CHUYỆN TỪ CÁI BÀU BỂ Ở LÀNG TÔI 14-11-2022 Thao Nguyen

     Tôi dừng xe, tắt máy rồi đứng lặng một lúc bên lề con đường đất đỏ băng ngang Rú làng. Trước mắt tôi, dưới nền xanh xám bàng bạc mây trời, một màu sẫm cây cỏ hiện ra. Cuối tầm mắt là rừng cây rậm của khu mồ mả bên kia con Khe làng. Cận cảnh, tôi để ý đến cái ao sen nhỏ ngay sát con đường, ở đó nổi rõ một tấm bia viền vàng khắc mấy hàng chữ trắng trên nền đen. Đến gần mới đọc được hàng chữ  phía trên: “DI TÍCH BÀU BỂ”.

.

Di tích Bàu Bề (Ảnh chụp năm 2022)

     Ra là vậy, tôi chép miệng, gượng cười rồi thầm so sánh cái “bia di tích” kia với các tấm bia mộ. Có khác gì nhau đâu? Bàu đã chết và mộ ở đây hẵn là cái ao sen nhỏ bé và vô hồn kia, mà ai đó đã có lòng mang công sức và tiền của ra để cố gắng “phục dựng” một di tích đã qua đời, như một hình thức tưởng niệm. Mặc dầu, vẫn biết cái Bàu Bể “sống” ngày trước không hề bé tí tẹo, vuông vức và “nhân tạo” đến vậy, để đám con nít có dịp tha hồ “lội rong quanh bàu” câu và tát cá thỏa thích, không phải bị “cấm trẻ em xuống ao để đề phòng tai nạn” như hiện trạng của cái bàu “di tích” này!  

      Tôi biết, có khá nhiều đồng hương cũng có chung nỗi tiếc nuối như tôi: tiếc cho một Bàu Bể xưa, với mặt hồ tĩnh lặng như chiếc gương soi giữa vùng độn rú hoang sơ, nên thơ của một trời bình yên, đã bị thu hẹp từ cái thời phải “tận dụng đất đai tăng gia sản xuất” để cứu đói, và bàu đã biến mất hoàn toàn khi hình thành “con đường đất đỏ không tên” kia vào năm 2014: con đường đã băng ngang ngay ở trung tâm của Bàu Bể.

.

Đường băng ngang trung tâm bàu (Ảnh chụp năm 2014)

    Cho đến nay, rất tiếc là tôi vẫn chưa hiểu được mục đích của nhà nước khi đầu tư con đường xuyên rú này là gì. Có điều chắc chắn là không có chuyện làm đường cho dân làng tiện đi thăm hoặc vận chuyển vật tư xây dựng mồ mả! Tôi cũng không rõ ai đã thiết kế nên lộ trình của con đường này. Tại sao từ ngã ba Vĩnh Xương, con đường, lúc đầu vốn đã men theo bờ hữu của Khe làng, lại không tiếp tục về xuôi như vậy theo bờ con khe để tránh Bàu Bể, mà được một đoạn lại tách ra, bẻ phải vào sát chân Rú, để khi nối lại với bờ khe phía xuôi, con đường lúc này buộc phải đâm xéo ngang ở vị trí ngay trung tâm của bàu? Có vấn đề trục trặc về kỹ thuật gì chăng hay vì lợi ích ra sao khiến phải chọn lộ trình phức tạp như vậy, không ai rõ, nhưng điều chắc chắn khi phải lấp bàu ngay vũng nước sâu để có nền đường vững thì chi phí ắt phải tốn kém hơn gấp bội.

.

Vòng màu đen: Ranh Bàu Bể ngày xưa / Vòng màu đỏ: bờ khe làng

    Khi kinh tế xã hội phát triển thì việc chỉnh lại một con đường, lấp đi một cái bàu để phục vụ dân sinh là chuyện cần thiết và bình thường ở bất cứ nơi đâu, song không vì thế mà quên đi những giá trị về cảnh quan và môi sinh môi trường, đặc biệt những giá trị về văn hóa và tâm linh, vốn là nhu cầu về tinh thần không thể thiếu của người bản làng. Khe và bàu ở làng Kế Môn vốn là những chủ thể mang đậm màu sắc của tâm linh từ bao đời nay. Tôi nghĩ rằng giới hữu trách cũng như người dân làng, dù ở thời đại nào, dù ở cương vị nào, cũng nên hết sức thận trọng, phải cần có cái TÂM, sự hiểu biết và trách nhiệm cao khi quyết định xây dựng một công trình nào đó ở làng, đặc biệt ở vùng độn rú vốn rất linh thiêng và nhạy cảm.

     *Bài và ảnh: Thanh Mạo

              (Saigon- 2022)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác