Trên tuyến quốc lộ 49 dọc các xã ven biển Thừa Thiên-Huế qua làng Kế Môn, nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng trước một trung tâm thương mại khang trang mọc lên giữa làng quê.
|
Kinh phí hơn 8 tỉ
Khác xa với những khu chợ quê thường thấy, trung tâm thương mại được thiết kế xây dựng với nhiều nét đặc biệt, ấn tượng. Ngay trước cổng trung tâm thương mại có khu vực tâm linh để thờ tự, khu vực cây xanh, ghế đá tạo cảnh quan và bên trong cũng được xây dựng nhiều hạng mục văn hóa như các khu thư viện, phòng đọc sách, phòng máy tính nối mạng để phục vụ giới trẻ và người dân, khu vực cà phê, giải khát, khu nhà hàng phục vụ văn nghệ…
Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Điền Môn, cho biết: “Trung tâm thương mại của làng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2012 với kinh phí xây dựng hơn 8 tỉ đồng và người bỏ tiền để xây dựng là ông Hồ Huệ (chủ một tiệm vàng tại TP.HCM). Ông Huệ là một người con dân của làng Kế Môn. Nhưng năm lên 7 tuổi, ông đã phải xa quê, vào học tại Đà Nẵng, sau đó ông vào TP.HCM lập nghiệp”.
Miễn phí thuê lô
Chia sẻ về tâm huyết xây dựng trung tâm thương mại cho quê hương, ông Huệ tâm sự: “Từ trăn trở làm sao cho người dân quê hương có điều kiện kinh doanh, buôn bán, tiếp cận với tri thức nhân loại để nâng cao hiểu biết…, tôi đã dành dụm được ít tiền và vận động vợ con hỗ trợ thêm để mang về xây dựng cho làng. Tôi kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của quê hương nếu như các thế hệ sau này học hành đỗ đạt cao, thành đạt và làm ăn giàu có ở trong nước và ngoài nước. Lúc đó các em, các cháu cũng biết hướng về quê hương, đóng góp cho quê hương”.
Ông Bùi Châu, người quản lý trung tâm thương mại cho biết, do trung tâm thương mại của làng Kế Môn quá gần với chợ Điền Lộc, vốn có từ hàng trăm năm nay, nên sau khi đưa vào hoạt động đến nay, trung tâm vẫn chưa đông đúc. Tuy nhiên, ý nghĩa lớn nhất của trung tâm này là chỗ tạo ra một điểm văn hóa cho người dân làng sinh hoạt. Tại trung tâm có khu giải trí cho giới trẻ, thư viện để cho học sinh và dân làng vào đọc sách lên mạng học hành, tra cứu thông tin, đọc báo. Buổi sáng, tại trung tâm có khu vui chơi cho trẻ em vào ăn sáng… Mặc dù trung tâm đã được bàn giao cho UBND xã Điền Môn quản lý, nhưng ông Huệ vẫn tiếp tục hỗ trợ để trung tâm hoạt động như miễn phí thuê lô, hỗ trợ vốn cho những người dân vào trung tâm buôn bán… “Ban quản lý chỉ thu phí môi trường và bảo vệ, còn lại toàn bộ chi phí từ tiền điện, nước… ông Huệ đều gửi về chi trả”, ông Châu cho biết.
Theo ông Hoàng Ngọc Bảo, ngoài việc đầu tư và hỗ trợ để trung tâm hoạt động, ông Huệ cũng là người sáng lập Hội đồng hương làng Kế Môn tại TP.HCM, vận động quyên góp để xây dựng quỹ khuyến học cho làng đã phát học bổng cho con em học sinh trong làng học giỏi, đỗ đạt cao với số tiền hơn 180 triệu đồng, giúp xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, trao xe lăn cho người khuyết tật tại làng… Ông Huệ cũng là người đã gửi tiền về xây dựng thư viện làng Kế Môn cách đây 10 năm và chu cấp tiền cho người cháu trông coi để hằng ngày mở cửa đón mọi người vào đọc, tài trợ các lớp tin học và ngoại ngữ, các lớp luyện thi khác tại thư viện.
Bùi Ngọc Long
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận