LÀNG KẾ MÔN: LỊCH SỬ HÌNH THÀNH – Ý NGHĨA TÊN LÀNG – ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN 16-11-2022 Thao Nguyen
Thưa quý bạn đọc,
Muốn tìm hiểu về Làng Kế Môn một cách tường tận và có hệ thống, ắt hẵn ngoài tiếp cận với thực địa, thì những bài viết về làng đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông chính là các tài liệu tham khảo hữu ích và rất cần thiết. Tuy nhiên, cho đến nay, đa phần những bài báo này, đặc biệt trên các mạng xã hội, xem ra khá tản mạn, phiến diện, có khi thiếu căn cứ xác thực, nếu không nói là có phần nhầm lẫn, sai lệch. Chúng tôi đã từng ấp ủ cho ra đời một cuốn sách lấy tên là “Làng Kế Môn”, trong đó quy tụ những cây bút trong cũng như ngoài làng, với nhiều bài viết có giá trị, đáng tin cậy, để không những cho đồng hương mà kể cả nhựng ai muốn tìm hiểu về làng, có thể tham khảo. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan, cuốn sách này đến nay vẫn chưa được xuất bản một cách đại trà như mong muốn. Trong lúc chờ đợi, nhóm biên tập mà chủ biên là tôi (Nguyễn Thanh Mạo) xin đăng tải lên trang www.langkemon.com.vn một số bài viết tiêu biểu. Đồng thời, xin thỉnh giáo ý kiến của bạn đọc (nếu có) để nội dung bài viết được hoàn thiện và phong phú hơn. Xin chân thành cám ơn.
.
BÀI 1: KHÁI LƯỢC
.
Căn cứ vào tài liệu còn lưu giữ từ gia phả của các tộc họ, dựa vào truyền khẩu và qua các chứng tích còn sót lại, đồng thời đối chiếu với sử nước thì hầu hết các vị thủy tổ của làng Kế Môn có gốc gác từ Thanh Hóa, Nghệ An. Các vị ấy là những người tiên phong vào khai hoang khai khẩn, lập làng, lập nghiệp ở vùng đất mới châu Ô, châu Rý. Đây là một đợt di dân về phương Nam trong lịch sử, sau khi hai châu của người Chiêm này được sáp nhập vào lãnh thổ của Đại Việt từ năm 1306, qua sự kiện vua Chiêm là Chế Mân cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần.
Tuy vậy về thời điểm và niên đại thành lập làng cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác, cụ thể, vì thiếu tài liệu để chứng minh. Có tác giả cho rằng làng hình thành trong đợt di dân lớn có tổ chức thời Lê Sơ ở thế kỷ 15 (từ 1446 đến 1471). Mới đây lại có tác giả đã lập luận trên cơ sở mạch sử dân gian đối chiếu với chính sử mà quả quyết rằng làng Kế Môn ra đời sớm hơn vào đợt di dân lớn đầu tiên thời nhà Trần (từ 1311 đến 1341).
Vào giữa thế kỷ XVI (trước thời chúa Nguyễn Hoàng), làng Kế Môn thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Đến thời Minh Mạng thuộc tổng Vĩnh Xương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Nay làng Kế Môn thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
.
- Về vị trí, tầm vóc và địa thế địa hình
Làng Kế Môn nằm trên dải đất hẹp ven biển chạy dài từ Quảng Trị đến tận cửa Thuận An, dựa lưng vào biển Đông và quay mặt ra sông Ô Lâu – con sông nối với phá Tam Giang. Khu dân cư làng trải dài khoảng 2,4 km, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Phía Tây Nam giáp sông Ô Lâu, phía Tây Bắc giáp làng Vĩnh Xương, phía Đông Nam giáp làng Đại Lộc và phía Đông Bắc giáp làng Tân Hội và biển Đông.
Diện tích đất tự nhiên của làng khoảng trên 1.100 ha, trong đó gần 11 ha đất thổ cư, khoảng hơn 220 ha đất canh tác nông nghiệp (đất ruộng 186 ha, đất trồng màu 30 ha), trên 140 ha đất lâm nghiệp (rừng cây phân tán ở độn rú), và hơn 400 ha đất sử dụng vào các mục đích khác (xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi, đất mồ mả…).
Sau lưng làng, phía xa là độn cát vàng kéo dài hơn 1 km ra tận biển Đông, gần hơn là dải độn cát trắng với rừng cây thấp, thưa và phân tán. Dân làng dùng khu độn cát này làm nơi chôn cất người quá cố, xây cất mồ mả, lăng miếu. Trước mặt làng, cuối đồng ruộng bao la là dòng sông Ô Lâu với khúc xoáy ngược trôn ốc tạo thành một vũng sâu gọi là Khút Bàu Ngược. Xa xa, phía Tây là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ sừng sững như tấm bình phong xanh thẫm khổng lồ.
Làng Kế Môn có địa hình khá đa dạng, vừa có đồng bằng, lại vừa có núi đồi, rừng rú, sa mạc, vừa có sông ngòi, lại vừa có ao bàu, khe suối và nằm kế cận đầm phá, biển khơi. Nếu cắt mặt theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, sẽ thấy mặt cắt có địa thế từ thấp lên cao tính từ mặt sông Ô Lâu, qua đồng ruộng sâu, đồng ruộng cạn, vào khu dân cư, lên độn rú cát trắng, qua cồn cát vàng rồi thoai thoải dần ra tới bờ biển Đông, trải rộng trên 5km, với độ chênh xấp xỉ 20 mét, tính ở điểm cao nhất là độn Mít Nài (ở rú làng) so với mặt sông Ô Lâu.
Với địa hình như vậy, khu dân cư được che chắn phần nào khi có gió bão hình thành từ biển Đông, đồng thời giúp dân làng có nơi cao để sơ tán khi những trận lụt nước dâng từ phía sông Ô Lâu do mưa lũ từ thượng nguồn đổ về. Những trận bão và lũ lụt lớn trong quá khứ với những thiệt hại khá hạn chế so với các làng khác là một minh chứng cụ thể.
- Về hệ thống giao thông vận chuyển
Hệ thống giao thông vận chuyển có cả đường bộ và đường thủy. Đường bộ có 3 con đường chạy song song với nhau theo hướng Đông Nam – Tây Bắc trải suốt chiều dài của làng. Theo thứ tự từ vùng thấp lên vùng cao gồm: đường Quan (quốc lộ 49B) chạy từ Hải Lăng, Quảng Trị đến cửa biển Thuận An, đường Ngang (phân cách giữa khu dân cư với đồng ruộng) và đường Cấy (phân cách giữa khu dân cư và độn rú cát). Trong đó, đường Quan và đường Ngang là hai trục lộ chính. Riêng đường Cấy hẹp hơn, có địa thế cao nên được dùng đi lại trong mùa mưa lụt. Thẳng góc với 3 con đường này là những con đường Xóm chạy song song từ chân Rú (đường Cấy) ra đến đường Ngang, trừ một số xóm Cụt, hầu hết băng tiếp đồng “trưa” (tức ruộng cạn) ra đến tận đường Quan. Tất cả tạo nên hình dạng như một bộ xương cá (mà đường Ngang là xương sống và các đường Xóm là xương sườn).
Sau ngày hoà bình thống nhất, do nhu cầu thủy lợi, nhà nước đã cho cải tạo nâng cấp bờ đê sông Ô Lâu thành con lộ lớn bằng bê-tông xuyên suốt bờ sông các làng từ Thanh Hương xuống Thế Chí. Năm 2014, một con đường mới đắp đất đỏ được mở băng xuyên qua độn rú cát song song với Khe làng, chạy từ Vĩnh Xương xuống tới Khe Đồng Dạ.
Đặc biệt về đường thủy, ngoài thủy lộ tự nhiên của dòng sông Ô Lâu từ Mỹ Chánh đổ về, băng ngang đồng ruộng của làng ra phá Tam Giang, các vị tiền bối làng Kế Môn đã cho đào các con hói (tức kênh hoặc mương) vừa phục vụ nhu cầu vận chuyển lại vừa dùng làm hệ thống tưới tiêu cho đồng ruộng. Có 4 hói Dọc chính nối từ dưới đường Quan ra tận sông Ô Lâu, hình thành các bến nước như bến Đào, bến Dừa, bến Phụ, bến Đình, bến Đíu, bến Đưới, bến Am. Các con hói này vẫn tồn tại đến ngày nay, nhưng chủ yếu để phục vụ thủy lợi, không còn đóng vai trò giao thông nữa.
Đặc biệt, tiền bối của làng còn đào thêm một con hói cắt ngang các hói dọc rồi hòa vào với dòng Ô Lâu (ở phía thượng nguồn vũng nước xoáy Bàu Ngược) gọi là hói Ngang. Đây là thủy lộ vận chuyển an toàn cho thuyền bè trong mùa mưa lũ, tránh được hiểm họa khi phải đi qua Khút Bàu Ngược, vốn khá sâu và có luồng nước xoáy rất nguy hiểm.
- Về khu dân cư, kiến trúc và cảnh quan
Khu dân cư của làng Kế Môn được xây dựng tập trung giữa đường Ngang và đường Cấy. Trước đây, làng chia ra 4 “ngụ” lấy tên theo hướng: nhứt Đông, nhì Đông, nhứt Tây và nhì Tây. Mỗi ngụ có 7 xóm. Tổng cộng làng có 28 xóm. Các xóm được gọi tên theo đặc điểm vị trí, như xóm Dừa, xóm Đề, xóm Khe, xóm Cụt, xóm Chùa, xóm Cùng, xóm Rú,… Nay do dân số phát triển nên mở thêm xóm, hiện có 36 xóm gọi tên bằng số theo thứ tự từ xóm 1 đến xóm 36. Làng cũng chia làm 2 thôn, thôn 1 và thôn 2. Mỗi xóm có chừng từ 18 đến 24 nhà vườn, có sân phơi, giếng nước, cây xanh và rau màu, phân bố nằm hai bên con đường xóm, xưa vốn rợp bóng tre xanh, đặc trưng của làng quê Việt, nhưng nay nền xóm đã bê-tông hóa và cây xanh phần lớn bị “giải giáp” để nhường cho đường dây điện khí hóa.
Khởi thủy, làng Kế Môn có 12 họ (thập nhị tôn phái) gồm họ Bùi, họ Đặng, họ Hồ, họ Lê, 2 họ Nguyễn, 2 họ Hoàng, 2 họ Phan và 2 họ Trần, nay có thêm họ Hoàng Thành, họ Nguyễn Văn, họ Trần Văn và Trần Đình, nâng tổng số lên 16 họ. Trừ họ Nguyễn Văn có từ đường xây bên Ql.49B ở khu Lò Rèn cuối làng, họ Hoàng (xóm 10) và họ Trần Đình nằm ở sâu trong xóm, các họ còn lại đều tọa lạc ở mặt tiền của khu dân cư, sát đường Ngang.
Về kiến trúc, từ xa xưa, dù là nhà tranh hay ngói, nhà chính đều quay mặt về hướng Tây Nam, tức là hướng về dòng sông Ô Lâu và dãy núi Trường Sơn. Thuở sơ khai, nhà cửa hầu hết xây dựng bằng tranh tre nứa lá. Sau có thêm cột kèo bằng gỗ tròn, mái tranh, gọi là “nhà rội” dành cho người nghèo. Nhà khá giả hơn có cột, kèo, đòn tay, rui, mè bằng gỗ vuông gọi là “nhà rường”. Hiện nay, hầu hết nhà trong làng đều có mái ngói tường gạch, sườn bê tông cốt thép với lối kiến trúc hiện đại vừa chắc chắn lại vừa thẩm mỹ. Dùng flycam quan sát từ trên không, cứ ngỡ đây là chốn phố thị hơn là một làng quê.
Từ đường các họ xưa vốn là nhà rường chất liệu gỗ, xây theo kiểu ba gian hai chái, mái lợp ngói. Sân trước rộng, cuối sân có tấm bình phong và ngoài cùng là cổng Tam quan. Nay, sau bao nhiêu năm chiến tranh, mưa bão, lụt lội, các từ đường đã không còn dấu tích xưa mà thay vào đó là những kiến trúc mới với “tiền đàng hậu tẩm” đồ sộ, nguy nga hơn, xây dựng bằng chất liệu bê-tông cốt thép và gạch ngói hiện đại hơn.
Đình làng tọa lạc ở mặt tiền trung tâm của khu dân cư, một vị trí khá đặc biệt nằm giữa đường Ngang và đường Quan, với kiến trúc năm gian cũng “tiền đàng hậu tẩm” uy nghi, đã được tôn tạo mới và hoàn tất vào đầu tháng Hai năm Nhâm Thìn (2012). Chùa làng, tên gọi Vạn Phước, ngày xưa vốn ở phía Tây đầu làng, cũng đã được di dời về giữa làng từ năm 1964, và mới đây (2019) được đại trùng tu. Nhà thờ Tổ Kim hoàn cũng được xây dựng vào cuối thập niên 1990, tọa lạc phía sau khuôn viên đình làng.
Ngoài đình, chùa, nhà thờ tổ kim hoàn và từ đường các họ, từ đầu đến cuối làng còn có các kiến trúc thờ phụng khác như Miếu Bà Chúa Ngọc, Miếu Đôi, Văn Thánh, Võ Thánh cùng các Miếu, Nghè, Am… Tất cả ẩn hiện cạnh con đường Cấy rợp bóng cây xanh hoặc lặng lẽ phơi mình giữa các khu vực độn rú yên tĩnh, cùng với vô số những lăng tẩm mồ mả, vừa đa hình dáng kiểu cách vừa đa sắc màu, xuất hiện ngày càng nhiều trên vùng độn rú, là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cư dân quá cố qua bao thế hệ.
*Nguyên Thanh (2019)
*Tài liệu tham khảo:
–Lịch sử làng Kế Môn, quê hương ta đẹp vô ngàn Nguyễn Thanh Trung (ấn bản 2008)
–Địa chí Phong Điền, UBND huyện Phong Điền, Nxb Chính trị Quốc gia, 2005
–Nguyễn Lộ Trạch, điều trần và thơ văn Mai Cao Chương, Đoàn Lê Giang, Nxb Kh.học x.hội, HN, 1995
–Lược sử họ Trần tại Thừa Thiên Huế, Trần Đại Vinh chủ biên, Nxb Thuận Hóa Huế, 2012
-Qua khảo sát và trải nghiệm thực tế tại chỗ.
(Xin xem tiếp bài 2: ĐÂU LÀ NGUỒN CỘI – Bài của Trần Duy Huấn)
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận