CHỢ ĐIỀN MÔN, NHỮNG MẢNH GHÉP KÍ ỨC 24-12-2012 minhhien

Mười ba giờ chiều 15-12-2012, xe lăn bánh. Trời Đà Nẵng mùa đông mà vẫn trong cao. Biển Thanh Bình phía Liên Chiểu vẫn lắng sóng. Xa xa phía bắc “Đệ nhất hùng quan” Hải Vân sơn vẫn sừng sững áng ngữ một góc trời. Cảnh đẹp dễ sinh niềm cảm khái. Thế nhưng, chúng tôi chẳng ai nói về thời tiết đẹp của những ngày cuối năm Nhâm Thìn này cả. Chẳng ai có một chút xúc cảm nào trước một buổi chiều rất thơ mộng. Ngồi trên xe, bốn anh em chúng tôi hình như đều có chung một tâm trạng và ý nghĩ. Và hình như… tất cả chúng tôi đều bị hút về phía ấy, phía làng quê xa.

Phía ấy… ngày mai Trung tâm thương mại làng tôi khánh thành. Đúng hơn, Trung tâm thương mại của xã Điền Môn, tọa lạc ở đất làng Kế Môn khánh thành. Anh em chúng tôi phải về để chung vui với bà con quê mình. Trung tâm thương mại, một không gian cộng đồng, một tín hiệu tăng thêm sắc hồng hào cho khuôn mặt quê hương tôi, sau hơn 30 năm không còn nghe tiếng gầm rú của đạn bom.

Ông anh tôi bảo với giọng hồi cố xa xăm. Vào những năm đất nước còn bóng Tây, đâu đó năm 1949 – 1950, xã Điền Môn cũng đã thành lập chợ, gọi là chợ Kháng chiến. Chợ nằm giữa truông rộng xóm xuôi Văn Thánh. Cái truông gần sát với địa giới của hai làng Vĩnh Xương và Kế Môn. Ngày xưa, rú ở đó um tùm lắm. Nhưng được một điều, khu đất ấy lại bằng phẳng rất hợp với việc họp chợ, nhất là chợ ban đêm. Phiên chợ đêm sẽ không bị tàu bay của Tây nhòm ngó. Nhưng chợ đêm với những ánh đèn tù mù, leo lét xem chừng ma quái lắm. Những người yếu bóng vía chỉ nghĩ đến chợ đã nổi da gà rồi đừng nói gì đến chuyện đặt chân đến đó ! Mà… anh ngập ngừng… Đã là chợ quê mà lại chợ kháng chiến nữa, nên chỉ đông chớp nhoáng, hàng họ cũng chẳng là bao. Một vùng quê nghèo, chiến tranh làm cho nghèo thêm, xơ xác. Nghe anh hạ giọng có chút cảm thán, trong tôi bỗng hiện về hình ảnh cái quán chợ gầy teo xiêu đổ trong thơ Hoàng Cầm:

Tan phiên chợ nghèo

                                    Lá đá lác đác trước lều

                                    Vài ba vết máu loang chiều mùa đông.

(Bên kia sông Đuống)

Một ông anh khác bảo, khi anh còn bé cũng đã từng theo mẹ đi chợ kháng chiến. Từ ngụ Nhì Tây mà lò mò trên đường cấy chập choạng bóng tối, theo mẹ lên chợ, chao ôi là sợ… ma! Anh đi một hai lần gì đó, rồi hòa bình lặp lại, 1954, chợ tan. Người dân Vĩnh Xương và Kế Môn không còn thấy khuôn mặt mờ tỏ của nhau trong ánh đèn mờ tỏ của phiên chợ nữa.

Tôi không biết mặt mũi chợ kháng chiến ra sao. Thuở ấy tôi còn bé tí và đã sớm xa quê trong đôi tay bồng ẵm của mẹ. Ở xứ người, mẹ tôi đầu tắt mặt tối kiếm sống nên hình như chưa kể với tôi về cái chợ ấy. Một phụ nữ góa chồng với những đứa con nheo nhóc, còn nỗi thao thức nào khác ngoài tương lai của những đứa con! Rồi mẹ đưa chúng tôi về quê. Mỗi lần lang thang trên rú, khung trời tuổi nhỏ của tôi, tôi chỉ nghe bạn bè chăn trâu bảo đây là chợ ma…  ghê lắm! Coi chừng ma bắt! Chẳng hiểu mô tê gì, tôi cũng vội lãng xa, không dám ngoảnh mặt lại nhìn! Tôi bảo với hai anh tôi, em chẳng biết chợ kháng chiến ra sao, nhưng nhớ như in chợ Điền Môn. “Cậu chỉ về quê ở mấy năm rồi lại xa, làm sao biết rõ được”, một anh bảo. “Em sống ở quê không lâu, nhưng em có thể mường tượng được về chợ xã mình, bởi mệ bán ở đó mà”, tôi đoan chắc với hai anh như thế. Trong trí tưởng của tôi, chợ xã Điền Môn ngày xưa hiện về thật rõ nét. Tôi kể với hai anh và đứa cháu về những gì tôi còn nhớ được về ngôi chợ ấy. Các anh nghe, lâu lâu phụ họa hoặc đế vào một mẩu kí của các anh.

Khu chợ ngày xưa rộng khoảng 3 – 4 hecta, nằm đối diện với trụ sở xã Điền Môn, nằm về phía đồng ruộng, hướng nam, sát đường 49 bây giờ, nhưng dân mình quen gọi là đường Quan. Cấu trúc của chợ gồm một đình chợ, hai bên là hai nhà lợp mái không vách ngăn, chia thành nhiều lô vuông vức để các tiểu thương đấu giá làm hàng quán bán buôn của mình. Song song với hai dãy hàng quán ấy là hai dãy nhà nằm sát bìa chợ vừa để ở vừa để buôn bán. Phía cổng chợ sát đường Quan có 4 ki-ốt. Hai bên hông sân xã, hay hai bên hông chợ, dọc theo đường 49 là nhà và nơi làm nghề của một số người. Bây giờ em còn nhớ tên chủ một số hàng quán, một số chủ nhà, tôi nói. Các anh bảo tôi kể những cái tên nghe thử. Này nhé, phía ngược chợ có cửa hàng thuốc bắc của ông lý Mai, phía xuôi có nhà bà Sâm, bà Bồng, nhà ông Đức y tá; những ki ốt trong khuôn viên chợ sát đường 49 có ki ốt tạp hóa của cô Loan, ki ốt bán vải của bà Đường. Phía hông xã có tiệm bán và sửa xe đạp của ông Hiền, rồi quán bánh bèo bánh nậm của Bà Mão; trong chợ thì có hàng của Mệ, của o Muôn, o Lê bán vải… Sát hông chợ phía đông có lò rèn của ông Lới, kế đó là cửa hàng mộc của ông Viễn; hông chợ phía tây có nhà máy xay xát gạo…

Chà… cậu nhớ cũng nhớ tốt đó”, một ông khen. “Cậu có biết chợ thành lập năm nào không?” Anh tiếp lời. Tôi lưỡng lự : em nhớ không rõ lắm. Anh bảo : khoảng năm 1956, vào thời ông Hoàng Quang làm Xã trưởng, đến năm 1968 chiến tranh ác liệt, dân tản cư về Điền Mĩ, Điền Thành… chợ theo đó mà tan rã. Tôi gật gù : Chắc là thế. Em nhớ mệ vào Đà Nẵng năm 1968. Chợ không còn nên mệ bỏ đi chăng ? Đứa cháu đang lái xe bỗng lên tiếng : Chợ cũng sống hơn 10 năm đó chứ. Vậy mà người ta cứ đồn thổi, đất Điền Môn không lập chợ được. “Chuyện đó ai biết được”, ông anh, bố đứa cháu tiếp lời. Lúc đầu mới thành lập chợ cũng ế nhễ, lèo tèo vì người ta cứ theo thói quen, dân Vĩnh Xương thì đi chợ Hôm, chợ Mai ở xã Điền Hương; còn dân Kế Môn thì xuôi về chợ Điền Lộc. Nghe đâu xã vừa tuyên truyền vừa đón đường ngăn không cho đi các chợ trên, vừa khuyến khích các tiểu thương bán các mặt hàng mới và bán rẻ một vài phân. Nghe đâu, xã cũng mở con đường từ chợ chạy ra bờ sông Ô Lâu, lập bến ca nô để tiện việc vận chuyển hàng hóa. Bến sông ấy chiều nào cũng có bóng dáng của chiếc tàu thủy Bảo Toàn hay Lộc Trình gì gì đó cập bến. Người lên xuống, bến sông không còn vắng lặng với cái dáng trầm tư của hàng cây mưng nữa. Dần dần chợ ngày càng sầm uất, bán buôn tấp nập, đông vui suốt ngày. Và từ đó, chợ đã làm cho không gian làng quê mang màu sắc văn minh hơn, có chút sáng sủa từ trên Dinh về.

Mấy anh em đang mơ màng cùng với chợ Điền Môn xưa, bỗng đứa cháu cắt ngang : Mà… tại sao hơn ba mươi mấy năm hòa bình rồi nay mới lập chợ ? Cũng chẳng rõ nữa, một anh trầm giọng, rồi say sưa, có vẻ rất chủ quan : chắc tại dân Kế Môn mình không có máu kinh doanh. Dân mình cứ ruộng và thợ vàng. Cứ so sánh với dân các làng xã khác trong thực tại thì biết. Họ trồng rau sạch, bầu bí, nuôi tôm, mở hàng quán,… Còn dân mình, ai đời ở nông thôn mà xuống chợ mua rau, mua môn,… mua những thứ đáng ra mình làm được. Mà ngày xưa, những sản vật này đâu quý hiếm đối với người dân quê mình. “Em thì nghĩ khác”, tôi hớt lời : những năm từ 1975 đến 1990, ai mà nghĩ đến chợ trong khi chỉ việc mang sổ, mang tem phiếu xuống hợp tác xã mua bán mà mua những nhu yếu phẩm về dùng. Ai cũng được phân phối như nhau, thì chợ có ích gì. Cho đến khi không còn bao cấp nữa, người ta lo thoát nghèo, còn đâu mà nghĩ đến việc lập chợ. “Cũng có lí”, một ông anh khác tán đồng và tiếp : tôi cũng nghĩ vậy. Mà… nghe đâu bảy, tám năm trước, ông Hồ Huệ đã đặt vấn đề lập Trung tâm thương mại, nhưng xã yêu cầu xây dựng lại chợ trên đất cũ. Ông Huệ lại không muốn thế. Ông chỉ muốn xây dựng trung tâm thương mại ở mảnh đất hiện tại kia, ở ngụ Nhứt Đông, giáp giới Đại Lộc. Lùng xùng, lình xình mãi, bây giờ chợ mới thành hiện thực.

Mãi trò chuyện, chúng tôi quên khuấy mất xe đã qua cầu Hòa Xuân. Đứa cháu hỏi : ta dừng lại trung tâm thương nghiệp chớ ? Ừ ! Xe ngừng lăn bánh. Các anh và đứa cháu đi vào trung tâm, riêng tôi dạo một vòng ngoài rồi mới vào trong. Các gian hàng đang bày trí các mặt hàng, tất cả tạo một không khí huyên náo và sinh động. Nhìn cảnh người ta chuẩn bị, trong tôi như dậy lên niềm vui. Chợ quê đã hồi sinh, sự sống mới bắt đầu nẩy mầm, một tương lai sáng sủa đang mở ra. Tôi bỗng nghĩ về bức thư của ông Hồ Huệ trả lời Hồ Phước trên trang Làng Kế Môn. Gia đình ông đã đầu tư hơn tám tỉ đồng. Trung tâm thương mại  được xây cất để dân làng tôi có công ăn việc làm. Và quan trọng nhất, gia đình ông Huệ, xây dựng để tặng cho xã Điền Môn. Đây là một món quà lớn lao và vô cùng ý nghĩa. Ông đã làm việc với huyện Phong Điền và xã Điền Môn, tạo mọi điều kiện cho các tiểu thương buôn bán, đặc biệt khi chợ đi vào nền nếp và phát triển ông sẽ giao lại cho xã quản lí.

Ý nghĩ và niềm xúc động đã đưa đẩy tôi đi khắp Trung tâm thương mại  mà quên hoàng hôn đã phủ bóng lâu rồi. Chúng tôi vội vàng lên nhà, nghỉ ngơi. Trước khi đi ngủ, ông anh dặn với đứa cháu : “Nhớ mai lên Huế đặt một lẳng hoa thật đẹp vào, ghi tên gia đình mình chúc mừng khánh Trung tâm thương mại đó”.

Đêm ở quê hương thật yên tĩnh. Tôi có cảm giác như được chở che, nhưng vẫn trằn trọc chưa chợp mắt được. Có lẽ lạ chỗ chăng ? Hay buổi lễ khánh thành ngày mai đang làm tôi thao thức ? Hay cách ứng xử của ông anh ít chữ của tôi mà lại rất nghĩa tình và văn hóa hơn cả những người  được gọi là nhiều chữ như tôi. Tôi không rõ nữa ! Chỉ biết trong tôi dậy lên niềm trân trọng công đức của gia đình ông Hồ Huệ. Ông đâu chỉ tạo điều kiện cho dân làng có công ăn việc làm mà đã góp phần tạo dựng nét đẹp văn hóa vật chất, văn hóa vật thể cho quê hương mình. Nghĩa cử của ông đâu phải chỉ xuất phát từ tình yêu một làng quê mà tình yêu con người, một tình cảm nhân ái đối với cộng đồng mà không phải ai cũng làm được. Nhất là trong tao đoạn kinh tế èo uột như thế này, đâu phải ai cũng có thể vượt lên những lo toan, còn mất riêng tư để vì cộng đồng như ông.

Những ý nghĩ cứ mờ nhạt dần trong tâm trí tôi. Tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết. Và hình như tôi còn mơ nữa. Trong giấc mơ của tôi, Trung tâm thương nghiệp Điền Môn vẫn ở khu chợ ngày xưa. Ở đấy thật sầm uất có khu hành chính, có trường học, có bệnh xá, có khu buôn bán, có cả bến xe, có khu liên hợp thể thao…  Một quần thể tạo nên một thị tứ Điền Môn văn minh đúng nghĩa là phố giữa làng. Và tôi còn gặp những khuôn mặt hân hoan thân thiện của những con người Vĩnh Xương và Kế Môn ngồi nghỉ chân trong những quán xá. Tôi ngắm khu thị tứ Điền Môn mà tự hỏi trong niềm xúc động : Phải chăng đây là nơi truyền thống và hiện đại, xưa và nay đang hài hòa cùng nhau ?…

Hoàng Dục, 24-12-2012

________________________________

Phản hồi (4)

  • Nguyễn Hàng
    Tháng Mười Hai 25th, 2012 lúc 10:53

    MỘT THỜI ĐỂ NHỚ !
    Có câu nói : có tiền mua Tiên cũng được .Đúng vậy ! anh chị Hồ Huệ chi phí số tiền quá lớn như vậy nên nói gì ai cũng phải nghe , ai cũng phải dạ . Xã nghe đã đành , huyện cũng vâng luôn , đến tỉnh thì chuyện đã rồi .
    Địa bàn xã Điền Môn tính theo đường quan : từ khe chùa Vĩnh Xương chạy dài xuống cầu Đại Lộc , trước đây đã có chợ xã Điền Môn nằm đối diện với khu hành chánh Xã Điền Môn , một thời sầm uất và bề thế như tác giả Hoàng Dục đã miêu tả rất chi tiết ở trên , chợ Điền Môn vào thập niên 60 rất trù phú , có nhiều hàng hóa của tiểu thương cả vùng đem đến mua bán rất đông , kể cả người bên kia sông Ô Lâu như dân làng Chánh Lộc , Phú Nông , Làng Mai , làng Phò Trạch qua đò ngang bến đò Vĩnh Xương đến mua bán nói cười nhôn nhịp lắm .
    Trong khi đại bộ phận nhân dân Vĩnh Xương và Kế Môn ở tại địa phương hay đã tha phương đang mong chờ tái lập chợ Điền Môn nơi một thời vốn có của nó để trung tâm hành chánh của Xã Điền Môn ngày càng trù phú . Có chợ ngay trung tâm hành chánh xã , rồi từng bước sẽ có trung tâm bưu điện , có phòng giao dịch ngân hàng , có câu lạc thể dục thể thao , phòng internet , quán cafe nhạc , phòng karaoke , quán hớt tóc , tiệm may , phòng mạch bác sỹ…sẽ mọc lên . Và sẽ có cụm dân cư phụ cận sẽ tạo nên một thị trấn Điền Môn sau nầy cho thế hệ con cháu Điền Môn phát triển .
    Xã , Huyện cho gia đình anh Hồ Huệ xây dựng khu chợ ở cuối Xã sát ngay với khu chợ Điền Lộc . Khu chợ bên trong ghi là Làng Kế Môn , ở cổng chính ghi là TTTM Xã ĐIền Môn , chẳng hiểu là cái gì , của ai , cho ai , phục vụ cho ai nhưng lãng phí quá . Tại sao nói lãng phí ! Vì dân số làng Vĩnh Xương , làng Kế Môn , làng Đại Lộc không tăng , sức mua không tăng mà xây dựng thêm một cái chợ bề thế nằm ngay sát khu chợ Đại Lộc vốn đã sầm uất ; nên khu chợ Kế Môn ( TTTM ĐIỀN MÔN ) nầy muốn phát triển thì chính nó sẽ gây ra bao nhiêu rắc rối về mặt xã hội , an ninh trật tự trong vùng .
    Tôi rất vui khi đọc bà viết của tác giả Hoàng Dục và nhớ lại một thời đi học tiểu học trường Xã Điền Môn ngang qua khu chợ Điền Môn ghé ki-ôt chị Loan uống ly nước ngọt thơm ngon , ngày Tết được mẹ đem đi chợ may quần áo ở quán may anh Sum , anh Thọ , khi bệnh được ba dẫn xuống chợ gặp thầy Đức chích thuốc , khi muốn ăn đầu heo thì xuống chợ dặn bác Giá trước …
    Tôi vẫn đang hy vọng sẽ có nhiều nhà hảo tâm , có tâm , có tầm đứng ra kêu gọi tái lập chợ Điền Môn với vị trí ở trung tâm hành chánh Xã như mong đợi của đại đa số nhân dân Điền Môn chúng ta .
    Xin cám ơn anh Hoàng Dục và quý đồng hương quý mến .

  • Nguyễn Hàng
    Tháng Mười Hai 25th, 2012 lúc 15:05

    Qua bài viết CHỢ ĐIỀN MÔN – NHỮNG MẢNH GHÉP KÍ ỨC , tôi đoán anh Hoàng Dục có phải con O Bướm bán sạp vải ở chợ Điền Môn lúc đó không ! Nếu đúng thì anh Dục là anh hay em của Tơ vậy . Mẹ tôi thân với O Bướm lắm , hay đi chợ mua vải O Bướm để may quần áo Tết cho cả nhà . Tôi cũng có mấy lần theo Mẹ vào sạp của O , thấy O vui vẻ và đẹp lắm , trông O như người trong Huế vậy đó .
    Giá như anh chị Hồ Huệ xây dựng khu TTTM Điền Môn ở vị trí khu chợ Điền Môn trước đây như anh Hoàng Dục , tôi và chúng ta người dân Điền Môn thường mơ ước thì tuyệt vòi biết mấy !

  • Hoàng Dục
    Tháng Mười Hai 26th, 2012 lúc 09:02

    Tôi không phải là con o Bướm đâu. Có nói chắc anh Hàng cũng không biết được. Như trong bài tôi chỉ sống ở quê một thời gian ngắn lúc thiếu niên, cho nên luôn trong sống trong tâm trạng nhớ quê như bao đồng hương khác. Bài viết là một biểu hiện. Cám ơn anh – người đồng hương – . đã đọc và phản hồi. Chào anh, chúc anh có cuộc sống tốt nhất.

  • Nguyễn Hàng
    Tháng Mười Hai 26th, 2012 lúc 09:46

    Bài viết của anh Hoàng Dục hay quá , tình cảm và nói lên được nhiều điều mà đồng hương xã nhà muốn nói . Tôi rất hy vọng đồng hương Vĩnh Xương cũng như Kế Môn sẽ có nhiều tấm lòng nhiệt huyết cho quê hương giàu đẹp , nhiều tấm long vì dân sinh ( Không tính toán kinh doanh kiếm lời ) đứng ra kêu gọi , ủng hộ tài chánh , vận động mạnh thường quân tái lập chợ Điền Môn ngay trung tâm hành chánh xã Điền môn , tạo nên một vùng trù phú sau nầy , phục vụ đại đa số bà con đi chợ xã Điền Môn thuận tiện nhất .
    Xin cám ơn anh Hoàng Dục . Chúc đại gia đình anh sức khỏe và bình an trong cuộc sống .

Bình luận

get avatarWant your picture next to your comment?
Join Gravatar and upload your photo, completely free! (opens in new window)

Tên *
E-Mail *
Trang web


Tin tức khác