ĐỒNG NGẬP THÁNG TƯ: CẬN CẢNH CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU 04-05-2020 Thao Nguyen
Đồng hương khắp nơi xót xa và lo lắng khi nghe tin (qua đài phát thanh truyền hình Huế TRT) tình cảnh các đồng lúa ở Phong Điền Thừa Thiên Huế – đặc biệt ở xã Điền Môn thuộc vùng Ngũ Điền – bị ngập nặng vào đầu mùa gặt vụ Đông-xuân năm nay do mưa dồn dập trong mấy ngày liên tiếp. Đồng ngập sâu, lúa bổ rạp, ngâm nước, nông dân không thu hoạch kịp, nguy cơ hạt lúa nẫy mầm khiến vụ mùa có thể mất trắng.
.
* “Biến đổi khí hậu”
Đây quả là điều lạ về thời tiết, bởi hiện đang là đầu tháng Tư âm lịch, thông thường thì miền Trung nắng ráo, trước khi sẽ chuyển qua mùa nắng nóng vào đầu tháng Năm. Từ xưa cho đến gần đây, ở Thừa Thiên Huế, vụ mùa Đông-xuân vẫn được coi là vụ gặt “chắc ăn” hơn nhiều so với vụ trái Hè-thu bởi thời tiết luôn thuận lợi. Có lẽ vì vậy mà ít ai có thể ngờ, đành “trở tay không kịp” trước diễn biến thời tiết bất thường này.
Cũng trùng khớp với thời điểm ấy, chiều 25/4/2020, Sài Gòn Tp.HCM đang nắng nóng 35-36 độ C bỗng hứng trận mưa đá đầu tiên trong lịch sử. Những ai chưa từng lên Đà Lạt hay về vùng cao Đông Bắc để chứng kiến mưa đá, thì ngạc nhiên và thích thú. Họ mân mê những hòn đá lạnh “từ trên trời rơi xuống” đường kính chỉ chừng 2cm cho đến khi chúng tan thành nước.
Rồi miền Tây lục tỉnh Nam bộ, miền đồng bằng sông nước, những ngày gần đây, cư dân bỗng… không còn nước để uống và tắm giặt, khan hiếm nước ngọt để “nuôi” cây lúa và hoa màu. Họ phải đi mua từng can, từng phuy nước ngọt để sử dụng. Một miền Tây hạn mặn chưa từng thấy trong lịch sử. Một vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ teo dần và biến mất!
Tổng hợp những sự kiện bất thường kể trên ngay trong nước, cộng với những diễn biến tương tự trên trái đất nói chung, người ta có thể suy ngẫm về điều gì? Phải chăng một hệ quả bất thường về thời tiết và khí hậu đang đến rất gần, rất hiện thực – được thế giới gọi chung bằng một cụm từ khá quen thuộc và luôn đầy tính thời sự: “biến đổi khí hậu”.
Biến đổi khí hậu chính là kết quả của hiện tượng “trái đất nóng lên”. Nguyên nhân nóng lên do đâu thì cho đến nay ai cũng đã biết, rằng chính con người và môi trường phát triển thiếu bền vững là tác nhân trực tiếp. Vài thập niên qua, các hội nghị thường niên của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (gọi tắt là COP) vẫn tiếp tục nhóm họp để tìm ra các giải pháp nhằm kéo giảm đà tăng của nhiệt độ (từ COP 1 – 1995 tại Berlin, Đức đến COP 25 – 2019 tại Madrid, Tây Ban Nha). Tuy vậy, nỗ lực có tính toàn cầu này vẫn chưa mang lại một tín hiệu đáng khích lệ nào, vì rõ ràng phải cần nhiều thời gian, ý chí, quyết tâm và sự đồng thuận cao hơn của các quốc gia – để có thể chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch truyền thống sang một nền kinh tế xanh, sạch, vận hành bằng năng lượng tái tạo.
*“Sống chung với lũ”
Như vậy, cho đến khi có được một kết quả khả quan từ những nỗ lực của cộng đồng thế giới, loài người vẫn phải “sống chung với lũ”. Nghĩa là phải tiếp tục đối mặt với khí hậu và thời tiết ngày càng cực đoan và bất thường, đối mặt với tình huống mực nước biển ngày càng dâng cao, với nguy cơ xâm nhập sâu vào nội địa, mặn hóa phần hạ nguồn của các dòng sông, vốn đang gây nhiều tổn thất cho nông nghiệp và đời sống cư dân mà đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ điển hình.
Với tình huống mưa ngập đồng lúa xã Điền Môn và khó khăn trong thu hoạch vụ Đông-xuân vừa qua, là con dân của xã nhà đang ở phương xa, không trực tiếp chứng kiến để biết cụ thể tình hình, nhưng theo thiển ý, có thể có mấy nguyên nhân như sau:
– Một là, do nông dân mình chủ quan, cứ nghĩ rằng với mưa trái mùa, lượng mưa không nhiều và sẽ sớm trở lại nắng ráo. Nào ngờ mưa to kèm theo gió và mưa liên tục tới vài ba ngày đêm. Về điểm này có người tự hỏi liệu nông dân mình có hay quan tâm theo dõi “dự báo thời tiết” trên đài không. Bởi hiện nay, với các phương tiện đo đạc hiện đại, các dự báo đều khá chính xác.
– Hai là, vai trò của các trạm bơm, ở đây là bơm để tiêu nước. Tài liệu từ huyện nhà Phong Điền cho hay, chỉ riêng trên đồng ruộng làng Kế Môn đã có hai trạm bơm được lắp đặt từ năm 2001 với công suất 2.400 và 1.400 m3/giờ. Với công suất này, nếu hoạt động liên tục từ ngày mưa đầu tiên có thể tiêu một lượng nước khá lớn cho cánh đồng làng. Tiếc, lại có nguồn tin cho hay hai trạm bơm này lúc “hữu sự” thì lại xui xẻo gặp sự cố về nguồn điện.
– Ba là, khi nước đã ngập đồng, lúa đã bổ rạp thì máy gặt không sử dụng được, phải gặt thủ công bằng tay. Nhưng gặt tay thì đa phần nông dân mình không… thạo nghề cho lắm, bởi gặt máy nay đã thành quen. Đó là chưa nói gặt tay mà trong tình huống lúa bổ rạp thì phải có nông cụ “chuyên dùng” của ngày xưa, đó là chiếc vằng. Và liệu ở làng nay còn được bao nhiêu chiếc? Hình ảnh trên video cho thấy nông dân chỉ dùng liềm, mà liềm thì chỉ “bức” chứ không “ngoéo” nhánh lúa bổ lên được.
Và trong tình huống phải gặt cấp tốc và đồng loạt để cứu hột lúa mà lại thiếu nhân công, thiếu phương tiện như vậy thì “đầu hàng” là điều không thể tránh khỏi. May thay đã có giải pháp. Đó là nhờ hỗ trợ kịp thời của lực lượng quân đội và công an huyện nhà, song song với việc tăng cường các máy bơm tiêu nước lưu động. Và cũng may thay, thiệt hại của nông dân Điền Môn cũng được hạn chế phần nào.
.
* Sẵn sàng ứng phó
Qua sự kiện này hy vọng người nông dân và giới chức hữu trách địa phương sẽ rút ra được một bài học kinh nghiệm. Rằng khí hậu và thời tiết cho mùa vụ gieo trồng và thu hoạch từ nay có thể không còn thuận lợi như thời gian đã qua nữa. Vùng Phong Điền Thừa Thiên Huế nói chung, Điền Môn nói riêng, cũng không ngoại lệ. Nông dân cần chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ khí hậu thời tiết thay đổi bất thường, với những hiện tượng cực đoan như hạn mặn, mưa gió, bão lụt trái mùa, mà sự kiện “mưa tháng Tư” vừa qua là một ví dụ.
Tác hại của biến đổi khí hậu không còn là viễn cảnh xa vời mà đang trở thành cận cảnh, đang đến rất gần và hiện thực với tất cả mọi người. Và trong bất cứ tình huống bất ổn nào của quốc gia và thế giới: chiến tranh, thiên tai, đại dịch thì an ninh lương thực vẫn là ưu tiên số 1 phải được bảo vệ. Hạt gạo đúng là hạt ngọc của nhà trời vậy.
*Thảo Dân (Sg – 2020)
*Ảnh minh họa: chụp lại từ video trên TRT
Bình luận
Chưa có bình luận nào.
Bình luận