ĐẠI LỄ VIỆT TIẾU Ở LÀNG KẾ MÔN 01-06-2012 minhhien
Xuân Nhâm Thìn – Năm 2012, làng Kế môn có hai sự kiện lớn:
- Đại lễ khánh thành Đình làng Kế Môn (từ 02/3/2012-04/3/2012)
- Đại lễ Việt Tiếu 12 năm một lần của 4 họ: Họ Trần Duy, họ Hồ, họ Hoàng Ngọc và họ Bùi (từ ngày 08/3/2012 đến ngày 13/3/2012)
Qua tìm hiểu, chỉ có ở làng Kế Môn mới có Đại Lễ Việt Tiếu 12 năm một lần của các Họ trong làng mà thôi. Các làng khác trong tỉnh Thừa Thiên Huế không đâu có chuyện Họ Viêt Tiếu cả.
Tôi đã gặp ông Trần Duy Cường, năm nay 82 tuổi, nguyên là học trò của cụ Nghè Quách (Bùi Viết Quách), còn gọi là cụ Nghè Biên, đã diễn giải lại và chobie6t1 như sau:
Thời Phong kiến, triều đại nhà Nguyễn, vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và trị vì được 18 năm.
Đến năm 1820 vua Minh Mạng nối ngôi, năm 1822, năm Nhâm Tuất, vua Minh Mạng năm thứ 2, bắt đầu mở trường thi cử. Và cũng từ đó lễ giáo phong kiến và Phật giáo ngày càng phát triển.
Cổng Tam Quan Từ Đường họ Bùi làng Kế Môn được xây dựng năm Minh Mạng thứ 6(1826). Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1828), chùa ở một số làng được xây dựng, trong đó có chùa làng Kế Môn. Chùa Kế Môn lúc đó tọa lạc ở gần giáp giới làng Vĩnh Xương. Kế Môn còn xây Văn Thánh ở đầu làng, Võ Thánh ở cuối làng, thờ 3 vị : Trương Phi, Quan Công và Châu Xương, tam vị kết nghĩa thời Tam Quốc.
Làng Kế Môn mời thầy về trụ trì ở chùa. Theo cụ Nghè Quách, thầy ở chùa làng Kế Môn lúc đó là một vị Cao Tăng uyên bác và rất đức độ (rất tiếc không nhớ được quý danh của thầy).
Sau khi lặp chùa không lâu, làng Kế Môn bị nạn dịch lớn: dịch tả kéo dài, thời tiết hạn hán, dân tình đau ốm, đói khổ gây nên nhiều nạn chết chóc đau thương.
Trước tình cảnh đó, thầy chùa ở làng Kế Môn đã tổ chức lễ Trai Đàn Chẩn Tế, cầu đảo, ăn chay,nằm đất, cầu nguyện ơn trên Trời Phật, Ông Bà Tổ Tiên, những người đã khuất mặt phù hộ cho dân làng Kế Môn tai qua nạn khỏi, sống an bình hạnh phúc.
Thầy đã gọi lễ đó là Lễ Việt Tiếu.
Viết theo chữ Nôm:
Việt: là của người ViệtNam.
Tiếu: là Trai đàn Chẩn tế, cầu nguyện.
Nghĩa bóng là đạo sỹ tu hành, ăn chay nằm đất, cầu đảo, cầu nguyện.
Như vậy Lễ Việt Tiếu là Lễ Trai Đàn Chẩn Tế, cầu đảo, cầu nguyện, ăn chay nằm đất của người ViêtNam.
(Xin đừng viết nhầm lẫn chữ “Việt” thành chữ “Việc”.
Qua cầu đảo, cầu nguyện với lòng thành tín, Lễ Việt Tiếu đem lại kết quả phần nào, nên thời gian đầu thường 3-4 năm thì các Họ trong làng tổ chức lễ Việt Tiếu một lần.
Dần dần trình độ khoa học ngày phát triển, các hiện tượng trong thiên nhiên được giải thích và chứng minh, các dịch bệnh từng bước đã tìm ra nguyên nhân và phương cách phòng trị, cũng như thuốc men để cứu chữa nên đã hạn chế những tác hại to lớn của nó.
Mặt khác, dân làng Kế Môn, qua các Họ vẫn giữ được truyền thống độc đáo riêng là thành tâm tổ chức Đại Lễ Việt Tiếu với ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đậm nét văn hóa quê hương.
Lễ Việt Tiếu còn mục đích để con cháu trong Họ tưởng nhớ đến công đức các bậc tiền bối,để cầu siêu cho tất cả hương linh Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ, con cháu nội ngoại trong họ đã quá vãng được siêu sanh Tịnh độ.
Nguyễn Thanh Trung
Phản hồi (3)
thaonguyen
Tháng Sáu 9th, 2012 lúc 07:33ĐÔI LỜI PHỤ HỌA
Tôi thật lấy làm ngạc nhiên vì đã có đến 92 độc giả truy cập nhưng không ai có ý kiến gì về bài viết này. Thật ra, đây là bài viết mà Tập San ” Về Nguồn ” của Hội Đồng Hương làng Kế Môn tại TP.HCM đã nhận được từ rất sớm, nhưng sau khi đọc qua hãy còn băn khoăn ít nhiều về nội dung, nên đang trong quá trình liên hệ với tác giả và bác Cường ở Đà Lạt để tìm hiểu thêm, đồng thời có ý định biên tập lại một chút cho có logic và dễ hiểu trước khi đăng tải.
Vì vậy, không biết từ nguồn nào, và có sự đồng ý của tác giả chưa mà Minh Hiền đã cho đăng bài viết này .
Theo tôi, có một vài điều cần phải làm sáng tỏ : một là, theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh chữ “TIẾU” có một nghĩa phụ là ” trai đàn chẩn tế ” ( rất tiếc không viết được chữ Hán vào đây ), điều đó không sai. Nhưng còn chữ VIỆT ? .Vì khi đã nói Việt Tiếu tức là có hàm nghĩa phân biệt giữa cái Tiếu của nước này nước nọ với nước Việt. Vì vậy, tác giả cần làm rõ, thời gian ấy, các lân quốc ( như Chiêm, Tàu, hay Lào…) có lễ “Tiếu” ra sao , thì mới chứng minh được Việt tức là nước Việt.
Hai là, hiểu như trên thì ” Trai Đàn Chẩn Tế” là một nghi lễ Phật giáo, do vị sư Trụ trì Chùa làng chủ xướng, tất nhiên phải tổ chức tại Chùa làng. Tác giả đã chưa nói rõ DIỄN BIẾN của sự kiện này trong quá trình phát triển cũng như sự BIẾN THỂ về nội dung, từ một nghi thức tôn giáo ( Thích ) ban đầu để “xử lý” một tình huồng, lại dần dà trở thành một nghi thức cúng tế có định kỳ ở chính Từ Đường các họ ( Khổng ). Đó là chưa nói đến có họ tổ chức, có họ lại không. ( Có thể thấy biến thể đó qua nội dung Trai Đàn Chẩn Tế của họ Trần Văn so với nội dung Việt Tiếu của các họTrần Duy, Hoàng, Hồ và Bùi vừa qua )
Như vậy, để có một xác định chung về lai lịch cũng như ý nghĩa của các TỪ liên quan đến lịch sử của làng, ( như VIỆT TIẾU, hay KẾ MÔN ) cần phải tham khảo, sưu tra kỹ từ mọi nguồn, không quên những ý kiến và tranh luận của bạn đọc, để cuối cùng có thể có một định nghĩa rõ ràng lô-gic cho con cháu mai sau khỏi ngộ nhận.
dặng hữu hung
Tháng Sáu 9th, 2012 lúc 12:43Tôi cũng xin đưa ra một lập luận giải trình “Việt tiếu”thấy sao-sao ấy?không ổn.
Khi ngôn từ thường xuyên dùng..để rồi hôm nay lại đưa ra bàn thảo..qua đó mới
thấy rõ sự ghi chép văn hóa,văn chương,lịch sử của quê mình”KM”là quá nghèo chữ
nghĩa.Mặc dầu có rất nhiều danh nhân thành đạt nhưng chỉ nhỡn nhơ ngoài phố thị
chứ không chú tâm đến quê nhà.Hầu hết chỉ dựa vào truyền khẩu..???
Xin thử hỏi:
_Tại sao phải 12 năm mới quay lại lễ VIỆC TIẾU.có phải chu kỳ của mười hai con
giáp như kỷ niệm vòng quay của thời gian trong văn hóa xưa?Như vậy thì chữ VIỆC
là đúng nghĩa hơn.
_Nếu là chữ”VIỆT TIẾU” thì tại sao danh từ VIỆT có nghĩa chung cho cả dân tộc
Việt.Tại sao chỉ có lễ này chỉ có tại làng KM?
_Như ngày kỵ của Vua,chúa ngày xưa thường xoay một vòng 12 con giáp để ghi
nhớ cho những gì liên quan với con người nên thường dùng con giáp đầu để làm mốc
như sinh nhật,dương sao,vận hành âm dương trong thời gian.
_Trong Hán và Nôm chữ VIỆT và VIỆC hoàn toàn khác nhau,nên cần giải thích chuẩn
mực và cụ thể.
Tôi nghĩ chữ VIỆC là đúng vì đơn giản đây chỉ là việc phải làm để tưởng nhớ tổ tiên,và cũng
là việc trọng đại nhất của văn hóa dòng họ.
Rất cần phản hồi từ những ai hiểu biết về vấn đề này.Vì các bác hiểu biết Hán Nôm đã
quá già..trước khi quá muộn…Đồng thời cũng rất cần giải thích tường tận về những chủ đề
khác có liên quan đến con người,văn hóa lịch sử,dòng họ.Làng..v.v..
danghuuhung
thaonguyen
Tháng Sáu 10th, 2012 lúc 07:29ĐÔI LỜI PHỤ HỌA ( tiếp theo )
Tiếp nối những băn khoăn trên, ở đây tôi xin được bàn đến nghĩa của hai từ KẾ MÔN. Thú thực, đọc gần bốn trang trong cuốn ” Lịch sử Làng Kế Môn” của bác Nguyễn Thanh Trung, mặc dầu tác giả đã dẫn chứng rất chi tiết, căn kẻ, tôi vẫn hiểu một cách rất mơ hồ về cái tên của làng mình. Vì vậy khi bạn bè các làng khác hỏi đến, tôi chỉ đành mang cuốn sách ấy ra cho họ xem chứ không biết phải giải thích thế nào.
Đến nay, những thắc mắc liên quan đến cái tên làng vẫn còn ám ảnh mãi trong tôi, khiến tôi vẫn không ngừng tham khảo, tim tòi từ các sách vở về Hán Nôm, cũng như từ các bậc lão thành hiểu biết. Nhưng khốn thay :
” Hỏi SÁCH, sách chẳng nói
Mà hỏi NGƯỜI, người vẫn lặng thinh ”
Nếu giả thiết rằng từ “KẾ MÔN” , do cụ Hoàng Khối Khanh đặt, có hai nghĩa : nghĩa đen là “GẦN CỬA” ( ở đây là Cửa Thuận An ) và nghĩa bóng là Cây “CỎ KẾ” lấy từ hai câu thơ trong bài thơ “Kế Môn Yên Thụ thu tảo” của Vua Đường Thái Tông bên Tàu :
” Hàn kinh kế môn diệp
” Thu phát tiểu tùng chi
Ở đây, cần lưu ý đến ba từ “KẾ MÔN DIỆP” (dịch theo tiếng Việt là ” LÁ KẾ MÔN “). Vậy “lá Kế môn” có phải là lá của ” CÂY CỎ KẾ ” không ? Rất tiếc, sách đã không dẫn chứng được hai câu thơ đó bằng chính chữ HÁN để người đọc có thể phân biệt. Vì chữ Hán viết theo lối tượng hình, nên hễ nhìn vào chữ là biết nghĩa ngay.
Như vậy, chữ “MÔN” trong “LÁ KẾ MÔN” chắc chắn là không viết như ở Đình Làng đang viết ( không chỉ ở Đình mới bây giờ, mà các Đình cũ từ xưa vẫn viết như vậy ). Thế thì, làng ta đã bao đời nay vẫn cứ dùng cái NGHĨA ĐEN của từ Kế Môn thôi sao ? !
Xem như vậy, vẫn còn nhiều góc cạnh phải bàn. Phải cần thêm nhiều dẫn chứng, nhiều luận cứ thấu tình đạt lý thì kết luận mới chính xác hơn. Cũng như hai từ “VIỆT TIẾU” ở trên, có thể là kết luận đó đúng, như một bài toán có đáp án đúng, nhưng cách chứng minh thì chưa có tính thuyết phục.
Làng Kế Môn ta vốn có truyền thống văn hóa lâu đời, từng có không ít danh nhân có khoa bảng, học hàm học vị. Ngày nay, lớp hậu duệ cũng không thiếu người tài trong mọi lãnh vực, khoa học cũng như văn hóa. Vậy mà chỉ có cái tên của làng thôi, cái tên cúng ở các họ thôi cũng không thể truy nguyên ra được cho tường tận. Lớp hậu sinh liệu có xứng đáng với tiền nhân, với làng văn hóa, và với câu ” Hậu sinh khả úy “, Con hơn cha là nhà có phúc” không ?!
Bình luận