THÚ CÂU CÁ 01-10-2012 minhhien
Nhớ về làng xưa quê cũ, hẵn trong ký ức bà con mình, ai cũng đầy ắp những kỷ niệm về một thời ấu thơ vô tư bắt bướm thả diều, “truốc” móc hái sim, lội khe tắm hói; một thời niên thiếu vô rú đào còng đơm “giôn”, xuống đồng “cặm” câu lượm “ốt”, ra biển moi “cáy” bắt rầy…Nhưng với riêng tôi, khi tuổi thơ “tình cờ” rơi vào “một thời hòa bình giữa hai thời bom đạn” năm xưa, thì câu cá là một cái thú mà tôi không thể nào quên.
Nhưng “thú đi câu” của tôi ở đây, chắc chắn là không hề giống với cảnh “Thu điếu” của Tam Nguyên Yên Đỗ tiên sinh, ngồi câu cá mà lòng trắc ẩn với thời cuộc, hay như cụ Lã Vọng năm xưa bên Tàu ngoài thất thập mà vẫn ngồi câu cá chờ thời. Tôi đi câu cá có “chiến lợi phẩm”, có “nguồn thu” hẵn hoi, không bao giờ “lỗ” vì vốn liếng chỉ vỏn vẹn có mấy con trùn đất lật lên từ mấy cục gạch vồ ở “ảng nước”!
Dạo đó có bốn nơi để câu : một là câu rào (tức sông Ô-Lâu), hai là câu hói, ba là câu bàu, bốn là câu khe. Câu ở rào thường thì phải đứng ở bờ sông, suốt dọc bờ mưng, đoạn giữa “cựa khâu” Bến Dừa và Bến Phụ. Ở đây, gió lùa rung rinh cành lá soi bóng làm…cá sợ (!) cá…bỏ chạy, ít chịu ăn. Chưa kể hồi đó người ta còn cho là “ma rà” hay lên ngồi “hóng mát” ở bờ mưng, nên bọn con nít như tôi chẳng có thằng nào dám ngồi một mình ở đó mà câu. Phải chi có cái xuồng con như mấy ông câu “chuyên nghiệp” kia, không biết từ đâu tới, lặng lẽ ngồi giữa dòng, ngay Khút Bàu Ngược, với hai ba cần câu, chốc chốc giựt lên hàng tá cá “phát lát” trắng tươi to cỡ bằng bàn tay khiến mình phát thèm. Tiếc là cá “phát lát” ngoài mình ngọt nước béo thịt vậy mà chỉ biết kho nước kho mặn, ít thấy ai nạo nhuyễn để nấu canh như trong Nam.
Câu hói thì không phải lúc nào cũng có cá. Phải đợi đến tháng bảy tháng tám, lúc bắt đầu có những trận mưa giông. Trời mưa lâm râm nổi bong bóng nước. Lúc ấy, cá ngạnh từ ngoài rào theo cựa khâu chui vào. Tha hồ giựt lấy giựt để không trật con nào, cũng vì cá ngạnh ăn tham, đớp ngay mồi mà không cần “rỉa”.Con nào con nấy câu lên đầy cả bụng trứng. Nhưng phải coi chừng, hăm hở quá mà vội vàng dùng tay chụp vô, nó mà “nẻ” một phát thì đau nhức cả tuần. Cá ngạnh trứng mùa này mà nấu canh măng chua thì thiệt “không cơm nào mà chịu cho đủ” !
Làng mình trước đây có nhiều bàu, nhưng chỉ có bàu Bể có nhiều cá. Tiếc là nay bàu Bể lại biến thành bàu “lấp” trùng tên với cái bàu gần đó, vì bàu đã bị lấp để trồng khoai “tăng gia, cải thiện”. Xưa bàu Bể có cảnh quan khá đẹp : giữa là “mặt bàu” có dạng gần như tròn, mùa hè không sâu lắm, mặt nước phẳng lặng, xung quanh tập hợp chừng mười lăm cái “đìa” trổ cửa vào trung tâm bàu. Đìa có thả “chuôm”, có bèo nổi, nhưng nước trong vắt, có thể nhìn thấu tận đáy.
Câu giữa bàu thường bắt được cá mại, có con thật to cỡ bằng ba ngón tay gọi là “cá mại cộ”, đôi khi gặp cá cấn bụng trứng no tròn hoặc cá thia. Nhưng muốn có cá “rang” thì phải thả câu trong đìa. Đặc biệt, khi bạn nhẹ nhàng thả câu vô đìa, con cá đầu tiên đớp lấy mồi và kéo xuống tận đáy phải là con cá “rang”, và giật lên thì không bao giờ “sẩy”, bởi cá rang cũng ăn tham, nuốt mồi vô tới bụng. Sau đó cá rang sẽ “bặt” luôn vì không thèm ăn “của thừa” ! Cá rang bàu có màu “vàng rộm”, béo hơn cá rang đồng. Nướng lên mà “xắm” với nước mắm gừng thì thơm tuyệt.
Cuối cùng là câu khe. Làng mình có hai con khe : khe trong xuất phát từ bàu Cuồng, Vĩnh Xương chảy ra khe Đồng Dạ; khe ngoài từ bàu Bội chảy ra khe Ông Phụ, cùng mang dòng nước ngầm của độn rú ra hòa vào dòng Ô-Lâu. Dù mùa mưa hay mùa khô hạn, khe vẫn luôn có cá, dù là cá nhỏ. Tôi thường hay câu ở khe Ông Phụ, không cần vô rú, chỉ ngay bên hông họ Lê thôi, vì phải câu vào giờ chập choạng tối. Nhưng phải là lúc mùa hè nước cạn. Không phải thả câu giữa dòng nước chảy, mà sát bờ, ngay trong bụi cỏ. Và chỉ cần một đoạn “gấc” ngắn chừng một gang tay từ lưỡi câu đến ngọn cần, “nhắp nhắp, dạu dạu” vài cái là cần câu “rung lên”, và “giật lùi”. Đó là bọn cá tràu bông, to hơn ngón chân cái, dài bằng một gang tay người lớn. Chỉ cần ba con là đủ nấu một nồi canh mướp đắng ngon tuyệt !
Tóm lại, câu cá vừa là cái thú, vừa có cá để ăn. Bạn nên biết, cá câu về, dù có ươn mấy cũng luôn luôn ngon hơn cá mua ngoài chợ ! Xin mượn mấy câu trong bài thơ “Câu cá bàu Bể” của chính tác giả để kết thúc bài ký này :
“Một cần câu, một oi câuMột lon trùn đất, một bầu nước trong
Đầu trần, chân đất, áo bông
Quần đùi chấm gối, lội rong quanh bàu
Nhẹ nhàng ta thả dây câu
Cá rang ăn láu đớp mau chẳng chừa
Cá thia, cá cấn đu đưa
Cá mại, cá lúi …chưa bưa tép mồi…
Không gian yên tĩnh bồi hồi
Cỏ cây hoa lá chào mời nắng mai
Tươi xanh bát ngát đồng khoai
Trắng tinh đồi cát mả Ngài xa kia
Lao xao chợt nức tiếng ve
Chim reo trong lá mãi mê gọi tình
Trời xanh mây trắng lung linh
Soi trong đáy nước bồng bềnh trôi xuôi…
Một vòng…cá đã lưng oi
Mặt trời đứng bóng về thôi…trưa hè
Trâm bù ta bẻ một về
Lót chân cát nóng đầu khoe nắng trời
Ngày hè thỏa thích rong chơi
Tắm khe câu cá… đã đời tuổi thơ !…
*THẢO NGUYÊN
Phản hồi (8)
Trần Lài
Tháng Mười 1st, 2012 lúc 10:28” Trâm bù ta bẻ một về; Lót chân cát nóng đầu khoe nằng trời” ‘ Tắm khe cau cá…đã đời tuổi thơ” => ui, sao mà tuổi thơ của chú giống cháu thế, có điều cháu ko có được cái thú câu cá như chú. hihi. Dường như đó là tuổi thơ chung của những người con đất kế chú nhỉ?
người đọc
Tháng Mười 1st, 2012 lúc 15:55Kỉ Niệm
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Mẹ tôi ngồi đan áo
Bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo
Phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo
Tôi nghe tiếng còi tàu
Cho tôi lai chiều hè
Tôi đi trên đường quê
Hai bên là hương lúa
Xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi yêu trời mây tía
Không nghe Mẹ gọi về
Cho tôi lại nhà trường
Bao nhiêu là người thương
Không ai thù ai oán
Ai cũng bảo tôi ngoan
Tôi yêu thầy tôi lắm
Nhớ tiếng nói vang vang
Tôi theo tà áo trắng
Cô em học cùng trường
Cho tôi lại một mùa
Mưa rơi vùng ngoại ô
Đêm đêm đèn trong ngõ
Soi sáng mảnh tim khô
Tôi mơ thành triệu phú
Cứu vớt gái bơ vơ
Tôi mơ thành thi sĩ
Đem thơ dệt mộng hờ
Cho tôi lại còn nhiều
Cho tôi lại tình yêu
Tôi không cần khôn khéo
Tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu
Dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu
Cho đi lại từ đầu
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu
Đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu
Khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo
Trên môi một nguyện cầu
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau
Cho đi lại từ đầu
Chưa đi vội về sau.
******************
****************
*******************************
Hoàng Thị Ngọc Diễm
Tháng Mười 1st, 2012 lúc 17:50Chú THẢO NGUYÊN mà ngẫu hứng thành thơ thì không chê vào đâu được!!!
Hoang Chuong
Tháng Mười 12th, 2012 lúc 22:08Cá phát lát mệ cháu bằm nhuyễn nấu cháo gạo thì ăn không biết no. hic nhớ quá .
Tuổi thơ tụi cháu không câu rào, câu bàu, câu khe, câu hói, mà câu hồ: hồ họ Bùi, hồ họ Trần, Hồ họ Hồ, hồ gần xóm Đập và sau đường Cấy còn có Bàu Cát, Bàu Môn
Hoang Chuong
Tháng Mười 12th, 2012 lúc 22:18cuối tháng đầu tháng 8 âm lịch, những trận mưa rào đầu mùa sau những ngày hèn nóng bức, đây cũng là lúc cá rang ào ào từ các hói, mương bơi lên các dòng nước chảy xiết để đẻ trứng, bà con ta khoét bờ ruộng đặt dẹp thì tha hồ là cá, lúc này sau khe làng cũng nhiều loại cá mà nhiều nhất là cá nghẹn (ngạnh) cầm đúa mà chài khôn cũng có chứ dừng nói là đặt dẹp(nò), có khi nghiên chưng vào bụi cỏ vy (ngạnh) của nó đâm thẳng vào trấy chưa ấy chứ
Hoang Chuong
Tháng Mười 12th, 2012 lúc 22:19cá nghẹn mà nấu cháo thì ngon hết biết, hic thèm quá
Chau Hoang
Tháng Mười 13th, 2012 lúc 13:52Cá ngạnh có trứng nấu canh măng chua thơm cà mới đúng bài.
Chau Hoang
Tháng Mười 13th, 2012 lúc 17:34Cá ngạnh nấu canh măng chua thơm cà mới đúng bài!
Bình luận