ĐÂU LÀ NGUỒN CỘI 16-11-2022 Thao Nguyen

BÀI 2 (Trong loạt bài viết về chủ đề: Làng Kế Môn: Lịch sử hình thành – Ý nghĩa tên làng – Địa lý tự nhiên). Tác giả bài viết: Trần Duy Huấn.

.

  • KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN DÂN CƯ, LÀNG MẠC Ở THUẬN HÓA XƯA:

     Làng Kế Môn xưa vốn là một mảnh đất thuộc châu Ô và châu Rý của nước Chiêm Thành. Vào năm 1306 vua Chiêm là Chế Mân dùng hai châu này làm sính lễ để cưới công chúa nhà Trần nước Đại Việt là Trần Huyền Trân (con gái của thượng hoàng Nhân Tông, em của vua Anh Tông). Sau khi tiếp nhận, nhà Trần đã đổi tên thành Thuận châu và Hoá châu (theo ranh giới xưa thì từ phía Bắc tỉnh Quảng Trị đến huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay). Kể từ đó vùng đất này bước vào trang sử mới: trang sử của người Việt.

     Vì vậy muốn tìm hiểu về cội nguồn của những làng Việt xưa kia thì trước tiên chúng ta phải biết khái quát về dân cư làng mạc của vùng đất này từ thời kỳ ban đầu trở thành lãnh thổ nước Việt đến triều vua Lê Thánh Tông của nhà Lê sơ.

    -Thời Trần: Sau khi tiếp nhận, vua Anh Tông đã cho quan lính vào trấn giữ và thu thuế của người Chiêm còn sống ở đó. Năm 1307 do cuộc nổi loạn của người Chiêm, vua đã sai ngài Đoàn Nhữ Hài vào chiêu an giảm thuế đồng thời khuyến khích dân ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An di cư vào  để lập nghiệp  ở vùng đất mới này.  Đây là những người Việt đầu tiên chủ yếu sống quanh gần thành Hoá châu và lưu vực các sông. Năm 1307 vua Chế Mân chết. Do sự việc vua Trần cứu công chúa Huyền Trân khỏi bị thiêu sống với Chế Mân mà nước Chiêm đòi lại đất Thuận Hoá và thường xuyên cướp phá vùng biên giới.

     Năm 1311 vua Trần Anh Tông thân chinh đánh Chiêm, vua Chiêm là Chế Củ yếu thế xin hàng. Nhà Trần bắt vua Chiêm về an trí ở Gia Lâm còn tù binh thì đưa về thành Hoá châu. Năm 1312 vua Trần ra chiếu chiêu mộ dân chúng ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An tiếp tục di cư vào Thuận Hoá để lập nghiệp. Đây là cuộc di dân lớn nhất trong thời Trần. Từ đó các thôn làng của người Việt hình thành, cùng sống chung với người bản địa. Cũng như nhà Lý, nhà Trần không chủ trương đồng hoá cho nên giữa người Chiêm và người Việt đã lần lần sống giao thoa với nhau và tạo thành nét sống đặc trưng của vùng đất này từ văn hoá tục lệ và quan hệ hôn nhân.

     Trong khoảng thời gian nước Chiêm thần phục nước Đại Việt thì số người di cư vào vẫn tiếp tục nhưng rải rác, cho đến năm 1367 cuộc chiến Việt Chiêm nổ ra trong thời gian dài ác liệt, nhất là thời của Chế Bồng Nga. Vùng đất từ Tân Bình đến Thuận Hoá bị quân Chiêm chiếm đóng suốt 12 năm. Làng xóm bị quân Chiêm thường xuyên cướp phá nên dân chúng điêu linh, ruộng đất bỏ hoang, nhiều người không chịu nổi phải phiêu bạt xứ khác. Sau khi Chế Bồng Nga bị giết chết vào năm 1390 thì quân Trần  mới chiếm lại  vùng  Thuận Hoá, nhưng  mãi đến năm 1393 mới tạm ổn định. Đến năm 1396 cuộc chiến Việt Chiêm mới chấm dứt. Từ đó cuộc sống ở đây dần dần phục hồi trở lại, châu Hoá ở thời Trần có 7 huyện. Huyện Phong Điền ngày nay xưa là huyện Bồ Đài của Hoá châu.

