LỤC BÌNH 13-04-2016 Thao Nguyen

Trước thềm Festival Huế – 2016, báo đài đưa tin về hai sự kiện bất lợi xảy ra ngay trên đất Cố Đô: một là tiểu thương chợ đầu mối phường Phú Hậu bị công an phát hiện dùng chất Auramine O (vàng ô) để nhuộm măng. Và hai là hiện tượng lục bình bỗng nhiên xuất hiện nhiều vây phủ cả dòng sông Hương thơ mộng. Bài viết này xin tản mạn một chút về cây lục bình – một loài thực vật thủy sinh vốn rất quen thuộc với những ai từng sống cùng ruộng đồng sông nước .

204721_612015_l

Lục bình: một loài thực vật thủy sinh đặc biệt:

Lục bình (hay lộc bình), còn được gọi là “bèo tây”, có lẽ xuất xứ từ vùng Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20. Do cuống lá phình lên tợ như chiếc lộc bình nên được đặt tên là lục bình. Khi làm thuốc còn có tên là phù bình vì chúng nổi trên mặt nước. Đặc điểm của lục bình là sinh sản cực nhanh, rễ lục bình phát triển mạnh và có tác dụng hấp thụ các kim loại nặng như thủy ngân hay chì trong nước, giúp nguồn nước bớt đi các chất độc hại.

Với hai đặc điểm ấy, lục bình mang đến cho con người cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Chúng vừa góp phần chế ngự được ô nhiễm môi trường nhưng đồng thời, với sự sinh sôi nảy nở quá nhanh lại dễ làm tắc nghẽn ao hồ kênh rạch, cản trở lưu thông thủy lộ và gây nên tình trạng ao tù nước đọng, phát sinh muỗi mòng và ô nhiễm. Con người đã phải dùng thủ công, nhiều nơi còn dùng cả máy móc để trục vớt. Và để tránh bỏ phí một lượng lớn loài thủy sinh tự nhiên độc đáo này, con người đã nghĩ ra cách tận dụng cả thân, lá và hoa của lục bình để làm một số loại thuốc, thức ăn gia súc, chất ủ nấm hay làm phân chuồng.

Ngoài ra, xơ lục bình phơi khô có thể bện thành dây để dệt chiếu hay đan lát hàng thủ công mỹ nghệ. Về thực phẩm, ngó lục bình nếu biết cách xào cũng không kém mấy so với ngó sen. Đọt non và cuống lá lục bình nấu canh tép, cá lóc, hay tôm khô đều hấp dẫn. Hoa lục bình luộc chấm nước cá kho hoặc xào với thịt hay lòng heo đều có mùi vị đặc trưng. Tóm lại là “của trời cho”, không mất công trồng thì cứ việc dùng được thứ gì hay thứ nấy, cũng gọi là ngon… Vậy nhưng rõ ràng là chẳng ai muốn lục bình “được mùa” cả!

lucbinh121

Lục bình: nỗi ám ảnh trong thời chiến:

Lục bình thường hình thành từng về, từng cụm khi trôi nổi trên sông theo con nước lớn hay ròng. Trong chiến tranh, có tình huống để phá sập một chiếc cầu, con người có lúc đã tận dụng lục bình trôi làm vật ngụy trang để tiếp cận mục tiêu và đặt chất nổ. Vì vậy, những người lính gác cầu phía bên kia chiến tuyến thường rất “dị ứng” với các tảng lục bình trôi có khả năng tấp vào trụ cầu. Và để phòng ngừa, cách lãng phí nhất của người lính là chơi trò may rủi, cứ xả súng liên thanh nhắm thẳng vào lục bình cho yên bụng. Báo hại, lắm lúc chẳng thấy địch đâu, chỉ có lục bình là tả tơi, tan tác!

Tương tự, là tình huống lợi dụng lục bình để ngụy trang giúp cả một đoàn quân có thể vượt sông mà không hề bị phát hiện. Có lẽ chỉ cần mỗi vài tấc ống thở ngoi lên mặt nước dấu trong tảng lục bình cho mỗi cá thể là “nhiệm vụ khả thi”! Có thể nói trong thời chiến, sáng tạo ra cách di chuyển, cách đánh vừa là nhu cầu chiến thuật mà cũng vừa là lối thoát. Và với phía địch – thường ở vào thế bị động, bất ngờ – thì đây quả là một nỗi ám ảnh thực sự.

98765

Lục bình: hình ảnh của “bèo dạt mây trôi”:

Nhưng bản thân lục bình nổi trôi trên sông không chỉ có vậy, hình ảnh của nó cũng khiến người ta hình dung về những số phận của con người. Bồng bềnh, bấp bênh theo dòng nước vô tình: nước ròng trôi xuôi rồi nước lớn lại đẩy ngược trở lại. Cứ thế, lục bình giữa dòng hầu như chẳng bao giờ được yên nghỉ. Chưa kể những sóng dập gió vùi, sáng nắng chiều mưa. Dòng nước kia có khác gì với dòng đời, với dòng thời cuộc bể dâu mà số phận con người trong đó, lắm lúc cũng có khác chi số phận của những cây lục bình? Mà dẫu con người có muốn thoát ra khỏi vòng xoáy ấy thì cũng chỉ là tương đối, cũng mong manh như tảng lục bình kia cố bám víu vào bờ.

Có một bài hát tên gọi “Như lục bình trôi” – hình như của Thanh Sơn – đã nói về lục bình trôi nổi trên sông. Đó vừa là kỷ niệm của tình yêu đôi lứa – khi mới yêu nhau, vô tư ngắm lục bình trôi mà không hề biết rằng sẽ cũng là số phận chia ly của đôi lứa: người ra đi phiêu bạt và kẻ ở lại. Ai như là dòng sông và ai như lục bình: dòng sông vẫn còn đó nhưng lục bình thì đã trôi về đâu? Để rồi khi quay trở về, chỉ biết:

“Lạnh lùng ngồi nhìn tuổi xuân lướt qua
Nỗi vui nỗi buồn những ngày vắng xa
Chưa phai nhòa tình quê thương quá…
Có một dòng sông xót thương lục bình”

1237982580

Hoa lục bình: một loài hoa tím vừa trôi vừa nở:

Cuộc sống và kiếp đời dù lênh đênh trôi nổi như vậy, nhưng lục bình vẫn không quên tạo cho mình một dáng vẻ hào hoa với những bông hoa tuyệt đẹp. Hoa lục bình có màu tím nhạt pha chút màu hồng điểm những đường gân đậm nhạt chẳng khác gì tranh vẽ. Cành hoa mọc thẳng đứng như khát vọng muốn vươn lên, vươn lên khỏi mặt sông mặt hồ, vượt khỏi những cái tầm thường, ẩm thấp, tối tăm và ô nhiễm. Bởi vậy mà hoa lục bình – ở đây ví như thân phận người con gái – cũng từng là đề tài cho thi ca:

Trong bài “Hoa lục bình”, nhà thơ Vũ Quyên đã viết:

“Có một loài hoa mang sắc tím
Thân bềnh bồng theo con nước đầy vơi
Không chân đứng trên quê hương trôi nổi
Nở ngút cho đời những nụ triều khơi”

“Con nước lớn ròng theo vòng nhật nguyệt
Em ngược xuôi trên dòng nộ cuồng lưu
Chút khát vọng được nhìn ra biển lớn
Chưa tròn mơ đã bèo dạt góc trời”

Cũng là “Hoa lục bình” nhưng với nhà thơ người xứ Quảng Cao Vũ Huy Miên, thì hoa lục bình ở đây lại là hình tượng buồn để diễn tả tâm tình của tác giả:

“Có một loài hoa
Vừa trôi vừa nở
Em lấy chồng rồi
Anh ở vậy thôi
Nửa mai thương đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn”…

luc-binh-120
713235660

Kết:

Tóm lại, dù chỉ là cây cỏ và hoa dại, nhưng lục bình, một loài thực vật thủy sinh đã mang tới cho con người nhiều mối bận tâm và cảm xúc khác nhau về sự hiện hữu của chúng. Hình ảnh lục bình xanh um choán hết cả mặt sông, hình ảnh những tảng lục bình trôi nổi bồng bềnh theo con nước lớn ròng, hay màu hoa rực rỡ phủ tím cả mặt hồ,… là đề tài đầy cảm hứng cho thi ca. Nhưng con người dù muốn hay không, cũng phải không ngừng khống chế sự phát triển như vũ bão của lục bình, bằng các giải pháp tận dụng khai thác những lợi ích mà loài thực vật này có thể mang lại, dù chỉ là tương đối.

Việt Nam là một đất nước có địa hình đặc thù mang trên mình nó vô số ao hồ, sông rạch, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng sông nước lắm phù sa ấy chính là “thiên đường” sinh sôi nẩy nở của loài thực vật thủy sinh này. Vì vậy mà nói tới khả năng tận diệt lục bình là điều không thể. Nói khác là chừng nào không còn ao hồ sông rạch trên dải đất này, thì chừng đó mới có thể nói lời vĩnh biệt với …“một loài hoa vừa trôi vừa nở” được!

*Bài: NGUYÊN THANH
*Ảnh minh họa: internet

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác