TẾT ĐOAN NGỌ Ở QUÊ TÔI 27-06-2012 admin
Theo tập tục, thông thường khi hai bên cá nhân hay gia đình có quan hệ ân nghĩa với nhau, người ta thường chọn những ngày đặc biệt trong năm để “qua lại lễ tết”, đặc biệt trong hôn nhân, khi có vợ mới “đi hỏi” và đang chờ cưới,thì gia đình chú rể, nếu không muốn mất vợ, hẵn sẽ không thể quên “thủ tục” này. Người ta cũng thường nói đến cụm từ “Mồng Năm, ngày Tết” để chỉ những ngày “đặc biệt” đó. Ngày Tết tức là Tết Nguyên Đán, còn Mồng Năm đây là mồng 5 tháng 5 âm lịch, tức Tết Đoan Ngọ. Xem như vậy thì vị trí của Tết Đoan Ngọ, quan trọng chỉ đứng sau Tết Nguyên Đán cổ truyền. Vậy Tết Đoan Ngọ là gì ? Xuất xứ từ đâu ? Nội dung của ngày Tết ấy ra sao ? Đối với làng Kế Môn ta, tập tục này hiện nay còn tồn tại không và tồn tại ở mức độ nào ?
Khi bạn lên Google và gỏ vào từ “Đoan Ngọ” sẽ nhận được một loạt những bài báo ngắn nói về nhiều khía cạnh của ngày Tết này.
Đọc qua, bạn sẽ có thể tự giải đáp được phần nào những thắc mắc vừa kể. Và điều mà ai cũng đã được biết một cách chung chung là Tết Đoan Ngọ xuất xứ từ Trung Quốc, một đất nước đã từng đô hộ Việt Nam ta suốt “một ngàn năm Bắc thuộc”. Qua đó, những ảnh hưởng sâu đậm về văn hóa dân gian của người Hoa lên người Việt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến “ý chí tự chủ” của người Việt Nam trước những tập quán nói chung và các “lễ tết” nói riêng của người Trung Quốc, để thấy rằng người Việt không hề rập khuôn một cách máy móc những tập tục này, mà luôn có sự chắt lọc, ứng xử phù hợp với hoàn cảnh, bản sắc và tinh thần của người Việt.
Từ một “Ngày Giết Sâu Bọ”, để bảo vệ mùa màng, là mục đích sơ khởi của Tết Đoan Ngọ, nội dung của ngày Mồng 5 tháng 5 âm lịch ở Việt Nam đã dần dần được phát triển thật đa dạng theo chiều hướng hết sức khoa học và nhân bản, từ Miền Bắc cho đến tận Miền Nam. Khoa học vì “Đoan Ngọ” (thời điểm bắt đầu giữa trưa ) của ngày Ngọ, tháng Ngọ, chính là “đỉnh điểm cực thịnh” của “dương khí”, từ đó dẫn đến những tác động vừa tích cực lại vừa tiêu cực lên vạn vật, trong đó có cây cỏ và con người. Ăn những món ăn có tính “giải độc”, uống những thức uống mang tính ” giải nhiệt”. phải chăng là giải pháp để đối phó lại với những tác động tiêu cực từ thiên
nhiên, mà người Việt đã tìm ra ? Nhân bản vì đây là dịp để” về nguồn”, để nhắc nhở con cháu, không cần phải đi đâu xa, hãy tìm về với hoa lá cây cỏ quanh ta, vốn là những dược liệu quý báu cho sức khỏe con người, và đây cũng chính là dịp “đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt trong ngành dược. Bởi đây chính là ngành nghề thiêng liêng mang lại sức khỏe cho xã hội.
Trong bối cảnh chung đó, làng Kế Môn, một làng quê ở miền đồng bằng Trung bộ ,vốn có đủ mọi hình thái địa hình của thiên nhiên ( ao, hồ, sông, suối, rừng, đồi…) với một thảm thực vật vô cùng phong phú với hơn trăm loài cây cỏ, và với thời tiết mùa Hè nóng bức, mà mặt trời buổi trưa tháng năm như một “lò lửa” sát ngay ở trên đầu, ngay từ buổi hình thành làng, chắc hẵn đã có tập tục lễ tết này rồi. Và thực tế cho thấy, trong những thập niên cuối thế kỷ 20, ngày Tết Đoan Ngọ vẫn được tổ chức đều đặn. Món vịt luộc chấm nước mắm gừng ( kèm cháo vịt ) và món chè kê ( kèm xôi đậu xanh ) có lẽ là hai món chính trong hương vị ngày Tết này. Chỉ thời gian gần đây, do du nhập từ phía Nam, mới có thêm món bánh tro, bánh ú.
Nhưng nội dung quan trọng mà bài báo này muốn nhắm tới không phải chỉ là “khẩu vị” đơn thuần, mà chính là… “hương vị” : hương vị của “lá mồng năm”. Thật vậy, vô rú hái lá mồng năm lúc mặt trời mới lên ( không phải đợi đến giữa trưa ) trong một không gian tỉnh mịch, dưới cát trắng, trên trời trong, vừa là một nhu cầu thưc tế ( để có nguồn nước uống quanh năm cho gia đình ), mà lại vừa là một cái thú tham quan đất trời cây cỏ không đâu có được. Chỉ thoạt bước đến đầu Truông, bạn đã “nghe thấy” một mùi thơm vừa dịu dàng vừa thanh thoát, ngào ngạt tỏa ra không biết từ đâu ! Có phải như đang ở trong Khiêm lăng của vua Tự Đức với vô vàn hương sứ trắng thanh cao ? Hay đang trong một cảnh tiên huyền ảo cùng với Lưu Nguyễn đời Hán ?
Không đâu, đây là thực chứ không phải mộng. Không phải hương hoa sứ trâm anh hay hoa đào diễm lệ. Đây chính là Hương Chìu mộc mạc giản đơn nhưng mà thanh cao của quê tôi, mà có lẽ, nếu bạn đã “gặp gở” một lần, hẵn sẽ khó mà quên. Để mà thấy rằng, ông bà tổ tiên ta đã có được diễm phúc biết bao khi nằm xuống trên vùng đồi cát trắng này, với hằng hà sa số những “thảm chìu” trắng tinh phủ kín cả những bụi trâm bù từ tầng thấp đến tầng cao, và mùi hương thì chỉ có nhắm mắt, ngồi thiền và cảm nhận mà không thể dùng từ cho chính xác hay so sánh với mùi hương nào khác được.
” Sớm hè sực nức hương chìu
Tưởng như lạc giữa hoang siêu chín tầng
Ngạt ngào hương tỏa lâng lâng
Trắng tinh ôm cả một rừng hoang sơ…”
Tất nhiên, mồng năm không chỉ có lá của dây chìu, mà còn vô số những hương lá đa dạng và độc đáo khác, mà tinh dầu được kết tụ ở dung lượng tối đa trên lá vào ngày này. Có thể kể : tràm, nổ, vằng, mả ren, bông trang, chanh, bưởi, sả, ổi, tre, sim, mắm nêm, bìm bịp…tất cả đều tươi tốt và sẵn sàng cho ngày hái mồng năm. Và tỉ lệ từng món nhiều ít còn tùy khẩu vị của từng người, nhưng đa phần đều có vị chát và đắng, nếu không quen, khó mà uống lâu dài thay cho trà và chè lá, vốn đắt tiền và chỉ dành cho các dịp cúng giỗ và đãi thợ. Lá mồng năm được hái về, chặt nhỏ, phơi đầy cươi cho đến lúc khô thi vô bao cất ở gian bếp à dùng quanh năm như các bạn đã biết.
Rất tiếc, các bạn trẻ hiện nay, đa số không được uống lá mồng năm để thấy được hương vị của nó. Có thể là hương vị khó ưa, khó nuốt, nhưng đó lại là thuốc, những dược chất có được mà không tốn tiền mua .Người viết cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực dược học dân tộc, nên không thể phân tích cho các bạn thấy mỗi thứ lá có tác dụng gì cho sức khỏe của con người, ví như nước lá chè xanh có tác dụng gỉai nhiệt, nước lá gừng tiêu đàm…Chỉ thấy tự bản thân, sau mười mấy năm ròng rả uống nước lá mồng năm thời thơ ấu ở quê nhà, nay đã gần “thất thập cổ lai hy” mà hai hàm răng vẫn còn nguyên vẹn ( răng trắng chứ không nhuộm ! ). Liệu điều đó có liên quan gì đến dược liệu của lá mồng năm ?!
* THẢO DÂN ( Tết Đoan Ngọ Nhâm Thìn 2012 )
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận