CHỢ ĐIỀN MÔN : ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC ? 17-12-2012 Thao Nguyen
CHỢ ĐIỀN MÔN :
ƯỚC MƠ THÀNH HIỆN THỰC ?
Người dân làng Kế Môn cũng như làng Vĩnh Xương, nói chung là xã Điền Môn, tại chỗ cũng như ở phương xa, từ lâu vẫn mong mỏi quê hương mình có một ngôi chợ. Tất nhiên là nằm ở vị trí thuận tiện cho cả hai cộng đồng dân cư của xã. Nay ước mơ ấy bỗng trở thành hiện thực khi một “Trung Tâm Thương Mại” mang tên “Điền Môn” vừa mới ra đời. Nhưng tiếc là, thay vì nó tọa lạc giữa hai làng như mong mỏi, lại trôi hẵn về xuôi, sát ngay chợ Đại Lộc. Hẵn là người dân Kế Môn, đặc biệt là vùng phía Đông ( Nhứt Đông, Nhì Đông xưa) sẽ vui mừng biết bao khi từ nay có chợ riêng cho mình, khỏi phải qua cầu, đi “ké” chợ Đại Lộc ! Nhưng còn người dân Vĩnh Xương sẽ đón nhận sự kiện này ra sao đây ? Vui mừng cho xã nhà hay lại mang tâm trạng của người Kế Môn phải đi chợ Đại Lộc như trước đây ?
Nhân sự kiện này, LangKeMonSG xin giới thiệu bài viết sau đây của đồng hương Nguyên Thanh (đã viết vào đầu năm nay 2012), để nhớ lại một thời cứ mãi mơ ước và ước mơ về một ngôi chợ mà nay phải chăng đã thành hiện thực ?…
“ CHỢ ĐIỀN MÔN ? BAO GIỜ TÁI LẬP
Trong buổi họp mặt kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Đồng hương Làng Kế Môn tại TP.HCM năm qua (27.11.2011), ở phần phát biểu cảm tưởng của các Hội Đồng hương bạn, có ý kiến đóng góp của vị đại diện Hội Đồng hương Làng Vĩnh Xương khiến người viết hết sức lưu ý khi vị này đặt vấn đề : “Xin Hội ĐH Kế Môn phối hợp với Hội ĐH Vĩnh Xương kiến nghị để chính quyền địa phương ở quê nhà cho xây dựng lại chợ Điền Môn”. Quả thật, đối với nhiều bà con tham dự, ý kiến đó thật bất ngờ, nhưng đã nói lên được tấm lòng của những người con tha phương trước những vấn đề về nhân sinh cấp thiết của bà con ở quê nhà.
Thực tế mấy chục năm qua, kể cả một thời gian trước 30/4/75, như chúng ta đều biết, Xã Điền Môn đã không còn có chợ, một nơi mua bán trao đổi hàng hóa cho cư dân xã nhà. Dân Làng Kế Môn thì xuôi về chợ Đại Lộc, trong khi dân Làng Vĩnh Xương thì ngược lên chợ Thanh Hương. Tại sao vậy ? Chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút quá khứ cũng như thực tế hiện nay để hiểu được những gì đã và đang diễn ra để có một cái nhìn đúng đắn khi quyết định “kiến nghị” cho tái lập ngôi chợ này.
Nói là tái lập bởi vì trước đây xã Điền Môn cũng đã từng có chợ, một khu chợ tọa lạc bên ngoài đường Quan (QL.49B) gần như đối diện với Uỷ ban Xã, từng một thời sầm uất ( nhất là khoảng từ 1956 đến gần cuối thập niên 60 ). Ở đó, có đủ mọi loại hàng hóa để trao đổi, từ nông ngư sản thực phẩm cho đến các loại hàng tiêu dùng từ Huế chở ra. Bao quanh lồng chợ cũng có những ki-ốt, những cửa hàng bán hàng ăn, tạp hóa, tiệm vải, tiệm may, vá và sửa xe đạp… không thua kém chợ Đại Lộc lúc ấy là bao.
Chưa kể đến những năm trong chiến tranh chống Pháp, ở khu vực giữa hai làng Kế Môn và Vĩnh Xương đã từng tồn tại một ngôi chợ, nếu người viết không nhầm thì đó là chợ “kháng chiến” thường họp vào ban đêm bên những ánh đèn nến leo lét dưới những tán cây rậm rạp. Khu chợ ấy có thể đã ở vào vị trí sân vận động ở phía sau Ủy ban Xã bây giờ (?)
Tóm lại , những khu chợ như vậy đã từng biến mất, tồn tại rồi lại biến mất theo thời gian. Có người cho rằng vùng đất ấy không có ông…“thần chợ”. Có người lại nửa đùa nửa thật rằng vùng ấy có…“ma”, là vùng linh thiêng không họp được chợ ! Thật ra , cái gì cũng có lý do của nó. Ngày xưa, không có tài liệu nào ghi lại, nhưng tương truyền rằng giữa hai làng Kế Môn và Vĩnh Xương từng có một dải rừng rậm rạp, thế đất cao, chạy từ chân rú ra tận bên kia đường Quan bây giờ. Thời đó, dân làng gọi dải đất này là “giái”, một từ nghe có vẻ lạ . Vĩnh Xương gọi là côi ( trên ) giái, Kế Môn gọi là đưới ( dưới ) giái !
Nhưng “côi” và “ đưới” ngày xưa từng được thông nhau bằng một con đường đất cắt ngang khu rừng rậm ( có thể là ở vị trí đường Quan hay tại điểm đường Ngang hiện nay). Dân thời đó đồn rằng dải rừng có rất nhiều ma quỷ. Vì vậy, bất đắc dĩ khi có việc cần phải đi qua đoạn đường này vào buổi trưa “đứng bóng”, chạng vạng, nhất là về đêm, ai cũng cảm thấy “sởn gai ốc” và “nổi da gà”!
Từ nhỏ, ông thân sinh đã kể cho người viết nghe câu chuyện “ma” sau đây, không biết thực hư thế nào, nhưng mới nghe qua đã…“sởn cả tóc gáy”! Chuyện rằng có một nông dân làng Kế môn thời ấy có tiếng là gan dạ, một lần có việc phải trở về muộn từ Thanh Hương lúc chạng vạng tối. Khi đi ngang khu rừng rậm ấy, để tỏ ra mình…không sợ ma, anh ta cứ lên giọng tằng hắng “ỵ hịa, ỵ hịa”. Bất ngờ, anh ta nghe từ trong rừng có tiếng khóc của trẻ thơ, rồi giọng một phụ nữ ru con the thé vẵng ra : “ Ạ ơi hời, con ngủ đi nghen con, con ngủ đi để mạ ra bắt con “ỵ hịa” cho con chơi”!… Vậy là anh nông dân gan dạ, mặt xanh như tàu lá, hoảng hốt, ba chân bốn cẳng tháo chạy một hơi về làng, quăng cả cuốc, quăng cả “ rạ sẻ ” đang cầm trên tay !
Có thể câu chuyện ấy chỉ là thêu dệt, cũng như rất nhiều mẫu chuyện khác về ma quỷ ở khu rừng rậm này từ xưa, mà lúc trà dư tửu hậu, dân làng hay nói đến, để rồi có người tin, có người cho là nhảm nhí. Kể cả câu chuyện mà chính người viết chứng kiến sau đây mới thật lạ lùng và cũng nửa hư nửa thực, không biết phải nghĩ như thế nào. Số là khoảng năm 1956 hay 57 gì đó, một đội chiếu phim lưu động của thời ông Ngô Đình Diệm, về xã chiếu cho dân coi phim về thời sự như thường lệ. Cả làng, cả xóm, nhất là bọn con nít như chúng tôi, ai cũng vui mừng hăm hở. Sau những tiếng a-lô “Tất cả toàn dân…” của ông mõ rao lanh lảnh ngoài xóm, ai nấy cơm nước vội vàng rồi cùng phóng lên xã. Nhưng…cái máy nổ chạy bằng xăng đặt xa tít phía sau Ủy ban Xã , nơi là sân vận động thời bấy giờ ( để giảm tiếng ồn ), giật mãi vẫn…không nổ ! Anh “ kỹ thuật viên ” lưng đẫm mồ hôi, càng vừa giật máy vừa… chữi thề, máy vẫn trơ ra như… thách thức! Trong khi đêm trước đó, ở Điền Hương, máy vẫn chạy ngon lành. Nhưng chưa hết , qua đến đêm thứ hai cũng vậy, mặc dù buổi sáng, khi mang máy vào Ủy ban Xã để chỉnh sửa, máy đã …chạy tốt.
Qua đêm thứ ba, có người mách phải …“khấn vái” gì đó, thế là máy nổ, mang lại ánh đèn điện sáng trưng thật ngỡ ngàng. Người viết còn nhớ đêm đó, như để bù lại … công khó đi về của bà con, người ta, thay vì chỉ chiếu phim thời sự như ở các xã kế cận, đã mang về chiếu một cuốn phim …”tuồng” ( từ sử dụng thời đó ). Người viết còn nhớ đó là phim “Ánh sáng Miền Nam” do nữ tài tử Kiều Chinh thủ vai chính.
Dài dòng văn tự như vậy, có thể là hơi lạc đề một chút, nhưng người viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng giữa những vấn đề tâm linh sâu thẵm và huyền bí của con người với mê tín dị đoan chỉ có một lằn ranh hết sức mong manh và có khi thật nhạt nhòa rất dễ nhầm lẫn.
Trở lại với vấn đề khu chợ cho Điền Môn, ta hãy gạt bỏ những ý tưởng thuộc về tâm linh trên sang một bên để nhìn vào thực tế, một thực tế hết sức rõ ràng và có logic của nó.
Ai cũng biết, khu dân cư làng Kế Môn và Vĩnh Xương đều cùng nằm trên một dải đất hẹp bề ngang và chạy dài theo hướng Tây Bắc, Đông Nam. Đối với làng Kế Môn, dân cư từng được chia thành bốn ngụ : Nhứt Đông, Nhì Đông ( giáp làng Đại Lộc) và Nhứt Tây, Nhì Tây ( giáp làng Vĩnh Xương ). Từ làng Thanh Hương đi về Đại Lược ( tức Đại Lộc ngày nay ) gọi là đi “xuôi”, nhưng từ làng Thế Chí đi lên gọi là đi “ngược”. Vấn đề xuôi ngược ở đây có thể hiểu là theo dòng chảy của con sông Ô-Lâu từ Mỹ Chánh đổ về phá Tam Giang ra biển (cũng như ở Huế ta nói xuôi về Đập Đá, ngược lên Kim Long vậy). Nhưng đối với làng Kế Môn, thực tế “đi xuôi” thường có vẻ thuận tiện hơn, không những vì con đường có vẻ …xuôi hơn mà vì về mùa mưa gió, xuôi về Đại Lộc thì “thuận buồm”, ấm áp hơn, trong khi đi ngược Vĩnh Xương thì không gian có phần trống trải, phải trực diện với mưa gió lạnh lẽo hơn.
Mặt khác, có một thực tế là từ xưa, vùng dân cư phía Đông của Kế Môn thường khá giả, sung túc và có khả năng về thương mại hơn là khu vực phía Tây chỉ thuần về nông nghiệp. Nói cách khác, một nửa cư dân Kế Môn phía Đông thường tham gia trao đổi mua bán nhiều hơn phía Tây và ngược lại. Điều cần lưu ý là một nửa này lại gần chợ Đại Lộc, và họ hầu như chỉ đi chợ Đại Lộc, góp phần làm cho khu chợ này ngày càng sầm uất thêm. Trong khi đó, cư dân làng Vĩnh Xương, trước đây vốn thưa thớt, nếu cọng với phân nửa cư dân Kế Môn ở phía Tây, trong thực tế đã không thể giúp cho ngôi chợ Điền Môn tồn tại và phát triển như mong muốn. Trong quá khứ, đã có cuộc vận động “ta đi chợ xã ta” dành cho bà con Kế Môn ở phía Đông, thậm chí có lúc đã phải dùng đến “biện pháp mạnh” với hình thức…“chặn đường” nhưng rồi đâu lại vẫn vào đấy !
Một thuận lợi lớn cho khu chợ Đại Lộc ( mà nay đã có vị trí mới rộng rãi hơn ) là ở gần Bến Đồng Dạ, nơi mà trước đây là “cảng” độc nhứt cập bến nhiều thuyền bè chuyên chở hàng hóa từ các nơi về, nhất là từ Huế ra. Ngày nay, chơ Đại Lộc lại càng có thêm thuận lợi khi cây cầu “Hòa Xuân” nối hai bờ sông Ô-Lâu đã được xây dựng, kèm với con đường bê-tông rộng rãi thoáng mát dẫn thẳng ra sau biển Mỹ Hòa, Tân Hội, nơi có bãi tắm và vô số những cụm kinh doanh nuôi trồng thủy hải sản tiêu dùng và xuất khẩu có triễn vọng.
Trong khi đó thì nhìn lại Điền Môn, ta có được “vốn liếng” gì ? Có thể nói những thuận lợi của chợ Điền Lộc ( hay Đại Lộc) trước đây, cũng chính là những bất lợi của chợ Điền Môn ( mà nếu được tái lập, chắc chắn phải nằm ở vị trí thuận lợi giữa hai làng, ngay khu đất đã từng một thời là chợ trước đây, hoặc có thể là khu đất nằm phía sau Ủy ban Xã bây giờ). Nói khác, muốn cho chợ Điền Môn được tái lập và tồn tại có nghĩa là nói tới cạnh tranh với chợ Điền Lộc, đồng thời lại phải cạnh tranh với cả chợ Điền Hương ( hiện đang ngày càng phát triển). Cạnh tranh để thu hút hàng hóa, dịch vụ, thu hút tiểu thương và khách hàng.
Tất nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”. Đó là “sứ mạng” không hề dễ dàng chút nào. Nhưng, hãy nhìn lại mà xem : thời thế đã khác xưa lắm rồi. Ai cũng thấy, trước đây, hàng hóa hầu hết đều được vận chuyển theo đường sông là chính. Nhưng nay, Bến Đồng Dạ một thời sầm uất đã trở nên khá đìu hiu, vắng vẻ. Trong lúc đó thì đường bộ từ Huế về làng ngày càng được rút ngắn : từ ngả Mỹ Chánh lúc đầu với 55km đi vòng, đến ngả Phò Trạch với 47km, rồi đến ngả An Lỗ với xấp xỉ 40km, nay tất cả đã trở nên “lỗi thời” so với con đường từ Cửa Hậu Thành Nội xuyên qua Chợ Quảng Điền về tới làng chỉ còn không đầy 38km, với thời gian đi trung bình chỉ 40 phút. Như vậy hàng hóa vận chuyển từ Huế, Đà Nẵng cũng như từ các tỉnh phía Bắc về làng không còn là vấn đề như trước đây nữa.
Mặt khác, từ Ủy ban Xã ra sau biển Trung Đồng, nơi có cụm công nghiệp nuôi trồng thủy sản, nay đã hình thành một con đường bê-tông không thua kém con đường bê-tông từ Đại Lộc ra Tân Hội, Mỹ Hòa.
Đó phải chăng là các yếu tố về “thiên thời và địa lợi”? Còn ngày nay, về phía Vĩnh Xương, người dân làng bây giờ đang ngày càng khá giả hơn từ sự hỗ trợ của cộng đồng tha phương (mà ở TP.HCM, với khá nhiều doanh nghiệp ăn nên làm ra là một ví dụ). Còn ở khu vực phía Tây của Kế Môn, cư dân bây giờ cũng “ngang ngữa” không còn thua kém khu vực phía Đông như ngày xưa. Đó phải chăng là yếu tố “nhân hòa”?
Tóm lại, những yếu tố bất lợi trước đây, nay đã trở nên thuận lợi, cũng tương xứng như hoàn cảnh của chợ Điền Lộc ngày nào. Vậy tại sao Điền Lộc đã làm được mà Điền Môn nay lại không ? Còn chờ gì nữa mà không tái lập một ngôi chợ cho Điền Môn, ngay tại vị trí thuận tiện cho cả hai làng ? Kinh phí xây dựng ư ? Nếu ngân sách nhà nước không kham nỗi, sao không huy động sự góp sức của toàn dân dưới hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” ?
Điền Môn đã có tất cả : điện, đường, trường, trạm, Đình, Chùa, Từ Đường, lăng tẩm, nhà cửa,…tất cả đã được xây dựng khang trang, chỉ thiếu có một : đó là ngôi chợ cho dân xã nhà không phải đi xa. Chừng nào Điền Môn có chợ, người dân xã, người dân Kế Môn và Vĩnh Xương mới có được niềm vui trọn vẹn, mới cảm thấy tự hào hơn về quê hương mình…còn không, thì vẫn mang tâm trạng hụt hẫng và tiếc nuối.”
*NGUYÊN THANH (2/2012)
Phản hồi (2)
thaonguyen
Tháng Mười Hai 17th, 2012 lúc 07:11HIỆU ỨNG TỪ TTTM ĐIỀN MÔN
Đúng như băn khoăn của LangKeMonSG trong phần giới thiệu. Qua tiếp xúc sơ khởi, tôi thấy người Vĩnh Xương tha phương (ở Sài-gòn) chẳng hề mặn mà gì với cái TTTM này. Dẫu không nói ra, nhưng tôi vẫn thấy trong tâm tư mỗi đồng hương bạn, đang bắt đầu hình thành một cái chợ cho riêng làng mình…Và thế là…đâu lại vào đấy, một ngày nào đó, một nửa dân làng Kế phía Tây lại (có khả năng) đi chợ Vĩnh Xương ! Hiệu ứng này sẽ dẫn đến tình trạng kẻ bán nhiều hơn người mua và rốt cục…chợ nào cũng…ế rệ như nhau !
Trần Gia Nên
Tháng Mười Hai 21st, 2012 lúc 16:26Kính gởi Anh HỒ HUÊ !
Tâm nguyện của những người con xa xứ là làm được những gi tốt nhất cho quê hương mình. Thật đáng quý và trân trọng khi vợ chồng anh đã đầu tư khu TTTM tại làng Kế Môn với địa điểm gần chợ Điền Lộc.
Em nghĩ với tâm huyết lơn như vậy và số vốn đầu tư trên 8 tỷ đồng cho quê hương là một việc làm không gì có thể diễn tả hết được của những tấm lòng người con quê hương xa xứ . !
Chỉ một điều quan tâm hiện nay là tên tuổi của TTTM !
Anh Huệ ah! Em xa quê lâu lắm rồi nhưng trong tiềm thức về cái tên Điền Môn nó lớn lắm. Đó là Danh xưng của cộng đồng người dân xã mình sống mãi mãi, và mãi mãi tồn tại kể cả với những hương linh đã về miền “Cực lạc”.
Chính vì vậy rất thiết tha anh cùng với những anh em đóng góp xây dựng TTTM nghiên cưu về bảng hiệu của TTTM để sau này nó mãi mãi là danh xưng lưu đọng muôn đời cho thế hệ con cháu của mình .
Em đã liên lạc với NGUYỄN VĂN CHO phó chủ tịch Huyện và TRẦN LỢI là bạn học của em, biết được rằng không qua thủ tục cấp phép xây dựng và khai thác kinh doanh mà là tổ chức tư nguyện đầu tư, khi hoàn thành bàn giao cho địa phương quản lý.
Em cảm kích nhiều lắm khi vợ chồng anh đã làm được những việc tuyệt vời nhất lúc này cho quê nhà.
Em cũng mơ ước mình sẽ đóng góp được 1 phần nhỏ cùng với mọi người cho quê hương .
Rất mong anh tiếp nhận ý kiến này. mọi thông tin liên lạc xin hãy gởi về email : nen8317@yahoo.com.vn hoặc số điện thoại : 09.45.45.7777
Trân trọng kính chào ! Chúc Đại gia đình anh chị luôn sức khỏe và nhiều may mắn.
Trân Gia Nên – Bảo Lộc – Lâm Đồng
Bình luận