     -Thời Hồ: sau khi soán ngôi nhà Trần năm 1400 Hồ Quý Ly chấn chỉnh triều cương, xây mới thành Đa Bang và cho củng cố lại thành Hoá châu, tích trữ quân lương tại đây để chuẩn bị đánh Chiêm, nối dài con đường thiên lý từ Thanh Hoá đến Hoá châu (quốc lộ 1A bây giờ).

     Năm 1402 nhà Hồ đưa quân đánh Chiêm, quân Chiêm yếu thế xin hoà, giao đất 2 châu Thăng Hoa và Tư Nghĩa (Quảng Nam và Quảng Ngãi bây giờ). Hồ Quý Ly giao châu Tư Nghĩa cho con của Chế Bồng Nga cai quản còn châu Thăng Hoa cử quan lính của triều đình vào trấn giữ. Ở Thăng Hoa người Chiêm bỏ đi gần hết nên nhà Hồ đưa dân ở miền Bắc vào. Nhà Hồ có chính sách rất ưu đãi nhưng cũng rất khắc khe, thích chữ nơi đến vào tay để cho họ không trở về.

      Năm 1407 quân Minh sang đánh Đại Ngu (tên nước ta thời Hồ) Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị bắt giết còn Hồ Nguyên Trừng thì bị quân Minh giải về Tàu. Nhân cơ hội ấy quân Chiêm đánh và lấy lại đất hai châu Thăng Hoa, Tư Nghĩa. Quân lính và dân chúng ở Thăng Hoa theo Hoàng Hối Khanh chạy về thành Hoá châu nhập cư vào các làng ở đây hoặc khai phá lập làng mới.

     -Thời Hậu Trần: Năm 1407 Trần Ngổi khởi binh đánh  quân Minh, sau kết hợp với  Trần Quý Khoáng  lập nên nhà Hậu Trần chiếm giữ từ Nghệ An đến Hoá châu, đến năm 1413 thì bị quân Minh tiêu diệt, từ đó nước ta bị quân Minh đô hộ. Trong thời Hậu Trần, đến lúc quân Minh bị quân Lê Lợi đánh tan (1428) không có sử sách nào nói về việc lập làng lập ấp cả.

     -Thời Lê Sơ: Sau khi kháng chiến đánh đuổi quân Minh thắng lợi năm 1428 Lê Lợi lên ngôi lập nên nhà Lê Sơ hiệu là Lê Thái Tổ. Hoá châu là miền biên viễn của đất nước. Lợi dụng lúc Lê Thái Tổ mất quân Chiêm lại ra cướp phá Hoá châu, nên năm 1446 vua Thái Tông thân chinh đánh Chiêm. Quân Đại Việt chiếm Chiêm Động, tiến đánh cửa Thị Nại và bao vây thành Đồ Bàn. Vua Chiêm hoảng sợ xin nghị hoà. Vua Thái Tông bắt vua Chiêm lập điều ước, sau đó trả đất rút quân. Sau năm 1446 là khoảng thời gian thanh bình nên có nhiều làng mới được thành lập, chủ yếu ở phía nam thành Hoá châu và ven sông Kim Trà (sông Hương) và sông Đan Điền (sông Bồ). Các làng này đa số do các quan văn, võ tướng nghỉ hưu và lính hết hạn về khai phá lập thành. Đến đời vua Lê Thánh Tông quân Chiêm lại đánh úp thành Hoá châu nên năm 1471 vua Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm. Quân Chiêm đại bại rút chạy về phía nam đèo Cù Mông và từ đó nhà nước Chiêm Thành dần dần diệt vong.

      Sau năm 1471 là một cuộc di dân lớn trong lịch sử Nam tiến của nước ta lúc bấy giờ. Nhưng chủ yếu về phía phần đất mới chiếm. Dân di cư ở phía Bắc vào cọng với binh lính ở lại cùng nhau khai phá lập nên làng mạc. Số người Chiêm còn lại vua Lê cho tự chọn họ để làm hộ tịch (đời Hồ thì Hồ Quý Ly bắt tất cả người Chiêm ở lại lấy họ Đinh làm họ). Riêng ở Hoá châu thì vua Lê cho lập 2 khu dinh điền ở Quảng Điền và Hương Trà, khuyến khích dân các làng sở tại đến để khai phá lập nghiệp (giản dân).

.

  • PHẢI CHĂNG LÀNG KẾ MÔN ĐƯỢC THÀNH LẬP VÀO CÁC THỜI ĐIỂM SAU:

      Năm 1390?: đây là thời điểm được đưa ra trong một bài viết ngắn đăng trên trang mạng langkemon.com.vn, theo đó tác giả bài viết đã căn cứ vào gia phả của họ mình để suy ra rằng làng được thành lập vào năm 1390 mà không có luận cứ hay dẫn chứng nào về hoàn cảnh lịch sử ở thời điểm đó. Theo chính sử thì năm 1390 sau khi Chế Bồng Nga bị quân nhà Trần giết chết, vùng đất Thuận Hoá vẫn chưa yên ổn, chiến tranh vẫn rình rập, bằng chứng năm 1391 Lê Quý Ly (chưa đổi họ Hồ) và Lê Phụng đưa quân vào Hóa châu tuần tiểu biên giới thì bị quân Chiêm phục kích đánh cho tan tác, Lê Phụng bị bắt sau trốn về được. Lê Quý Ly tức giận ra lệnh chém 30 đại đội phó dưới quyền của Lê Phụng. Với hoàn cảnh như vậy thiết nghĩ chẳng ai dám vào vùng đất có nguy cơ chiến tranh để lập nghiệp cả. 

     –Năm 1410?: đây là thời điểm mà tác giả Nguyễn Thanh Trung đưa ra trong một cuốn sách mang tên: “Làng Kế Môn – Một làng quê ở Việt Nam đẹp và giàu”. Theo ông thì làng ra đời trong bối cảnh Nam tiến của người Việt: “Mở mang đến đâu thì chiêu mộ dân cư đến đó, đồng thời sử dụng  lực lượng hàng binh và tù binh để cùng khai khẩn mở rộng bờ cỏi…” và “những người đầu tiên vào sinh cơ lập nghiệp chủ yếu là khai hoang đến vùng đất này vào khoảng đầu thế kỷ 15 (1410)”.

       Thiết nghĩ đây cũng là một thời điểm chưa hợp lý so với hoàn cảnh lịch sử, vì năm 1410 là năm mà nhà Hậu Trần kháng Minh nhưng đang suy yếu, chiến tranh loạn lạc. Theo chính sử thì (tóm tắt): Ngày 02/10/1407 Trần Ngỗi con của vua Nghệ Tông lên ngôi lập ra nhà Hậu Trần để kháng Minh. Sau khi nghe tin Hoàng Hối Khanh chết, Đặng Tất (đại tri châu Hoá châu) ra lệnh giết hết quan binh giặc Minh rồi cùng Nguyễn Cảnh Chân kéo đại quân ra Bắc hội quân với Trần Ngỗi (Giản Định Đế) ở Nghệ An để kháng chiến. Sau trận thắng oanh liệt vào ngày 30/12/1408 ở Bồ Cô thì vua tôi nẩy sinh bất hoà vì bất đồng kế hoạch đánh Minh. Tháng 3/1409 nghe lời dèm pha, Trần Ngỗi giết chết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Con của 2 tướng này là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ Ngỗi lập Trần Quý Khoáng làm vua (Trùng Quang Đế). Nhà Hậu Trần kiểm soát vùng đất từ Nghệ An vào đến Hoá châu nhưng quân Minh quá mạnh nên quân ta dần dần suy yếu, rồi bị dồn dần về Hoá châu. Quân Minh bắt và giết chết Trần Ngỗi, Trần Quý Khoáng ngự về thành Hoá châu đến năm 1413 thì cũng bị quân Minh tiêu diệt, tất cả vua tôi đều bị giết.

     –Năm 1446 và 1471?: đây là hai thời điểm mà hầu như tất cả các làng lâu đời ở Thừa Thiên Huế đều cho là làng mình được thành lập, nhất là sau năm 1471 thời vua Lê Thánh Tông. Đa số các làng này đều có sổ sách và di chỉ của tiền nhân để lại rất rõ ràng. Còn các làng không có hoặc các làng có trước đời Lê đã mất “mạch gốc” thì cứ dựa vào các sách của các vị đời xưa như: Ô Châu cận lục của Dương Văn An, Phủ biên tạp lục và Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn mà cứ cho rằng: theo…. thì làng lập vào thời đó thời kia mà không đưa ra được bằng chứng lịch sử cụ thể, bởi vì trong các cuốn sách vừa dẫn không hề có chi tiết rằng: làng X lập năm…. đời vua…. mà chỉ chung chung từng vùng miền và lấy điển hình một hoặc hai địa phương có dấu ấn lịch sử nhất để minh chứng mà thôi.

    –Theo “đời” trong gia phả: gia phả và mục lục phù ý (thần phả) các họ ở làng Kế Môn đều được làm theo một kiểu. Với cách làm này thì không thể nào để tìm ra manh mối gì về nguồn gốc của làng. Cũng có thể có những cuốn gia phả ghi lại chi tiết nhưng đã mất vì loạn lạc. Liên quan tới cách tính này, trong một bài viết đăng trên trang mạng langkemonsaigon.com của tác giả Thảo Dân, bài viết đã căn cứ vào “Đời” trong gia phả để làm phép tính tính ra thời điểm thành lập làng. Theo tác giả thì họ có số đời cao nhất trong làng tính đến thời điểm hiện tại (2012) là 23 đời. Nếu ước tính mỗi đời cách nhau xấp xỉ bình quân 25 năm thì thời gian tính lùi sẽ là  575 năm.  2012-575=1437. Nghĩa là làng ra đời khoảng giữa thế kỷ 15 thời nhà Hậu Lê.

     Với cách tính này thoạt nhìn qua thì thấy rất khoa học nhưng cũng chưa thật hợp lý bởi chữ “đời” trong gia phả không có nghĩa là thế hệ mà là mang tính “huyết hệ” nhằm xác lập vai vế, tôn ti trật tự của dòng tộc. Cho nên trong thời điểm hiện tại này có nhiều đời đang cùng sống chung trong mỗi họ. Có người cao niên sắp về với ông bà tổ tiên nhưng lại ngang hoặc thấp đời hơn người mới sinh thì tính mỗi đời cách nhau 25 năm là chưa thật chính xác.

.

  • VẬY LÀNG KẾ MÔN CÓ TỪ THỜI NÀO?

     Đây là một câu hỏi mà muốn trả lời thì phải “nói có sách mách có chứng” nhưng sách thì đã mất chỉ còn chứng. Cái “chứng” ở đây chính là dòng sử dân gian. Vậy mời bạn đọc cùng tôi phân tích dòng sử đó của làng để trả lời câu hỏi này qua những sự kiện sau:

     -Tịnh Bà Chi Mộ:

     Đây là 4 chữ cuối trong văn bia mộ ngài thủy tổ và các ngài cao tổ khoảng đến đời thứ 6 của các họ, không chỉ có ở làng Kế Môn mà có ở nhiều làng khác kể cả ở Quảng Trị. Lâu nay ta cứ hỏi mộ các bà ở đâu và cứ nghĩ rằng đã thất lạc do thời gian cho nên trên mộ ông mới đề hai chữ “Tịnh Bà”. Nhưng theo chữ Hán thì chữ Tịnh 並 này có nghĩa là: gồm, hợp lại, nhập lại, gộp lại, đặt kề nhau, cùng nhau, đều, ngang nhau, hợp làm một, chung nhau. Như vậy hai chữ Tịnh Bà cho chúng ta hiểu rằng ông và bà cùng chung một mộ. Đây là tục lệ hợp táng của xưa kia xuất phát từ quan niệm: “sống chung nhà thác chung mồ”, cho nên sau khi chết thì vợ chồng chung nhau một nấm mồ.

     Từ tục lệ này chúng ta có thể lý giải được câu chuyện của họ Hoàng Ngọc ở làng Kế Môn ngày xưa qua việc bốc mộ  của  ngài Thuỷ Tổ  ở làng  Cao Ban về. Nếu  mộ ông và bà táng riêng thì không thể nào có việc cả hai làng bây giờ đều không biết mộ thủy tổ của làng mình là ông hay bà. Bởi lẽ khi bốc lên chắc chắn rằng phải làm dấu tích để phân biệt. Cũng bởi ông và bà hợp táng trải qua thời gian đã lâu cho nên khi bốc thì đã không phân biệt được ông hay bà ngay từ ban đầu. Tục hợp táng này chỉ có trước thời Lê Sơ bởi vì chúng ta biết rằng từ thời Lê Sơ, Nho giáo là nền tảng chính trị. Các tục lệ đều do các nhà Nho đặt ra, trong đó tục lệ mai táng rất kiêng cử việc chôn gần nhau do sợ hư mạch mộ. Việc lấy huyệt mộ để chôn rất kỹ càng, phải có thầy địa lý xem đất rồi nhắm hướng tốt và rất nhiều vấn đề kiêng cử khác.

        -Mã vôi:

     Thời trước ở là Kế Môn có 3 ngôi mộ được xây bằng vôi. Một ngôi ở khe ông Yên xóm Cây Vông, một ngôi ở trên đường Cấy giữa xóm Cụt và xóm Khe Ông Phụ và một ngôi ở sau Bàu Môn. Nhưng vào đầu năm 1980 đã bị  “khảo cổ” để chống thiếu đói. Vì xây bằng vôi nên thường gọi là mã vôi nhưng cũng gọi là mã Tàu vì tương truyền đây là 3 ngôi mộ của người Tàu, trong đó một ngôi của vị thầy thuốc còn 2 ngôi kia là của lính Tàu.

    Như vậy trước đây ở làng Kế Môn đã có sự hiện diện của người Tàu. Vậy họ đến vào thời điểm nào? Điểm lại sử nước thì chắc chắn rằng đó là vào thời kỳ lúc quân Minh tiêu diệt nhà Hậu Trần ở Hoá châu năm 1413 rồi đặt nền thống trị lên toàn bộ nước ta, cho đến năm 1425 khi nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi do Trần Nguyên Đán chỉ huy tái chiếm Thuận Hoá.

 -Người khởi xướng đặt tên “Kế Môn”:

    “Ngày xửa ngày xưa vào thời giặc Tàu qua đánh nước ta có vị quan văn được hai người lính họ Hoàng của làng đưa về làng để trốn giặc…” Đó là câu chuyện truyền khẩu bí mật thời xưa ở làng. Chính vì vậy mà rất ít người biết đến, mà nếu biết thì cũng lờ mờ mà thôi. Nhưng may mắn thay do tình cờ mà bí mật rồi cũng bật mí. Đó là nhờ cụ Hoàng Ngọc Hiến người họ Hoàng làng Hiền Lương, xưa là nhân viên của cụ Hồ Tá Khanh làm bộ trưởng kinh tế thời chính phủ Trần Trọng Kim. Từ lời kể của cụ Hiến và ông Hồ Thiết người Kế Môn mà tôi tìm ra được vị quan văn đó qua việc đối chứng với lịch sử. Hóa ra vị đó là ngài Hoàng Hối Khanh. Ngài Hoàng Hối Khanh về trốn giặc ở làng Kế Môn năm 1407 và cũng mất vào năm đó cùng với 8 người đi theo ông ở cửa Hội Nghệ An (sẽ nói rõ hơn ở phần sau).

Đền thờ và lăng mộ cụ Hoàng Hối Khanh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

         -Chuyện tìm và nhận họ ở họ Trần Duy:

    “Huyết sảo, tảo thương, vong biên thất ký, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, tha phương lạc quán bất tường” là một câu trong bài văn tế lễ của các họ trong dịp họ làm lễ cúng tổ tiên mà chúng ta ai cũng từng được nghe khi về họ và cũng hiểu được ý nghĩa của câu văn này. Chính vì cái ý “tha phương lạc quán bất tường” mà cụ cố tôi là ông Trần Duy Tụng (xạ Tụng) và ông Trần Duy Tú (Tú cải) được sự tài trợ của một người trong họ làm quan ở triều đình lúc sinh thời mà hai ông đã khăn gói lên đường ròng rã ba tháng đi khắp lục huyện của phủ Thừa Thiên tìm các họ Trần trong phủ để xin đối chiếu gia phả, những mong tìm ra những người con của họ đã ra đi trong quá khứ không trở về nay đã lập làng lập họ ở nơi đâu. Và cuối cùng như cụ cố tôi nói: “Có đó nhưng người ta không chịu nhận”. Sau khi cố tôi mất thì tất cả đã thuộc về quá khứ.

     Nhưng đến năm 2000, trước lúc họ tổ chức Việc Tiếu khoảng nửa tháng có thông tin họ Trần Duy ở Diêu Trì thành phố Quy Nhơn về nhận họ. Thật quá bất ngờ. Trong họ xôn xao bàn tán “chắc là một gia đình mô đó đi đã lâu, nay đưa con cái cháu chắc về họ chứ mần chi có họ mình ở trong đó”. Nhưng rồi những người trong đó đã về mà về cả họ thật. Qua trình bày của người đại diện thì ngài đầu họ là một trong các vị khai canh của làng Diêu Trì. Ngài là con trai thứ ba của cụ Trần Duy Việt người làng Kế Môn. Cụ Việt tham gia nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh và sau khi Lê Lợi đuổi được quân Minh thì cụ không về làng. Sau năm 1446 cụ cùng các vị quan văn võ tướng ở Hoá châu lập ra làng Ôn Tuyền. Ngài đầu họ ở Diêu Trì con cụ Việt sinh ra và lớn lên ở làng này, năm 1471 đã theo đoàn quân của Hoá châu vào đánh quân Chiêm trong cuộc chinh phạt của vua Lê Thánh Tông. Sau khi thắng quân Chiêm ngài đã không trở về quê mà ở lại Bình Định, lập gia đình và cùng các người khác lập ra làng Diêu Trì ở  Quy Nhơn bây giờ.

     Tìm trong gia phả thì cụ Việt là người đầu đời thứ 7. Còn làng Ôn Tuyền thì không biết ở đâu. Tuy vậy thông tin là người gốc làng và có trong gia phả cũng đủ chứng minh Cụ Việt là con của họ và ứng với câu chuyện mà ông Nguyễn Thanh Chỉ (viên Chỉ) đã kể rằng: “ngày xưa khi quân của Lê Lợi vào đánh quân Minh ở Hoá châu thì làng Kế Môn có 3 người là anh em cô cậu ruột rất giỏi võ nghệ, một  họ Trần, một họ Lê và một họ Nguyễn đã theo nghĩa quân đánh giặc nhưng sau đó thì không về làng nữa”. Như vậy cụ Việt chính là người họ Trần đó.

     Qua trao đổi, mới biết hóa ra làng Ôn Tuyền chính là làng Thanh Tuyền, sau đến đời Thiệu Trị phải đổi là Thanh Toàn do trùng tên với vua (Nguyễn Phúc Tuyền). Tức là làng có chiếc Cầu Ngói nổi tiếng gọi là “Cầu Ngói Thanh Toàn”, vốn do bà Trần Thị Đạo, cũng là người họ Trần Duy ở đó, bỏ tiền xây dựng.

     Với dòng lịch sử dân gian trên đã khẳng định một điều duy nhất đúng: đó là làng Kế Môn đã có từ rất sớm, chính xác là thời Nhà Trần, ngay sau khi hai châu Ô Rý của người Chiêm trở thành hai châu Thuận Hóa của Đại Việt.

Cầu ngói Thanh Toàn

.

  • NIÊN ĐẠI THÀNH LẬP LÀNG

     Tuy đã xác định được thời điểm nhưng việc xác định niên đại khó mà chính xác được, có thể chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Tuy vậy cũng phải đưa ra những sự kiện mang tính lịch sử để minh chứng.

      Từ khi tiếp nhận hai châu Ô Rý của Chiêm Thành đến hết đời nhà Trần có thể chia làm 3 thời kỳ:

     –Từ 1311đến 1341: đây là thời kỳ nhà Trần còn mạnh về mọi mặt, khống chế và can dự vào triều chính của Chiêm Thành cho nên việc di dân được thuận lợi, nhất là  sau sự kiện năm 1311.  Năm 1312  vua ra chiếu khuyến khích di dân  thì  năm 1313  đã có nhiều thôn làng  được công nhận về mặt hành chính.

     –Từ 1341 đến 1393: đây là thời kỳ suy thoái của nhà Trần, bắt đầu từ khi vua Dụ Tông lên ngôi, sau đó là loạn Dương Nhật Lễ thì chiến tranh Việt Chiêm càng ngày càng ác liệt mà thế mạnh thuộc về quân Chiêm. Thời kỳ này dân tình điêu đứng vì chiến tranh lạn lạc nên việc di dân lập làng khó có thể xảy ra.

     –Từ 1393 đến cuối đời nhà Trần: đây là giai đoạn tái lập làng xã sau chiến tranh nên cũng có thể có số ít làng mới được thành lập.

     Theo chính sử thì năm 1424 Lê Lợi đưa quân tiến đánh Thanh Hoá. Nghĩa quân trong thời gian ngắn đã chiếm được vùng đất từ Thanh Hoá đến Nghệ An. Năm 1425 Lê Lợi sai Trần Nguyên Đán chỉ huy tướng sĩ tiến đánh Tân Bình và Thuận Hoá. Đoàn quân của Nguyên Đán tiến tới đâu thì thanh niên trai tráng hưởng ứng tòng quân đuổi giặc đến đó, trong đó có cụ Trần Duy Việt và những con em trai tráng khác của làng Kế Môn. Năm đó chí ít thì cụ Việt cũng đã 18 tuổi, như vậy cụ có thể sinh vào năm 1407. Từ năm 1407 trở lui về thời điểm di dân lớn nhất đầu tiên thì khoảng cách chừng 95 năm. Như gia phả họ Trần Duy đã ghi nhận ở trên thì cụ Việt là người đời thứ 7 của họ.  Với khoảng thời gian 95 năm để phát triển 7 đời huyết hệ của dòng họ là một con số tương đối có thể chấp nhận được.

      Vì vậy theo tôi, làng Kế Môn đã được thành lập vào thời kỳ đầu (1311-1341) cụ thể là năm 1313 đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long năm thứ 20, là niên đại có thể chấp nhận được.

-Bài: TRẦN DUY HUẤN (2018)

-Hình ảnh: sưu tầm

(Xin xem tiếp bài 3: GIẢI MÃ TÊN LÀNG )

    

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác