THƯƠNG HIỆU “NÉM ĐIỀN MÔN” 17-05-2016 Thao Nguyen

Ném là một loại rau màu, chủ yếu dùng làm gia vị. Ngoài ra trong dân gian ném còn được dùng như một “dược liệu” để chữa một số bệnh về “trái gió trở trời” như cảm cúm, hen suyển…Có nơi gọi là cây “nén”, có lẽ do đọc trại ra. Cây ném có họ hàng với cây hành, nhưng lá nhỏ và nhọn hơn nên còn được gọi là “hành tăm”. Ném có mùi vị đặc trưng khác với hành, chỉ được trồng nhiều ở Bắc Trung bộ, từ Nghệ An trở vào vì thích hợp với thổ nhưỡng trong vùng. Người miền Bắc và miền Nam hầu như chỉ quen dùng cây hành làm gia vị, nhiều người không chịu được mùi vị của ném.

14-3-2012-13454678657856yrtgdb7utjhfnjghjgh
.

Cây ném thường được dùng tươi (cả thân lá và củ non) hay cho cây tàn rụi đi để lấy củ. Ở xứ Huế, người ta dùng gia vị ném tươi để kho cá, đặc biệt với cá nước ngọt (cá sông) vì ném khử tốt mùi tanh của cá và kích thích vị giác. Một nồi cá kho với những con cá dính đầy ném và ớt bột là hình ảnh đặc trưng hấp dẫn, với mùi vị thơm ngon tuyệt vời trong bữa ăn của người Huế nói chung và người Kế Môn nói riêng. Đặc biệt món chè củ ném nấu với đường đen, trộn thêm ít đậu xanh là đặc sản từ xa xưa của người Huế, lại càng rất “lạ” với khẩu vị của người Nam bộ. Thậm chí không ai tin là ném, với mùi vị hăng hắc khó chịu như thế, lại có thể mang ra nấu chè. Cũng tương tự như món chè “bột lọc bọc thịt heo quay” độc đáo của Huế vậy. Nhưng chè ném nếu ăn quen sẽ thấy vừa rất ngon, vừa giải cảm tốt, cũng công dụng như khi người ta nhai hột ném rồi uống kèm một ly rượu trắng để giải cảm vậy.
.

Từ xưa, người ta trồng ném theo dạng “cây nhá lá vườn” xen canh, chủ yếu để dùng vừa đủ trong gia đình, dư chút ít thì mang ra chợ bán. Nay, trong thời buổi kinh tế khó khăn, người nông dân trồng lúa xem ra chỉ huề vốn, không có lời, người ta mới phát hiện ra rằng trồng ném có lợi hơn nhiều so với các loại rau màu khác, đặc biệt lợi gấp nhiều lần so với trồng lúa. Cây ném lại thích hợp với các vùng đất cát, khô cằn, nên thuận lợi trong việc tận dụng đất đai. Ném lại rất dễ trồng và dễ chăm sóc, lại ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Cây ném hiện nay lại có “đầu ra” rộng rãi và tương đối ổn định. Vì vậy mà phong trào trồng ném mấy năm qua và hiện nay ở miền Trung phát triển rất nhanh. Tỉnh Quảng Trị có huyện Hải Lăng nổi tiếng với ném của làng Đông Dương. Thừa Thiên Huế có ném Quảng Lợi ở huyện Quảng Điền, và ở Phong Điền có cây ném Điền Môn đang trở thành thương hiệu.
.

cu-nen
.

Tại xã Điền Môn của huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, gồm hai làng Vĩnh Xương và Kế Môn từ vài năm nay, mô hình trồng ném trên cát dần dần đã được nâng lên tầm chủ lực, bên cạnh cây lúa ở ngoài đồng. Diện tích trồng ném xã này đang không ngừng gia tăng, hiện đã đạt con số 36 ha (trong đó riêng Vĩnh Xương đã có 27 ha) và có chiều hướng không dừng lại nhờ diện tích đất cát vùng rú phía sau xã vẫn còn có khả năng chuyển đổi và tận dụng thêm để đưa vào khai thác. Với giá ném và năng suất hiện nay, nghề trồng ném ở Điền Môn có thể mang lại thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng năm trên mỗi hecta cho nông dân.
.

Do đặc điểm của thổ nhưỡng, ném Điền Môn có mùi vị đặc trưng, rất thơm, cay hơn các nơi khác, đặc biệt ném củ để dành được rất lâu nên bán được giá. Ném Điền Môn lại thực sự là loại ném “sạch” do chỉ bón bằng tro và phân chuồng, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Từ hiệu quả kinh tế với tiềm năng và triển vọng này, xã Điền Môn hiện đang xúc tiến các thủ tục đăng ký thương hiệu “Ném Điền Môn”, nhằm giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra bên ngoài, giúp mở rộng đầu ra và ổn định giá cả. Có thể đây là tín hiệu đáng mừng cho nông dân xã nhà khi thương hiệu “Ném Điền Môn” ra đời, sẽ từng bước giúp cho cuộc sống bà con đỡ vất vả khó khăn hơn.
.

cay nem
.

Theo chiều hướng này, tất yếu diện tích trồng ném trong những năm tới ở Trung bộ nói chung và Điền Môn nói riêng sẽ không ngừng gia tăng và sẽ cho ra một khối lượng lớn sản phẩm cả ném tươi lẫn ném củ. Trong khi đó thì khảo sát nhu cầu trong nước, không phải vùng nào, nhà nào cũng dùng được cây ném. Chắc chắn hơn là chỉ có dân miền Trung mới quen dùng. Và khi cứ đua nhau sản xuất ra thật nhiều, thị trường nội địa bảo hòa, thì phần thặng dư sẽ mang đi tiêu thụ ở đâu?
.

Như vậy, vấn đề đặt ra là tình hình “bao tiêu sản phẩm” cho nông dân sẽ được đảm bảo như thế nào. Đầu ra lúc ấy có còn ổn định nữa không, hay lại lâm vào tình trạng “dội chợ” như cây cao su và một vài loại cây khác trước đây, khiến nông dân phải lao đao một thời. Bởi, người viết bài này, dù đã cố tra cứu khá nhiều về đề tài “sản xuất và tiêu thụ” cây ném, vẫn chưa tìm được tài liệu nào nói về việc xuất khẩu ném ra nước ngoài cả.
.

images1055202_muanen
.

Ở đây, thiết nghĩ vai trò của các “hiệp hội cây trồng” (nếu có) và nhà nước là vô cùng quan trọng. Cụ thể là phải có tầm nhìn rộng rãi, có đầy đủ thông tin để tiên lượng được nhu cầu tiêu thụ của sản phẩm trong xã hội, cũng như tình hình lưu thông sản phẩm trên thị trường, để khống chế đầu vào, cân bằng với đầu ra của nông phẩm, nói khác là cân bằng giữa cung và cầu. Nếu không, đến một ngưỡng nào đó, sẽ lại phải nhổ bỏ cây ném để thay cây trồng khác, như tình trạng phải chặt bỏ cây cao su để trồng điều, rồi lại phá bỏ điều để trồng tiêu hay cà phê, lẩn quẩn, lòng vòng, lãng phí như trước đây, thì quả là khổ cho bà con nông dân quanh năm chỉ biết một nắng hai sương làm lụng vất vả.

*Bài: NGUYÊN THANH
*Hình ảnh minh họa: internet
(Tham khảo tài liệu về cây ném trên một số trang như Thừa Thiên Huế online, Thanh Niên online, Khuyến nông,…)

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác