CHÙA BÀ SƯ VỚI NHỮNG UẨN KHÚC LỊCH SỬ 27-11-2010 minhhien


Ở cố đô Huế, trên con đường Phan Chu Trinh chạy ven sông Lợi Nông, cách cầu An Cựu chỉ quãng ngắn và đối ngạn với biệt cung An Định, có ngôi cổ tự mà dân địa phương quen gọi chùa Bà Sư. Đó là một di tích vốn được khởi lập từ thế kỷ XVIII giữa bối cảnh lịch sử cực kỳ phức tạp.

HOÀN CẢNH & THỜI ĐIỂM KHỞI LẬP

Lần giở Đại Nam thực lục tiền biên do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn xong vào năm Nhâm Tý 1852, bản dịch của Cao Tự Thanh (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1955, trang 81), thấy dịch giả cước chú: “Chùa Phúc Thành: chưa rõ ở đâu”.

Chùa Phúc Thành / Phước Thành chính là chùa Bà Sư ở Huế. Danh lam ấy được khởi lập bởi Nguyễn Thị Ngọc Cầu / Nguyễn Phúc Ngọc Cầu / Nguyễn Phước Ngọc Cầu – thứ phi của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát và là thân mẫu của Định vương Nguyễn Phúc Thuần.

Ngọc Cầu là ai? Là ái nữ của Thái bảo Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền. Ông Điền là con của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu. Như vậy, Nguyễn Phúc Khoát với Ngọc Cầu là anh em con chú bác ruột. Theo tập quán dân tộc cổ truyền, trường hợp này nếu lấy nhau tất bị xã hội kết tội loạn luân. Bá tánh lỡ phạm tội đều bị nhà cầm quyền xử nặng, chứ bậc vua chúa thì… khỏi (!). Tuy nhiên, vụ việc chấn động kia dẫu cố bưng bít thông tin trong vương phủ, chẳng mấy chốc cũng xì ra khiến dư luận đương thời xôn xao. Và hậu thế cho rằng đấy là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ cả hệ thống chính quyền xứ Đàng Trong mà bao đời chúa Nguyễn từng dày công vun đắp.

Nguyễn Phúc tộc thế phả của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (NXB Thuận Hóa, Huế, 1995, trang 174) thừa nhận: “Trong những năm về sau, mãi sống trong cảnh thanh bình, xa hoa, ngài [Võ vương] đâm ra say mê tửu sắc, không thiết tha việc nước, xa rời nhiệm vụ của bậc đế vương. Thêm vào đó, để dễ dàng trong việc tiếm quyền, Trương Phúc Loan [cậu ruột của Võ vương] đã khuyến dụ ngài đi vào con đường nữ sắc. Một cung phi rất được ngài sủng ái là Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Cầu, con của Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền. Đây chính là mầm mống gây cảnh điêu tàn cho triều đại sau này”.

Ngọc Cầu sinh năm Giáp Dần 1734, kém Võ vương tròn 20 tuổi. Thuở mới lớn, nàng nẩy nở và xinh đẹp lắm. Võ vương rất yêu quý, cho cô em theo kè kè bên cạnh thường xuyên. Khi vào phủ Dương Xuân. Lúc ra cung Trường Lạc. Vẫn biết bà con trực hệ, song “lửa quá gần rơm” thì… Ngọc Cầu đậu thai. Bấy giờ, Võ vương đã có chính thất Trương Thị Dung (còn có tên là Trừ và Hiện, người Thanh Hóa; mẹ của Nguyễn Phúc Côn tức thân phụ vua Gia Long sau này) và quý nhân Trần Thị Xạ (người Quảng Bình; sinh ra Nguyễn Phúc Kính về sau lập phòng 7 hệ 9) cùng nhiều phi tần khác. Nhanh chóng hợp thức hóa “chuyện đã rồi”, Võ vương đưa Ngọc Cầu nhập cung để… ở cữ rồi hạ sinh bé trai Nguyễn Phúc Diệu. Đó là năm Quý Dậu 1754. Năm sau, Ngọc Cầu đẻ tiếp một bé trai nữa: Nguyễn Phúc Thuần.

Ngọc Cầu được chúa sủng ái thì anh em trai của nàng nghiễm nhiên hưởng quyền cao, lộc hậu: Nguyễn Phúc Hậu, Nguyễn Phúc Tuyền, Nguyễn Phúc Khâm và Nguyễn Phúc Nghiễm đều làm chưởng cơ hoặc chưởng dinh. Mùa hè Ất Dậu 1765, Võ vương băng. Ngọc Cầu trở thành quả phụ khi vừa 31 tuổi. Mọi chuyện có lẽ sẽ triển diễn bình thường nếu chẳng xảy ra âm mưu tranh chấp quyền bính.

Theo di chiếu, Nguyễn Phúc Côn chuẩn bị kế nghiệp cha. Gian thần Trương Phúc Loan cùng bè đảng hợp tác với Ngọc Cầu bắt Côn tống ngục. Nguyễn Phúc Thuần mới 10 tuổi được tấn tôn ngôi chúa, xưng là Định vương, thêm đạo hiệu Khánh Phụ đạo nhân. Họ Trương được đặc phong Quốc phó, mặc sức lộng hành. Nhân dân vô cùng oán thán, lén gọi y là “Trương Tần Cối”.

Năm Quý Tị 1773, phong trào Tây Sơn nổi dậy chiếm Quy Nhơn, dựng cờ “phù Nguyễn, diệt Trương”. Nhân cơ hội Đàng Trong rối ren, chúa Trịnh Sâm ở Đàng Ngoài cử tướng Hoàng Ngũ Phúc dẫn quân Nam chinh vào năm Giáp Ngọ 1774 với cái cớ cũng là “diệt Trương, phù Nguyễn” (!). Quân Trịnh chia nhiều cánh, tiến đánh ồ ạt. Ngày 29 tháng chạp Giáp Ngọ (tức đã sang đầu năm 1775 dương lịch chứ không phải năm 1774 như vài tài liệu tính nhầm), Định vương hoảng hốt bỏ cung phủ, thu góp vàng bạc và dẫn hơn 100 thân binh chạy xuống hải khẩu Tư Dung (cửa biển Tư Hiền) song chẳng thể lên thuyền bôn tẩu vì gặp gió ngược, đành theo đường bộ và vượt đèo Hải Vân.

Trong cơn nguy biến nọ, số phận Ngọc Cầu ra sao?

Tập 1 Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa của Nguyễn Đắc Xuân (NXB Trẻ, 2000, trang 31) chép: “Ngọc Cầu ở lại Phú Xuân”.

Thực tế, bà Ngọc Cầu bôn đào theo con trai tới địa phận Quảng Nam. Mùng 3 Tết Ất Mùi (1775), quân Trịnh chiếm thành Phú Xuân và tức tốc phái toán lính tiếp tục truy kích về hướng nam. Định vương nhanh chân vuột thoát, bỏ mẹ và thân quyến lại. Soạn sách Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn khẳng định: “Ngày 15 tháng 4 [Ất Mùi], [quân Trịnh] bắt được mẹ và vợ Phúc Thuần cùng đồ đảng và binh khí rất nhiều. (…) Phúc Thuần đã từ tháng 2 mưu vào Gia Định, bỏ mẹ và vợ”. (Bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân và Nguyễn Ngọc Tỉnh, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977, trang 75 – 76).

Ngọc Cầu bị quân Trịnh giải về Phú Xuân rồi phóng thích. Nhằm bảo toàn sinh mệnh, bà quay lại phủ đệ cũ ở ấp Nhứt Tây thuộc làng An Cựu, thiết bàn thờ Phật và xuống tóc, khoác nâu sòng, thỉnh chuông gõ mõ tụng kinh sớm hôm cho qua ngày đoạn tháng. Tục truyền rằng tại đây, ngoài một thế nữ hầu cận, chỉ mình bà Ngọc Cầu tu tập. Phủ đệ ấy được bà sửa sang và đặt tên chữ Hán là Phước Thành tự. Dân chúng quanh vùng quen gọi chùa Bà Sư.

Một số sách báo bấy lâu nay ghi niên điểm thành lập chùa Bà Sư là 1774. Điều đó chưa chính xác. Những dẫn liệu nêu trên đủ để kết luận: ngôi cổ tự này xuất hiện sớm nhất cũng phải từ tháng 4 Ất Mùi, tức năm 1775 trở đi.

ĐÁO BỈ NGẠN

Hơn thập niên sau, vào mùa hè Bính Ngọ 1786, quân Tây Sơn tràn ra chiếm thành Phú Xuân từ tay quân Trịnh. Vô số chùa chiền bị chính thể mới thẳng tay phá hủy hoặc cải dụng. Chỉ ít chùa được để yên, lạ thay, trong đó có chùa Phước Thành của vị “quốc mẫu chế độ cũ”. Tại sao? Sử sách chẳng lý giải nên hậu thế tha hồ suy già đoán non.

Cuốn Danh lam xứ Huế của nhiều soạn giả (NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 1993, trang 239) viết về người sáng lập chùa Phước Thành: “Khi thọ giới, bà có pháp danh là Tổ Bửu. Danh hiệu đó cho phép đoán định bà thuộc đời 36 dòng Lâm Tế chánh tông, hệ phái Quốc Ân (…). Thế thứ của bà tương ứng với Hòa thượng Tổ Ấn Mật Hoằng”.

Vậy bậc cao tăng nào đã truyền giới cho bà? Chi tiết này cũng chưa dễ truy cứu tỏ tường.

Năm Tân Dậu 1801, Nguyễn Ánh thu phục kinh đô và năm sau thì hiệp tế trời đất, đặt niên hiệu Gia Long. Ngày 2 tháng 6 Giáp Tý (8-7-1804), bà Ngọc Cầu trút hơi thở cuối lúc 70 tuổi. Tháp mộ bà được xây trong vườn chùa Phước Thành. Văn bia hiện còn đề rõ: Thọ sa di ni thập giới, tôn thượng Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư, hiệu Thiệu Long giáo chủ chi tháp (Tháp của bà vãi đã thọ 10 giới sa di, được tôn phong Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư, hiệu là Thiệu Long giáo chủ).

Huệ Tĩnh có âm khác là Tuệ Tĩnh. Công trình nghiên cứu Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (NXB TP.HCM, 2001, trang 226) nhận định: “Một người phạm nhiều tội tày trời như thế, mà sau khi quân Trịnh thả ra, bà lại đến bên bờ sông An Cựu, lập một cái am, đi tu làm bà vãi, gọi chỗ bà cúng lạy đó là chùa Phúc Thành (hoặc Phước Thành), tự gọi mình là Thiệu Long giáo chủ, sau đó lại được gọi là Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư. Cách xưng hô này rất xa lạ đối với Phật giáo”.

Phê phán vậy e khắt khe quá chăng? Những danh hiệu kia chẳng phù hợp thiền môn, mà nghe hơi hám giống Thiên Tiên Thánh giáo, nhưng đâu phải do bà Ngọc Cầu cao hứng tự xưng. Non ba thập niên sống dưới thể chế chúa Trịnh rồi Tây Sơn, dù Ngọc Cầu ẩn mình tu hành song tránh sao khỏi tai mắt đối phương luôn rập rình theo dõi, lẽ nào bà dám vỗ ngực tự xưng “giáo chủ” để dây thêm bao bất lợi? Đại Nam liệt truyện tiền biên (sđd) lẫn Tiên nguyên loát yếu phổ do Tôn Thất Hân soạn thảo năm Đinh Tị 1917 (Ưng Bình và Ưng Tôn dịch – NXB Tiếng Dân, Huế, 1935, trang 69) đều ghi nhận rằng sau khi bà Ngọc Cầu khuất bóng, triều đình nhà Nguyễn mới truy tặng thụy hiệu Huệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư và đạo hiệu Thiệu Long giáo chủ. Hơn nữa, trong hoàn cảnh riêng của Ngọc Cầu, từ lúc quân Trịnh thả ra, nếu bà không nép cội bồ đề thì làm gì an ổn? Vả, đồ tể thành tâm buông dao còn có thể chứng ngộ, huống chi bà Ngọc Cầu!

Sau khi bà Ngọc Cầu tạ thế, chùa Phước Thành chẳng có tăng ni cai quản. Chùa biến thành Thiệu Long từ, nơi thờ bà cùng với thân bằng quyến thuộc – chẳng hạn thân phụ Nguyễn Phúc Điền và con trai Nguyễn Phúc Diệu. Năm Ất Sửu 1805, niên hiệu Gia Long thứ IV, triều đình cấp cho cơ sở này 50 mẫu tự điền ở hai làng Kế Môn và Đại Lược*, đồng thời cử Tôn Thất Sài coi sóc việc cúng tế. Qua năm Nhâm Thìn 1842, đời vua Minh Mạng, chùa được trùng tu với danh nghĩa từ đường riêng của bà Ngọc Cầu như một tấm biển còn ghi: Thiệu Long từ Nhâm Thìn niên tạo.

Đầu thế kỷ XX, đời vua Duy Tân, Quốc sử quán tân soạn bộ Đại Nam nhất thống chí đã liệt kê 40 ngôi chùa nổi tiếng ở phủ Thừa Thiên và không quên nhắc “chùa Thiệu Long giáo chủ ở xã An Cựu Tây” tức chùa Phước Thành. Giai đoạn vua Khải Định trị vì (1916 – 1925), nơi đây còn được hoàng tộc dùng làm điểm tiếp đón và tạm trú cho chư tăng mỗi lần họ tới thiết trai đàn tại biệt cung An Định vừa được kiến thiết bên sông Lợi Nông, phía đối ngạn. Năm Mậu Thìn 1928, niên hiệu Bảo Đại thứ III, con cháu phòng 7 hệ 9 chú tạo một tiểu hồng chung dâng cúng chùa Phước Thành. Trên chuông có khắc bài minh của Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế. Bà con phòng này còn đóng góp công của dựng thêm phía sau chánh điện một căn nhà rường để phụng thờ tiên tổ và xây luôn một tăng xá kế cận vào khoảng năm Ất Dậu 1945. Tính đến thời điểm ấy, khuôn viên chùa Phước Thành ước cỡ vài mẫu đất. Tuy nhiên, quản lý ngôi chùa bấy lâu vẫn do cư sĩ chứ không phải tăng ni. Nội ngoại thất xuống cấp ngày càng trầm trọng. Vườn chùa dần bị thu hẹp vì thiên hạ “xà xẻo” để bán chác hoặc cất nhà riêng!

Trên báo Bình Trị Thiên năm 1989, Phan Thuận An cho biết: “Thấy đó là một điều đáng tiếc, cho nên vào năm 1982, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên đã cử Đại đức Thích Chí Thắng, nguyên làm tri sự ở tổ đình Từ Hiếu, về quản lý và trụ trì ngôi chùa lịch sử này. Bấy giờ ngôi chùa cũ bằng gỗ bị dột nát nhiều. Trận bão số 10/1985 làm cho chùa bị xiêu vẹo nặng. Do sự đóng góp sức và tiền của các Phật tử địa phương, chùa Phước Thành bắt đầu được trùng tu lại vào năm 1987”.

Mặc dầu không còn giữ phong cách và chất liệu kiến trúc cổ, chùa Phước Thành ngày nay vẫn được cuốn Danh lam xứ Huế (sđd) xem là “một chứng tích về ngôi chùa của một bà quốc mẫu cuối cùng của triều chúa Nguyễn, chứng tích về buổi giao thời giữa các thế lực Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn trên mảnh đất Phú Xuân, cũng như chứng tích tìm về con đường giải thoát của một người quyền quý bậc nhất giữa một [?] phen thay đổi sơn hà”.

Hiện chùa Phước Thành còn bảo lưu cả loạt cổ vật hiếm quý. Cùng với tiểu hồng chung đã đề cập, chùa đang trân tàng nhóm tượng Quan Âm thủ quyển Thiện Tài đồng tử xuất hiện từ thế kỷ XVIII. Nhóm tượng ấy được chế tác bằng gỗ giáng hương, đạt giá trị mỹ thuật đáng kể, từng tham gia cuộc triển lãm về văn hóa Phật giáo tổ chức tại chùa Từ Đàm (Huế) vào trung tuần tháng 5-1987, dịp Phật đản. Chùa Phước Thành lại có khán thờ và bài vị bà Ngọc Cầu, tác phẩm thủ công mỹ nghệ khá tinh xảo mang dấu ấn thế kỷ XIX.

Từ năm 2002, trong những đợt Festival Huế, cung An Định trên đường Phan Đình Phùng luôn trở thành tụ điểm thu hút đông đảo khách thập phương. Chùa Bà Sư, tức chùa Phước Thành, trên đường Phan Chu Trinh ngay trước mặt cung An Định, chỉ cách con sông đào be bé, chính là chốn tham quan lý thú và bổ ích nếu ai đấy biết… vọt sang bên kia bờ. Nói theo Tâm kinh, ấy là pàramità / ba la mật / đáo bỉ ngạn.

Phanxipang

Đã đăng Kiến Thức Ngày Nay 491 (1-4-2004)

* Dường như chỉ có  ruộng trưa làng Kế Môn mới có những dòng thơ. Phải chăng những dòng thơ cho ruộng trưa của làng xuất phát từ đây ?

Bình luận

Chưa có bình luận nào.

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác