QUÊ HƯƠNG TÔI ĐỔI THAY TỪNG NGÀY 11-05-2012 minhhien
Tôi còn nhớ rất rõ câu nói của cậu em trai chừng hơn 10 tuổi: “Mẹ ơi, sau này lớn lên con ước gì được đến trường bằng xe máy trên con làng lát bê tông, chứ không phải bằng xe đạp và con đường đất cát, đầy cỏ thế này”. Hơn mười lăm năm sau, điều ước của em tôi đã thành hiện thực.
Bức tranh xưa
Về Kế Môn, xã Điền Môn (Phong Điền) bây giờ không còn đò sông cách trở. Từ TP Huế về thị trấn Sịa rồi theo đường Quốc lộ 49B qua cầu Hòa Xuân rẽ tay trái là đến xã Điền Môn. Hành trình này mất khoảng 1 giờ đi xe máy. Nếu không theo đường này, từ Quốc lộ 1A, rẽ vào chợ An Lỗ, xã Phong An, rồi theo Tỉnh lộ 11B (trước đây gọi là đường mía, là con đường chuyên dùng để vận chuyển mía nguyên liệu cho nhà máy đường Phong An) cũng sẽ bắt gặp Kế Môn. Hơn mười năm về trước, khi giao thông chưa liền mạch, từ Kế Môn muốn vào TP Huế hoặc phải ngược từ Điền Hương lên Ưu Điềm đến ngã ba Mỹ Chánh để đón xe đò, đó là đường bộ. Nếu không chọn đường bộ, thì chỉ còn cách chọn đường thủy, tuy nhiên hành trình này phải mất cả ngày. Giao thông cách trở cũng là nguyên nhân khiến cho đời sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Hộ nghèo, hộ đói rất nhiều.
Từ đầu làng đến cuối thôn, rất hiếm gặp những ngôi nhà bằng bê tông cốt thép. Cả xóm tôi hơn 20 hộ, nhưng chỉ có 1-2 hộ có nhà bằng vách (ngày xưa người làng tôi gọi những ngôi nhà xây bằng bờ lô gọi là nhà vách), còn lại là nhà tranh, phên tre, thấp lè tè. Do vậy, trong đợt bão lũ năm 1985, gần 80% số nhà dân nơi đây bị sập.
Đã nghèo khó, lại ít có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin do chưa có điện có nên đời sống văn hóa của người dân cũng rất nghèo nàn. Cả xã độc nhất chỉ có một nhà có tivi màn hình đen trắng. Cứ chiều tối, nhà ông Hùng, chủ tivi, người đến xem nhờ đông như hội. Sau này, làng tôi được một Việt kiều ở Mỹ hỗ trợ mua một tivi và đầu video. Mỗi tuần, HTX nông nghiệp Kế Môn tổ chức chiếu phim hai lần, nên nhà ông Hùng cũng ít khách đến xem tivi hơn.
Chuyện học của trẻ em nơi đây cũng gặp vô vàn gian khó. Trường học không có, phải mượn tạm nhà kho cũ hay những phòng không sử dụng của đình làng. Lớp học thì có bàn không có ghế. Lớp thì có ghế không có bàn. Trẻ em chủ yếu đến trường bằng đi bộ. Lúc này, xe đạp rất hiếm. Nhà nào thuộc diện khá giả mới có chiếc xe đạp, nhưng cũng để dùng vào những việc quan trọng. Việc đưa con đi học bằng xe đạp là điều xa xỉ với các bậc phụ huynh. Ấy vậy mà rất nhiều thế hệ học trò nơi đây rất hiếu học. Nhiều người học hành đỗ đạt và giữ một số chức vụ quan trọng trong cơ quan Nhà nước và ở các doanh nghiệp…
Đổi thay hôm nay
Câu chuyện cách trở đò giang, thiếu phương tiện đi lại, nghe nhìn… chỉ còn là ký ức bên tách trà nóng buổi sáng mà người dân nơi đây ôn lại mỗi khi xum họp gia đình. Về Kế Môn bây giờ, ai cũng trầm trồ khen ngợi sự thay da đổi thịt của vùng đất giàu truyền thống. Nhà nhà san sát, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa liền mạch. Từng con xóm cũng không còn cát sỏi, thay vào đó là đường bê tông thẳng tắp. Điện chiếu sáng hàng đêm không chỉ từng hộ gia đình mà cả ở từng con xóm và đường liên thôn. Nước sạch đã đến tận nhà dân. Hầu như nhà nào cũng có phương tiện đi lại bằng xe máy, phương tiện nghe nhìn đạt gần 100%. Bây giờ hộ đói không còn, hộ nghèo giảm đáng kể, hộ khá rất nhiều…
Việc nâng cao trình độ văn hóa cho con em rất được người dân nơi đây quan tâm. Rất ít dịp về quê, nhưng cứ mỗi lần về tôi lại thích cái cảm giác, sáng sáng ra đường nhìn những cô cậu học trò cấp 2, 3 đạp xe đạp đến trường, hay những em học sinh tiểu học, mẫu giáo được ba mẹ chở đến trường bằng xe máy, để thấy làng mình nay đã khác xưa. Những phòng học tạm bợ ngày xưa cũng được thay bằng những ngôi trường khang trang, sạch sẽ. Tỷ lệ học sinh đến trường cũng luôn ở mức cao so với các địa phương khác trong vùng.
Đời sống văn hóa của người dân từng bước được nâng lên. Ngoài nhu cầu giải trí bằng tivi, sách báo, làng Kế Môn cũng được một người con xa quê tặng sách và thành lập thư viện. Hiện nay, thư viện làng Kế Môn có hơn 1.000 đầu sách các loại, không chỉ phục vụ cho các em học sinh nghiên cứu học tập mà còn là địa chỉ để người dân trong vùng đến trao đổi, tìm hiểu thông tin.
Kết quả đó là sự chung sức đồng lòng từ chính quyền đến người dân. Nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của những người con xa xứ, luôn đau đáu về quê hương cũng góp phần không nhỏ giúp diện mạo Kế Môn ngày một khởi sắc.
Chú thích ảnh: Hàng ghế đá này là quà của người Kế Môn xa quê
Linh Đan
Phản hồi (3)
BAN DOC
Tháng Năm 11th, 2012 lúc 08:12Sao nhớ những buổi xem phim ở Hợp tác xã trên đường rú ghê
hoàng thành việt
Tháng Năm 11th, 2012 lúc 12:59xin chào nhà baó Linh Đan
lâu lắm rồi không gặp nhỉ?một nhà báo viết bài thì có khác,bài viết hay lắm. mong sao bạn thường xuyên viết nhiều hơn nữa để trang web phong phú sôi nổi hơn,cho tôi hỏi bạn ở xóm 8 (xóm dừa) phải ko? chúc bạn thành công trên con đường của mình
van hoang
Tháng Bảy 22nd, 2012 lúc 17:20nho lang
Bình luận