầm lịch sử nên con cháu thất lạc, không có người thân sửa sang, gọi là “mả lạng”. Đối với những ngôi mộ này, người dân trong làng xóm cùng nhau tổ chức đi sửa sang, chung góp tiền của để mua lễ vật cúng tế tại các miếu âm hồn thể hiện đạo nghĩa với người đã khuất.
    Cứ như vậy, lễ chạp mã ở vùng kế môn quê tôi được gìn giữ và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đây là nét văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống trong họ tộc của người dân kế môn quê tôi

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác