GIẢI MÃ TÊN LÀNG 17-11-2022 Thao Nguyen

BÀI 3 (Trong loạt bài với chủ đề: Làng Kế Môn: Lịch sử hình thành – Ý nghĩa tên làng – Địa lý tự nhiên). Bài viết của tác giả Trần Duy Huấn. Bài này vì khá dài nên xin được đăng làm 2 kỳ. Sau đây là kỳ 1:

   Tất cả mọi sự vật, mọi hiện tượng trong thế giới hữu hình lẫn vô hình đều có một cái tên. Cái tên là do con người đặt ra nhưng cái tên không chỉ là dùng để gọi, để phân biệt, mà cái tên còn hàm chứa cả nguồn gốc và ý nghĩa của sự vật hay hiện tượng đó. Điều này thể hiện rõ nhất trong hai cái tên mà chúng ta luôn trân trọng và yêu quý đó là tên nước và tên làng.    

Tên nước cũng như tên làng có thể thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử. Nhưng tên nước thì có sử nước ghi chép rõ ràng  qua từng triều đại, từng thể chế  vì sử nước là mạch liền của dân tộc nên  lúc  nào cũng có hệ thống chuyên trách làm sử nước. Còn tên làng, tuy làng cũng có sử làng nhưng sử làng thì chủ yếu là truyền khẩu và có rất ít làng còn di chỉ trên gia phả của các họ. Vì vậy mà tên làng bị mai một theo thời gian. Cho nên muốn tìm lại gốc tích của tên làng quả là điều rất khó, trong số đó có Làng Kế Môn. Tuy là rất khó nhưng vẫn còn đâu đó những câu chuyện đời xưa mà các bậc tiền bối của làng kể lại kết hợp với những chứng tích còn lại ở làng, đồng thời tìm hiểu ở chính sử để đối chứng thì có thể lần tìm ra lịch sử tên làng.

.

  • TÊN KHAI SINH CỦA LÀNG


     Các cấp hành chính cơ sở xưa kia gọi là: Chiền, Chạ, Kẻ. Vì thời xưa nước ta chưa có chữ viết phải dùng chữ Hán nên ngoài tên Nôm ra còn có thêm tên chữ Hán để dùng trong mặt hành chính. Các nơi do một dòng họ khai lập thì thường lấy họ thêm chữ xá để làm tên. Dưới thời Lý và Trần tuy chữ Nôm đã có nhưng vẫn dùng hai tên song hành với nhau, đây là quy định bắt buộc. Làng chúng ta được thành lập ở đời nhà Trần vì vậy cũng có hai tên một Nôm một Hán như các nơi khác. Theo truyền khẩu thì tên Nôm là Kẻ Vạy và tên Hán là Hoa Lăng thuộc Huyện Bồ Đài xứ Thuận Hoá.

     –Kẻ Vạy: là tên được đặt theo đặc điểm của làng. Đặc điểm đó là do con rào chảy qua trước làng có một khúc chảy vạy vô cánh đồng của làng tạo thành một đoạn sông bên bồi bên lở rộng và rất sâu gọi là Khút. Chính là Khút Bàu Ngược trên sông Ô Lâu hiện nay.

  –Hoa Lăng: là tên chữ Hán lấy từ cảnh quan của làng: -Hoa: chữ Hán: có nghĩa là đẹp. -Lăng: chữ Hán: có nghĩa là: oai linh, oai nghiêm.  Hoa Lăng có nghĩa là đẹp và oai nghiêm hoặc oai linh và đẹp đẽ.

.

  • LÀNG CÓ TÊN KẾ MÔN THỜI ĐIỂM NÀO?


      Năm 1413 sau khi cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc Minh của nhà hậu Trần thất bại. Quân Minh chiếm trọn lãnh thổ nước ta. Chúng bắt đầu dùng chính sách đồng hoá hòng xoá sổ dân tộc Việt. Chúng cai trị dân ta rất tàn bạo: “Nướng dân đen trong lò bạo ngược, đày con đỏ dưới hố tai ương”. Tất cả những gì mà tổ tiên chúng ta để lại đều bị chúng đốt sạch phá sạch. Cái gì liên quan đến Nôm là chúng cấm trong đó có chữ Nôm. Sách vở bằng chữ Nôm chúng tịch thu thiêu hủy và buộc thay đổi tên làng bằng chữ Hán. Cho nên vào thời điểm đó nhiều nơi đã phải đổi tên làng theo quy định của giặc Minh và làng chúng ta cũng là một trong số ấy. Từ đó hai chữ Kế Môn đã trở thành tên của làng cho đến ngày nay.


      Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao tổ tiên chúng ta không giữ lại tên cũ mà lại thay đổi tên mới Kế Môn vì hai chữ Hoa Lăng không vi phạm điều cấm kỵ gì của giặc Minh? Đây là câu hỏi mà trả lời được tức là đã giải mã được toàn bộ nguồn gốc và ý nghĩa của hai chữ Kế Môn vậy.

.

  • NGƯỜI KHỞI XƯỚNG HAI TỪ KẾ MÔN

      Năm 1976, họ Trần Duy của tôi làm lại gia phả. Sau khi ôn Xạ Chua làm xong bằng chữ Hán, họ phân công tôi viết chữ Việt bên cạnh. Thấy các đời đầu trong gia phả số người không sinh hạ rất nhiều nên tôi thắc mắc thì ôn đã giải thích như sau: Người vô tự (không có con trai) hoặc chưa lập gia thất mà chết thì ở dưới có khuyên đỏ (vòng tròn đỏ), người chết lúc còn nhỏ thì cước hai chữ “tảo vong”, còn người không ghi chú gì hết là người rời làng đi nơi khác làm ăn không có liên lạc gì với họ và người ngày xưa đi lính đánh giặc không biết sống chết ra sao. Đây là số nhiều nhất trong những người không sinh hạ cho nên trong văn sớ có câu: “vong biên thất ký” câu này chỉ các người chết trận giờ không biết mồ mã ở đâu.

      Sau đó ôn kể cho tôi nghe câu chuyện “vong biên thất ký” của các ngài đời xưa ở làng. Câu chuyện này về sau tôi cũng được nghe ôn Viên Chỉ, ôn Biện Chước, bác Hoàng Luân, bác Trần Duy Cường kể lại cùng một nội dung như ôn Xạ Chua đã kể: “Ngày xưa lúc giặc Tàu qua đánh nước mình, lúc đó có một vị quan văn được hai người họ Hoàng làng mình đưa về trốn giặc ở làng, sau đó vị quan này cùng tám người làng mình chết ở cửa biển Nghệ An”. Trong câu chuyện này duy nhất có ôn Viên Chỉ nói:  “Vị quan ni là người đặt tên cho làng mình là Kế Môn đó”.

       Vào năm 2003 ở làng, nhân một dịp tranh cãi  khi giải lao trên đồng ruộng hợp tác về lai lịch của Truông Tàu  với  câu hỏi  tại  sao  có  tên là Truông Tàu,  chú Hồ Thiết đã kể cho tôi nghe một chi tiết thú vị. Nguyên văn theo lời chú kể: “Tui nghe ôn nội tui kể đời sệt đời sờ truyền lại thì xưa kia lúc giặc Tàu qua đánh nước mình có hai người họ Hoàng làng mình dẫn một vị quan về trốn giặc ở đây. Ở đó là nơi mần và thu (dấu) chiếc thuyền. Chiếc thuyền mần là để cho ôn quan đó đi ra Bắc. Để giữ bí mật, những người làng mình sáng phải giả mần người đi chặt củi chiều về mỗi người cũng sương một triêng củi. Thuyền mần xong đưa ra biển ôn quan nớ với 8 người làng mình ra đi. Nhưng ra tới biển Nghệ An gặp biển động nên bị lật thuyền mà chết. Do rứa mà truông đó mới kêu là Truông Tàu. Ôn tui còn nói cấy ôn quan nớ là người nói dân làng mình lấy hai chữ Kế Môn để mần tên làng”.

      Từ những lời kể về “ôn quan trốn ở làng mình và chết ở cửa biển Nghệ An” cứ văng vẵng bên tai mà cuối năm 2009 khi đến thăm người chị bạn dì ruột ở Huế, lúc ấy là hiệu trưởng mà cũng là giáo viên môn Sử Trường PTTH Nguyễn Huệ, tôi tình cờ đọc được cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” viết về thời Trần và Hồ. Tôi lặng người khi đọc đến đoạn nói về tình thế của vùng Thuận Quảng lúc quân Minh xâm lược nước Đại Ngu năm 1407. “Đây rồi”! Thì ra vị quan văn về trốn giặc Minh ở làng và chết tại cửa biển Nghệ An như trong câu chuyện truyền khẩu chính là ngài Hoàng Hối Khanh, một trọng thần đời nhà Hồ.

.

  • TIỂU SỬ NGÀI HOÀNG HỐI KHANH

      Ngài sinh năm 1362, nguyên quán thôn Bái Trại xã Định Tăng huyện Yên Định tỉnh Thanh Hoá ngày nay. Đổ Thái học sinh năm Giáp Tý (1384) thời vua Trần Phế Đế niên hiệu Xương Phù thứ 8, được cử làm thủ sứ cung Bảo Hòa. Năm 1385 vua Trần Phế Đế cử vào làm tri huyện của Huyện Nha Nghi nay là Huyện Lệ Thuỷ, Tỉnh Quảng Bình. Sau khi ổn định cơ sở hành chính, năm 1387 ngài đã chiêu mộ dân chúng vùng Hoan Châu và Ái Châu vào đây khai phá lập làng lập ấp tổ chức thành điền trang gọi là điền trang Hoàng Hối Khanh. Điền trang này bắt đầu hình thành từ Kẻ Tiểu (Thượng Phong), sau đó mở rộng ra thêm nhiều kẻnhà (kẻ: làm nông, nhà: tiểu thủ công). Chẳng hạn như: Kẻ Đợi (Đại Phong), Kẻ Tuy (Tuy Lộc), Kẻ Thá (An Xá), Kẻ Soi (Xuân Hồi), Kẻ Tréo (Cổ Liễu), Kẻ Chèn (Quảng cư), Kẻ Théc (Thạch Bàn), Kẻ Trìa (Tân Lệ) vv… Nhà Mòi (Mai Hạ), Nhà Phan (Phan Xá), Nhà Vàng (Hoàng Giang), Nhà Ngo (Uẩn Áo), Nhà Cai (Mai Xá) vv… Ngài là đệ nhất tiền khai khẩn vùng đất Lệ Thuỷ ngày nay. Ngài thực hiện chủ trương xoá bỏ nông nô cho nên tất cả người dân vào lập nghiệp ở đây đều được cấp ruộng đất để làm ăn sinh sống.

      Lúc bấy giờ nhà Trần đã suy yếu, quyền hành ở trong tay Hồ Quý Ly. Nhờ có công tố giác âm mưu giết Hồ Quý Ly nên ngài và Đặng Tất được Quý Ly trọng dụng từ đó (8/1391). Ngài được phong làm Chính hình đại phu và Đăng Tất làm Châu phán. Năm 1400 Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Năm 1404, để tăng cường quản lý nhân khẩu cho việc tuyển quân ngài đã dâng lên vua Hồ kế sách kê khai nhân khẩu từ 12 tuổi trở lên. Năm 1405, viện cớ đất Lộc Châu là đất cũ của châu Tư Minh, vua Minh là Minh Thành Tổ bắt nhà Hồ trả đất. Vua Hồ phải nhượng bộ, phong ngài làm sung cát địa sứ để trả đất. Ngài đem 59 làng ở đó trả cho Minh triều. Vua Hồ có ý không bằng lòng nhưng ngài đã giải bày tình hình sự việc nên vua Hồ nguôi giận. Sau đó Hồ Quý Ly cho người đầu độc tất cả các thổ quan mà nhà Minh mới phong ở vùng đất mới cướp được chết sạch.

      Tháng 9 năm 1405 vua Hồ giao cho ngài đốc suất đắp thành Đa Bang (huyện Ba Vì, Hà Tây ngày nay) để phòng chống âm mưu xâm lược của nhà Minh. Vì nhà Hồ chưa ổn định nên quân Chiêm hay quấy rối ở biên giới phía Nam. Vì sự quan trọng và tính chiến lược của vùng Thuận Quảng nên năm 1406 vua Hồ sai ngài vô Nam làm tuyên uý trấn sứ cả vùng Thăng Hoa (Quảng Nam), ngài chọn các tướng Đặng Tất, Phạm Thế Căng, Nguyễn Lỗ giúp việc cho ngài. Lúc này nhà Minh lấy cớ “phù Trần diệt Hồ” đem quân sang xâm lược. Quân Hồ thua trận rút về cố thủ ở thành Đa Bang. Hồ Quý Ly sai người đưa mật thư cho ngài sai lấy một phần ba dân chúng mới đến khai phá vùng đất mà nhà Hồ chiếm được của Chiêm Thành năm 1402, cọng với quân lính ở Thăng Hoa giao cho Nguyễn Lỗ ra cứu giá. Nhưng ngài giấu đi sự việc này và không giao quân cho Nguyễn Lỗ. (Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì khi vào Thăng Hoa ngài có lập hội thề với dân các làng ở đây. Không biết ngài thề gì với dân nhưng chỉ có Đặng Tất theo ngài còn Nguyễn Lỗ thì không và cho rằng ngài và Đặng Tất có ý phản Hồ).

      Tháng 6 năm 1407 thành Đa Bang thất thủ, cha con vua Hồ bị quân Minh bắt. Quân Minh giết Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương còn Hồ Nguyên Trừng thì bị đưa về Tàu. Quân Chiêm nhân đó đem quân chiếm lại vùng Tư Nghĩa và Thăng Hoa. Dân chúng theo ngài rút về Hoá Châu. Ngài sai Đặng Tất đi đường thuỷ, rút về trước. Nguyễn Lỗ đi đường bộ rút về sau, còn ngài cùng dân chúng rút về sau cùng. Khi về tới Hoá Châu thì Nguyễn Phong là trấn phủ sứ Thuận Hoá cùng phe với Lỗ không cho Đặng Tất vào thành. Đặng Tất đánh thành giết Phong rồi giao tranh với Lỗ hơn một tháng, Lỗ thua chạy qua hàng quân Chiêm. Ngài Hoàng Hối Khanh lúc này đang ở ngoài thành Hoá Châu ra lệnh giết hết cả nhà Nguyễn Lỗ. Cũng trong lúc này quân Minh đưa quân vào đánh Hoá Châu. Trương Phụ tướng cầm đầu sai Đổ Tử Trung đến dụ Đặng Tất và Hoàng Hối Khanh đầu hàng. Lúc đó ngài Khanh chưa nhập thành và đã bỏ trốn, còn Đặng Tất trước sức ép từ hai mặt nên đã trá hàng để có điều kiện đánh quân Chiêm ở phía Nam.

       Trương Phụ phong Đặng Tất làm Đại tri Hoá Châu và ra lệnh truy nã ngài Khanh để bắt cho bằng được vì theo quân Minh, ngài là người nguy hiểm nhất với chúng, còn Phạm Thế Căng cũng đầu hàng trước đó. Sau này khi đưa quân ra Nghệ An theo Trần Ngổi, Đặng Tất đã bắt giết Căng. Nguyễn Lỗ đầu hàng Chiêm Thành, sau đó quân Minh lập mưu nói sẽ phong chức tước cho Lỗ. Lỗ nghe lời và bị quân Minh giết. Còn ngài Hoàng Hối Khanh sau thời gian lẩn trốn, đã theo đường biển ra Bắc, nhưng đến cửa Hội gặp sóng to gió lớn thuyền bị lật, ngài bị thổ binh theo quân Minh bắt. Không muốn bị rơi vào tay giặc nên ngài đã tự vẩn. Chúng cắt đầu ngài nộp cho Trương Phụ. Phụ đem đầu ngài treo giữa chợ Đông Đô để răn đe dân chúng nước Nam. Còn những người theo ngài thì bị thổ binh ở đó giết sạch.

        Nói về cái chết của ngài Hoàng Hối Khanh thì theo tất cả các sử cũ đều chép rằng: Sau khi ra lệnh giết cả nhà Nguyễn Lỗ thì hành trạng của ngài không ai được rõ, chỉ biết ngài tự vẩn cho tròn tiết nghĩa với đất nước vào tháng 7 năm 1407 lúc ngài mới 46 tuổi. Thế nhưng sau năm 1975 lại có người cho rằng ngài bị Đặng Dung bắt nộp cho quân Minh khi đưa ngài về Bắc để nộp cho Trương Phụ, đến sông Đan Thai thì ngài tự vẩn (sách “Lần theo trang sử Thuận Quảng” của nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2004). Điều này quả là có sự nhầm lẫn vì nếu ai đã từng học lịch sử nước nhà thì ắt hẵn biết rõ lòng yêu nước của cha con ngài Đặng Tất như thế nào. Nhìn chung, qua tất cả các sách sử cũ thì mỗi sách nói mỗi khác rồi người dựa theo đó lại đưa ra mỗi người mỗi ý khác nhau xung quanh cái chết của ngài, bởi lẽ do không ai biết khoảng thời gian mà ngài bỏ trốn thì ngài về trốn ở đâu.

      Điều này chỉ có những người cùng chung chí hướng với ngài ở Kẻ Vạy ngày xưa nay là làng Kế Môn mới biết mà thôi. Ngài là một vị quan văn cũng là một vị tướng rất có tài và có công rất lớn đối với cả hai triều Trần và Hồ. Hiện nay đền thờ của ngài tọa lạc ở Làng Thượng Phong, Huyện Lệ Thủy, Tỉnh Quảng Bình.

Bài: TRẦN DUY HUẤN

(Xin xem tiếp kỳ 2: Ý NGHĨA CỦA HAI TỪ KẾ MÔN)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác