XỨ SƯƠNG MÙ CÓ HUẾ 19-09-2011 minhhien

Mưa Huế lại về, mùa mưa xứ Huế da diết ngút ngàn nỗi nhớ giăng mắc, hú gọi đến mềm lòng. Mưa Huế chìm trong nỗi lo những cơn bão, những cơn lũ tháng 9, tháng 10… Người đi xa Huế cứ đến mùa mưa Huế lại như thể vô thức mặc cho linh cảm ngóng về. Ranh giới của mùa mưa không phải bắt đầu từ nỗi nhớ, song hình như nó cũng là một cánh cửa mở. Tôi mở cửa bất giác đón một cơn mưa mới. Lá thư từ Đà Lạt gửi về cho tôi lay động: “Người Huế ở Đà Lạt đang chuẩn bị cho lễ hội 100 năm mà vẫn nhớ Huế đấy. Người ở Huế có nhớ người Huế trên xứ sương mù này không”…

Tôi chợt nhận ra trời Huế đang đẫm ướt… Vào đầu mùa mưa này, MPK, một nhà nhiếp ảnh từ Đà Lạt về Huế đợi mưa qua từng đêm. Anh đi như thể muốn đắm Huế vào mình để thỏa lòng một đứa con xa Huế 37 năm giờ đây mới trở lại. Anh bật khóc lúc về sáng với cảm xúc tràn trề. Người Đà Lạt gốc phố nón Phú Cam về Huế là thế đấy. Tôi không muốn chỉ tìm Huế ở xứ sương mù trên sách vở. Nhiều tài liệu chép, vào những năm 40, người Huế đã lên sinh sống ở Đà Lạt nhiều rồi. Họ tập trung ở khu ánh Sáng, khu này hồi những năm 1930 có một chợ đặt tên là chợ Cây. Sau này đông lên lập thành ấp ánh sáng. Bây giờ ấp ánh Sáng thuộc khu phố 4 phường 1 thành phố Đà Lạt, chủ yếu là người có gốc từ 2 làng Kế Môn (Phong Điền) và Phú Bài (Hương Thủy). Hiện giờ ấp ánh Sáng có 355 hộ, người Huế ở đây vẫn theo nghiệp cũ của cha ông làm nghề kim hoàn, buôn bán và nghề vườn. Vào những ngày ở Đà Lạt, mỗi sáng tôi và các bạn đồng nghiệp vẫn có cái thú đi ăn bún bò Huế tại dọc lối vài ấp. Bún bò ở đó ngon và rẻ. Chiều chiều thường vào ấp chơi vẫn thấy bà con bán bánh bột lọc, mắm nêm, mắm cà… ấp ánh Sáng nằm ngay bên suối Cam Ly, nhà cửa san sát. Phía mé trái là vườn lagim của ấp. Phía đầu ấp có một cái đình gọi là đình ánh Sáng. Vào những ngày tết trước đây, sân đình thường hay tổ chức chơi bài chòi. Đây là điểm duy nhất ở Đà Lạt vào ngày tết còn mở hội bài chòi. Một đặc điểm khác bây giờ vẫn còn duy trì là gia đình nào trong ấp có người mất, cả ấp đều chia buồn. Con đường mang tên ánh Sáng làm trục lộ của ấp, nhà nhà hướng mặt ra đường, nhiều năm qua kẻ trộm không dám vào ấp cũng do địa thế quá đặc biệt.

Đi ngược trục đường từ Đà Lạt qua Hồ Xuân Hương, Đồi Cù lên hồ Than Thở thì đã là đi qua ấp Đa Thiện. ở đó có 2/3 là người Huế. Người ở đây chủ yếu làm vườn. Đa Thiện là vựa rau lớn với nhiều chủng loại cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1992, vựa rau này còn cung cấp cho quân đội UBTAC ở Campuchia. Đặc sản số 1 ở đây là khoai tây và bắp cải. Nhiều người ở các làng Dạ Lê (Hương Thủy), người ở nội thành Huế trở thành những người làm vườn giỏi và giàu trong ấp. Tôi ghé vào thăm gia đình bác Nguyễn Hữu Chót lúc bác đang bận làm vườn. Bác kể: vườn rộng bây giờ đòi sức người nhiều. Chủ nhật hằng tuần, vài mươi sinh viên trường Đại học Đà Lạt lại kéo nhau ra làm giúp bác, bác trả công hậu hĩnh đàng hoàng. Ngồi uống với nhau cốc bia làm quen. Tôi kể cho bác nghe những thành tựu mới đây ở Huế. Bác mừng lắm, bảo: “Ngày mình đi, Huế gặp mưa bão nhiều, bây giờ đã bớt đi mà kinh tế – xã hội phát triển nhanh hơn nhiều, biết được rứa, vui quá…”.

Quần cư người Huế thứ ba là ấp Thái Phiên, nằm cách Đà Lạt chừng 8 km về hướng Đông Bắc. Tôi chưa đến đó nhưng anh Minh Tự, phóng viên Báo Lâm Đồng cho biết đó là nơi có nhiều ngôi đình, mái ngói cổ có văn hóa chạm Rồng, Phượng, là Từ đường của con dân người Huế ở Đà Lạt. Từ trong sâu thẳm, văn hóa Huế ở tâm khảm người Huế, sức ống văn hóa cứ nối nhau truyền đời gìn giữ.

Làm sao tôi có thể quên những đêm ngồi quanh bàn trà ôn lại chuyện kỷ niệm Huế, những bữa cơm mà Minh Tự cố kiếm cho tôi chút ruốc, chén mắm nêm để chính anh được trở lại với Huế của mình… Vào một đêm mưa ở Đà Lạt, khi kéo nhau lên chợ Âm phủ rồi bất giác nhớ rằng Huế có quán cơm Âm phủ nổi tiếng. Sự trùng tên ngẫu nhiên này có phải là cái duyên thi vị. Tôi biết mình không thể quên được những gì mà xứ sương mù này có Huế.

THANH NGỌC

Bút danh khác: Hạ Nguyên

Tốt nghiệp Ngữ văn – ĐH Tổng hợp Huế

Hiện là phóng viên Báo Thừa Thiên – Huế.

http://www.dalat.gov.vn/web/books/baolamdong/xuhue.htm (BLĐ số 923 ngày 23.11.1993)

Phản hồi (2)

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác