NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA 07-04-2016 Thao Nguyen

Với bài viết này, tác giả không có tham vọng đi sâu trong lĩnh vực ngôn ngữ hay văn hóa, mà chỉ tản mạn một vài mẫu chuyện liên quan tới cách sử dụng ngôn từ của người Việt ta hiện nay, đặc biệt là ở nơi công cộng, từ đó có thể hình dung ra nguyên nhân cũng như những “hệ lụy” mà việc sử dụng này đang mang tới cho ngôn ngữ – vốn là một biểu hiện quan trọng của văn hóa dân tộc.

Close-up of young woman with flower in mouth

Ông bà ta từ xưa đã từng nhắc nhở: “Lời nói không mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. “Lựa lời” ở đây chính là chọn ngôn từ để giao tiếp sao cho người nghe cảm thấy dễ chịu, cảm thấy “vừa lòng”, “lọt lỗ tai”, thuyết phục, như vậy mới “đắc nhân tâm”, là bí quyết của thành công trên đời.

Trước năm 1975, ở bên này chiến tuyến, tôi cũng thường có dịp nghe lén đài Hà Nội. Nghe riết quen luôn giọng nói “sắt thép” của hai xướng ngôn viên gồm một nam, một nữ của đài. Nội dung, ngôn từ “chiến đấu” thì khỏi phải nói, nhưng có một cụm từ “ngoài ta” hay gọi mà tôi thích nhất là “máy bay lên thẳng” thay vì gọi là “phi cơ trực thăng” như ở miền Nam. Tôi nghĩ bụng: phải vậy chứ, người Việt thì cứ dùng quách tiếng Việt cho dễ hiểu, hà cớ gì phải dùng Hán Việt để phải “dịch qua dịch lại” cho rườm rà.

Nhưng chỉ vài ngày sau 30/4/75, tôi lại nghe loa phóng thanh loan báo: tất cả ngụy quân ngụy quyền đều phải ra “đăng ký” và giao nộp vũ khí, chất nổ…Chợt nghe, tôi chưa hiểu “đăng ký” là gì thì một ông bạn đã cắt nghĩa giùm: “đăng ký” là ghi tên chứ còn gì nữa! À ra thế… Rồi những năm tháng sau đó, lại tiếp tục quen dần với vô số các từ khác liên quan tới đời sống hằng ngày như “hộ khẩu”, “quản lý”, “đột xuất”,v.v và v.v…tóm lại là cứ dùng từ gốc Hán mà không dùng từ thuần Việt cho có tính đại chúng, để giới bình dân và lao động dễ hiểu.

Rồi vài tháng sau 30/4, có dịp về Đà Nẵng, tôi tới một ngã tư trên đường Ông Ích Khiêm, gần Chợ Cồn và đọc thấy tấm bảng ở một trạm gác: “Trạm chỉ huy giao thông” và tự hỏi: Sao lại là “chỉ huy”? Nặng nề và “quân sự” rứa là cùng! Sao không gọi nhẹ nhàng và đúng nghĩa hơn một tí là: “Trạm điều hòa lưu thông” như trước đó đã có? Chưa hết, ngay cổng các cơ quan hành chính mà tôi có dịp tiếp xúc, đều có các bảng vàng nổi bật hàng chữ đỏ ngắn gọn, nghe lạnh lùng và rất “lệnh”: “Xuống xe! Xuất trình giấy tờ”!…

Nghĩ rằng đó chỉ là những mẫu chuyện của thời…xa xưa, hơn 40 năm về trước, trong tình hình giang sơn mới gom về một mối, tất thảy đều còn ngổn ngang, chưa quy cũ, ít ra là về mặt ngôn ngữ, ngôn từ. Nhưng rồi, thời gian trôi nhanh, như một hiện tượng “tiến lùi” khó hiểu, cụm từ “máy bay lên thẳng” bỗng biến mất không biết từ lúc nào. Thay vào đó là những từ Hán Việt được sử dụng phổ biến cả trong đời thường lẫn trong các văn bản chính quy. Chưa kể ngày càng có “hiện tượng” sính ngôn ngữ thuộc vào loại …“đao to, búa lớn”. Từ “đáp án”, theo tôi, là một ví dụ điển hình. Tôi tự hỏi, sao không gọi là “câu trả lời” cho nhẹ nhàng để đối xứng với “câu hỏi”, mà lại dùng vừa là “câu hỏi” lại vừa là “đáp án”?! Rồi còn nữa, ăn theo từ “án” là những “phương án”, “giáo án”,… nghe có vẻ “hàn lâm” sao ấy!

Ngày nay, dạo một vòng quanh phố, đến các công sở, trường học, tình hình xem ra cũng đã “đỡ” hơn nhiều. Nhưng cũng chỉ thêm được hai tiếng “yêu cầu”: “Yêu cầu xuống xe, tắt máy, dẫn bộ”, chứ vẫn “hà tiện”, chưa sẵn sàng dùng hai tiếng “vui lòng” vừa nhẹ nhàng lại vừa thân thiện vốn có trong ngôn từ phong phú và không thiếu tế nhị của tiếng Việt. Ai cũng biết, trong những trường hợp tương tự – nếu tôi nhớ không lầm – thì người Anh hay Mỹ thường bắt buộc phải dùng “please!” và người Pháp thì phải dùng “S.V.P” (s’il vous plait) mới là phép lịch sự tối thiểu.

kh1
Cơ quan hành chính

WP_20160406_002
Trường học

Riêng ở các cơ quan công an và quân đội cho tới nay, trong khung cảnh yên ả và an ninh của thời bình, một số nơi chỉ mới làm được một việc là thay màu chữ viết và tấm biển (bớt đi hai màu vàng đỏ), còn nội dung thì vẫn không có gì thay đổi: vẫn lạnh lùng, cộc lốc và mang mệnh lệnh “hách xì xằng”…đáng sợ: “Xuống xe – tắt máy – xuất trình giấy tờ!”. Y như rằng những người đến “liên hệ công tác” đều là những … “nghi phạm”, cần phải đề phòng, cảnh giác cao độ không bằng. Và nếu đó thực ra là ngôn từ trong “quân lệnh”, hay “cảnh lệnh” phải tuân theo thì khỏi phải bàn, nhưng nếu xét về góc độ “chính trị”, để “thân dân và gần dân”, “đắc nhân tâm” hơn thì đúng là thất sách, là hỏng!

Đó là những ngôn từ ghi nhận ở cổng các cơ quan đơn vị công sở. Còn trên đường phố, nghĩa là về phía người dân thì sao? Đố ai mà thống kê được là ở Tp.HCM hiện có bao nhiêu tấm bảng hiệu, bao nhiêu pa-nô quảng cáo? Họ viết những gì trên đó và ngôn từ ra sao. Hẵn là rất phức tạp, bởi ngoài những tấm biển được cấp phép, kiểm tra hẵn hoi, còn có vô số những tấm biển…lậu cũng đang “hòa nhập” và “đồng hành”! Ở đây chỉ xin nêu một ví dụ nói lên tính chất thương mại hóa đặc sệt khi dùng từ mà thôi. Chẳng hạn như từ “trung tâm” hay “viện”. Một căn nhà bé tí tẹo, sản xuất hoặc kinh doanh một mặt hàng nhỏ lẻ hay dạy vài ba lớp học, hoặc làm tóc, làm móng,… cũng được “nổ” thành “trung tâm”. Sao không gọi đúng với quy mô của nó là xưởng, là hãng, là lớp, là tiệm cho dễ nghe hơn?…

Trên đây chỉ là một vài – trong vô số những tình huống sử dụng ngôn ngữ mà người nghe – người Việt cũng như nước ngoài – cảm thấy khá rối rắm, khó chịu và khó hiểu, hoặc dễ hiểu lầm. Việc sử dụng ngôn ngữ như vậy nói lên điều gì và những ngôn từ kiểu ấy bắt nguồn từ đâu thì có lẽ ai cũng biết. Rằng một trong những nguyên nhân là từ lối ra lệnh đã quen trong thời chiến, từ thái độ cửa quyền và từ quan hệ xin – cho trong một nền hành chính quản trị bao cấp mà có. Ở đây, không hề có quan hệ giữa người dân – là chủ, với công bộc của mình bằng tất cả sự tôn trọng lẫn nhau, mà ngược lại, người “chủ” ở vào thế phải “xin” và “đầy tớ” lại ở vị trí ban phát, là “cho”.

Mặt khác, hầu như không có một quy chuẩn thống nhất nào trong tiếng Việt về các khẩu hiệu chỉ dẫn nơi công cộng như ở các nước văn minh và tiến bộ đã hệ thống từ lâu. Rốt cục là ai muốn viết ra sao thì viết theo cách nghĩ của mình. Chẳng hạn như xe chở xăng dầu, để cảnh báo, người nước ngoài ghi rõ là “inflammable” (dễ cháy), thì người Việt lại “có sáng kiến” ghi là …“cấm lửa”! (Từ “cấm” theo sau nó phải là một động từ như “cấm tiểu tiện, cấm đổ rác”, thì lại là một danh từ!)…

Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, chắc chắn là nhiều bạn đọc sẽ không đồng tình với tôi khi mang ra “mổ xẻ” vấn đề này, và cho rằng “dùng ngôn từ sao cũng được, Hán hay Việt, miễn người nghe, người đọc hiểu thì thôi – cũng giống như chữ nghĩa viết tắt theo “kiểu mới” của các bạn trẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay vậy”. Nhưng vấn đề ở đây không chỉ là ngôn ngữ, mà là văn hóa của cả một dân tộc. Việc dùng ngôn từ cả trong lời nói lẫn chữ viết, nhất là ở nơi công cộng, không thể tùy tiện.Từ điển là kim chỉ nam về ngôn ngữ của một dân tộc. Người nước ngoài khi học Tiếng Việt tất yếu phải thông qua từ điển Tiếng Việt, và chắc chắn họ sẽ rất “lúng túng” khi phải “đối mặt” với một “hiện thực ngôn ngữ” đầy rối rắm ngoài đường phố như hiện nay.

Và vấn đề tôi muốn đặt ra ở đây không phải là nên hay không nên dùng tiếng Việt hay tiếng Hán Việt, mà là cần sử dụng ngôn từ một cách có chọn lọc, đúng nghĩa và nhất quán, không dùng kiểu tréo ngoe “nửa ông nửa thằng” như “câu hỏi và đáp án” chẳng hạn. Rất mong các ngành giáo dục, văn hóa quan tâm hơn về vấn đề này và đừng coi đây là…chuyện nhỏ! Bởi văn hóa không hề và không thể là chuyện nhỏ của một dân tộc.

kh2
Đây mới chính là tấm biển “có văn hóa” – tiếc là rất ít nơi sử dụng

*Bài: HOÀNG VÂN
*Ảnh minh họa: sưu tầm

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác