CÀ PHÊ ĐEN CHỦ NHẬT 20-01-2013 Thao Nguyen
Bài 7 : NHỮNG ĐIỀU ƯỚC… KHÔNG HỀ GIẢN DỊ
Ba bạn trẻ tha phương Kế Môn ở Tp.HCM ngồi với nhau trong một quán…lai rai vườn kiểu mẫu của Sài gòn : Khoa, đang là “thầy thuốc” trong ngành y. Hóa, trong ngành “giáo dục” và Sơn, trong lĩnh vực “thực phẩm”.
Đây cũng là lần gặp gỡ hiếm hoi trong năm, vì cả ba đều cùng là những “người bận rộn” với công việc mưu sinh hàng ngày. Lại càng phải tất bật hơn trong hoàn cảnh kinh tế đang ngày càng khó khăn…suy thoái !
Mặc dầu vậy, họ vẫn là những người luôn quan tâm đến những hoạt động xã hội, từ thiện, mà trước mắt là dành thời gian cho quê hương gần gủi nhất của họ là làng Kế Môn. Họ vẫn theo dõi và sẻ chia những gì đang diễn ra ở nơi “chôn nhau cắt rốn” của họ.
Điều đặc biệt là họ vẫn luôn lạc quan yêu đời. Hễ gặp nhau là “tếu”. Gặp nhau là quên đi hết mọi công việc đang bận bịu và thi nhau nói chuyện “trên trời dưới đất”…có lẽ là để xả…xì trét !
Khi đã “vô” được vài “ve”, Sơn tiếp tục câu chuyện :
– Thôi, giờ đừng có nói tới những chuyện y tế, giáo dục, thực phẩm lôi thôi…chi cho mệt. Đó là những chuyện xã hội to tát. Hãy nói về cái làng nhỏ bé của mình đi ! Hãy đóng góp xây dựng một “công trình” gì đó, đừng có nói mãi mà không làm !
– Nhưng bọn mình, ông cũng biết… đã …khá lên đâu ? Đóng góp lặt vặt thì được chứ làm gì có khả năng mà xây dựng một…công trình như ông nói ? Chỉ… “ước mơ” thì mình sẵn sàng…làm được thôi !
– Tui đồng ý với ông Khoa ! Cứ “ước mơ” cái đã ! Chừng nào…khá lên thì thực hiện ! Có gì là khó ?!
– Vậy ông ước mơ gì ? Sơn hất hàm hỏi Hóa.
– Để coi ! Tui thấy làng mình bây giờ gần như đã đầy đủ cả rồi : đường sá, trường học, đình, chùa, rồi mới đây đã có chợ…tất cả đều được xây dựng khang trang, chỉ thiếu cái mà tui quan tâm thì chưa có.
– Cái gì mà ông quan tâm ?
– Đó là một “trung tâm văn hóa”! Hai ông nghĩ coi : đã có “trung tâm thương mại” thì phải có “trung tâm văn hóa” chứ ! Nói nôm na là có buôn bán, có tiền bạc rủng rỉnh thì phải có vui chơi, có văn hóa thì mới…quân bình con người chứ không thì sẽ…khập khiểng !
– Nhưng làng mình, bản thân đã là “làng văn hóa” rồi… cần gì phải xây…
– Đó chỉ là danh xưng văn hóa “chung chung” thôi, cũng giống như ở Sài gòn mình : nơi nào cũng là “khu phố văn hóa” nhưng …rác thì đầy ra cả đó thôi ! Này nhé, ông có nghe làng Vĩnh Xương, chẳng phải cũng là
“làng văn hóa” như Kế Môn đó sao, vậy mà họ vẫn đang sửa soạn xây một “trung tâm văn hóa” ?
– Vậy ông cần bao nhiêu tiền ?
– 6 tỷ ! : 4 tỷ để xây dựng cơ sở và 2 tỷ để trang bị !
– Còn ông ? -Sơn quay sang hỏi Khoa- Ông ước mơ gì cho làng ?
– Tui ấy à ? Cái này…tui ước lâu rồi chứ không phải bây giờ mới ước. Đó là “ước gì” xây được cho làng mình một cái… “trung tâm y tế” ! À, nói là “trung tâm y tế” thì hơi quá…Đúng ra là một cái “phòng khám đa khoa” như các quận huyện ở Sài gòn trước đây, mà nay đã nâng lên thành bệnh viện. Các ông có biết : do môi trường, do thực phẩm mà người Việt mình, nói chung và làng mình, nói riêng, sau cái “sung sướng” về vật chất, đang mang trong mình nhiều thứ bệnh. Có nhiều bệnh tiềm ẩn, khi phát ra : không “khẩn trương” thì không cứu kịp. Chở vô tới Bệnh viện trung ương Huế, vừa đường xa, vừa do quá tải, phải nằm chờ, quá nhiều rủi ro…Vậy tai sao không xây ngay tại làng một “bệnh viện bỏ túi” ?
– Tụi tui đồng ý với ông, nhưng với điều kiện là phải có thầy thuốc giỏi và trang bị phải hiện đại. Không thì bà con cũng không tin, sợ lại bị…“cắt nhầm bàng quang” như ở Khánh Hòa rồi cũng chạy vô Huế. Mà thầy thuốc giỏi thì ai chịu về và thiết bị y tế hiện đại thì quá mắc tiền?
– Không lo ! Làng ta vừa chúc mừng thêm một bác Tiến sĩ Y khoa. Chưa kể đồng hương Sài gòn mình đây đã có từ lâu một Giáo sư Tiến sĩ cùng ngành. Còn cỡ bác sĩ bình thường như tui thì thiếu gì. Tui sẽ xung phong về đầu tiên! Còn thiết bị ư ? Có tiền là được !
– Vậy ông cần bao nhiêu tiền ?
– 9 tỷ ! : 2 tỷ xây dựng cơ sở vật chất, 3 tỷ trang thiết bị và 4 tỷ gởi vào ngân hàng !
– Gởi vô ngân hàng ? Để làm gì ?
– Ông thiệt chậm hiểu. Gởi ngân hàng để lấy lời hàng tháng trả lương cho thầy thuốc và nhân viên ! Phải trả lương thật hậu để người ta “toàn tâm toàn ý” chứ ! Còn ông ? Nãy giờ ông cứ chăm chăm “phỏng vấn” tụi tui, không lẽ ông không có …ước mơ gì à ?
– Tui ư ? Sao lại không ? Nhưng tui thì …“trần tục, thực tế” hơn các ông. Đó là lo cho…cái bụng trước đã ! Đối với tui : không có gì quan trọng bằng …cơm gạo !
– Nhưng làng mình bây giờ đâu có thiếu gạo ? Nước mình là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới kia mà !
– Bởi thế mới…chủ quan, mới ỷ y và thoải mái…thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp bằng đủ mọi lý do như kiểu…tằm ăn dâu ! Các ông nghe đây : Có ai dám bảo đảm là trong tương lai sẽ không xảy ra một thời kỳ đói kém tồi tệ ? Tổ chức Lương Nông quốc tế ( F.A.O ) há đã từng cảnh báo đó sao ? Nhưng điều tui quan tâm không chỉ dừng lại ở đó. Bởi tui đang ước mơ xây dựng cho làng mình một …“trung tâm sản xuất phân bón” !
– Thì ở ngoài mình có thiếu phân bón đâu ? Dư thì có !
– Không phải là cái thứ phân hóa học độc hại như các ông thấy…đang làm hủy hoại môi trường sống của cả người và vật. Phân của tui là loại phân “ hữu cơ” chính cống ! Nó vừa góp phần làm sạch môi trường, lại vừa giúp cho đất đai mầu mỡ thêm, không có nguy cơ “chai”, không bị lệ thuộc vào phân hóa học…Tui đã có đầy đủ kinh nghiệm về “dây chuyền sản xuất” loại phân này rồi, vì trước đây ở Quận 8, ông già tui đã từng làm…
– Vậy cụ thể vốn liếng ông cần là bao nhiêu ?
– Rẻ ! Rẻ hơn các ông nhiều ! Chỉ cần 3 tỷ : vừa cất nhà vừa mua sắm thiết bị ! Còn …nguyên liệu thì tha hồ bà con sẵn sàng…đóng góp thường xuyên. Bởi bây giờ ngoài làng người ta không còn xài “hố xí hai ngăn” như hồi mới giải phóng nữa, mà hầu như đã hoàn toàn xây nhà vệ sinh với hầm “tự hoại” đàng hoàng …
– Có lý ! Có lý ! Vậy sao ông không làm ngay đi ?
– Tui cũng còn đang phân vân…
– Phân vân gì nữa ? Tụi mình hùn : mỗi đứa góp một tỷ. Đủ rồi !
– Phân vân vì xây nhà máy lên như vậy, thì phải cần mặt bằng ở ngoài đồng, không thể để lẫn trong khu dân cư. Mà như vậy, hóa ra cũng lại là đang…vô tình góp phần thu hẹp đất sản xuất nông nghiệp ! ?
*HOÀNG VÂN ghi
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận