HẠN HÁN Ở QUÊ TÔI 16-04-2016 Thao Nguyen

“Nắng bao nã, mưa trả thù”

Đó là câu mà ông cụ thân sinh tôi thường nói năm xưa ở làng, mỗi khi thấy nắng hạn gay gắt, đồng khô cỏ cháy. Đã khổ vì hạn hiện tại, lại lo cho lũ lụt sắp tới. Bởi câu nói ngắn gọn ấy có nghĩa là “nắng chừng nào thì mưa sẽ chừng ấy”, hay hễ mùa hè càng nắng nóng khô hạn bao nhiêu thì đến mùa mưa, “nước đổ” càng dữ dội và khủng khiếp bấy nhiêu. Hồi đó, ở vùng quê, nông dân đâu biết El Nino hay La Nina là cái gì. Họ chỉ theo kinh nghiệm mà tiên lượng thế thôi. Nhưng mà nhiều khi lại rất đúng.

Ngày trước, làm nông chỉ dựa phần lớn vào “ông trời”. Ở vùng đồng bằng hạn hẹp của Thừa Thiên Huế – trong đó có cánh đồng lúa Làng Kế Môn, thuộc vùng duyên hải Ngũ Điền – hễ có “mưa thuận gió hòa” đôi chút thì mùa được, còn “trái gió trở trời” thì mùa mất. Nắng hạn và sâu rầy là hai trong số những trái gió trở trời thời đó. Mà hễ có nắng hạn từ mùa hè, rồi sau đó lại kéo theo mưa lũ, lụt lội vào cuối thu thì mùa lúa vụ trái (hè-thu) kể như mất trắng, chưa kể vụ mùa (đông-xuân) cũng có thể gặp nguy nếu hạn sớm khiến nước mặn xâm nhập sâu vào dòng sông Ô Lâu – là nguồn nước tưới chủ lực cho đồng ruộng.

Nói đến cái nắng nóng của miền Trung, đặc biệt từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đến Thừa Thiên Huế thì ai đã trải nghiệm đều khó mà quên. Gió Lào là tác nhân chính khiến cho cái nóng càng trở nên khô khốc, gay gắt. Hầu như mọi vật: từ sông hói, bàu khe, ao hồ, đến cây cỏ, mùa màng, gia súc và cả con người… đều cùng “bốc hơi”. Nhưng hồi ấy người ta chỉ biết là nóng đến độ “chảy mợ”, chỉ biết mồ hôi cứ đổ cả ngày lẫn đêm, chứ có ai cho biết là nóng bao nhiêu độ đâu?

Có điều, cứ theo cái đà của “biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu” thì ắt hẵn ngày xưa – khoảng sáu, bảy chục năm về trước – cái nóng ấy không thể so với bây giờ, dù lúc ấy vẫn có hiện tượng El Nino. Nhiệt độ toàn cầu trong năm 2016 này đã vượt đỉnh so với năm 2015, đạt đến mức kỷ lục 45,8 độ C ở Ấn Độ hôm 13/4. Còn ở Việt Nam, hạn hán đang bao trùm khắp nơi, không những miền Trung mà còn ở Tây nguyên, miền Đông và cả miền Tây Nam bộ.

el_nino_1_2015

Ngày xưa, trong những tình huống như vậy, con người chỉ biết cầu trời, cầu mưa, chứ chẳng biết phải làm gì khác. Và để cầu mưa, các vua chúa thời phong kiến thường phải lập đàn tế nghiêm cẩn, thậm chí “ăn chay nằm đất” để cầu đảo, cầu nguyện trời đất ban mưa xuống cho dân nhờ. Không những ở kinh đô, ngay ở các địa phương cũng tổ chức các lễ khẩn cầu như vậy. Dân gian đã từng có mấy câu ca dao:
“Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm…” Và lời khẩn cầu ấy có tới được tai “ông trời” hay không thì đố ai mà biết, chỉ biết là …rồi thì cũng có mưa thật!

Ngày nay, dù thiên hạ đã làm được “mưa nhân tạo”, nhưng đâu phải thời điểm nào và nơi đâu muốn làm thì làm được? Phải có điều kiện hẵn hoi, mà một trong những điều kiện cơ bản là phải có…mây. Có mây thì mới “tác động” được để gây mưa…Rõ là không phải dễ, dù khoa học kỹ thuật hiện đại đã tiến bộ vượt bậc. Vậy chỉ còn cách trước mắt là “tiết kiệm nước”. Nhưng tiết kiệm ở đây không phải chỉ là “hạn chế sử dụng” theo nghĩa thông thường, mà còn là làm sao hạn chế được mức độ bốc hơi của nước từ các ao hồ, sông rạch cho đến cả các nguồn nước ngầm trong đất nói chung.

Đây là vấn đề thuộc về sinh thái, về ý thức bảo vệ hành tinh xanh của chính con người. Nói cách khác là phải phát triển một cách hết sức bền vững. Nước Mỹ trong năm 2015 – và một vài lần trước đó – đã cho thả hằng triệu quả bóng phủ kín lên các mặt hồ để khống chế mức độ bốc hơi của nước, dù đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng đây chỉ là biện pháp cấp thời, không giải quyết được căn nguyên cội rễ của vấn đề nắng hạn thiếu nước.

Trở lại vấn đề hạn hán ở Thừa Thiên Huế – cụ thể ở Làng Kế Môn. Vùng duyên hải cận biển này từ xưa không chỉ bị tác động bởi “hạn”, bởi tình trạng “thiếu nước” như ở các vùng cao nguyên hay miền núi, mà còn bị tác động bởi “mặn” tương tự như ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Hạn sinh ra mặn. Trong quá khứ, những năm hạn hán, nước mặn từ biển theo cửa Thuận An và phá Tam Giang đã từng xâm nhập sâu vào dòng Ô Lâu lên tận Làng Rào hay xa hơn nữa.

Tôi còn nhớ có những đêm khuya, khi nghe phèn la báo động, dân làng đã phải vội vã đốt đuốc, hộc tốc tập trung dọc bờ rào để ngăn nước mặn. Dạo đó, đê sông Ô Lâu và các “cựa khâu” không kiên cố như bây giờ, nên khả năng rò rỉ nước mặn là rất cao. Ngày nay bờ rào và cửa khâu thông vào các hói đã được bê-tông hóa vững chắc hơn, ngăn mặn hữu hiệu hơn. Nhưng bù lại, mạng lưới các khe bàu phía độn rú sau làng đã bị vùi lấp làm cạn kiệt nguồn nước dự phòng – vốn rất cần thiết để bổ trợ cho nguồn nước sông Ô Lâu khi gặp hạn mặn.

han-han-ninh-thuan-5

Nói tới hạn hán và bão lũ gia tăng cũng là nói tới “biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất nóng dần lên”. Rõ ràng là cho dù các quốc gia trên thế giới có tỏ hết thiện chí, cùng ngồi lại với nhau để cắt giảm phần nào khí thải nhà kính, thì chiều hướng “nóng dần lên” kia vẫn khó có thể đảo ngược, trừ phi mọi công dân của địa cầu đều có chung một ý thức bảo vệ và nhân rộng rừng, bảo vệ hệ sinh thái; trừ phi mọi quốc gia đều hành xử khôn ngoan và dứt khoát như đất nước nhỏ bé Bhutan…Băng đang tan chảy dần ở Bắc cực, và một ngày không xa sẽ kéo theo băng tan ở Nam cực. Nước biển sẽ dâng cao. Hạn hán và bão tố, lũ lụt sẽ cùng gia tăng khốc liệt hơn.

Trước viễn cảnh đó, chắc hẵn những quốc gia bị xếp vào hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam, tất phải có những giải pháp mang tầm chiến lược để đối phó và thích ứng… Riêng trong nông nghiệp, việc chuyển đổi hay luân chuyển cây trồng để thích nghi với nguồn nước có lẽ là một trong những cách làm phù hợp. Ở làng Kế Môn, hẵn ai cũng biết sự chênh lệch giữa vùng “trưa” và “ruộng”. Cũng bởi “ruộng” ở tầng thấp, nhiều nước để trồng lúa, còn “trưa” ở tầng cao, khan nước để trồng màu.

Ông bà ta xưa đã biết “thích nghi” khôn ngoan như vậy, há lẽ con cháu lớp “hậu sinh khả úy” lại không biết thích ứng với “biến đổi khí hậu”, chẳng hạn như …khoanh vùng trồng màu từ hói Ngang trở vào thay cho trồng lúa,…hay đào sâu lại các bàu, thông lại các con khe trong rú để giữ nước? Hay khôn ngoan hơn nữa là …“kiến nghị” dẹp đi toàn bộ các hồ nuôi tôm để trồng dương liễu, phủ kín toàn bộ đồi cát từ Cụp” ra tới biển Tân Hội, cũng là để giữ nước ngầm và chắn gió, chắn sóng biển!

Tôi nghĩ, nếu thực sự có tầm nhìn, thực sự vì lợi ích của người dân – mà cụ thể ở đây trực tiếp là người dân làng Kế Môn – thì đó là những việc cần động não và cần nghiêm túc thực hiện. Còn nếu vì một lý do nào đó mà thờ ơ, ngần ngại, thì hậu quả chắc chắn sẽ khó lường. Chừng đó, những con dân làng hôm nay sẽ đắc tội với tiền nhân và có lỗi lớn với các thế hệ con cháu mai sau vậy.

50_7_1327016770_88_images830210_12

*Bài: HOÀNG VÂN
*Ảnh minh họa: internet

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác